Thứ ba, Ngày 17/09/2024 (Âm lịch: 15/08/2024)T3, 17/09/2024 (ÂL: 15/08/2024)
Tìm kiếm
MÓN ĂN \ BÁNH CANH

Bánh canh cua biển là một món ăn hết sức thân thuộc với mọi người. Hương vị sợi bột bánh canh dai dai kết hợp cùng nước dùng ngọt thanh của cua đã mang đến vị ngon khó chối từ của món ăn này. Hãy cùng chúng tôi vào bếp thực hiện ngay món canh cua biển đơn giản này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh canh cua biển (Cho 6 người ăn)

·       Cua biển 3 con 

·       Bánh canh bột gạo 1 kg 

·       Tôm tươi 400 g 

·       Nấm rơm 200 g 

·       Trứng cút 15 quả 

·       Bột năng 2 thìa canh 

·       Củ cải trắng 1 củ 

·       Hành tím 3 củ 

·       Hành lá 1 nhánh 

·       Màu dầu điều 1 thìa canh 

·       Nước mắm 1 thìa canh 

·       Dầu ăn 2 thìa canh 

·       Gia vị thông dụng 1 ít (muối/ hạt nêm/ đường/ tiêu)

Cách chế biến Bánh canh cua biển

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Để sơ chế cua đầu tiên bạn dùng mũi kéo cứng đâm vào vị trí nhọn ở phần yếm cua để làm cua chết rồi dùng bàn chải cọ rửa sạch những vết dơ ở vỏ cua. Sau đó dùng dao chặt đôi cua.

Tôm mua về để khử đi mùi tanh bạn ngâm tôm trong nước muối loãng khoảng 3 phút sau đó rửa lại với nước sạch rồi lột bỏ vỏ, để ráo.

Nấm rơm mua về để khử mùi hôi bạn ngâm trong nước muối loãng khoảng 2 phút sau đó vớt ra rửa lại với nước sạch và để ráo.

Củ cải trắng bạn rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành các đoạn có chiều dài khoảng 2 lóng tay. Hành lá bạn rửa sạch, bỏ rễ và cắt nhỏ. Hành tím, lột vỏ, băm nhỏ.

Bước 2: Luộc trứng

Cho trứng cút cùng ít muối cùng 800ml nước vào nồi, đun sôi và luộc khoảng 10 phút với lửa vừa cho trứng chín thì vớt ra cho vào tô nước lạnh, lột vỏ.

Cách luộc trứng bóc vỏ dễ dàng

Cách 1: Luộc trứng khoảng 10 phút cùng với 1 vài lát chanh tươi.

Cách 2: Thêm 1 thìa cà phê giấm ăn vào nồi rồi khuấy đều trong vài phút sau đó luộc đến khi trứng chín rồi vớt ra để nguội lột vỏ.

Bước 3: Nấu nước dùng

Trước tiên bạn cho vào bát 2 thìa canh bột năng và 100ml nước vào khuấy tan.

Tiếp theo bạn cho 1 thìa canh hạt màu điều cùng 1 thìa canh dầu ăn vào nồi, phi đều với lửa vừa cho đến khi hạt màu điều ra hết màu rồi vớt bỏ hạt.

Tiếp đó bạn cho hành tím vào phi thơm rồi đổ 3 lít nước vào nấu cùng với củ cải trắng cắt khúc hầm khoảng 15 phút cho nước sôi bùng lên thì bạn cho cua vào.

Nấu cho cua chín khoảng 20 phút với lửa vừa thì cho tôm đã lột cùng nấm rơm vào.

Nấu thêm 10 phút nữa thì nêm vào 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa canh hạt nêm, 2.5 thìa canh đường và 100ml (1/2 chén ăn cơm) nước bột năng pha loãng vào nồi.

Khuấy đều tay cho các gia vị tan ra và phần nước dùng có độ sệt nhất định thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.

Kinh nghiệm:

Nếu bạn muốn giảm đi mùi cua trong nước dùng thì bạn có thể mang cua đi hấp chín rồi cho vào nấu.

Nhưng nếu bạn muốn nước dùng được ngọt hơn thì cho cua sống vào, tuy nhiên nước dùng sẽ có mùi hăng nhẹ đặc trưng của cua.

Bước 4: Nhúng bánh canh

Cho 1 lít nước vào nồi cùng với 1 thìa canh dầu ăn vào, đun đến khi nước sôi thì cho bánh canh vào nấu khoảng 10 phút cho cọng bánh canh trong, chín mềm thì tắt bếp.

Sau đó cho bánh canh vào tô cùng trứng cút, hành lá chan thêm nước dùng vào và thưởng thức thôi!

Kinh nghiệm: Dầu ăn sẽ giúp bánh canh không bị dính vào nhau.

Thành phẩm

Bánh canh cua biển với nước dùng đậm đà, thơm lừng. Bánh canh mềm và dẻo, thịt tôm thì thấm đều gia vị, dai ngọt, kết hợp cùng vị béo, ngọt thơm ngon của cua biển và trứng cút.

 

Bánh đa cua Hải Phòng được người dân nơi đây xem như là linh hồn của nền ẩm thực đất Cảng. Không chỉ có từ lâu đời, món ăn này còn chứa đựng một phần văn hóa đặc sắc của vùng đất Hải Phòng từ xưa đến nay. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, món bánh đa cua vẫn gắn liền với đời sống và tinh thần của người dân nơi đây.


Theo ghi chép về nguồn gốc của Bánh đa cua Hải Phòng thì phải quay ngược thời gian trở lại thế kỷ 10. Tiền thân của món bánh đa cua ban đầu chỉ là một loại lương khô đặc biệt được đặt tên là bánh đa. Bánh này cực kỳ dễ ăn, chỉ cần nhúng vào nước sôi cùng chút muối bột là đã có thể để dành ăn dần trong nhà. 

Mãi đến thế kỷ 13, món ăn này mới được ông Trần Quốc Thi chế biến, thêm thắt các loại gia vị để trở thành Bánh đa cua Hải Phòng ngày nay. Chính vì lẽ đó, bánh đa cua trong mắt người dân Hải Phòng không chỉ là món ăn thỏa mãn được cả ba yếu tố hương, sắc, vị mà còn chứa đựng hết những tinh hoa ẩm thực cùng tấm lòng chân thành của người dân đất Cảng.


Ba nguyên liệu chính không thể thiếu trong Bánh đa cua Hải Phòng

Bánh đa cua cầu kỳ từ hình thức đến cách chế biến. Để nấu được món Bánh đa cua Hải Phòng đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu đa dạng. Trong đó, ba nguyên liệu chính nhất định không được để thiếu khi chế biến chính là bánh đa, cua đồng và rau muống. Không có một trong ba nguyên liệu này thì món ăn xem như đã mất đi một phần hương vị đặc trưng của Bánh đa cua Hải Phòng.

Trong đó, bánh đa được lựa chọn phải là loại bánh đa đỏ nổi tiếng Dư Hàng Kênh. Hiện chỉ có ở quận Lê Chân, Hải Phòng là có bán loại bánh đa này. Để có được sợi bánh đúng chuẩn, người ta phải chọn loại gạo ngon, ngâm nước rồi đem đi xay nhuyễn đến khi bột bánh dẻo mịn. Sau đó phải trải qua vô vàn công đoạn chế biến, tráng bánh thì mới ra được loại bánh đa đỏ nức tiếng đất Cảng.

Sau này khi món bánh đa cua ngày càng phổ biến, người dân nơi đây mới thêm vào nhiều nguyên liệu khác lấy từ vùng biển quê mình như tôm, bề bề, ghẹ, nem cua bể...để chế biến món ăn. Cho dù có được biến tấu với nhiều công thức khác nhau nhưng hương vị của Bánh đa cua Hải Phòng vẫn chẳng thay đổi, y nguyên như những ngày đầu.


Ba nguyên liệu chính nhất định không được để thiếu khi chế biến chính là bánh đa, cua đồng và rau muống.

Món ăn cầu kỳ từ cách chế biến đến hình thức

Cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn thì mới cho ra được hương vị Bánh đa cua Hải Phòng đúng chuẩn. Quan trọng nhất khi chế biến bánh đa cua chính là nước dùng. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, canh thời gian, nhiệt độ, thứ tự cho nguyên liệu vào đều phải thật chuẩn xác. Chỉ cần sai lệch ở một khâu là đã đánh mất đi hương vị vốn có của bánh đa cua. Chính vì thế người chế biến Bánh đa cua Hải Phòng phải là người có tay nghề, kỹ thuật cùng kinh nghiệm lâu năm.

Sau khi chế biến xong, sắc màu trong nồi nước dùng bánh đa cua phải thật bắt mắt. Nào là màu vàng sóng sánh của gạch cua hòa lẫn cùng nước dùng, màu đo đỏ của thịt tôm, cua đồng hay màu xanh mướt của rau muống...Tất cả nguyên liệu cùng quyện hòa tạo nên một sức hút khó cưỡng khiến bất kì ai cũng phải đổ gục ngay từ lần đầu tiên.

Thoạt nhìn, nhiều người thường nhầm lẫn giữa bún riêu và Bánh đa cua Hải Phòng. Tuy nhiên cả hai món ăn này đều có sự khác biệt nhau vô cùng đặc trưng ở màu sắc lẫn hương vị. Nếu quan sát kĩ, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy được màu nước dùng bánh đa cua đục hơn của bún riêu. Khi ăn vào thì có vị ngọt thanh, đậm mùi thơm của cua đồng.


Cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn thì mới cho ra được hương vị Bánh đa cua Hải Phòng đúng chuẩn.

Món ăn gắn liền với đời sống văn hóa và con người đất Cảng

Có thể nói rằng Bánh đa cua Hải Phòng chính là tinh hoa của nền ẩm thực đất Cảng. Tuy rằng bánh đa cua ngày nay vô cùng phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng chỉ có món bánh đa cua chế biến tại đất Hải Phòng mới thực sự đem lại trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn. Thưởng thức một tô bánh đa cua, mọi người không chỉ được nếm thử một món ăn trứ danh Hải Phòng mà còn được thưởng thức trọn vẹn hương vị của vùng biển quê hương.

Người dân Hải Phòng có thể ăn bánh đa cua quanh năm mà không hề ngán. Với họ, Bánh đa cua Hải Phòng như một nét đẹp trong ẩm thực đất Cảng, gắn liền với tuổi thơ và đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Dù có đi xa đến mấy hay đã lâu không được thưởng thức một tô bánh đa cua đúng chuẩn Hải Phòng thì chỉ cần quay về, gọi một tô bánh đa cua, gắp thử một đũa bánh nóng hổi, sánh mịn cho vào miệng là biết bao ký ức xưa đã quay về. Hương vị quê hương cứ thế len lỏi vào trong và đánh thức trái tim của những người con xa xứ.


Bánh đa cua Hải Phòng như một nét đẹp trong ẩm thực đất Cảng, gắn liền với tuổi thơ và đời sống văn hóa của người dân.

Cách thưởng thức bánh đa cua

Điều đặc biệt mà chỉ có Hải Phòng mới đem lại được cho bạn chính là bánh đa được lựa chọn chế biến là bánh đa tươi, mềm mịn, dẻo dai, không bị bở hay nhũn ra sau khi nấu cùng nước dùng. Còn ở những nơi khác, bánh đa được dùng thường là loại bánh đa khô bảo quản được lâu, hương vị đặc trưng của bánh đa hầu như đã mất dần theo thời gian.

Một bát Bánh đa cua Hải Phòng đúng chuẩn phải có đủ những sắc màu bắt mắt, sợi bánh đa to màu nâu đất, sánh mịn. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận chân thật hương thơm lừng từ củ hành, vị béo ngậy nhưng không ngán của gạch cua. Sự kết hợp hài hòa giữa các loại gia vị càng khiến cho người thưởng thức không kiềm lòng trước sức hút của bánh đa cua.


Một bát Bánh đa cua Hải Phòng đúng chuẩn phải có đủ những sắc màu bắt mắt, sợi bánh đa to màu nâu đất, sánh mịn.

Bên cạnh Bánh đa cua Hải Phòng, Nem cua bể Hải Phòng cũng là một món ăn mang hương vị của vùng biển nơi đây. Đến với đất Cảng đầy nắng và gió, thưởng thức một tô bánh đa cua nóng hổi, thơm ngon nghi ngút khói cùng với miếng nem cua bể vàng ruộm, đầy ắp nhân thịt bên trong chắc chắn sẽ khiến ban lưu giữ lại những vị giác khó quên.

Bánh tằm cay là món ăn đặc trưng của đất mũi Cà Mau.
Đến Cà Mau, không thể không thử món bánh tằm cay với hương vị thơm ngon, đậm đà gây thương nhớ.
Bánh tầm cay hay bánh tằm cà ri cay, nhìn khá giống cà ri gà nhưng có mùi vị đặc trưng. Đây là món đặc trưng của Cà Mau, xuất xứ từ món bánh tằm ngọt ăn chơi miền Tây sông nước nhưng biến tấu với cà ri chà và của người Khmer.


Món bánh tằm cay có sợi bánh tằm làm từ bột gạo trộn chung với bột năng rồi được nắn lại tròn tròn như bánh tằm cùng với nước sốt cà ri Chà Và cùng với thịt gà hay thịt vịt, hoặc có thịt xíu mại hòa quyện lại tạo thành hương vị khó quên.

Nguyên liệu làm món bánh tầm cay Cà Mau

·       1 con vịt

·       500g bánh tằm

·       1 củ hành tây

·       15g sả cây

·       15g sả băm

·       50g tỏi băm

·       15g bột năng

·       1 ít lá chanh (không bắt buộc)

·       50g rau ăn kèm gồm xà lách, rau thơm, giá đỗ, hẹ

·       Bánh mì và muối tiêu ăn kèm

·       Gia vị: Bột cà ri, sa tế tôm, đường, muối, bột ngọt, dầu ăn

Cách làm món bánh tầm cay Cà Mau

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đầu tiên, bạn mua con vịt tách riêng bộ lòng và đem rửa sạch, dùng giấm hoặc rượu thoa điều khăp còn vịt và để trong 10 phút. Sau đó đem đi luộc sơ trong nước nóng 10 phút, sau đó dùng nhíp nhổ lông sạch rồi đem rửa sạch và đem cắt từng miếng vừa ăn.

Tiếp đó, bạn đem sả cây rửa sạch, cắt khúc rồi đem đập dập. Hành tây bạn lột vỏ và đem cắt từng múi cau. Các loại rau ăn kèm gồm xà lách, rau thơm, giá đỗ và hẹ cùng rửa sạch, đem ngâm muối và vớt để ráo. Lá chanh bạn rửa sạch.

Bước 2: Ướp thịt vịt

Bạn cho thịt vịt vào một cái tô, dùng tay ướp với gia vị theo tỉ lệ gồm 20g sả băm, 2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà bột ngọt, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê bột cà ri, 1 muỗng cà phê sa tế tôm, ướp điều cho thấm thịt vịt.

Bước 3: Xào thịt vịt hành tây

Tiếp đó bạn bắc một cái nồi lên bếp cho 1 muỗng canh dầu ăn,... 1 muỗng cà phê tỏi băm phi cho thơm. Sau đó, bạn cho thêm 30g sả, 1 thìa cà phê bột cà ri, 1 thìa cà phê sa tế tôm rồi đảo cho đều cho hòa quyện.

Kế đó, bạn cho thịt vịt vào cùng hành tây và sả cây đập dập vào đảo điều trong 10 phút với lửa nhỏ vừa, đảo đến khi thịt vịt săn lại và dậy mùi thơm.

Bước 4: Hầm cà ri vịt và hoàn thành

Tiếp tục, bạn nấu một nồi nước sôi rồi đổ vào nồi vịt xào sao cho vừa đủ ngập thịt vịt. Sau đó, bạn cho vào bộ lòng vịt cùng 1 ít lá chanh vò mềm và đập nắp kín, để lửa nhỏ và hầm 30 phút đến khi thịt mềm.

Bạn pha loãng 1 muỗng canh bột năng với 1 ít nước và cho từ từ vào nồi cà ri rồi khuấy điều nhẹ nhàng đến khi nước lèo đạt được độ sánh mong muốn là được.

Bạn lấy tô cho 1 ít rau ăn kèm vào, bánh tằm và chan nước lèo cà ri cùng thịt vịt vào, lúc này bạn có thể thưởng thức.

Thành phẩm

Món bánh tằm cay Cà Mau có mùi thơm của lá chanh, cà ri và vị cay sa tế. Thịt vịt chín mềm, sợi bánh tằm dai, mọi thứ hòa quyện với nhau cảm thấy bá cháy, món này có thể ăn chung với bánh mì và muối tiêu.

 

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn