Thứ ba, Ngày 17/09/2024 (Âm lịch: 15/08/2024)T3, 17/09/2024 (ÂL: 15/08/2024)
Tìm kiếm
MÓN ĂN \ CHÈ

Chè ba màu là món chè đã in sâu vào trong kí ức tuổi thơ của nhiều người Việt Nam. Cốc chè truyền thống với màu sắc cực bắt mắt, vị ngon, ngọt mịn của các loại đậu quyện cùng nước cốt dừa béo ngậy, vị mát lạ miệng đến từ rau câu,... Chè ba màu đặc trưng bởi 3 màu sắc: đậu đỏ, đậu trắng và đậu xanh. Khi trộn đều lên, các loại đậu mềm, bùi cùng nước cốt dừa sánh mịn thật là hấp dẫn. Món chè này có cách làm tương đối dễ dàng và đơn giản. Hãy cùng chúng tôi vào bếp và thực hiện những cốc chè hấp dẫn này để cả gia đình mình cùng xua tan cái nắng hè nhé!

Nguyên liệu làm chè ba màu

·       100g đậu xanh không vỏ ngâm qua đêm

·       400g đậu đỏ đóng hộp

·       400ml nước cốt dừa

·       200g đường phèn

·       Đường cát trắng

·       8g bột rau câu

·       1 ống vani

·       Nước lọc

·       Lá dứa

·       Muối

·       Đá

Cách làm chè ba màu

Bước 1: Lấy nước cốt lá dứa

Lá dứa sau khi mua về cũng đem rửa sạch, cắt nhỏ và cho vào máy xay cùng với 100ml nước lọc. Sau khi xay xong đem hỗn hợp lọc qua rây để lấy nước cốt lá dứa.

Bước 2: Nấu rau câu

Trộn đều 75g đường với 8g bột rau câu và cho vào cùng với nước trong nồi. Khuấy nhẹ và vặn lửa nhỏ để hỗn hợp đường và bột rau câu tan. Nấu khoảng 10 - 13 phút cho hỗn hợp sôi, cho thêm vào ⅛ thìa cà phê muối và tắt bếp.

Đổ phần nước lá dứa đã xay vào. Sau đó, bạn đổ rau câu ra khuôn để nguội hẳn. Sau khi rau câu đã nguội, bạn tiến hành cắt rau câu thành từng khối vừa ăn.

Bước 3: Làm đậu xanh đánh

Đem đậu xanh cà vỏ ngâm qua đêm rửa lại từ 1 - 2 lần với nước sạch sau đó để cho ráo nước.

Sau khi đã ráo nước, cho đậu xanh vào nồi cùng với ⅛ thìa cà phê muối, sau đó cho thêm và 200ml nước lọc và bật bếp, đậy nắp nồi lại cho đậu mau sôi.

Sau khi đậu đã sôi, bạn vớt hết bọt ra và hạ lửa nhỏ nấu khoảng 15 phút. Khi đậu xanh chín, bạn cho thêm vào 75g đường và khuấy lên cho đến khi đường tan hết. Sau đó thêm vào một ống vani và để qua một bên cho đậu xanh nguội.

Bước 4: Nấu đậu đỏ với đường

Đem đậu đỏ đi rửa sạch cho vào nồi và nấu cùng với 75g đường. Vặn lửa nhỏ đến khi nước đậu cạn để đường ngấm vào đậu. Sau khi nước đậu cạn, tắt bếp và để đậu nguội.

Cho 200ml nước vào nồi nấu cùng với 200g đường phèn. Cho một ít lá dứa vào để nước đường được thơm hơn. Chờ khi đường phèn tan thì bạn tắt bếp.

Tương tự cho 400ml nước cốt dừa vào nồi nấu cùng với 2 thìa canh đường. Chờ khi nước cốt dừa vừa ấm lên và đường tan thì tắt bếp.

Thành phẩm

Cho một ít đá vào ly, sau đó cho lần lượt đậu đỏ, rau câu, đậu xanh vào. Cho thêm đậu xanh đánh vào, nước đường và nước cốt dừa vào và thưởng thức thôi bạn nhé.

Thưởng thức

Món chè ba màu với màu sắc bắt mắt và kích thích vị giác. Cùng với đó là mùi thơm của lá dứa và vị bùi bùi của đậu xanh đậu đỏ ăn cùng với nước cốt dừa béo ngậy. Không ai có thể cưỡng lại một món ăn hấp dẫn như vậy.

Chè bưởi là một món chè được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon, hấp dẫn, dễ ăn. Thế nhưng, nếu chế biến món ăn này tại nhà không đúng cách sẽ khiến chè bưởi bị đắng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè này nhé!

Nguyên liệu làm Chè bưởi (Cho 5 người ăn)

·       Bưởi 1 quả (loại vỏ dày để lấy cùi bưởi) 

·       Đậu xanh bóc vỏ 200 g 

·       Lá dứa 1 ít (lá nếp) 

·       Nước cốt dừa 100 ml 

·       Bột năng 120 g 

·       Đường 145 g 

·       Muối 2 thìa canh (khoảng 30g)

Cách chế biến Chè bưởi

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đậu xanh mua về bạn rửa sạch, nhặt bỏ những hạt lép, hư sau đó ngâm với nước lạnh trong khoảng 4 tiếng.

Tiếp đến, đổ nước ngập đậu xanh và cho đậu vào lò vi sóng, chọn mức công suất 800W và làm chín trong khoảng 10 phút.

Đối với cùi bưởi, bạn dùng dao gọt bỏ lớp vỏ xanh rồi cắt cùi bưởi thành miếng nhỏ vừa ăn.

Bước 2: Luộc cùi bưởi

Cho cùi bưởi đã cắt vào tô rồi cho 1 bát nước (bát ăn cơm) và 2 thìa canh muối vào. Sau đó dùng tay bóp mạnh cùi bưởi cho hết đắng rồi xả lại nhiều lần với nước lạnh cho sạch muối.

Tiếp đến, bắc nồi nước lên bếp và đun sôi. Khi nước sôi, cho cùi bưởi vào luộc sơ khoảng 3 - 5 phút rồi vớt cùi bưởi ra, cho vào tô nước lạnh ngâm trong 3 phút. Sau khi ngâm, lấy cùi bưởi ra, vắt ráo nước.

Cho cùi bưởi ra tô, cho thêm 1/2 bát nước (bát ăn cơm) và 3 thìa canh đường (khoảng 45g), trộn đều bằng tay cho cùi bưởi ngấm gia vị rồi để yên từ 2 - 3 tiếng.

Bước 3: Xào cùi bưởi

Sau 2 - 3 tiếng, bắc chảo lên bếp, cho cùi bưởi vào chảo và sên với lửa nhỏ trong 20 phút, sau khi sên xong thì cho thêm 100g bột năng vào, đảo đều tay cho bột năng áo đều cùi bưởi là được.

Tiếp đến, đun sôi một nồi nước khác, cho hỗn hợp cùi bưởi và bột năng vừa sên vào nồi rồi nấu cho đến khi thấy cùi trong lại thì vớt ra, cho vào tô nước đá lạnh để cùi bưởi được giòn.

Bước 4: Nấu chè bưởi

Đun sôi khoảng 2 lít nước, sau khi nước sôi, cho lá dứa vào luộc khoảng 2 - 3 phút để lấy mùi thơm. Sau 2 - 3 phút, vớt lá dứa ra, cho 1/2 bát ăn cơm đường (khoảng 100g) vào nồi.

Tiếp đến, pha đều hỗn hợp 20g bột năng với 1 ít nước lọc. Sau đó, cho hỗn hợp bột năng đã pha vào nồi, vừa cho vừa khuấy đều.

Cuối cùng, cho đậu xanh đã nấu chín và cùi bưởi đã xào vào nồi rồi tiếp tục khuấy đều, đun sôi thêm khoảng 1 - 2 phút, điều chỉnh lại vị ngọt cho phù hợp với sở thích rồi tắt bếp.

Thành phẩm

Múc chè bưởi ra bát, rưới thêm một ít nước cốt dừa lên trên là món chè chuẩn vị đã hoàn thành. Chè bưởi thực hiện theo công thức này vừa nhanh chóng lại vô cùng thơm ngon.

Đậu xanh chín mềm, cùi bưởi giòn dai kết hợp cùng vị béo thơm của nước cốt dừa ăn rất thích, bạn có thể ăn món này khi còn nóng hoặc để lạnh đều rất ngon nhé!

Chè chuối vừa thơm ngon vừa lạ miệng, đây là một trong những món ngọt vô cùng hấp dẫn, khiến bạn không thể cưỡng lại. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu món chè chuối thơm ngon và hấp dẫn này nhé!

Nguyên liệu làm chè chuối

·       Nửa nải chuối tây chín

·       1/2 thìa cafe muối

·       400 ml nước cốt dừa đóng hộp

·       1/4 bát con đường cát trắng

·       2 thìa cafe hạt trân châu nhỏ (bột báng)

·       Một ít dừa bào sợi (tùy ý thích của bạn)

·       Lạc rang chín.

Lưu ý: Chuối dùng để nấu chè nên chọn quả chuối vừa chín tới. Không nên dùng chuối chưa chín vì khi nấu chè chuối sẽ bị chát.

Cách làm chè chuối

- Lột vỏ, tước bỏ các sợi gân, thái chuối thành các khoanh tròn. Ướp vào bát chuối chút muối và đường trong vòng 15 - 20 phút.

- Lạc rang vàng, giã thô.

- Trân châu đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước lạnh khoảng 15 phút đến khi trân châu nở, đổ ra rổ cho ráo nước.

- Đổ lon nước cốt dừa ra nồi. Nếu không dùng nước cốt dừa đóng hộp bạn có thể mua dừa về bào vụn, sau đó vắt lấy nước cốt dừa.

- Từ từ cho chuối vào đun cùng, để lửa nhỏ, đến khi chuối chín mềm.

- Cho thêm trâu châu vào đun cùng, dùng muôi đảo nhẹ tay để chuối không bị nát, đun đến khi hạt trân châu nổi màu trắng trong. Bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị, tắt bếp, múc ra bát, bên trên rắc một ít lạc và dừa bào sợi, dùng nóng hay lạnh tùy thích.

Chè chuối bột báng nước cốt dừa là một trong những món chè rất quen thuộc. Với hương vị ngọt nhẹ từ chuối, một chút béo từ nước cốt dừa và bột báng, thêm một giòn giòn, thơm, bùi từ lạc, tất cả hòa quyện nên một hương vị vô cùng thơm ngon. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè này nhé!

Nguyên liệu làm Chè chuối bột báng nước cốt dừa (Cho 4 người ăn)

·       Chuối 500 g (chuối sứ chín) 

·       Bột báng 30 g 

·       Bột khoai 30 g 

·       Đường trắng 170 g 

·       Nước cốt dừa 400 ml 

·       Lạc 100 g 

·       Đường/ muối 1 ít

Cách chế biến Chè chuối bột báng nước cốt dừa

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Bột báng và bột khoai mua về bạn ngâm trong nước khoảng 2 tiếng cho bột nở rồi vớt ra.

Chuối bạn lột vỏ, dùng dao cắt xéo thành các khoanh nhỏ vừa ăn rồi cho vào bát to, ướp cùng 50g đường và 1 ít muối trong 15 phút cho chuối thấm đều đường.

Bắc chảo lên bếp, đợi đến khi chảo nóng bạn cho lạc vào, rang kết hợp đảo đều với lửa nhỏ khoảng 15 phút cho đậu vàng, chín đều, vỏ nứt ra thì bạn tắt bếp.

Sau đó để nguội rồi đãi đều cho lạc bong hết vỏ ra, cho vào tô và dùng chày giã dập.

Lưu ý:

Để tránh lạc sau khi rang bị lì bạn nên đợi cho chảo nóng rồi mới cho đậu vào rang nhé!

Để bột báng và bột khoai nở nhanh hơn bạn có thể ngâm với nước ấm khoảng 60 độ C.

Để khi ăn cảm nhận được độ bùi thơm ngon của lạc bạn không nên giã lạc quá nhuyễn.

Bước 2: Nấu chè

Bắc nồi lên bếp, cho 700ml nước vào, đợi đến khi nước sôi tăm thì bạn cho 400ml nước cốt dừa và chuối đã ướp vào.

Khuấy đều, nấu với lửa vừa khoảng 5 phút cho chuối chín 70% thì bạn cho bột báng, bột khoai cùng 120g đường vào. Nấu thêm 10 phút nữa đến khi bột báng và khoai nở mềm thì tắt bếp.

Sau cùng bạn lấy chè chuối bột báng nước cốt dừa ra chén, rắc thêm chút lạc giã dập vào nữa rồi thưởng thức thôi!

Thành phẩm

Chè chuối bột báng sau khi hoàn tất sẽ có mùi thơm hấp dẫn của nước cốt dừa. Nước chè thì sóng sánh, béo ngọt thơm lừng. Chuối thì chín mềm, có độ ngọt vừa phải kết hợp với vị mềm, ngon của bột báng và bột khoai.

Còn chờ gì nữa? Cùng vào bếp, thực hiện và thưởng thức món chè thơm ngon này cùng với cả gia đình nào!

Món chè đậu đen nước cốt dừa là món chè thơm ngon, hấp dẫn và được nhiều người ưa thích, món ăn này còn giúp cơ thể giải nhiệt trong cái nắng và nóng của mùa hè. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè đậu đen nước cốt dừa thơm ngon này nhé!

Nguyên liệu làm Chè đậu đen nước cốt dừa (Cho 3 người ăn)

·       Đậu đen 250 g 

·       Lạc rang 1 ít 

·       Nước cốt dừa 400 ml 

·       Lá dứa 2 nhánh 

·       Bột khoai 100 g

·       Bột bắp 2.5 thìa canh 

·       Vani 1 ống 

·       Đường/ muối 1 ít

Cách chế biến Chè đậu đen nước cốt dừa

Bước 1: Luộc đậu đen

Đậu đen mua về bạn vo 2 - 3 lần với nước cho sạch sau đó ngâm nước khoảng 4 - 5 tiếng, sau đó vớt ra để ráo.

Cho vào nồi 1.5 lít nước và đậu đen đã ngâm vào bắc lên bếp đậy nắp lại nấu với lửa lớn cho thật sôi. Sau đó, bạn mở hé nắp nồi hạ lửa vừa nấu thêm khoảng 20 phút nữa.

Sau khi đậu đen đã chín, bạn đậy nắp kín lại tắt bếp ủ thêm 15 phút cho đậu mềm và ngon hơn.

Kinh nghiệm: Ngâm đậu đen giúp đậu khi luộc nhanh chín mềm.

Bước 2: Luộc bột khoai

Bột khoai bạn rửa sạch vài lần với nước sau đó ngâm nước khoảng 30 phút.

Tiếp theo, cho vào nồi 1 lít nước rồi cho bột khoai đã ngâm vào luộc trên lửa vừa khoảng 10 phút cho bột khoai trong lại chín mềm thì bạn vớt ra để ráo.

Bước 3: Rim đậu đen

Đậu đen đã ủ đủ thời gian bạn vớt ra cho vào chảo, thêm 200gr đường vào trộn đều. Phần nước luộc đậu đen giữ lại nhé!

Tiếp theo, bắc chảo lên bếp rim đậu đen ở lửa nhỏ khoảng 10 phút cho đậu đen thấm hết nước đường hơi sệt lại là được nhé!

Bước 4: Nấu nước cốt dừa

Cho vào nồi 400ml nước cốt dừa, 50gr đường, 1/3 thìa cà phê muối bậc bếp nấu ở lửa nhỏ.

Để tạo độ thơm, bạn cho vào 2 nhánh lá dứa (cuộn lại) sau đó bạn khuấy nồi nước cốt dừa theo 1 chiều nhất định đến khi sôi lăn tăn.

Tiếp theo, bạn pha loãng 1/2 thìa canh bột bắp rồi cho vào nồi nước cốt dừa để tạo độ sánh, nấu thêm 1 phút thì tắt bếp nhé!

Chè đậu trắng là món chè quen thuộc của miền Tây Nam Bộ, được rất nhiều thực khách yêu thích. Bên cạnh vị ngon ngọt đó thì chè đậu trắng lại có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhờ lượng chất xơ, vitamin cao có trong đậu trắng nên hạn chế tình trạng táo bón, tăng cường hệ miễn dịch đấy. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè này nhé!

Nguyên liệu làm chè đậu trắng

·       300g đậu trắng bi

·       200g gạo nếp

·       100ml nước cốt dừa

·       300ml nước dão dừa

·       1 thìa cà phê vani

·       Gia vị: Đường, muối

·       200ml nước

Cách làm chè đậu trắng

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Bạn ngâm đậu trắng và nếp trong khoảng 3-4 tiếng cho nở sau đó vớt ra, để ráo.

Cho đậu trắng và nước vào nồi nấu chín sau đó đổ ra rổ rửa lại với nước lạnh để bớt nhớt và chè có màu sắc đẹp hơn.

Bước 2: Nấu nếp

Cho 200ml nước, 200g nếp và 300ml nước dão dừa vào nồi nấu cho nếp chín nở và chuyển sang màu trong. Thỉnh thoảng nhớ khuấy cho nếp đừng bị khét nhé.

Tiếp theo, bạn cho 500g đường, 1/2 thìa cà phê muối vào nồi và khuấy đều cho đường và muối tan hết.

Bước 3: Nếu chè đậu trắng

Cuối cùng cho luôn đậu vào nồi nấu chung, khi nước sôi trở lại thì bạn múc một hạt đậu ra ăn thử, nếu đã mềm thì cho vani vào, trộn đều và tắt bếp.

Bước 4: Thêm nước cốt dừa

Cho 100ml nước cốt dừa đặc vào nồi cùng 1 thìa canh đường và 1/2 thìa cà phê muối rồi nấu sôi. Khi nước đã sôi thì pha một tí bột năng với nước rồi đổ từ từ vào nồi để tạo độ sánh đặc cho nước cốt là xong.

Thành phẩm

Múc chè ra chén rồi cho thêm nước cốt dừa lên là món ăn đã sẵn sàng để thưởng thức. Rất đơn giản đúng không nào?

Thưởng thức

Chè đậu trắng béo bùi vị nước cốt dừa lại không quá ngán, khi ăn sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào, thơm ngon trong từng hạt đậu và nếp.

Món chè đậu xanh đánh nước cốt dừa ngon mát giải nhiệt cho ngày nóng. Chè đậu xanh đánh nước cốt dừa là món chè quen thuộc với tất cả chúng ta, đây là món ăn ngon từ hương vị, màu sắc và cả sự đơn giản. Đậu xanh đãi vỏ được nấu kỹ hòa quyện cùng nước cốt dừa đặc sánh, béo ngậy vô cùng thơm ngon. Bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để thực hiện làm ngay món chè này để cả nhà cùng giải nhiệt nhé!

Nguyên liệu làm chè đậu xanh đánh nước cốt dừa

·       200g đậu xanh đãi vỏ

·       1 lon nước cốt dừa

·       2 ống vani

·       Đường trắng, bột năng, muối

Kinh nghiệm:
Để chọn mua đậu xanh ngon, bạn nên chọn những hạt đậu chắc, mẩy, vỏ bóng, khi ngửi sẽ có mùi thơm và không có vệt đen trên hạt.
Để món chè ngon hơn thì bạn nên dùng nước cốt dừa vừa mới làm xong, dùng nước cốt dừa này sẽ giúp món chè có độ béo, thơm và rất ngon.

Cách nấu chè đậu xanh đánh nước cốt dừa

Bước 1: Ngâm đậu

Đậu xanh đãi vỏ sau khi mua về các bạn vo sạch, ngâm với nước lạnh trong khoảng 4 tiếng cho đậu nở. Trong quá trình vo và ngâm, bạn nhớ vớt bỏ những hạt đậu nổi lên trên mặt nước nhé.

Bước 2: Nấu và đánh đậu xanh

Sau khi ngâm, vớt đậu xanh ra rồi vo lại một lần. Cho đậu xanh vào nồi và thêm nước vào. Lượng nước nhiều hay ít còn tùy vào khẩu vị của bạn thích ăn đậu xanh đặc hay loãng.

Nấu đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa, tiếp tục nấu cho đậu xanh chín nhừ hoàn toàn.

Khi đậu xanh đã chín và nước cạn đi thì bạn nêm đường, thêm vani sao cho thơm ngon vừa ăn. Dùng muôi để đánh đều tay cho nhuyễn đậu xanh đến khi đậu sánh lại và đặc sệt là được. Bạn cũng có thể dùng máy xay để xay nhuyễn, nhưng đánh tay thế này sẽ giúp đậu ngon hơn đấy.

Kinh nghiệm: Trong lúc nấu đậu xanh thì nên khuấy đều tay để đậu không bị dính đáy nồi nhé.

Bước 3: Nấu nước cốt dừa

Hòa tan 4 muỗng bột năng cùng 1 chén nước. Để riêng.

Bắc nồi lên bếp, cho nước cốt dừa và nửa chén nước lọc vào nồi nấu. Khi nấu, cho từ từ hỗn hợp bột năng đã pha loãng vào và khuấy đều. Khi nước cốt dừa đã đến độ sệt vừa ý thì không cho thêm bột nữa. Nêm vào đường, một ít muối cho có vị mặn ngọt vừa ăn.

Chỉ vài bước đơn giản, thì bạn đã biết cách nấu nước cốt dừa ăn chè rồi phải không nào.

Kinh nghiệm: Khi nấu nước cốt dừa bạn chỉ nên nấu ở mức lửa nhỏ để nước cốt không bị khét, ngoài ra bạn phải khuấy đều tay liên tục nhé.

Thành phẩm

Bạn cho đậu xanh đã đánh vào ly hoặc chén. Khi ăn rưới lên nước cốt dừa đặc sánh béo ngậy, thêm một ít đậu phộng rang và dừa khô để tăng hương vị, vậy là món chè đậu xanh đánh nước cốt dừa đã sẵn sàng rồi. Thêm đá, đánh lên cho đều và thưởng thức thôi!

Món chè đậu xanh nước cốt dừa là món ăn mà người lớn hay trẻ em đều mê. Đậu xanh bùi béo, nước cốt dừa thơm nức khiến ai cũng thích. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè đậu xanh nước cốt dừa thơm ngon này nhé!

Nguyên liệu làm chè đậu xanh nước cốt dừa

·       500g đậu xanh đã cà vỏ

·       200g dừa nạo hoặc nước cốt dừa tươi

·       50g bột năng

·       300g đường cát trắng

·       1 ống vani

·       Muối

Cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đậu xanh rửa sạch, ngâm với nước lạnh khoảng 3 - 4 tiếng đến khi hạt đậu nở to ra thì vớt ra rổ, để ráo.

Ngâm dừa nạo với 1 ít nước nóng, sau đó cho vào túi lọc vắt lấy nước cốt.

Bước 2: Nấu chè

Cho đậu xanh vào nồi, thêm nước vào ngập đậu xanh, bắp lên bếp đun sôi. Đậu xanh sôi khoảng 30 phút thì thêm đường, một ít muối, nêm nếm sao cho vừa khẩu vị, sau đó tiếp tục đun khoảng 20 phút cho đậu nở và mềm hơn.

Cho bột năng vào tô, hòa tan với nước lọc, sau đó đổ bột năng vào nồi chè đậu xanh, khuấy đều đến khi nồi chè sánh lại thì tắt bếp.

Bước 3: Nấu nước cốt dừa

Cho nước cốt dừa đã vắt vào nồi, hòa tan với một ít bột năng, đường, sau đó bắc lên bếp đun cho đến khi thấy hỗn hợp nước cốt dừa sánh lại thì cho ống vani vào, khuấy đều rồi tắt bếp.

Thành phẩm

Khi ăn, múc chè đậu xanh ra chén, cho thêm một ít nước cốt dừa lên trên, trộn đều và thưởng thức.

Chè nha đam là món chè được ưa thích nhất, đặc biệt phù hợp với mọi độ tuổi với hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, đặc biệt giúp giải nhiệt ngày hè oi nóng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè này nhé!

Nguyên liệu làm chè nha đam

·       2 cây nha đam/lô hội

·       150 g đường phèn

·       1 bó là dứa

·       1 quả chanh

Cách làm chè nha đam

Bước 1: 

- Cắt khúc nhỏ, sau đó gọt thật sạch hai hàng gai và lớp vỏ bên ngoài

- Lọc phần thịt trong bên trong và ngâm ngay vào chậu nước muối khoảng 4 phút

- Sau đó xả thật sạch với nước. Lặp lại việc ngâm nước muối và xả sạch cho tới khi thấy nha đam không còn nhớt nữa mới được

Bước 2:

- Cắt nha đam thành các khối vuông nhỏ, vắt hết 1 quả canh lấy nước và ướp khoảng 5 phút vào nha đam (chanh có tác dụng tẩy hoàn toàn nhớt của nha đam). Sau đó xả thật sạch lại với nước lạnh.

- Cho lên bếp một chiếc nồi lớn, cho nước vào nửa nồi, đun nước sôi già thả nha đam vào nấu khoảng gần 1 phút, rồi vớt nha đam ra cho vào âu nước đá lạnh

Bước 3:

- Cho nước vào 2/3 nồi , cho đường phèn và lá dứa, đun lửa lớn. Khi đường phèn tan hết cho nha đam ướp lạnh vào đun thêm khoảng 3 phút rồi tắt bếp

- Ướp lạnh chè nha đam trước khi thưởng thức.

Chúc các bạn thành công và có món chè nha đam thanh mát như ý nhé!

Món chè sương sa hạt lựu với màu sắc bắt mắt, cùng với vị bùi bùi của đậu xanh, lac, dai dai, giòn giòn của hạt lựu, sương sa tạo nên một món chè thanh mát, dịu ngọt cho cả nhà. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè sương sa hạt lựu thơm ngon này nhé!

Nguyên liệu làm Chè sương sa hạt lựu

·       300g củ năng lột vỏ sẵn

·       300g đậu xanh cà

·       150g dừa nạo

·       50g bột năng

·       100g lạc rang giã nhỏ

·       1 củ cà rốt

·       1 củ dền

·       1 bó lá dứa

·       1kg đường

Kinh nghiệm:
- Để mua được lá dứa ngon thì bạn nên chọn những lá dài, thân lá to, màu xanh lá đậm vì khi nấu xong sẽ cho hương thơm nhiều hơn. Bạn không nên chọn những lá nhỏ, màu nhạt, lá héo hoặc có dấu hiệu bị sâu.
- Củ năng ngon là những củ nguyên vẹn, cầm chắc tay, không bị mềm nhũn. Khi ấn vào sẽ cảm nhận được độ cứng của củ. Không chọn những củ bị dập vì những củ này dễ nhiễm ký sinh.
- Khi chọn mua đậu xanh cà vỏ thì bạn cần chọn những hạt có màu vàng đẹp mắt, tròn và có hương thơm đặc trưng của đậu xanh. Đối với lạc thì nên chọn hạt to tròn, cầm chắc tay, hạt đều, không bị lẫn hạt lép. Tuyệt đối không chọn đậu xanh và lạc bị mốc, có màu lạ vì đó là đậu hư, sẽ gây hại sức khỏe.

Cách làm chè sương sa hạt lựu

Bước 1: Làm hạt lựu

- Lá dứa rửa sạch, cắt miếng nhỏ.

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng nhỏ.

- Củ dền gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng nhỏ.

- Cà rốt, lá dứa cho vào máy xay sinh tố với một ít nước, xay nhuyễn, sau đó dùng ray bỏ bã, lấy phần nước. Củ dền cho lên bếp đun sôi với nước, sau đó lọc lấy phần nước.

- Củ năng cắt hạt lựu. Chia đều củ năng ngâm vào 3 chén nước màu của cà rốt, lá dứa, củ dền, ngâm khoảng 30 phút.

- Sau khi ngâm, vớt củ năng ra riêng từng loại, rắc bột năng khô vào củ năng. Trộn đều cho bột năng bám vào củ năng.

- Đổ từng chén nước màu vào nồi, đun sôi, cho củ năng vào luộc. Khi thấy bột năng bọc bên ngoài chuyển sang màu trong, vớt ra, xả qua nước lạnh cho các hạt không bị dính.

Bước 2: Làm sương sa

- Đổ nước sôi vào bột năng, nhào bột cho đến khi thành 1 hỗn hợp, dẻo, ko dính tay. Rắc ít bột khô ra 1 tấm thớt, dùng vật tròn, nặng, cán bột mỏng ra, dùng dao cắt thành từng miếng dài.

- Sau đó bắc nồi nước lên bếp, nước sôi cho bột năng vào luộc. Thấy bột năng chuyển sang màu trong, vớt ra, xả qua nước lạnh cho không bị dính.

Bước 3: Làm đậu xanh

- Đậu xanh ngâm khoảng 1 tiếng cho mềm. Cho vào nồi, thêm ít nước, đun nhỏ lửa cho đến khi đậu mềm. Dùng thìa tán đều đậu xanh cho đến khi mịn.

Bước 4: Làm nước cốt dừa

- Cho nước vào dừa nạo sẵn, vắt dừa lấy nước cốt, bỏ bã. Đun nước cốt dừa lên bếp, cho thêm chút bột năng và đường vào. Đun lửa nhỏ đến khi nước dừa sánh lại thì tắt bếp.

- Nếu không có thời gian, bạn có thể dùng nước cốt dừa đóng hộp, hay bột nước cốt dừa về pha.

Thành phẩm

Khi ăn, cho sương sa, hạt lựu vào ly, cho thêm 1 ít đậu xanh, lạc rang, nước cốt dừa lên mặt, thêm chút đá bào và thưởng thức. Nếu bạn thích ăn sương sáo thì có thể làm bằng bột làm sương sáo với các bước đơn giản dễ thực hiện đấy!

Chè thập cẩm là món ăn được yêu thích trong những ngày mùa hè nắng nóng. Bởi sự kết hợp của nhiều nguyên liệu mà món chè trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu món chè thập cẩm miền Bắc thơm ngon, giải nhiệt cho mùa hè nóng bức nhé!

Nguyên liệu làm chè thập cẩm miền Bắc

·       100g đậu đen

·       100g đậu đỏ

·       100g cốm xanh

·       100g đậu xanh

·       400g đường

·       4 thìa canh bột năng

·       1 thìa cà phê muối

·       100g nho khô

·       50g dừa khô

·       50g lạc rang chín

·       20g nước cốt dừa

·       20g rau câu

Cách làm món chè thập cẩm miền Bắc

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Bạn đem đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh đem vo sạch sau đó bỏ vào tô ngâm khoảng 6-8 tiếng để các loại đậu mềm, như vậy nấu đậu sẽ nhanh chín hơn. Sau khi ngâm xong bạn vớt các loại đậu ra vo lại một lần nữa cho sạch.

Riêng phần cốm thì chỉ cần bỏ vào vo sạch và để ráo là được.

Bột năng bạn cho vào 1 chiếc chén sau đó thêm vào khoảng 100ml nước rồi dùng đũa khuấy đều để bột năng tan ra như vậy khi nấu bột năng sẽ không bị vón cục.

Bước 2: Nấu chè đậu

Bạn cho lần lượt 3 loại đậu gồm: Đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen vào 3 chiếc nồi khác nhau, sau đó cho vào mỗi nồi khoảng 200ml nước rồi nấu cho đậu xôi lên, sau đó vặn nhỏ lửa nấu đến khi cả 3 loại đậu chín mềm. Thời gian nấu đậu khoảng 30-40 phút là đậu chín.

Khi nồi đậu xanh đã chín bạn thêm vào nồi 2 thìa canh đường rồi dùng đũa khuấy đều, tiếp đến bạn cho từ từ ½ chỗ nước bột năng đã pha trước đó vào và tiếp tục khuấy trong thời gian khoảng 3 phút thì tắt bếp và cho ra chén để nguội.

Phần đậu đen đã chín thì bạn chắt nước đậu ra tô, còn phần hạt để lại trong nồi sau đó bạn cho 100g đường vào nồi bật bếp dùng đũa đảo đều để đường ngấm vào đậu cho hạt đậu thấm đường, thời gian đảo khoảng 1-2 phút thì bạn tắt bếp.

Phần chè đậu đỏ cũng làm tương tự như phần hạt đậu đen.

Bước 3: Nấu chè cốm

Bạn cho cốm vào nồi cùng 500ml nước và 1 thìa cà phê muối vào nồi rồi đun sôi cốm, thời gian nấu cốm khoảng 15-20 phút cốm sẽ chín thì bạn thêm vào nồi cốm 100g đường và khuấy đều, tiếp đến đổ nốt phần bột năng đã pha vào và tiếp tục khuấy khoảng 3 phút thì tắt bếp.

Bước 4: Trình bày

Bạn múc tất cả các nguyên liệu đã nấu để ra chén, sau đó cho đá vào cốc, tiếp đến cho lần lượt các nguyên liệu gồm: Chè đậu đen, chè đậu đỏ, chè đậu xanh, chè cốm, rau câu, nho khô, dừa khô, lạc và cuối cùng là nước cốt dừa lên trên và thưởng thức.

Thành phẩm

Chè thập cẩm miền Bắc không chỉ màu sắc đẹp mắt, mà còn có hương vị thơm ngon, vị ngọt vừa phải, béo béo, thanh mát cực hấp dẫn luôn nhé!

Chè đậu đen bột lọc là món ăn thanh mát, giúp giải nhiệt cơ thể trong mùa hè nóng bức. Theo quan niệm dân gian, đậu đen là bài thuốc tốt giúp thanh nhiệt cơ thể nên thường được sử dụng để chế biến các món chè truyền thống. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè này nhé!

Nguyên liệu làm món chè đậu đen bột lọc

·       250g đậu đen

·       250g đường

·       100g bột năng

·       200ml nước cốt dừa

·       Nguyên liệu khác: Dừa nạo, muối, …

Kinh nghiệm:
- Để nấu chè ngon, bạn nên chọn loại đậu đen xanh lòng, vỏ mỏng có màu đen óng. Bạn tránh lựa hạt to, màu vỏ nhợt nhạt, hay kích thước hạt không đều
- Ngoài nước cốt dừa đóng lon, bạn có thể tự làm nước cốt dừa tại nhà hoặc mua nước cốt dừa vắt sẵn tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán nguyên liệu làm chè, bánh.

Cách làm món chè đậu đen bột lọc

Bước 1: Sơ chế và nấu đậu đen

Đậu đen sau khi được rửa sạch bạn nên ngâm trong nước lạnh ít nhất 2 tiếng với chút muối. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên ngâm qua đêm để đậu mềm và nấu nhanh chín hơn.

Bạn cho 250g đậu đen đã ngâm cùng với 1,5 lít nước vào nồi và đun sôi trong khoảng 20-30 phút. Đến khi đậu mềm thì bạn cho tiếp 250g đường và trộn đều thêm một chút nữa để đường hoà tan hết thì tắt bếp.

Bước 2: Làm bột lọc

Bạn sử dụng 100g bột năng để làm phần bánh bột lọc. Bạn cho bột năng ra tô, đổ từ từ 50ml nước nóng vào. Tiếp đó, bạn dùng tay nhồi bột đến khi tạo thành một khối dẻo mịn và không dính tay.

Khi bột đã đạt yêu cầu, bạn tiến hành vo bột thành từng viên nhỏ như viên bi đến khi hết bột. Tiếp đó, bạn bắt lên bếp 1 nồi nước sôi, cho tất cả viên bột vào và luộc kỹ từ 15-20 phút.

Khi các viên bột chuyển thành màu trắng trong và nổi lên mặt nước thì bạn vớt ra, cho vào thau nước đá để chúng không dính vào nhau. Sau cùng thì bạn vớt ra rồi để ráo rồi cho vào 1 thìa canh đường.

Kinh nghiệm: Khi nhồi bột, nếu bột quá khô không thể kết thành khối, bạn có thể thêm nước từ từ vào. Và ngược lại, nếu bột quá nhão, bạn có thể cho thêm một ít bột năng vào hỗn hợp.

Bước 3: Nấu nước cốt dừa

Ở bước này, bạn cho vào nồi 200ml nước cốt dừa, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh bột năng và ⅓ thìa cà phê muối.

Bột năng sẽ giúp tạo độ sánh mịn cho nước cốt dừa đấy.

Nấu nước cốt dừa sánh mịn

Thành phẩm

Giờ thì bạn chỉ cần múc đậu đen và bột lọc ra bát, cho vào nước cốt dừa lên trên là có thể thưởng thức rồi đấy. Bạn cũng có thể rắc thêm một ít dừa nạo để món ăn hấp dẫn hơn.

Bày ra bát là có thể thưởng thức món chè đậu đen bột lọc siêu ngon rồi!

Thưởng thức

Món chè đậu đen bột lọc có thể dùng nóng hoặc lạnh tùy theo sở thích của bạn. Những hạt đậu đen chín mềm có vị bùi bùi kết hợp với bột lọc dai dai và nước cốt dừa béo ngập đảm bảo sẽ tạo nên sức hấp dẫn khó chối từ.

Lưu ý:
- Những người có cơ địa hàn tính (như thường mệt mỏi, đau chân/eo do lạnh, dễ tiêu chảy, tứ chi dễ nhiễm lạnh,...) cần lưu ý khi ăn đậu đen vì có thể khiến các triệu chứng nặng thêm hoặc dẫn đến các bệnh khác
- Người già, trẻ nhỏ và người có thể trạng yếu cần lưu ý không ăn quá nhiều đậu đen vì nó chứa hàm lượng protein cao hơn cả thịt gà và phân tử protein lớn rất khó chuyển hoá để cơ thể hấp thụ
- Protein và phốt pho trong đậu đen có thể phản ứng với các thành phần của thuốc, làm giảm hiệu quả quá trình điều trị. Vì vậy, những người đang dùng nhiều thuốc nên cân nhắc khi ăn đậu đen hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chè thập cẩm là món ăn khá quen thuộc với mọi người, tuy nhiên mỗi vùng miền khác nhau thì món chè thập cẩm lại có những hương vị đặc trưng riêng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè thập cẩm miền Nam để cho các thành viên trong gia đình của bạn cùng thưởng thức nhé!

Nguyên liệu làm món chè thập cẩm miền Nam

·       150g đậu đen

·       70g đậu xanh

·       480g bột năng

·       400g đường

·       200ml nước cốt dừa

·       3 củ dền đỏ

·       50g cùi dừa

·       1 thìa cà phê muối

·       10g dừa sấy khô

·       1 thìa cà phê dầu chuối

Cách làm món chè thập cẩm miền Nam

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đậu đen và đậu xanh đem vo sạch sau đó bỏ vào nước ngâm khoảng 6-8 tiếng cho đậu mềm ra sau đó đem vo lại 1 lần nữa cho sạch.

Bạn cho vào tô 150g bột năng tiếp đến thêm vào 150ml nước rồi dùng thìa khuấy đều để bột năng tan ra.

Cùi dừa cắt hạt lựu.

Củ dền gọt vỏ rửa sạch, cắt hạt lựu.

Bước 2: Nấu đậu chè đậu đen

Bạn bỏ đậu đen vào nồi, thêm vào 500ml nước sau đó đun lửa lớn để nồi đậu đen sôi lên rồi vặn nhỏ lửa hầm trong khoảng 30 phút là đậu đen chín mềm.

Tiếp theo bạn gạn phần nước đậu đen ra tô, còn phần hạt để lại trong nồi sau đó bạn cho 100g đường vào nồi bật bếp dùng đũa đảo đều để đường ngấm vào đậu cho hạt đậu thấm đường, nấu đậu với đường trong khoảng 3 phút.

Bước 3: Nấu chè đậu xanh

Bạn lấy phần đậu xanh đã ngâm cho vào xửng hấp khoảng 15 phút là đậu xanh chín, hạt đậu đã bở nhưng không bị nát.

Bạn bắc nồi lên bếp, sau đó cho vào nồi 1 lít nước và đun sôi, tiếp đến bỏ 200g đường vào và khuấy đường cho tan, bỏ thêm đậu xanh vào đun sôi, vớt bỏ phần bọt nổi lên trên. Sau đó bạn đổ bột năng đã pha vào nồi và khuấy đều khoảng 3-5 phút là nồi chè đậu xanh sẽ hơi sệt lại thì tắt bếp.

Bước 4: Làm hạt trân châu trắng và trân châu đỏ

Làm hạt trân châu trắng: Bạn bắc nồi lên bếp sau đó bỏ vào nồi khoảng 200ml nước rồi đun sôi nước, bỏ 150g bột năng vào tô lớn sau đó múc từng ít nước sôi bỏ vào tô bột năng và nhanh tay trộn, nhào bột cho đều, nhào đến khi bột thành 1 khối.

Bạn lấy 1 ít bột cho cùi dừa vào trong rồi gói lại vê tròn cứ làm như vậy cho đến khi hết bột. Bạn có thể thêm chút bột khô vào tô hạt trân châu trộn đều để trân châu không bị dính vào nhau.

Tiếp đến bạn bắc lên bếp 1 nồi nước, đun sôi nước sau đó bỏ trân châu vào nấu chín, đun khoảng 5-7 phút là trân châu nổi lên trên thì bạn vớt trân châu ra cho vào tô nước sôi để nguội sau đó vớt trân châu ra 1 chiếc tô khác thêm 50g đường và trộn đều.

Làm hạt trân châu đỏ: Bạn cho củ dền vào nồi, thêm vào 200ml nước đun cho nồi nước củ dền sôi lên, đun thêm khoảng 5 phút thì đem rây lấy phần nước củ dền.

Tiếp tục đổ nước củ dền vào nồi và đun cho phần nước củ dền sôi trở lại. Đồng thời bỏ 150g bột năng vào tô và bỏ từ từ từng ít nước củ dền vào tô bột năng và nhào bột thành một khối.

Cách nặn hạt trân châu đỏ cũng giống như hạt trân châu trắng. Sau khi đã nặn xong hạt trân châu đỏ thì bạn cũng tiến hành luộc hạt trân châu trong nước sôi khoảng 5-7 phút khi hạt trân châu chín nổi lên thì bạn vớt ra bỏ vào tô nước nguội và cuối cùng là vớt hạt trân châu sang 1 chiếc tô khác, thêm 50g đường và trộn đều.

Bước 5: Nấu nước cốt dừa

Bạn cho vào chén 30g bột năng và 30ml nước dùng thìa khuấy đều.

Bạn bắc nồi lên bếp, cho nước cốt dừa vào nồi thêm 50ml nước dùng thìa khuấy đều, thêm 1 thìa cà phê muối dùng phần bột năng đã pha vào khuấy trong 3 phút thì tắt bếp.

Bước 6: Trình bày

Bạn đợi các nguyên liệu đã nguội hết sau đó cho có đá vào ly và bỏ lần lượt các nguyên liệu gồm: Chè đậu đen, đậu xanh, trân châu trắng, trân châu đỏ, nước cốt dừa, dừa khô và vài giọt dầu chuối vào, thưởng thức ngay thôi nào.

Thành phẩm

Hạt trân châu giòn giòn, nước cốt dừa béo ngậy, đậu xanh và đậu đen thấm ngọt ăn cực đã luôn nhé!

Chè thập cẩm là món ăn vặt mà tất cả mọi đều yêu thích. Với mỗi vùng miền đều có cách nấu chè thập cẩm khác nhau và đều có nét đăc trưng riêng. Chè thập cẩm miền Trung thì nguyên liệu chủ yếu là các loại đậu thêm vài cọng dừa sấy và lạc rang làm cho ly chè rất thơm và rất hấp dẫn. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè thập cẩm miền Trung thơm ngon và hấp dẫn này nhé!

Nguyên liệu làm món chè thập cẩm miền Trung

·       200g đậu xanh bóc vỏ

·       200g đậu đỏ

·       100g bột năng

·       2g bột trà xanh

·       1 gói bột rau câu dẻo

·       250g đường

·       50g dừa tươi

·       50g dừa nạo sợi

·       2 thìa canh nước cốt dừa

Cách làm món chè thập cẩm miền Trung

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đậu xanh và đậu đỏ đem vo sạch sau đó ngâm trước khoảng 6-8 tiếng rồi vo lại cho sạch.

Bột trà xanh bạn cho vào chiếc chén nhỏ thêm vào khoảng 2ml nước khuấy đều.

Cùi dừa bạn đem cắt hạt lựu.

Bước 2: Nấu chè đậu đỏ

Bạn cho đậu đỏ vào nồi sau đó cho vào khoảng 600ml nước đun cho nồi đậu đỏ sôi lên thì vặn nhỏ lửa, đun lửa liu riu khoảng 15 -20 phút cho đậu mềm. Tiếp đến bạn cho vào nồi đậu đỏ 50g đường, đảo đều rồi đun thêm khoảng 5 phút nữa thì bạn tắt bếp, múc đậu đỏ ra tô.

Bước 3: Nấu thạch rau câu

Bạn cho vào nồi 500ml nước sau đó đổ gói bột rau câu dẻo vào nồi vừa đổ vừa khuấy đều để bột rau câu tan ra. Tiếp đến bạn bắc nồi nước rau câu lên bếp đun sôi nồi nước rau câu rồi bổ phần nước bột trà xanh đã pha trước đó vào.

Sau đó bạn lại cho vào nồi nước rau câu thêm 50g đường vừa đun vừa khuấy đều khoảng 3-5 phút thì tắt bếp cho nước rau câu vào khay đợi rau câu đông lại thì bạn cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Sau khi thạch đã đông, mát lạnh thì bạn đem ra cắt hạt lựu.

Bước 4: Nấu chè đậu xanh

Bạn cho đậu xanh vào nồi thêm vào khoảng 500ml nước, đun cho nồi nước đậu xanh sôi lên thì vặn nhỏ lửa sau đó đun khoảng 15 phút là đậu xanh sẽ chín mềm.

Tiếp đến bạn cũng cho vào nồi đậu xanh 50g đường và khuấy đều, đồng thời pha khoảng 1 thìa canh bột năng với nước rồi đổ phần nước bột năng này vào nồi đậu xanh, đun thêm khoảng 3-5 phút thì nồi chè đậu xanh hơi sệt lại thì bạn tắt bếp, múc đậu xanh ra tô.

Bước 5: Làm hạt trân châu

Bạn cho bột năng vào tô to, tiếp đến cho nốt phần đường còn lại vào trộn đều, sau đó cho từ từ phần nước thật sôi vào trộn đều và nhào bột đến khi bột thành một khối.

Bạn tiến hành nặn viên trân châu, lấy bột sau đó bỏ dừa vào trong, gói lại rồi vê tròn. Bạn có thể thêm chút bột khô vào trộn để hạt bột trân châu không bị dính.

Bạn bắc nồi lên bếp, đun cho nước sôi thì bỏ viên trân châu vào luộc, đun đến khi trân châu nổi lên thì bạn vớt ra tô nước sôi để nguội rồi vớt ra 1 chiếc tô khác.

Bước 6: Trình bày

Bạn cho đá vào ly sau đó cho lần lượt các nguyên liệu gồm: Chè đậu đỏ, chè đậu xanh, thạch rau câu, hạt trân châu, nước cốt dừa và cuối cùng là dừa bào sợi lên trên và thưởng thức.

Thành phẩm

Món chè thập cẩm miền Trung thanh mát, với vị ngọt nhẹ, thơm mùi nước cốt dừa, hạt trân châu giòn sần sật, đậu đỏ bùi bùi ăn cực đã.

Trong thời tiết nóng bức, được ăn một bát chè đậu đỏ ngọt mát thì còn gì tuyệt vời hơn. Bạn đã biết cách nấu món chè này chưa? Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu món chè đậu đỏ ngót mát và giải nhiệt này nhé!

Nguyên liệu nấu chè đậu đỏ

·       300g đậu đỏ

·       250g đường

·       100g bột năng

·       1 lon nước cốt dừa

Kinh nghiệm: Để chọn được đậu đỏ ngon, bạn nên chọn mua những hạt đậu đỏ tươi, có kích thước vừa phải. Không nên quá to sẽ không ngon, ít dinh dưỡng.
Bạn cũng tránh mua đậu đỏ bị sâu mọt, bị mốc hay có mùi hôi bất thường.

Cách nấu chè đậu đỏ

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Hãy chọn những hạt đậu đỏ to đồng đều nhau và không bị sâu. Sau đó ngâm đậu với nước trong khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Để tiết kiệm thời gian bạn có thể ngâm từ đêm hôm trước.

Sau khi ngâm, các hạt đậu lúc này sẽ nở to và mềm hơn. Khi bẻ đậu làm đôi được thì bạn tiến hành vớt đậu ra, rửa sạch và loại bỏ những hạt sâu còn sót lại, sau đó để cho ráo nước.

Bước 2: Nấu chè đậu đỏ

Cho khoảng 1 lít nước vào nồi sao cho nước ngập hết đậu. Sau đó nấu với lửa vừa trên bếp từ 30 đến 40 phút, bạn có thể cho thêm vào một chút muối để một lát chè nấu ra sẽ có vị ngọt dịu hơn.

Đợi đến khi các hạt đậu đỏ mềm và chín, bạn cho thêm đường vào nồi, khuấy đều sao cho đường tan hết.

Kế đến, bạn hòa tan một ít bột năng với nước. Sau đó bạn vừa đổ từ từ vào nồi và khuấy đều tay, chú ý cần khuấy đều tay đến khi bột không còn vón cục và tan hoàn toàn thì bạn có thể tắt bếp.

Cuối cùng, bạn múc chè ra từng bát nhỏ và đổ nước cốt dừa vào là có thể thưởng thức rồi đấy!

Thành phẩm

Thành phẩm chè đậu đỏ sau khi nấu có vị ngọt thơm quyện từ đường và đậu bùi bùi. Khi ăn bạn cho thêm nước cốt dừa lên trên khiến món ăn thêm phần béo ngậy hấp dẫn.

Thưởng thức

Khi thưởng thức, bạn có thể cho thêm đá, tùy chỉnh lượng nước cốt dừa theo khẩu vị và sở thích của từng người.

Chè đậu đỏ bột báng nước cốt dừa là món chè thơm ngon, với hạt đậu mềm bùi, vị dai dai của bột báng, thêm vị béo của cốt dừa. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu món chè này nhé!

Nguyên liệu làm Chè đậu đỏ bột báng nước cốt dừa bằng nồi áp suất (Cho 4 người ăn)

·       Đậu đỏ 150 g 

·       Nước cốt dừa 400 ml 

·       Bột báng 30 g 

·       Bột năng 30 g 

·       Bột đường vani 7 g (hoặc 1 ống bột vani) 

·       Muối/ đường 1 ít

Cách chế biến Chè đậu đỏ bột báng nước cốt dừa bằng nồi áp suất

Bước 1: Ngâm đậu đỏ và bột báng

Đậu đỏ mua về rửa sơ, vo sạch, rồi đem đi ngâm với nước từ 4 - 6 tiếng hoặc ngâm qua đêm cho đậu nở mềm. Sau đó, rửa sạch lại với nước 1 - 2 lần, để ráo.

Bột báng ngâm nước khoảng 30 phút cho nở, rửa lại nước sạch, để ráo.

Kinh nghiệm:

Việc ngâm đậu trước khi chế biến sẽ giảm thiểu hàm lượng phytic acid chất ức chế enzym giúp giá trị dinh dưỡng của hạt được gia tăng.

Ngoài ra, khi ngâm các hạt đậu, chúng sẽ trở nên mềm hơn, khiến quá trình chế biến cũng như tiêu hóa của người dùng dễ dàng hơn.

Bước 2: Ninh đậu

Cho đậu đỏ đã ngâm nở và 1.8 lít nước vào nồi áp suất cơ. Đặt nồi lên bếp mở lửa lớn, khi nào nghe tiếng xì của nồi thì hạ lửa nhỏ ninh trong thời gian 45 phút.

Kinh nghiệm: Với nồi áp suất điện, bạn cho đậu và nước vào, chỉnh hầm 20 phút là được nha!

Bước 3: Ướp đậu

Đậu khi ninh xong thì vớt ra một nồi khác, thêm 250g đường cát trắng vào, trộn đều và ướp khoảng 15 phút.

Phần nước cốt đậu để ra riêng, lát mình nấu chung ở bước sau nhé.

Kinh nghiệm:

Lúc này đậu đã mềm nên bạn hãy sử dụng một chiếc nồi thông thường để nấu, nếu nấu tiếp bằng nồi áp suất hạt đậu sẽ bị nát nhừ nha.

Khi hạt đậu chín mềm bạn mới cho đường vào nếu không hạt đậu sẽ bị sượng.

Bạn kiểm tra hạt đậu chín bằng cách cắn thử, nếu cảm nhận được hạt đậu mềm, bùi là được.

Bước 4: Nấu chè

Đậu sau khi ướp xong thì đặt lên bếp, rim trên nhỏ vừa khoảng 15 phút.

Sau khi rim đậu đỏ xong thì đổ phần nước cốt đậu đỏ vào đun lửa lớn đến khi sôi thì cho bột báng đã ngâm nở và 7g bột đường vani vào, hạ lửa nhỏ đun khoảng 10 phút.

Sau 10 phút thì hòa tan 15g bột năng với 50ml nước trong chén, rồi cho vào nồi đậu và đun sôi trở lại, nêm nếm cho vừa ăn, tắt bếp.

Bước 5: Nấu nước cốt dừa

Cho 400ml nước cốt dừa và 30g đường, 1 ít muối vào nồi đun sôi ở lửa nhỏ. Hòa tan 15g bột năng với 50ml nước, sau đó cho vào nồi, đun sôi trở lại thì tắt bếp.

Thành phẩm

Vậy là món chè đậu đỏ bột báng nước cốt dừa đã hoàn thành rồi nè, bạn múc chè ra chén hoặc ly, thêm nước cốt dừa và thưởng thức thôi.

Hạt đậu đỏ chín mềm nhừ, ngọt từ trong ra ngoài, bột báng dai mềm ăn kèm thêm nước cốt dừa béo ngậy.

Bạn có thể ăn chè nóng hoặc thêm chút đá bào cực mát lạnh giúp bạn giải nhiệt mùa hè đều ngon!

Chè đậu đen là một món ăn rất quen thuộc với người Việt Nam. Món chè không chỉ rất ngon mà còn giúp thanh nhiệt cho cơ thể. Đặc biệt, cách làm món này cũng rất đơn giản. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu món chè đậu đen nhé!

Nguyên liệu làm chè đậu đen

·       400 g đâu đen

·       Đường cát

·       Có thể chuẩn bị thêm (nếu thích): dừa sợi tươi, vani, bột sắn dây

Cách làm chè đậu đen:

- Đậu đen đãi sạch, nhặt bỏ những hạt nổi. Nếu có thời gian bạn có thể ngâm đậu 4 -5 tiếng thì khi ninh đậu sẽ nhanh nhừ hơn.

- Đậu đen rửa sạch, cho vào nồi cơm điện, đổ nước ngập cỡ 2 đốt ngón tay và ninh đậu. Khi nồi chè sôi được khoảng 5 phút, bạn bật nồi sang chế độ ủ.

- Để nồi chè ở chế độ ủ khoảng 15 phút thì bật lại sang chế độ nấu để chè sôi lại.

- Sau khi hạt đậu đã chín mềm, bạn dùng thìa hổng lỗ vớt hết đậu ra một cái nồi khác và để lại nước đậu đen trong nồi.

- Đảo đều 300 g đường cát với hạt đậu rồi đun lên cho đến khi đường tan hết thì tắt bếp.

- Tiếp đó, trút hạt đậu trở lại nồi nước, nêm thêm đường cho vừa khẩu vị.

- Muốn chè đậu đen sánh và thơm, bạn hãy hòa chút bột sắn dây và thêm vani vào. Lúc múc chè ra ăn, bạn cũng có thể cho thêm ít sợi dừa tươi nữa nhé.

- Nhiều người lại chỉ thích ăn chè đỗ đen nguyên chất và không cho thêm bất cứ thứ gì. Với món chè đỗ đen nguyên chất ninh nhừ, bạn có thể để vào ngăn mát tủ lạnh để tiện dùng trong cả ngày.

Chè hạt sen nha đam thanh mát, ngọt dịu, giòn giòn, mát lạnh giải nhiệt mùa hè là một công thức được nhiều người yêu thích mỗi dịp nắng nóng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè hạt sen nha đam thanh mát và giải nhiệt cho các thành viên trong gia đình của bạn cùng thường thức nhé!

Nguyên liệu nấu chè hạt sen nha đam

·       Hạt sen tươi: 300g (nếu là hạt sen khô thì chỉ cần 200g)

·       Nha đam: 1 cành (khoảng 800g)

·       Đường phèn: 200g

·       Một ít muối tinh

Cách nấu chè hạt sen nha đam

Bước 1: Sơ chế nha đam

Đối với cách nấu chè nha đam, dù kết hợp với bất kì nguyên liệu nào thì sơ chế để nha đam không bị đắng, không bị nhớt là quan trọng nhất. Cách thực hiện như sau:

- Gọt bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh của nha đam, chừa phần nhân trắng bên trong và cắt chúng thành hình hạt lựu.

- Sau khi gọt, ngâm nha đam vào thau nước muối pha chanh, dùng tay chà xát nhẹ để nha đam sạch lớp nhớt bên ngoài. Nước muối pha chanh này phải pha loãng để không ảnh hưởng đến vị của nha đam.

- Sau khi lấy nha đam ra khỏi nước muối pha chanh, cho nha đam vào rổ, xả qua với nước lạnh thêm khoảng 3 đến 4 lần nữa, để nha đam sạch nhớt hoàn toàn. Vừa xả vừa xóc nhiều lần rồi để ráo.  

- Chuẩn bị 1 bát nước đá. Nấu sôi nồi nước rồi tắt bếp. Cho nha đam vào, dùng đũa khuấy đều nhanh tay rồi đổ nha đam ra rổ.

- Cho nha đam vào bát nước đá đã chuẩn bị sẵn để nha đam giữ được độ giòn. Vớt ra rổ, để ráo rồi dùng chế biến món ăn tuỳ thích. Việc nhúng sơ nha đam qua nước sôi rồi ngâm đá giúp nhanh chóng khử hoàn toàn vị đắng còn sót lại. Như vậy bạn đã sơ chế xong nha đam rồi. 

Bước 2: Sơ chế hạt sen tươi

- Hạt sen trước hết phải loại bỏ tâm sen. Tâm sen là phần giống như mầm cây, màu xanh nằm ở giữa hạt. Bạn dùng cây tăm nhọn xuyên nhẹ qua lỗ ở giữa hạt sen sẽ thấy phần tâm sen ra.

- Rửa hạt sen qua nước sau đó cho sen vào nước ấm ngâm khoảng 1 tiếng.

Bước 3: Nấu chè

- Cho hạt sen vào nồi nước, đun sôi rồi hạ lửa nhỏ dần để ninh cho hạt sen mềm. Khi nào hạt sen mềm, bạn cho đường phèn vào khuấy tan. Cuối cùng cho nha đam và một chút muối vào nữa là được. Đun khoảng 3 phút rồi tắt bếp.

Như vậy đến đây bạn đã hoàn thành cách nấu chè nha đam hạt sen thanh mát, ngọt dịu, giòn giòn, mát lạnh giải nhiệt mùa hè rồi. Chè có thể ăn nóng hoặc lạnh tuy nhiên thông thường sẽ ngon hơn khi ăn lạnh. Vì thế nên bạn có thể giữ chè trong tủ mát hoặc bỏ đá viên trực tiếp vào chè là có thể thưởng thức rồi.

Lưu ý khi nấu chè nha đam hạt sen

- Nếu không có đường phèn, bạn hoàn toàn có thể dùng đường kính. Tuy nhiên, vì chè cần dùng nhiều đường nên đường phèn sẽ giảm độ gắt khi ăn, mang lại cảm giác dễ chịu và ăn không bị quá ngấy.

- Để bảo quản chè hạt sen với nha đam, bạn hãy để trong tủ lạnh, bạn có thể nấu nhiều một chút và ăn dần trong 2 – 3 ngày.

Với hướng dẫn cách nấu chè nha đam thanh mát, bổ dưỡng, giải nhiệt hiệu quả trên đây, chúc bạn thực hiện thành công và có những bữa ăn ngon miệng bên gia đình và bạn bè.

Chè khúc bạch đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu và cũng đã rất thân quen với người dân, nhưng độ ngon và hấp dẫn thì vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Món chè luôn khiến cơ thể cảm thấy mát dịu mỗi khi thưởng thức. Thay vì ra hàng quán, bạn có thể tự làm món chè khúc bạch cho cả gia đình và bạn bè. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè khúc bạch thơm ngon và hấp dẫn này nhé!

Nguyên liệu nấu chè khúc bạch

·       300ml sữa tươi không đường

·       300ml kem tươi

·       21g gelatin (dạng bột hoặc lá)

·       15ml siro dâu (hoặc màu thực phẩm đỏ và hương liệu dâu)

·       2g bột trà xanh

·       5 lá dứa tươi (tùy sở thích)

·       Nhãn/ vải đóng hộp

·       15g hạt é (tùy sở thích)

·       40g hạnh nhân lát

·       Đường phèn, đường trắng

·       Trái cây ăn kèm tùy thích

Cách nấu chè khúc bạch

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Lá dứa rửa sạch, buộc thắt nút lại cho gọn. Hạt é ngâm trong nước ấm khoảng 15 - 20 phút cho nở hết.

2 nguyên liệu này tuy không bắt buộc nhưng nếu có sẽ làm cho món ăn của bạn càng thơm ngon hơn đấy.

Bước 2: Làm thạch kem sữa

Bạn đun 300ml sữa tươi không đường rồi cho hết gelatin vào ngâm cho tới khi gelatin nở mềm rồi chia đều ra 3 bát.

Vị nguyên bản

Đun sôi một ít nước trong nồi, đến khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ lại đến mức nhỏ nhất rồi đặt một bát đựng hỗn hợp sữa, gelatin vào nồi, khuấy liên tục cho tới khi gelatin tan hoàn toàn vào sữa, không còn lợn cợn trong bát, hơi nóng sẽ giúp gelatin tan từ từ ra.

Lưu ý: không để gelatin dính vào đáy bát nhé.

Sau đó cho 100ml kem tươi và 1 thìa canh đường (có thể điều chỉnh lượng đường tùy khẩu vị thích ăn ngọt nhiều hay ít) vào bát, khuấy đều cho đến khi đường tan hết.

Khi đường đã tan hoàn toàn ta đổ hỗn hợp trong bát vào khuôn qua rây cho mịn. Để nguội rồi cho vào tủ lạnh ngăn mát khoảng 3 - 4 giờ, đến khi thạch đông lại hoàn toàn mới sử dụng được. Vậy là ta đã có phần thạch kem sữa nguyên bản.

Vị trà xanh, vị dâu

Hòa tan 1 bát hỗn hợp sữa và gelatin cùng 100ml kem tươi và đường vào bát, khuấy đều tay cho đến khi đường tan hết rồi đổ vào khuôn.

Để làm cho thạch có vị trà xanh, bạn dùng 15ml nước sôi, cho từng chút vào chén bột trà xanh rồi khuấy, vừa đổ nước vừa khuấy từ từ để trà xanh hòa quyện với nước, chuyển thành dạng sệt sệt. Cho từ từ vào khuôn qua rây lọc và khuấy đều tay để trà xanh hòa quyện với kem sữa. Vậy là ta đã được phần thạch trà xanh.

Để làm thạch có vị dâu, bạn cho siro dâu hoặc một vài giọt màu thực phẩm đỏ kèm hương liệu dâu vào khuôn kem sữa rồi khuấy đều tay là được. Phần thạch dâu cũng đã hoàn thành.

Lưu ý: Các bạn hoàn toàn có thể sử dụng các hương vị khác miễn là phù hợp với khẩu vị nhé!

Để hai khuôn thạch nguội bên ngoài sau đó cho vào tủ lạnh khoảng 3 - 4 tiếng để thạch đông lại hoàn toàn.

Bước 3: Làm nước chè

Đun sôi 1 lít nước cùng đường phèn. Khi nước đã sôi và đường phèn cũng tan hết thì cho lá dứa vào nồi rồi tắt bếp, để nước nguội, cho vào tủ lạnh ngăn mát bảo quản.

Bạn cũng có thể tiếp tục đun lá dứa trong nước để có mùi thơm hơn nhưng khi đun sẽ khiến nước có màu xanh của lá dứa phai ra.

Kinh nghiệm: Bạn có thể cho thêm nước ngâm nhãn/vải đóng hộp vào nồi sẽ giúp nước chè đậm đà hơn

Bước 4: Rang hạnh nhân

Hạnh nhân rang trong chảo chống dính với lửa để vừa đến khi hơi vàng một chút và có mùi thơm. Trong lúc rang nhớ đảo nhẹ tay để tránh làm hạnh nhân bị vỡ, sau đó cho ra bát, để nguội

Bước 5: Cắt thạch

Sau khi thạch đã đông lại, ta gỡ thạch ra khỏi khuôn và dùng dao cắt thạch thành các miếng nhỏ vừa ăn. Khi cắt nhúng lưỡi dao qua nước để cắt thạch dễ dàng hơn.

Thành phẩm

Vậy là món chè khúc bạch đã được hoàn thành. Đầu tiên, bạn cho các loại thạch vào ly, tiếp đến và nhãn/ vải, hạt é rồi múc nước chè vào và cuối cùng là rắc hạnh nhân lên trên. Dùng khi còn lạnh bạn nhé, hoặc bạn có thể cho thêm đá và trái cây vào. Cách làm khá đơn giản đúng không nào. Chúc các bạn thành công với món ăn nhé!

Chè long nhãn hạt sen hay còn gọi là chè hạt sen nhãn nhục được nhiều người yêu thích bởi tính mát và hương vị thơm ngon. Mặc dù tên gọi của nó có vẻ cầu kỳ và phức tạp nhưng cách chế biến lại khá đơn giản. Vào những ngày hè nóng bức, ăn một chén chè long nhãn mát lạnh sẽ giúp tâm trạng thoải mái và thư thả hơn nhiều đấy. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè này nhé!

Nguyên liệu nấu chè long nhãn hạt sen

·       1 hộp long nhãn (có thể mua nhãn tươi về tách hạt)

·       100g hạt sen tách nhụy

·       200g đường phèn

·       Nửa nấm bông tuyết

·       1 ít đậu nành tươi

Kinh nghiệm: Để chọn mua được hạt sen tươi ngon, bạn nên mua loại mới hái, chưa tách vỏ, vẫn còn giữ được độ tươi. Hạt sen già ngả màu trắng ngà hay vàng đậm, bên ngoài căng tròn, có mùi thơm và không bị sượng.

Cách nấu chè long nhãn hạt sen

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Sau khi mua hạt sen về, bạn tách nhụy và rửa sạch. Nấm bông tuyết bạn mua về, ngâm với nước lạnh cho nấm nở ra rồi dùng kéo cắt nhỏ.

Long nhãn bạn gạn lấy phần nước và phần cái ra riêng. Bạn có thể mua nhãn tươi về và tách bỏ hạt lấy phần cơm.

Bước 2: Nấu hạt sen

Chuẩn bị một nồi nước, cho hạt sen vào và luộc khoảng 15 phút. Khi hạt sen chín, bạn vớt ra tô. Đậu nành bạn tách hạt rồi cho vào nồi nước đã luộc sen luộc cho chín.

Bước 3: Nấu chè long nhãn hạt sen

Bạn nhét hạt sen vào nhãn, thực hiện lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu.

Chuẩn bị 1 lít nước, cho nước ngâm nhãn và đường phèn vào rồi đun sôi lên. Khi nước sôi, bạn cho phần hạt sen còn dư, long nhãn, bông tuyết và hạt đậu nành vào.

Nêm nếm lại độ ngọt cho vừa khẩu vị, chờ nước sôi lại thì tắt bếp. Múc chè ra chén rồi thưởng thức.

Thành phẩm

Vậy là món chè long nhãn đã hoàn thành rồi. Rất nhanh và dễ làm phải không nào? Nghe tên thì có vẻ phức tạp nhưng công thức lại khá đơn giản, chỉ cần bỏ ra một ít thời gian thì bạn sẽ làm được ngay thôi.

Thưởng thức

Món chè long nhãn này ăn lạnh rất ngon luôn nha. Vị chè ngọt thanh, nhãn giòn giòn sựt sựt, hạt sen và đậu nành thì bùi bùi rất dễ chịu. Ăn thử một miếng là mê liền luôn. Rất đáng để thưởng thức đó!

Mùa hè nóng bức mà có một ly chè long nhãn thơm ngon và bổ dưỡng này thì còn gì bằng. Nhanh nhanh thực hiện rồi cùng gia đình thưởng thức nhé!

Bạn đã từng ăn qua món chè ngô cốm thơm lừng chưa? Chè ngô cốm ngọt thanh vị bắp thơm bùi vị cốm, ai ăn qua cũng nán lại muốn thử thêm miếng nữa. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè ngô cơm dẻo ngon mát lạnh cực dễ, ai cũng làm được chiêu đãi ngay cho gia đình nhé!

Nguyên liệu nấu Chè ngô cốm (Cho 3 người ăn)

·       Ngô 2 bắp 

·       Cốm 100 g 

·       Nước 1 lít 

·       Lá dứa 4 cái 

·       Đường 100 g 

·       Bột sắn dây 2 thìa canh 

·       Dừa bào sợi 1 ít

Cách chế biến Chè ngô cốm

Bước 1: Sơ chế ngô

Ngô mua về bạn lột bỏ vỏ ngô sau đó gỡ phần râu ngô bỏ đi. Rửa sạch ngô rồi dùng dao cắt dọc ngô để tách lấy phần hạt. Phần cùi ngô sau khi tách hạt bạn chặt đôi để nấu cùng giúp chè ngọt nước hơn nhé.

Lá dứa bạn rửa sạch rồi cuộn lại. Lá dứa sẽ giúp chè thơm hơn, nếu không có lá dứa thì bạn có thể bỏ qua cũng được.

Bước 2: Luộc ngô

Cho tất cả hạt ngô vào nồi cùng 1 ít nước, cùi ngô và bó lá dứa. Bắc nồi lên bếp đậy nắp và đun với lửa vừa trong 20 phút cho cùi ngô tiết ra giúp nước ngọt hơn.

Sau 20 phút bạn vớt cùi ngô và lá dứa ra rồi hạ lửa nhỏ vừa.

Bước 3: Nấu chè

Cho tiếp vào nồi 100g đường cát, dùng vá khuấy đều trong phần đường tan hoàn toàn. Tiếp đến bạn cho tiếp phần cốm vào, đảo đều và đun với lửa nhỏ trong khoảng 7 - 10 phút nữa cho đường thấm vào ngô và cốm.

Sau khoảng 7 - 10 phút, bạn pha hỗn hợp 2 thìa canh bột sắn dây và 2 thìa canh nước. Cho từng thìa canh bột sắn vào nồi đồng thời đảo đều tay cho phần bột quyện vào chè. Cho từ từ phần bột sắn đến hết.

Đảo đều nồi chè thêm khoảng 5 phút nữa, lúc này chè sẽ sánh và đặc lại thì bạn tắt và múc chè ra bát. Rải lên mặt 1 ít dừa bào sợi, vậy là bạn đã hoàn thành xong món chè ngô cốm rồi đấy.

Thành phẩm

Chè ngô cốm dẻo thơm lừng, hạt cốm mềm dẻo quyện với vị ngọt thanh thơm béo của ngô. Sẽ ngon hơn rất nhiều nếu bạn ăn cùng với 1 chút nước cốt dừa đấy. Quá dễ đúng không nào, thử ngay chiêu đãi cho gia đình bạn nhé!

Bí quyết để nấu chè ngô ngon

·       Bí quyết để có một món chè ngô ngon nằm ở phần nguyên liệu:

·       Bạn nên chọn những trái ngô chắc tay, vỏ ngoài còn xanh, hạt ngô mẩy, đều nhau.

·       Khi luộc ngô, bạn chỉ nên luộc chín tới, không thì ngô sẽ bị nát và mất độ ngọt.

·       Chè sau khi nấu xong chưa dùng hết, bạn hãy bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong 1 - 2 ngày nhé!

Món chè ngô nước cốt dừa vừa thơm ngon, béo ngậy, hấp dẫn và được nhiều người ưa thích. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu món chè ngô nước cốt dừa thơm ngon này nhé!

Nguyên liệu nấu chè ngô nếp nước cốt dừa

·       Ngô nếp tươi 3 bắp

·       Bột năng 40 g

·       Nước cốt dừa 200 ml 

·       Lá dứa 1 bó

·       Vani 2 ống

·       Gia vị: 100g đường vàng và nửa thìa cà phê muối

Cách nấu chè ngô nếp nước cốt dừa

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Ngô nếp đem về rửa sạch, bóc hết râu ngô và đem đi bóc lấy hạt hoặc lấy dao bào để bào hết hạt ngô ra khỏi lõi, giữ lại phần lõi để ninh lấy nước.

Bước 2: Nấu chè

Đầu tiên bạn bắc 1 nồi nước với 2 bát nước lên bếp và cho vào đó bó lá dứa và lõi ngô khi nảy ninh. Trong lúc chờ nước sôi thì bạn pha bột năng với nước với tỉ lệ là 1:3, khuấy điều và đặt sang một bên.

Tiếp đó, khi nước sôi thì vớt lá dứa và lõi ngô ra, bạn cho vào đó là hạt ngô đã tách sẵn, điều chỉnh lửa vừa ninh đến khi ngô chín, mềm dẻo thì cho nêm nếm đường và muối sao cho vừa khẩu vị.

Sau đó, bạn cho vào tiếp 2 ống vani và khuấy đều tay cho phần gia vị tan hết, lúc này bạn cho phần bột năng đã chuẩn bị vào nồi, vừa đổ vừa khuấy để tránh bột bị vón cục.

Cuối cùng, bạn nấu tới khi thấy chè sánh vừa phải thì tắt bếp, nếu quá đặc thì bạn cho thêm nước, loãng quá thì cho thêm bột năng và nêm nếm lại

Bước 3: Nấu nước cốt dừa và hoàn thành

Nước cốt dừa thì bạn cho vào một cái nồi, rồi bắt lên bếp để lửa vừa, bạn hòa tan một chén một bột năng với nước theo tỉ lệ 1:3, sau đó cho vào nồi và khuấy đều cho đến khi hơi sánh, nhớ nêm nếp vào nửa thìa cà phê muối, rồi tắt bếp.

Thành phẩm

Chỉ với vài bước đơn giản, bạn chỉ cần múc chè ra chén, cho thêm ít cốt dừa vào và thưởng thức ngay thôi.

Thưởng thức

Cách nấu chè ngô nếp đơn giản quá phải không nào. Món chè vừa ngọt vừa béo, cảm giác hơi dai dai và thơm mùi ngô, độ béo cốt dừa thì vừa phải hòa quyện vào nhau, ăn hết một bát là muốn ăn thêm bát nữa.

Bí quyết để nấu chè ngô ngon

·       Bí quyết để có một món chè ngô ngon nằm ở phần nguyên liệu:

·       Bạn nên chọn những trái ngô chắc tay, vỏ ngoài còn xanh, hạt ngô mẩy, đều nhau.

·       Khi luộc ngô, bạn chỉ nên luộc chín tới, không thì ngô sẽ bị nát và mất độ ngọt.

·       Chè sau khi nấu xong chưa dùng hết, bạn hãy bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong 1 - 2 ngày nhé!

Chè nha đam thanh mát, bổ dưỡng, giải nhiệt hiệu quả được nhiều bạn yêu thích mỗi khi hè đến. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn làm món chè nha đam đường phèn thanh mát và bổ dưỡng này nhé!

Nguyên liệu nấu chè nha đam đường phèn

·       300g nha đam

·       100g đậu xanh

·       1/2 quả chanh

·       50g bột sắn dây

·       1 ống vani

·       Đường phèn

Cách làm chè nha đam đường phèn

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Nha đam cắt thành những phần nhỏ, gọt sạch vỏ xanh và rửa sạch lại lần nữa rồi cắt thành hạt lựu, sau đó, ngâm khoảng 30 phút với nước có pha nước cốt chanh giúp nha đam hết nhớt. Sau 30 phút, đổ nha đam qua rây và rửa sạch lần nữa.

Bước 2: Nấu nhừ đậu xanh

Ngâm đậu xanh trong vòng 30 phút với nước nóng, sau 30 phút thì đổ qua rây và rửa sạch. Đặt nồi lên bếp, cho đậu xanh vào nồi cùng với 300ml nước, đun đến khi đậu xanh nở bung ra, cho vào 1 thìa đường, nêm nếm cho vừa khẩu vị.

Bước 3: Nấu chè nha đam

Trong khi đợi đậu xanh chín. Cho 300ml nước vào tô hòa cùng với 50g bột sắn dây, khuấy đều tay để tạo độ sánh cho bột.

Khi nồi đậu xanh nở, đổ từ từ phần bột sắn dây vào nồi, khuấy đều tay để tránh bị vón cục, tiếp theo, cho phần nha đam vào nồi, đun đến khi sôi (thường xuyên đảo đều giúp tránh bị vón cục dưới đáy nồi), khi cảm thấy chè sắp sôi thì cho ống vani vào, đun đến khi sôi hẳn thì tắt bếp.

Thành phẩm

Với cách làm đơn giản bạn đã hoàn hành món chè đậu xanh nha đam đường phèn, với nha đam giòn, hạt đậu xanh mềm bùi rất hấp dẫn.

Thưởng thức

Chè nha đam với vị ngọt đậm đà không quá gắt, nha đam giòn ngon không bị đắng, cùng vị bùi bùi của đậu xanh.

Với phần rau câu giòn, mát, nhãn lồng khô thơm thơm, ngọt ngọt, chè rau câu nhãn lồng khô ngon bổ, có tác dụng hạ nhiệt sẽ là món rất thích hợp cho những ngày trời nóng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món chè rau câu nhãn khô thơm ngon này nhé!

Nguyên liệu nấu chè rau câu nhãn khô

·       Rau câu bột: 40g

·       Nhãn khô: 150g

·       Đường phèn: 250g

·       Nước lạnh: 1,5 lít

Cách nấu chè rau câu nhãn khô

– Với nhãn khô, bạn cho vào nước lạnh rửa thật sạch rồi ngâm khoảng 2 giờ đồng hồ, rửa lại một lần nữa và để ráo.

– Bạn cho bột rau câu vào nồi, cho nước lạnh vào rồi khuấy đều để bột rau câu tan, sau đó nấu với lửa nhỏ và chờ đến khi bột rau câu tan hết. Sau đó cho hơn 100g đường vào, đun cho đường tan, nêm cho có vị ngọt bạn thích rồi tắt bếp.

– Để rau câu nguội một tí rồi cho rau câu ra hộp nhựa hoặc bát và để vào tủ lạnh chờ rau câu đông cứng. Sau khi rau câu đã cứng, bạn cắt rau câu thành từng miếng vuông nhỏ.

– Tiếp theo, bạn đặt nồi lên bếp, cho hơn nửa lít nước vào nồi rồi thêm số đường còn lại vào nấu tan, thấy đường tan hết, bạn cho nhãn lồng vào, chờ sôi đều lại là tắt bếp ngay để tránh cho nhãn mất đi độ giòn.

– Cuối cùng, bạn cho rau câu đã cắt miếng vuông nhỏ vào. Khi thưởng thức, bạn múc ra ly hoặc bát và dùng với đá lạnh nếu thích nhé!

Chè rau câu nhãn khô có thể bảo quản nhiều ngày trong tủ lạnh để lúc muốn là có thể dùng ngay, thật thuận lợi phải không nào? Hi vọng món chè này sẽ giúp bạn mát mẻ hơn trong những ngày nóng.

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn