Thứ năm, Ngày 19/09/2024 (Âm lịch: 17/08/2024)T5, 19/09/2024 (ÂL: 17/08/2024)
Tìm kiếm

Cách làm Vịt nướng sa tế

Cách làm Vịt nướng sa tế

Vịt nướng sa tế là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Việt bởi vị ngon mà còn rất đậm vị trong cách ướp sa tế hòa cùng mắm ruốc đã tạo nên một món ăn đúng điệu, chuẩn vị. Mùi vị béo béo của thịt vịt hoàn cùng vị cay của sa tế sẽ khiến cả nhà không khỏi trầm trồ, khen ngợi. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món vịt nướng sa tế thơm ngon này nhé!

Nguyên liệu làm Vịt nướng sa tế (Cho 4 người ăn)

·       Vịt 1 con 

·       Sa tế 1 thìa canh 

·       Dầu màu điều 1 thìa canh 

·       Mạch nha 1 thìa canh (hoặc mật ong) 

·       Giấm 4 thìa canh 

·       Tỏi 5 tép 

·       Tỏi băm 1 thìa canh 

·       Hành tím 5 củ 

·       Gừng 1/2 củ 

·       Dầu hào 1 thìa canh 

·       Ớt bột 1 thìa canh 

·       Bột ngũ vị hương 1/2 thìa cà phê 

·       Rượu trắng 1 thìa canh 

·       Nước tương 1 thìa canh 

·       Dầu ăn 1 thìa canh 

·       Gia vị thông dụng 1 ít (muối/ đường/ hạt nêm/ bột ngọt/ tiêu)

Cách chế biến Vịt nướng sa tế

Bước 1: Sơ chế vịt

Bạn rửa sơ vịt, gắp sạch phần lông cứng còn sót trên da. Sau đó, chà xát vịt với 2 thìa canh giấm ăn, 1 thìa canh rượu trắng, 1/2 củ gừng từ 5 - 10 phút để vịt không còn hôi nữa.

Bạn lưu ý làm sạch phần máu dơ trong bụng vịt, tiếp theo, rửa vịt qua 2 - 3 lần nước sạch nữa rồi để ráo là được.

Cách khử mùi hôi thịt vịt hiệu quả

Cách 1: Đầu tiên, bạn dùng muối hạt chà lên khắp thân vịt rồi rửa sạch. Sau đó, dùng hỗn hợp gồm rượu và gừng cắt lát vừa chà vừa bóp lên thân vịt một lần nữa rồi rửa lại với nước nhiều lần và để ráo.

Cách 2: Để khử mùi hôi của vịt một cách hiệu quả, bạn cũng có thể dùng hỗn hợp gồm muối, chanh hoặc giấm chà xát lên thân vịt rồi rửa sạch và để ráo.

Bước 2: Ướp vịt

Bạn bóc vỏ rồi giã nhuyễn 5 tép tỏi, 5 củ hành tím trong tô lớn. Sau đó, cho vào tô 1 thìa canh nước tương, 1 thìa canh dầu hào, 1/4 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa cà phê đường, 1/3 thìa cà phê tiêu, 1/4 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa canh ớt bột, 1/2 thìa cà phê bột ngũ vị hương rồi trộn đều hỗn hợp.

Để chắc chắn vịt đã ráo nước và dễ dàng thấm đều gia vị khi ướp, bạn dùng khăn mềm thấm khô vịt thêm lần nữa. Sau đó, bạn cho toàn bộ phần sốt lên vịt, thoa đều khắp mặt, bụng vịt và ướp trong 15 phút.

Khi vịt đã thấm, bạn đem vịt đi nướng nhưng vẫn giữ lại phần sốt ướp vịt để làm nước chấm nhé!

Bước 3: Nướng vịt

Bạn làm nóng lò nướng trong 10 phút ở nhiệt độ 180 độ C. Sau đó, bạn cho vịt vào khay rồi bắt đầu nướng trong 30 phút ở nhiệt độ 200 độ C.

Bạn chuẩn bị hỗn hợp sốt gồm 2 thìa canh giấm, 1 thìa canh dầu màu điều, 1 thìa canh mạch nha (có thể thay thế bằng mật ong) để phết lên da vịt.

Sau 30 phút nướng, bạn phết phần sốt đều lên khắp mặt da vịt. Để tránh làm cánh vịt bị khét, bạn dùng giấy bạc bọc hai phần cánh lại rồi tiếp tục nướng thêm 20 phút nữa là được.

Để kiểm tra vịt đã chín hay chưa, bạn dùng que gỗ ghim vào thịt vịt, nếu que gỗ ráo, không dính máu đỏ thì thịt đã chín mềm.

Bước 4: Làm nước sốt

Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 thìa canh dầu ăn, đợi dầu sôi cho 1 thìa canh tỏi băm vào phi cho vàng thơm.

Khi tỏi đã vàng cho phần sốt ướp vịt còn lại vào, đảo đều cho nước sốt sôi, sánh lại thì tắt bếp cho ra chén.

Thành phẩm

Vịt nướng sa tế vừa ra lò đã khiến cả nhà phải xuýt xoa vì hương thơm nồng nàn, lan toả. Lớp da vịt bóng, mướt, có màu đẹp mắt nhờ mạch nha và dầu màu điều.

Từng miếng thịt vịt được chặt ra, thịt mềm, tươm mỡ, kích thích vị giác vô cùng. Chấm một miếng thịt vịt vào nước sốt đậm đà, cảm nhận vị thịt dai nhẹ, mềm vừa, cay cay khi cho vào miệng, càng ăn lại càng muốn ăn thêm.

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn