Thứ ba, Ngày 17/09/2024 (Âm lịch: 15/08/2024)T3, 17/09/2024 (ÂL: 15/08/2024)
Tìm kiếm
MÓN ĂN \ XÔI

Xôi chiên phồng là món ăn được làm từ gạo nếp kết hợp và kết hợp với các hương vị khác nhau như lá dứa, vị đậu xanh, vị cốt dừa,… sẽ đem đến cho người thưởng thức những trải nghiệm thú vị. Gạo nếp được (đồ/hấp) chín có mùi thơm, có vị ngọt dẻo được cho vào cối giã nguyễn vừa kết hợp cùng hương vị rồi nặn thành hình tròn, hay cắt từng miếng đem chiên phồng lên. Xôi chiên phồng sau khi chiên thưởng thức sẽ thấy vỏ ngoài giòn ruộm, bên trong dẻo thơm, ngọt dịu.

Nguyên liệu làm Xôi chiên phồng (Cho 3 người ăn)

Gạo nếp 300 g 

Đậu xanh tách vỏ 90 g 

Đường trắng 40 g 

Dầu ăn 50 ml 

Nước cốt dừa 1/2 chén

Cách chế biến Xôi chiên phồng

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Bạn ngâm gạo nếp, đậu xanh trong 4 - 5 tiếng hoặc qua đêm cho nở mềm. Bạn có thể ngâm đậu với nước nóng trong vòng 2 - 3 giờ để rút ngắn thời gian.

Bước 2: Hấp và nghiền đậu xanh

Tiếp theo, bạn đem đậu xanh đi hấp trong 10 phút cho chín mềm và lấy ra tô lớn rồi dùng vá đánh nhuyễn đậu, bạn cũng có thể cho đậu vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn để tiết kiệm thời gian thực hiện.

Khi đậu được tán nhuyễn, bạn trộn đều đậu với nếp và cho 1 thìa đường vào trộn đều.

Bước 3: Hấp xôi

Bạn cho phần nếp đã trộn đều ở trên vào nồi, cho thêm 70 ml nước cốt dừa và hấp trong vòng 40 phút để xôi chín mềm. Bạn nên tạo một lỗ ngay chính giữa để hơi nước thoát lên, giúp xôi chín đều và ngon hơn.

Sau đó, bạn nhào xôi sao cho các hạt nhỏ dính đều vào nhau thành khối rồi cho từng chút dầu vào khối nếp, nhào và miết kỹ khoảng 10 phút cho đến khi khối xôi nếp dẻo, mềm, không dính tay là được.

Bước 4: Ép xôi

Bạn cho xôi vào khuôn và ép chặt, sau đó lấy xôi ra cho vào túi nilon và để trong ngăn đá tủ lạnh tầm 4 - 5 tiếng thì lấy ra, cắt xôi theo hình tròn để chiên.

Nếu không có khuôn thì có thể ép bằng tay, bạn dùng bàn tay miết cho các hạt dẹp ra, kết dính với nhau. Chú ý miết kỹ để không bị hở bánh, làm bánh không phồng được.

Bước 5: Chiên xôi

Bạn đun sôi chảo dầu cho nóng, khi dầu sôi nóng già thì cho xôi sau khi được cắt vào chiên.

Lưu ý: Ban đầu xôi sẽ chìm, sau đó nổi lên thì bạn dùng vá ép xôi giúp xôi chiên phồng đều. Bạn chiên xôi phồng đến khi vàng đều thì vớt ra để ráo dầu.

Thành phẩm

Xôi chiên phồng thành công có hình tròn đều, ngoài giòn rụm ruột rỗng, mùi thơm đặc trưng. Bạn có thể dùng kèm xôi với tương ớt, món nướng hoặc quay như gà quay, vịt quay, heo nướng,... thì rất thơm ngon.

 

Kinh nghiệm thực hiện thành công

- Nếu không có xửng hấp, bạn có thể nấu xôi bằng nồi cơm điện thông thường.

- Bạn không nên chiên xôi quá vàng vì sẽ làm mất vị ngon của xôi.

- Xôi sau khi bỏ tủ đông sẽ khá cứng, bạn có thể để mềm khoảng 7 - 10 phút rồi dùng dao cắt xôi thành miếng rồi đem chiên liền.

- Để giúp xôi giòn lâu bạn nên để xôi nguội rồi bảo quản kín và để ở nơi khô thoáng.

Bên cạnh xôi gấc, xôi đậu xanh cũng là món ăn quen thuộc thường được nấu để đãi khách hay chỉ đơn giản là "vỗ về" chiếc bụng đói vào mỗi buổi sáng. Được làm từ nguyên liệu chính là đậu xanh và nếp gạo nên khi thành phẩm, món xôi có màu vàng rất hấp dẫn.

Bằng chiếc nồi cơm điện bé xinh và trong thời gian ngắn bạn đã có món xôi đậu xanh với vị bùi bùi, thơm thơm của đậu, hoà quyện với những hạt nếp dẻo mềm, căng mọng trong phần nước cốt dừa ngọt béo. Cái hương vị này khiến người thưởng thức cứ phải nhớ mãi không quên.

Nguyên liệu nấu xôi đậu xanh

·       500 g gạo nếp

·       250 g nước cốt dừa

·       100 g đậu xanh

·       2 g muối

·       5 g dầu ăn

·       10 g lá dứa

·       10 g vừng vàng

·       10 g lạc

·       50 g đường

Cách làm xôi đậu xanh

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Lá dứa rửa sạch để ráo nước, vừng bắt lên chảo rang cho đến khi vàng đều, lạc rang vàng thì bóc vỏ bỏ.

Bước 2: Ngâm nếp

Trộn 500 g gạo nếp và 100 g đậu xanh vào nồi, sau đó cho tiếp 1 muỗng canh muối vào và vo gạo khoảng 2-3 lần và chắt bỏ hết nước, lá dứa lót vào đáy nồi cơm điện, sau đó cho gạo và đậu đã vo sạch vào nồi cơm điện.

Bước 3: Pha hỗn hợp nước cốt dừa

Cho vào tô 250 g nước cốt dừa, 250 g nước lọc, ⅓ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê dầu ăn, sau đó trộn đều.

Cho hỗn hợp nước cốt dừa vào nồi cơm điện để ngâm hỗn hợp gạo nếp, đậu xanh trong khoảng 40 phút.

Sau khi ngâm nếp với nước cốt dừa khoảng 40 phút thì đem tiến hành nhấn nút nấu.

Bước 4: Làm muối vừng

Cho vào cối 10 g vừng vàng, ⅓ muỗng canh muối, 2 muỗng canh lạc rang, 2 muỗng canh đường, tiến hành giã nhuyễn là được hỗn hợp muối vừng thơm ngon.

Bước 5: Hoàn thành

Dĩa xôi đậu xanh khi hoàn thành có màu vàng rất bắt mắt, mùi vừa thơm đậu xanh vừa thơm nước cốt dừa.

Thưởng thức

Khi ăn xôi đậu xanh bạn sẽ cảm nhận được từng hạt xôi dẻo mềm, không bị khô, rắc thêm một ít muối vừng mặn mặn ngọt ngọt thơm mùi lạc và vừng thì không còn gì tuyệt vời hơn nữa.

 

Một trong các loại xôi ngon nổi tiếng là xôi gấc, với màu đỏ cam rất bắt mắt. Xôi gấc mang ý nghĩa đem đến sự may mắn và thịnh vượng, thường được nấu trong các dịp đám cưới và nhất là vào những ngày Tết.

Xôi gấc không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt mà còn có hương vị thơm ngon và hấp dẫn. Những hạt xôi màu đỏ đậm, dẻo mềm và mang mùi hương đặc trưng của quả gấc. Khi thưởng thức, vị ngọt dịu của xôi vẫn lưu lại trên đầu lưỡi và trong họng trong vài giờ sau đó.

Nguyên liệu làm Xôi gấc (Cho 4 người ăn)

·       Quả gấc 200 g 

·       Nếp Bắc 2 bát 

·       Đường 1 thìa canh 

·       Nước cốt dừa 150 ml 

·       Muối 1/2 thìa cà phê 

·       Rượu trắng 5 ml

Cách chế biến Xôi gấc

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Ngâm nếp qua đêm hoặc ít nhất là 4 tiếng với một ít muối.

Bổ đôi quả gấc để lấy thịt gấc.

Bước 2: Làm hỗn hợp xôi

Bóp cho phần thịt gấc bong ra khỏi hạt gấc rồi đem trộn với 1 thìa rượu trắng.

Lấy phần thịt gấc mới trộn với rượu để đem trộn với nếp cùng với một ít muối.

Trong quá trình đó bạn cho thêm một ít nước cốt dừa vào cho thơm. Lượng nhiều hay ít tùy theo sở thích.

Bước 3: Hấp xôi

Đem hỗn hợp vừa trộn cho vào xửng hấp của nồi cơm điện, hấp trong vòng 35 – 40 phút.

Lúc này, món xôi gấc của bạn coi như hoàn thành. Bạn có thể thêm một lượng đường vừa ăn với mình để xôi dễ ăn hơn.

Thành phẩm

Xôi gấc nóng hổi, dẻo thơm mùi nếp và gấc trộn lẫn với nhau. Màu đỏ cam của xôi gấc trông thật nổi bật, sẽ tô điểm thêm cho mâm cổ ngày Tết của gia đình bạn.

 

Xôi lá cẩm là một trong những món xôi đặc sản của vùng núi phía Bắc, cụ thể là người dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. Như chính tên gọi của nó, thành phần chính của xôi lá cẩm chính là lá cẩm, góp phần tạo nên sắc tím cực kỳ đẹp mắt và ấn tượng.

Không chỉ được dùng trong các dịp lễ đặc biệt như mùng 1, ngày rằm hoặc những dịp đám giỗ trong nhà, xôi lá cẩm cũng có thể dùng trong các bữa ăn sáng, ăn vặt đều được.

Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm kiếm như gạo nếp, lá cẩm, nước cốt dừa đã tạo nên món xôi lá cẩm vừa dẻo mịn, vừa béo béo, chấm cùng muối vừng sẽ mang đến trải nghiệm thưởng thức khó quên.

Nguyên liệu để nấu xôi lá cẩm

·       1kg gạo nếp nương hoặc gạo nếp cái hoa vàng

·       600ml nước lá cẩm

·       150ml nước cốt dừa

·       50g đường

·       1 quả dừa non nạo

·       1 bó lá dứa

Cách nấu xôi lá cẩm thơm ngon, dẻo mịn

Bước 1: Đun nước lá cẩm

Lá cẩm mua về rửa sạch, cắt ngắn thành từng đoạn.

Cho lá cẩm vào một nồi nước (400 ml nước) và tiến hành đun sôi trong vòng 10 - 15 phút.

Để nước lá cẩm có màu sắc tươi sáng, bạn chỉ nên đun lá cẩm với lửa nhỏ. 

Khi nước chuyển sang đỏ tím, cho thêm 200 ml nước và đun thêm 10 - 15 phút nữa rồi tắt bếp.

Lấy rây lọc để lọc đi phần lá, giữ lại phần nước vừa đun.

Bước 2: Ngâm gạo nếp

Gạo nếp mua về hãy vo gạo nhiều lần để loại bỏ bụi bẩn.

Sau đó, đổ gạo vào thau sạch hoặc nồi, cho nước ngập gạo.

Lúc này, cho thêm chút muối trộn đều với gạo. Ngâm gạo nếp trong vòng 8 tiếng hoặc 12 tiếng cho hạt gạo mẩy, nở đều, dẻo.

Vớt gạo nếp để ráo nước, sau đó trộn gạo và nước màu lá cẩm lại với nhau.

Để gạo ngâm trong nước lá cẩm tầm 1 - 2 tiếng để màu lá cẩm bám vào gạo nếp.

Sau khi đã cảm thấy lá cẩm bám màu ổn rồi thì chắt gạo đổ nước.

Bước 3: Nấu nước cốt dừa

Chuẩn bị một ít dừa nạo cho vào máy xay sinh tố, sau đó đổ thêm một ít nước ấm và tiến hành xay nhuyễn, lọc lấy phần nước cốt dừa.

Đổ nước cốt dừa vào một cái nồi nhỏ, thêm một ít muối và bột năng.

Bắc nồi lên bếp, khuấy đều trong vòng 5 phút đến khi phần nước cốt dừa sánh lại là được. 

Bước 4: Hấp xôi

Đổ 3 lít nước và 1 bó lá dứa vào nồi hấp xôi, tiếp theo đặt thêm xửng hấp để làm nóng trước khi đổ gạo nếp vào.

Để giúp xôi có độ béo thơm, tiến hành pha 120ml nước cốt dừa và 100g đường vào một cái chén nhỏ. Dùng muỗng khuấy đều hỗn hợp trên.

Bắc nồi lên bếp, đợi nước trong nồi sôi thì cho gạo nếp vào từ từ, sau đó đậy nắp lại để xôi chín khoảng 30 phút thì mới cho nước cốt dừa vào.

Xới đều phần xôi trong nồi sao cho hòa quyện với phần nước cốt dừa. Đậy nắp lại và nấu xôi thêm 10 phút nữa là bạn đã hoàn thành quá trình hấp xôi lá cẩm.

Thành phẩm xôi lá cẩm

Xôi lá cẩm khi mới hấp xong có màu tím bắt mắt, hạt xôi bóng mịn, có mùi thơm lá cẩm đặc trưng. Khi thưởng thức xôi lá cẩm, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo mịn của xôi hòa cùng vị nước dừa béo ngậy. Bạn có thể ăn xôi lá cẩm với muối mè để cân bằng lại hương vị, không cảm thấy ngán.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn chi tiết cách nấu xôi lá cẩm chuẩn vị miền núi phía Bắc. Chúc bạn thực hiện thành công món xôi lá cẩm thơm ngon, bắt mắt này tại nhà cho những dịp đặc biệt như ngày rằm, mùng 1 hoặc mỗi khi nhà có giỗ.

 

Xôi lạc là một món ăn dân dã nhưng rất được ưa chuộng ở nhiều vùng miền tại Việt Nam. Đây là món ăn làm từ nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm nhưng lại chứa đựng trọn vẹn hương vị quê hương.

Nguyên liệu làm xôi lạc bằng xửng hấp

·       500 g gạo nếp

·       250 g lạc

·       200 ml nước cốt dừa

·       Gia vị: Đường, muối

Cách làm xôi lạc bằng xửng hấp

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Lạc và gạo nếp sau khi mua về cần rửa sạch và ngâm từ 3 - 4 tiếng. Khi ngâm xong, bạn để nguyên liệu ra cho ráo nước.

Để gạo và lạc được bùi hơn, bạn có thể ngâm hai nguyên liệu này qua đêm trước khi nấu.

Bước 2: Nấu lạc và ngâm nếp

Để nấu xôi lạc ngon cần lạc phải chín đều. Do đó, bạn luộc 200g lạc cùng 400ml nước từ 15 đến 20 phút với lửa vừa.

Trong thời gian đó, bạn cho 200ml nước cốt dừa vào ngâm cùng gạo nếp. Tiếp theo, bạn cho thêm 1 thìa cà phê muối vào, điều này sẽ giúp món xôi trở nên dẻo và đậm đà hơn.

Bước 3: Nấu xôi lạc ngon bằng xửng hấp

Kế đến khi lạc chín, bạn vớt ra, để nguội và trộn đều với gạo nếp. Sau đó, bạn trải đều hỗn hợp đã trộn lên xửng và hấp từ 20 - 30 phút.

Lúc này, bạn tắt bếp, cho 1 đến 2 muỗng canh đường tùy theo khẩu vị và đậy nắp lại thêm 5 phút nữa.

Lưu ý: Để xôi không bị nhão hoặc sượng, bạn nên tạo nhiều vòng tròn nhỏ trên xửng để giúp xôi chín đều.

Thành phẩm

Vậy là món xôi lạc dẻo, thơm béo, bùi bùi đã hoàn thành. Để món xôi lạc trở nên ngon miệng hơn, bạn có thể rắc thêm một ít vừng rang hoặc ăn kèm muối vừng hay ruốc.

 

Xôi mít ngũ sắc có hương vị thơm ngon, độc đáo và màu sắc bắt mắt, là món ăn được nhiều người chế biến vào những ngày rằm. Nếu bạn cũng yêu thích món xôi thú vị này, cùng vào bếp với chúng tôi để làm món xôi này nhé!

Nguyên liệu làm Xôi mít ngũ sắc (Cho 4 người ăn)

·       Gạo nếp 1 kg 

·       Mít chín 300 g 

·       Lá cẩm 100 g 

·       Lá dứa 100 g 

·       Nghệ tươi 200 g 

·       Hoa đậu biếc 100 g (khô hoặc tươi đều được) 

·       Nước dừa 500 ml

Cách chế biến Xôi mít ngũ sắc

Bước 1: Sơ chế mít

Mít mua về tách múi, rạch 1 đường dọc theo múi mít để lấy phần hạt ra. Tránh làm rách múi mít nhiều đường thì sẽ khó nhồi phần xôi vào bên trong.

Cho mít vào hộp kín hoặc túi zip, để trong ngăn mát tủ lạnh đến khi thưởng thức.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác và

Nghệ tươi sau khi giã nhuyễn đổ thêm vào 1 lít nước lọc, lọc lấy nước vàng và bỏ bã đi.

Lá cẩm đem cắt khúc rồi cho vào nồi, thêm 1 lít nước lọc và để lửa nhỏ trong khoảng 15 phút. Lúc này, nước sẽ nhuộm màu tím của lá cẩm, lọc lấy phần nước màu tím, bỏ lá đi.

Lá dứa cắt nhỏ, cho vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn, đổ vào 1 lít nước lọc, chắt lấy nước cốt màu xanh qua rây, bỏ bã đi.

Với hoa đậu biếc tươi, đem rửa sạch rồi cho vào nồi nước sôi (khoảng 1 lít nước), để lửa nhỏ 10 - 15 phút.

Với hoa đậu biếc khô, cho vào tô rồi rót 800ml nước sôi từ 5 - 7 phút cho hoa ra màu.

Bước 3: Ngâm nếp

Vo sạch gạo nếp với 2 - 3 lần nước cho trong. Sau đó chia gạo nếp làm 5 phần đều nhau (mỗi phần 200gr).

Ngâm riêng mỗi phần gạo nếp với các loại nước tạo màu tự nhiên, còn 1 phần gạo nếp còn lại thì ngâm nước lạnh bình thường nhé.

Ngâm gạo nếp trong khoảng 2 - 3 giờ cho gạo ngấm màu đẹp. Sau đó, vớt gạo nếp ra, để ráo nước rồi trộn đều 5 loại gạo nếp lại với nhau.

Bước 4: Hấp xôi

Cho 500ml nước dừa tươi vào nồi, bật bếp lửa vừa nấu sôi. Đổ nếp vào xửng, dàn đều, hấp khoảng 30 phút.

Kinh nghiệm: Thay vì trộn gạo nếp với nước cốt dừa thì cũng có thể hấp xôi với nước dừa tươi nhé. Xôi hấp chín sẽ dẻo thơm thoảng mùi dừa mà không bị nhão.

Thành phẩm

Xôi chín bạn bày ra dĩa, chèn xôi vào làm nhân mít và thưởng thức.

Bạn có thể chuẩn bị thêm nước cốt dừa ăn cùng nếu bạn thích vị béo nhé, xôi mít ngũ sắc vừa đẹp, vừa thơm ngon, ăn rất ngon miệng.

 

Xôi ngô đậu xanh thơm ngon, hấp dẫn, thưởng thức vào bữa sáng rất ngon. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món xôi này nhé!

Nguyên liệu nấu xôi ngô đậu xanh hành phi

Gạo nếp: 300 g

Ngô nếp: 2 trái

Đỗ xanh đã xát vỏ: 150 g

Muối trắng: 1 thìa cà phê

Cốt dừa: 2 thìa canh

Mỡ gà: 1 miếng

Đường: 1 thìa canh

Hành khô: 3 củ

Cách nấu món xôi ngô đậu xanh hành phi

Bước 1: Ngâm đậu xanh và nếp

Bước đầu tiên của cách nấu xôi ngô đậu xanh hành phi là bạn cần ngâm gạo nếp và đỗ xanh qua đêm hoặc ít nhất 6 tiếng (ngâm riêng từng loại). Quả ngô cần tách hạt và rửa sạch. Hạt ngô nếp mềm và dẻo nên không cần phải luộc trước.

Bước 2: Nấu đậu xanh

Đầu tiên, bạn nêm một chút muối và đường vào đỗ xanh sau đó hấp chín. Còn gạo nếp và hạt ngô, bạn cũng cho một ít muối sau đó đặt vào xửng để hấp. Thời gian hấp thông thường là khoảng 20 phút.

Khi xôi đã hấp được khoảng 15 phút, bạn cho cốt dừa vào và trộn đều, tiếp tục hấp thêm 5 phút nữa là được. Đỗ xanh sau khi chín, bạn nghiền nát và nắm chặt thành nắm tròn. Hành phi thơm và mỡ gà rán cho ra mỡ vàng, bạn cũng trộn vào xôi.

Thành phẩm

Xôi ngô thơm dẻo và ngon ngọt, kết hợp hài hòa với đậu xanh và hành phi thơm lừng, tạo nên một món ăn hấp dẫn và tuyệt vời. Đừng quên dùng dao thái đậu xanh và rắc hành phi lên trên xôi, sau đó thưởng thức món xôi này ngay khi còn nóng nhé.

 

Xôi ngô nhão là một trong những món ăn sáng tuổi thơ của nhiều người. Sỡ dĩ món này được gọi là xôi ngô nhão bởi có sự kết hợp của gạo nếp và ngô được nấu nhão lại không tơi như xôi thường. Nhưng khi thưởng thức món này cùng với muối vừng sẽ có hương vị đặc trưng mà bạn khó lòng mà quên được. Mời bạn cùng vào bếp với chúng tôi để làm món này nhé!

Nguyên liệu nấu xôi ngô nhão 

·       Hạt ngô chà: 340 g (gói hạt ngô khô có bán ở siêu thị và các cửa hàng toàn quốc)

·       Bột dừa: 50 g

·       Nếp: 1/2 ly (cỡ 2 nắm tay người lớn)

·       Cọng lá dứa: 3 g

·       Lạc rang: 3 thìa cà phê

·       Vừng rang: 1 thìa cà phê

·       Dừa nạo sợi: 10 g

·       Đường cát: 10 g

Cách nấu món xôi ngô nhão

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Ngô chà và nếp đã được vo sạch để ngâm qua đêm. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn dừa bào sợi, hạt vừng và đậu rang đã chín vàng.

Bước 2: Làm muối vừng lạc

Giã vừng và đậu, sau đó trộn với đường và muối theo công thức 2 thìa canh vừng rang, 2 thìa canh đậu rang, 2 thìa canh đường và 1 thìa cà phê muối giúp tạo ra một hỗn hợp muối vừng lạc ngon ngọt và béo bùi.

Bước 3: Nấu ngô và nếp

Ngô và nếp, sau khi đã được ngâm qua đêm, cho vào nồi nấu cùng với 3 ly nước, một chút muối, lá dứa và gói bột dừa. Bắt đầu đun với lửa lớn cho sôi (không đậy nắp nồi).

Khi hỗn hợp ngô và nếp sôi, giảm xuống lửa nhỏ và nấu chậm, đun liu riu cho đến khi ngô chín mềm và nếp nở đều trong vòng khoảng 30 phút. Vậy là bạn đã hoàn thành xong cách nấu xôi ngô nhão. 

Thành phẩm

Khi xôi đã chín, bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo mềm của hạt ngô và mùi thơm của nếp. Bạn có thể thêm vừng rang và lạc, sau đó rắc thêm dừa bào sợi lên để ăn cùng.

 

Xôi ngô nước cốt dừa là một món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Hạt xôi căng bóng mềm dẻo quyện với ngô ngọt bùi, dừa nạo sần sật, nước cốt dừa béo ngậy rất ngon. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món xôi này nhé!

Nguyên liệu nấu món xôi ngô nước cốt dừa

·       Gạo nếp thơm: 300 g

·       Cơm dừa nạo: 30 g

·       Ngô: 2 bắp

·       Muối: 2 thìa cà phê 

·       Lạc rang: 10 g

·       Đường: 1 thìa cà phê

Cách nấu món xôi ngô nước cốt dừa

Bước 1: Ngâm gạo nếp

Để chuẩn bị cho việc nấu xôi, hãy ngâm gạo nếp trong nước ít nhất 2 tiếng. Bước này sẽ làm cho hạt nếp mềm dẻo hơn và có hương thơm đặc biệt cho món xôi.

Bước 2: Tách hạt ngô

Ngô khi mua về, bạn cần lột vỏ, loại bỏ râu và tách lấy hạt.

Bước 3: Làm nước cốt dừa

Chuẩn bị khoảng 150 ml nước ấm và đổ nước vào cơm dừa. Dùng thìa khuấy thật đều để lấy nước cốt từ cơm dừa, sau đó cho vào miếng vải rồi vắt lấy nước. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, có thể mua nước cốt dừa đã được vắt sẵn ở chợ.

Bước 4: Nấu xôi

Nếp sau khi ngâm mềm, hãy rửa sạch, trút vào rổ và để ráo nước. Sau đó, thêm một chút muối vào nếp và trộn đều để giúp cho món xôi thêm hương vị đậm đà. Tiếp theo, trộn phần hạt ngô vào nếp.

Cách nấu xôi ngô vô cùng đơn giản, bạn đổ nếp và ngô đã trộn vào nồi cơm điện và cho hết 150 ml nước cốt dừa vào nồi. Nếu bạn cảm thấy lượng nước cốt dừa không đủ, bạn có thể thêm nước lọc cho đến khi thấy nước xăm xắp mặt ngô và nếp là đủ. Cuối cùng, đậy nắp nồi cơm điện và nấu như bình thường.

Bước 5: Làm muối lạc

Các bước rang lạc thơm ngon rất đơn giản. Tốt nhất bạn nên mua lạc sống và tự rang thì sẽ thơm hơn. Để rang lạc, hãy làm như sau: Bắc chảo lên bếp cho nóng và sau đó thêm một thìa muối vào chảo. Cho lạc vào và bắt đầu rang.

Việc thêm muối trong quá trình rang sẽ giúp lạc không cháy và có vị mằn mặn ngon hơn. Khi lạc đã rang chín, hãy để nó thật nguội rồi sau đó bóc vỏ và giã nát. 

Tiếp theo, thêm 1/2 thìa cà phê muối và 3 thìa canh đường vào lạc rồi trộn đều. Lượng đường và muối có thể điều chỉnh tùy vào khẩu vị và số lượng lạc rang.

Thành phẩm

Đợi nồi cơm chuyển sang chế độ hâm nóng (Warm) trong khoảng 15 phút rồi mới mở nắp, sau đó xới đều để xôi tơi hơn.

Giờ thì bạn chỉ cần múc xôi ra đĩa và thêm một ít muối lạc lên trên rồi thưởng thức. Nếu muốn, bạn có thể thêm dừa sợi bào để món xôi trở nên thêm hấp dẫn hơn.

 

Xôi ngũ sắc là đặc sản của đồng bào Thái vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái, được làm từ loại gạo nếp Tú Lệ thơm ngon và được nhuộm 4 màu từ các loại lá cây rừng. Để có xôi ngon, thơm dẻo người làm nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món xôi này nhé!

Nguyên liệu làm Xôi ngũ sắc (Cho 4 người ăn)

·       Gạo nếp 1 kg 

·       Nước cốt dừa 200 ml 

·       Nước cốt lá dứa 2 thìa canh 

·       Nước cốt dành dành 2 thìa canh(hoặc nước cốt nghệ tươi) 

·       Nước cốt lá cẩm 2 thìa canh 

·       Cơm gấc 2 thìa canh 

·       Rượu trắng 1 thìa canh 

·       Muối vừng 1 ít(ăn kèm) 

·       Đường 3 thìa canh 

·       Muối 1/2 thìa cà phê

Cách chế biến Xôi ngũ sắc

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Vo sạch gạo nếp 2 - 3 lần nước, rồi ngâm trong 6 tiếng hoặc qua đêm cho gạo nếp nở ra, tiếp đó vớt gạo ra để ráo.

Bước 2: Ngâm nếp

Để nếp lên màu đẹp, bạn lấy cơm gấc trộn đều với 1 thìa canh rượu trắng.

Chia phần gạo nếp đã ngâm làm 5 phần bằng nhau.

Cho lần lượt mỗi phần ngâm riêng với 2 thìa canh nước cốt lá cẩm, 2 thìa canh nước cốt lá dứa, 2 thìa canh nước cốt dành dành, 2 thìa canh cơm gấc.

Còn 1 phần ngâm với nước lạnh để thu màu tự nhiên của nếp, ngâm trong khoảng 2 giờ.

Bước 3: Hấp xôi ngũ sắc

Bạn cho vào tô 200ml nước cốt dừa, 3 thìa canh đường, 1/2 thìa cà phê muối, trộn đều.

Sau khi ngâm, cho gạo nếp vào xửng hấp, chia ranh giới giữa các màu bằng giấy nến.

Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa, thêm 1 lít nước nấu sôi, cho xửng hấp lên, đậy nắp và hấp 30 - 40 phút, cứ sau mỗi 10 phút bạn mở nắp, dùng khăn khô lau hơi nước trên nắp.

Tiếp đó bạn mở nắp chan đều hỗn hợp nước cốt dừa lên mặt xôi, xới đều lên, hấp thêm 1 - 2 phút nữa là được.

Thành phẩm

Xôi ngũ sắc rất bắt mắt và hấp dẫn, xôi mềm dẻo, thấm vị beo béo của cốt dừa rất ngon.

Bạn có thể ăn kèm xôi ngũ sắc ăn với muối vừng đường hoặc muối lạc rất là tuyệt vời đấy.

 

Hạt xôi dẻo mềm, sắn bùi bùi, mỡ hành thơm lừng béo ngậy nhanh chóng xua tan gió lạnh đầu mùa. Một món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.
Món xôi sắn giản dị nhưng luôn hấp dẫn bởi vị bùi bùi của sắn và vị béo ngậy của lớp mỡ hành rưới lên trên sẽ làm phong phú cho thực đơn buổi sáng của cả gia đình. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm món xôi sắn nhé!

 Nguyên liệu làm Xôi sắn (Cho 2 người ăn)

·       Củ sắn 500 g 

·       Thịt mỡ 500 g 

·       Hành lá 10 g 

·       Lạp xưởng 1 cây

Cách chế biến Xôi sắn

Bước 1: Nấu xôi

Ngâm gạo nếp với nước sạch từ 4 - 6 tiếng để gạo được ngon.

Sắn bóc vỏ, rửa sạch, cắt dọc để bỏ phần sơ, rồi cắt thành những miếng nhỏ bằng đốt ngón tay cái để khi nấu sắn nhanh mềm.

Ngâm sắn trong nước vo gạo có thả chút muối từ 4 - 6 tiếng để loại bỏ bớt nhựa độc của sắn.

Sau thời gian ngâm gạo nếp và sắn. Bạn xả lại bằng nước sạch để ráo. Sau đó trộn gạo nếp với sắn thêm một thìa con muối vào xóc đều. Cho tất cả vào nồi cơm điện hấp.

Bước 2: Chuẩn bị các nguyên liệu khác

Thịt mỡ bỏ bì thái nhỏ. Lạp xưởng thái nhỏ bằng đốt ngón tay. Hành khô bóc vỏ thái lát. Hành xanh thái nhỏ để sẵn.

Cho thịt mỡ vào chảo, rán cho đến khi thành tóp mỡ thì vớt phần tóp ra, phần mỡ chảy dùng để phi hành khô.

Đảo chín lạp xưởng trên chảo mỡ rồi để riêng.

Phần mỡ còn lại đang sôi bạn cho hành lá thái nhỏ và 1 thìa nước mắm ngon, rồi trút phần tóp mỡ đảo nhanh và tắt bếp luôn.

Thành phẩm

Xôi sắn được nấu chín khi gạo và sắn chín mềm. Trong quá trình đồ xôi nếu muốn ngon hơn bạn chuẩn bị thêm 1 thìa canh nước cốt dừa rưới lên bề mặt xôi và trộn đều để xôi thêm vị cốt dừa thơm ngon.

Giờ món xôi và các nguyên liệu đã xong để lên bát. Bạn đơm xôi ra bát, rưới mỡ hành lên bề mặt xôi, cho lạp xưởng và hành phi lên trên là bạn đã có một bát xôi sắn thơm ngon, hấp dẫn.


Xôi sắn chín dẻo thơm mùi nước cốt dừa, ăn bùi béo kết hợp hoà quyện cùng chút vị mặn mặn của muối vừng cực kì hấp dẫn. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món xôi sắn chay nhé!

Nguyên liệu làm Xôi sắn chay

·       Nếp 1 kg 

·       Khoai mì 500 g 

·       Đậu phộng rang 2 thìa canh 

·       Muối 1/2 thìa canh 

·       Đường 5 thìa canh 

·       Vừng rang 1/2 thìa canh 

·       Nước cốt dừa 100 ml

Cách chế biến Xôi sắn chay

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

500 g khoai mì bạn mua về gọt vỏ rửa sạch và ngâm nước qua đêm. Sau khi ngâm xong bạn cắt khoai mì thành từng miếng vừa ăn.

Nếp bạn mua về vô cho sạch rồi cũng đem ngâm qua đêm cho nếp nở.

Bước 2: Nấu sôi

Bạn chuẩn bị 1 cái tô lớn cho hết phần nếp và khoai mì đã ngâm vào, thêm 1/2 thìa cà phê muối, 1 thìa canh dầu ăn sau đó trộn đều hỗn hợp.

Tiếp đến bạn chuẩn bị nồi hấp, chờ nước xôi cho hết phần nếp và khoai vừa trọn ban nãy vào xửng, dàn đều, tạo lỗ chính giữa xửng hấp cho hơi nước đi lên. Hấp nhỏ lửa trong vòng 20 phút.

Sau thời gian đó, bạn cho vào xửng 100 ml nước cốt dừa, 2 thìa canh đường, xới cho nước cốt dừa thấm đều vào xôi rồi đậy nắp hấp thêm 10 phút nữa.

Bước 3: Làm muối vừng ăn kèm

Cho vào cối 1 thìa canh đậu phộng rang rồi giã nhuyễn, tiếp đến cho vào thêm 1/2 thìa canh muối, 2 thìa canh đường, 1/2 thìa canh vừng rang sau đó dùng thìa trộn đều hỗn hợp là đã hoàn thành phần muối vừng ăn kèm xôi rồi đấy.

Thành phẩm

Xôi sắn chín dẻo thơm mùi nước cốt dừa, ăn bùi béo kết hợp hoà quyện cùng chút vị mặn mặn của muối vừng cực kì hấp dẫn. Bạn có thể thực hiện món này cho bữa sáng của cả gia đình rất đơn giản và ngon miệng.

 

Nhắc đến ẩm thực Việt Nam thì không thể nào không nhắc tới món Xôi. Xôi là món ăn quen thuộc, dân dã nhưng lại có nhiều cách biến tấu khác nhau tùy thuộc vào từng vùng miền. Và với người Hà Nội, xôi sắn mỡ hành là một món ăn bình dị nhưng mang một nét duyên rất riêng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm món xôi sắn mỡ hành để bạn chiêu đãi cả gia đình của mình nhé!

Nguyên liệu làm món xôi sắn mỡ hành

·       2 củ sắn (khoảng 500 g)

·       700 g gạo nếp

·       Thịt mỡ

·       Hành lá; hành tím

·       Lạp xưởng (Không bắt buộc)

Cách làm món xôi sắn mỡ hành

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Với sắn: Lột vỏ, rửa sạch với nước, cắt dọc để loại bỏ phần xơ, sau đó cắt hạt lựu nhỏ bằng đốt ngón tay cái để khi nấu sắn nhanh mềm, rồi bỏ vào ngâm trong nước vo gạo được nêm một ít muối trong khoảng thời gian từ 4-6 tiếng để loại bỏ nhựa độc của sắn.

Với gạo nếp: Ngâm trong nước sạch từ 4-6 tiếng đề gạo đồ được ngon, nếu được ngâm qua đêm sẽ tốt hơn.

Thịt mỡ cắt bỏ phần da và cắt băm nhuyễn. Lạp xưởng cắt nhỏ bằng đốt ngón tay. Hành tím bóc vỏ, cắt lát mỏng. Hành xanh cắt nhỏ, để sẵn.

Bước 2: Chế biến

Sau khi ngâm gạo nếp và sắn, bạn rửa lại bằng nước sạch, để khô ráo. Sau đó trộn hỗn hợp này lại với nhau và cho thêm một muỗng muối vào trộn đều tay tiếp.

Bắc chảo, cho thịt mỡ vào, chiên tới khi thành tóp mỡ thì vớt ra, phần mỡ chảy đã ra tận dùng để phi hành tím.

Tiếp tục cho phần lạp xưởng vào đảo tới khi chín rồi vớt ra để riêng. .

Phần mỡ còn lại trong chảo đang sôi, bạn cho phần hành lá đã chuẩn bị vào và cho thêm 1 thìa nước mắm ngon, sau đó trút phần tóp mỡ đảo nhanh và tắt bếp.

Bước 3: Nấu xôi sắn

Cho gạo và sắn vào hấp chín mềm, hoặc bạn cũng có thể cho vào nồi cơm điện nấu như cơm bình thường.

Thành phẩm

Múc xôi ra dĩa, rưới ngay mỡ hành lên bề mặt xôi, cho lạp xưởng và hành phi lên là hoàn thành một phần xôi sắn tỏa hương thơm lừng hấp dẫn.

 

Xôi trắng có thể được xem là một món ăn phổ biến ở Việt Nam, là món truyền thống không thể thiếu mỗi dịp lễ Tết giỗ chạp hay nhà có hiếu hỉ. Tuy nhiên để nấu ra được một nồi xôi ngon, dẻo và bóng mượt thì không phải là chuyện đơn giản, nếu bạn chưa nắm được cách nấu xôi trắng ngon thì có thể tham khảo bài chia sẻ sau của chúng tôi!

Các nguyên liệu cho món xôi trắng

·       Gạo nếp loại ngon: 300 g

·       Gia vị: Dầu ăn, muối iot

Cách nấu món xôi trắng

Bước 1:

Sau khi mua được loại gạo nếp ngon với hạt gạo trắng đục, bóng mẩy, to đều thì bạn đêm về vo sạch rồi ngâm nước ấm trong khoảng 3 tiếng. Lưu ý là bạn nên cho một chút muối vào ngâm cùng với gạo nếp để xôi nấu ra có hương vị đậm đà hơn.

Bước 2:

Ngâm gạo sau 3 tiếng đồng hồ, bạn đổ bỏ nước đi rồi vo gạo lại một lần nữa cho sạch. Xong xuôi, bạn cho gạo nếp ra rổ cho thật ráo nước.

Bước 3:

Bạn bắc chõ đồ xôi lên bếp, cho nước vào bên dưới, bật bếp đun sôi lên. Khi nước sôi và gạo nếp cũng đã ráo, bạn rải đều từng ít gạo một vào trong chỗ đồ xôi. Cách làm này cũng tương tự như cách đồ các loại xôi khác mà thôi. Xong xuôi, bạn đậy nắp chõ xôi lại, hấp chín trong khoảng 30 phút.

Bước 4:

Khi xôi chín, bạn mở nắp chõ xôi ra, dùng đũa đảo tơi lên để hơi nước bên trong bay ra hết, tránh trường hợp hơi nước đọng lại làm cho xôi bị ướt và nhão ra nhé.

Thưởng thức thành phẩm

Khi ăn, bạn xới xôi ra bát hoặc đĩa, trang trí tùy thích rồi ăn kèm với ruốc thịt, thịt kho, thịt xá xíu… hay muối lạc vừng cũng sẽ rất ngon đấy. Bạn nên ăn xôi lúc còn nóng thì hạt xôi mới mềm dẻo, thơm ngon nhất.

 

Kinh nghiệm để nấu xôi trắng ngon

- Chọn loại gạo nếp ngon: Khi mua bạn nên chọn loại gạo nếp đều hạt, có màu trắng đục, căng bóng và không bị gãy. Tuyệt đối không nên mua loại gạo có màu quá trắng vì đó chính là gạo đã được xay xát quá kỹ làm mất đi lớp cám chứa các chất dinh dưỡng.

- Ngâm gạo đúng cách: Tùy vào từng loại gạo, thời gian ngâm sẽ khác nhau, tuy nhiên bạn nên ngâm gạo với nước trong vòng 6 - 8 tiếng là được. Tuyệt đối không ngâm lâu hơn vì khi đó gạo sẽ bị chua, khi nấu sẽ bị bở nát không ngon.

- Cho gạo vào nồi bằng tay: Bạn dùng tay bốc từng nắm gạo cho vào nồi thay vì đổ cả thau gạo vào như cách thông thường, điều này giúp cho các hạt gạo được rải đều vào nồi, tránh tình trạng lớp trên khô và lớp giữa nhão.

- Canh lượng nước chuẩn: Lượng nước dưới nồi hấp nên chiếm khoảng 1/3 dung tích nồi, lượng nước này vừa đủ làm mềm xôi nhưng cũng không quá nhão. 

- Thời gian hấp xôi: Thời gian hấp xôi chuẩn là khoảng 30 đến 40 phút. Để có nồi xôi ngon, cứ 10 phút bạn nên mở nắp một lần để lau khô hơi nước trong nồi. Bạn cho nước vào nấu sôi trước và đợi khi nhiệt độ sôi tăng cao mới bắt đầu đặt xửng lên hấp. Lúc này, nên giữ nhiệt độ ổn định vì nếu tăng cao sẽ dễ khiến xôi bị cháy khét còn quá nhỏ sẽ làm xôi bị nhão.

- Rưới dầu ăn hoặc mỡ lên xôi giúp xôi bóng mượt hơn: Bước cuối cùng để hoàn thiện món xôi trắng ngon là rưới một chút dầu ăn hay mỡ gà và đảo đều. Xôi sẽ có độ căng bóng, mềm mượt.

Xôi là món ăn rất quen thuộc với người Việt, đơn giản, dễ nấu lại được rất nhiều người yêu thích. Từng hạt xôi căng mọng, dẻo mềm ăn cùng thịt kho trứng chả đậm vị, rưới nước sốt sánh thơm giúp bữa sáng chắc dạ, ấm bụng vào ngày đông. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm món xôi trắng thịt kho tàu nhé!

Nguyên liệu Xôi trắng thịt kho tàu 

·       800 g gạo nếp cái hoa vàng

·       700 g thịt ba chỉ

·       200 g chả mỡ hoặc chả quế

·       4 - 5 quả trứng

·       4 củ hành khô

·       Gia vị: Mắm, muối, đường, nước hàng, hạt nêm, hạt tiêu, chanh

·       Ăn kèm: Hành phi, dưa góp

·       Dầu ăn

Cách làm Xôi trắng thịt kho tàu

Bước 1: Đồ xôi

Gạo nếp vo sạch rồi ngâm nước xâm xấp, thêm chút muối hạt rồi ngâm từ 6 - 8 tiếng cho hạt nếp ngậm no nước. Sau đó trút gạo ra rổ, xả nước rửa nhẹ nhàng, để ráo nước. Việc này giúp cho xôi khi đồ sẽ căng mọng, dẻo mềm. 

Đồ xôi hai lần là bí quyết giúp xôi dẻo mềm, căng bóng. Lần 1, đun sôi nước, cho gạo nếp vào chõ dàn đều ra, chọc mấy lỗ to để thoát nhiệt, thông khí rồi đồ xôi. Dùng vải màn hoặc khăn xô to sạch phủ kín để nước không đọng, chảy xuống làm nhão xôi. Thỉnh thoảng mở nắp ra ngoài để chảy bớt phần hơi nước bốc lên, xới cho xôi chín đều. 

Sau 30-35 phút khi xôi chín 80% lấy ra, tãi đều trên mẹt rồi hong cho nguội. Việc này giúp hạt xôi ''hồi lại'', khi đồ tiếp lửa 2 sẽ dẻo mềm dù để lâu. Nếu đồ nhiều thì khâu này chia xôi đã nguội vào các hộp tương đương mỗi bữa sang rồi đem trữ đông. 

Lần 2: Trước tiên, vẩy chút nước lạnh nhẹ đều, đánh cho xôi tơi ra rồi cho lên chõ đồ thêm 15-20 phút. Lúc này hạt xôi hút đẫy nước trở nên dẻo mềm, căng bóng là được. 

Bước 2: Làm thịt kho trứng, chả (nên kho trước lửa 1)

Thịt ba chỉ cạo rửa sạch, áp chảo phần bì rồi cắt miếng to bao diêm, chần sơ rồi rửa sạch cho hết tạp chất. Tùy khẩu vị mà kho thịt kèm chả quế, chả mỡ hoặc chả lụa đều ngon. Ướp thịt với chút mắm, muối, đường, hạt tiêu cho thấm vị. Thịt kho 2 lần lửa sẽ đượm màu đượm vị. Ban đầu, bật bếp đảo cho thịt săn lại giúp gia vị ướp ngấm vào trong thớ thịt. Trút nước nóng vào xâm xấp bề mặt rồi đun sôi, hớt bỏ bọt nếu có rồi hạ lửa nhỏ kho liu riu. Trứng gà luộc chín, bóc vỏ, rán xém vàng. Phần chả mỡ chiên sơ cho se bề mặt. Cho trứng và chả mỡ vào kho cùng. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Sau khoảng 20 phút tắt bếp, để nguội cho ''thịt hồi'' giúp thịt, trứng, chả đượm màu hơn khi kho lửa 2. Trước khi ăn kho tiếp lửa 2 cho tới khi thịt mềm, trứng và chả ngấm vị, chuyển màu hổ phách, nước kho hơi sánh là được.

Bước 3: Làm hành phi (nên làm sẵn trước)

Hành bóc vỏ, thái đều tay. Thử độ nóng của dầu (sủi tăm đầu đũa là đạt) mới cho hành vào để yên, thỉnh thoảng đảo nhẹ tay cho hành chín đều. Khi hành chiên se lại, hơi ngả màu vàng chanh, đạt khoảng 80% tắt bếp, vớt nhanh ra để vào giấy thấm dầu, dàn đều. Hành lúc này vẫn chín tiếp do còn nhiệt. Khi nguội, hành sẽ vàng và giòn rụm. Mỡ hành để riêng dùng cho các món xôi lúa, xôi xéo rất ngon. 

Bước 4: Làm dưa góp

Dưa chuột rửa sạch, để nguyên vỏ,  cắt miếng vừa ăn, thêm chút muối ướp một lúc cho ra nước rồi vắt ráo, việc này giúp dưa giòn hơn. Sau đó, thêm chút đường, giấm (hoặc chanh), tỏi cho vừa vị là được. 

Trình bày và thưởng thức

Múc xôi nóng hổi ra bát, gắp thịt kho chả trứng, rưới nước sốt thịt kho sánh đượm, thêm hành phi và dưa góp và thưởng thức. Một số hàng quán thêm topping phong phú như pate, lạp xưởng tăng thêm hương vị và sự đầy đặn. 

Yêu cầu thành phẩm: Xôi căng bóng dẻo mềm, thịt kho mềm mọng, trứng dai bùi, chả mỡ ngậy thơm, nước sốt kho đậm đà ăn rất hao. Món này thường được nhiều người lựa chọn vào mỗi buổi sáng mùa đông bởi dễ ăn lại chắc dạ, ấm bụng.

 

Chú ý:

Theo kinh nghiệm từ xưa, để có món xôi ngon thì gạo nếp quyết định tới 70%. Nên chọn nếp cái hoa vàng hoặc nếp Tú Lệ, nếp nương Điện Biên, nếp ngỗng, nếp nhung... thổi xôi ít bị hao, hạt đều, bóng đẹp, dẻo thơm.

Vì xôi đồ chín bằng hơi nước nên cần ngâm gạo từ 6 - 8 tiếng tùy theo từng loại để giúp gạo nếp ''ngậm tròn'' nước, khi chín sẽ nở ra dẻo thơm.

Các loại xôi nói chung nên đồ từ 2 - 3 lần lửa là bí quyết vàng để giúp hạt xôi căng bóng, dẻo mềm dù để lâu.

Thịt kho kiểu Bắc thường đi kèm hành khô!

Xôi vò miền Bắc với hương vị thơm ngon và cách làm đơn giản luôn là một món hấp thật ngon mà bà nội trợ nào cũng thích làm. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về cách thực hiện chi tiết như thế nào thì hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món xôi này nhé!

Nguyên liệu làm xôi vò đậu xanh miền Bắc

·       500g nếp

·       300g đậu xanh không vỏ

·       160ml nước cốt dừa

·       100g đường

·       1/2 thìa cà phê muối

·       1 bó lá dứa

Các bước làm xôi vò đậu xanh miền Bắc

Bước 1: Ngâm nếp và đậu xanh

Rửa sạch nếp và ngâm nước có pha 1 thìa cà phê muối trong vòng 3-4 tiếng để nếp nở và dẻo thơm hơn, sau đó bạn đem đi rửa sạch lại rồi để cho thật ráo nước (có thể dùng khăn ăn để thấm cho khô nhanh hơn), nếp phải thật ráo thì nấu xôi mới không bị nhựa, nhão.

Đậu xanh bạn cũng đem ngâm nước khoảng 3-4 tiếng rồi đem đi rửa sạch.

Lưu ý:
- Nên chọn nếp có hạt dài, đều, trắng và căng bóng thì khi nấu xôi mới ngon.
- Nếu không có nhiều thời gian thì bạn ngâm nếp trong nước ấm khoảng 1 tiếng là được.
- Khi rửa nếp bạn hạn chế vo để hạt nếp được giữ nguyên vẹn, không bị gãy.

Bước 2: Hấp đậu xanh

Cho đậu xanh vào nồi hấp chín cùng với vài nhánh lá dứa để dậy mùi thơm hơn, thông thường thời gian để đậu chín mềm, nhừ là khoảng 30-40 phút. Cách khoảng 5-10 phút bạn mở nắp xới đậu để đậu được chín đều hơn nhé.

Để kiểm tra xem đậu chín hay chưa thì bạn dùng ngón tay bóp thử hạt đậu, nếu như hạt đậu nát nhừ ra như bột thì đậu đã chín.

Bước 3: Xay đậu xanh

Lúc xưa khi chưa có máy xay thì người ta sẽ giã phần đậu cho nhuyễn, còn bây giờ mình sẽ sử dụng máy xay để nhanh và đỡ cực hơn. Bạn xay đậu cho nhuyễn thành bột như hình dưới là được nha.

Bước 4: Trộn đậu xanh với nếp

Trộn phần nếp đã để ráo nước với đậu xanh xay nhuyễn và 1/2 thìa cà phê muối, bạn nhớ chừa lại một ít đậu xanh (khoảng 100g) để trộn lúc xôi chín nha.

Bước 5: Hấp xôi

Tiến hành hấp xôi, bạn lưu ý đổ nước khoảng 2/3 nồi thôi vì nếu quá nhiều nước thì xôi sẽ dễ bị nhão, nhớ cho thêm vài cọng lá dứa vào để xôi có hương thơm hơn nhé.

Trong lúc chờ xôi chín bạn lấy nước cốt dừa đem lên bếp đun cho sôi nhẹ lên vì nếu xôi đang nóng mà bạn cho nước cốt dừa nguội, lạnh vào thì xôi sẽ không ngon.

Bước 6: Trộn nước cốt dừa vào xôi

Sau khi hấp được 20 phút, bạn mở nắp ra và chế 1/2 lượng nước cốt dừa vào, trộn đều lên rồi đậy nắp hấp tiếp thêm 20 phút nữa rồi lại mở ra và trộn nước cốt vào và lại hấp thêm 10 phút nữa. Bạn nên cho nước cốt dừa vào từ từ và trộn đều tay chứ đừng đổ hết một lượt nếu không xôi sẽ bị nhão đấy.

Bước 7: Trộn đường, đậu xanh vào xôi

Sau khi xôi chín, bạn nhấc xôi xuống, đổ ra mâm và trộn ngay đường vào, trộn từ từ để cân chỉnh khẩu vị cho vừa phải nhé. Sau khi trộn đường xong thì bạn trộn phần đậu xanh vào luôn là xong.

Thành phẩm

Xôi vò đạt chuẩn phải khô ráo, tơi thì khi vò trong lá chuối mới thành một viên đẹp mắt như vậy.

Từng hạt xôi bên ngoài phủ lớp áo đỗ xanh vàng mơ mịn màng, bọc lấy từng hạt nếp căng mẩy, dẻo mềm bên trong được ví như  ‘kim bao ngân’ (vàng bọc bạc) là vì thế. Khi ăn vị bùi bùi, dẻo dẻo, chút ngọt nhẹ hài hòa cuốn vị.

 

Xôi vò hạt sen là món ăn dân dã, phổ biến cho các bữa sáng bởi vì gọn nhẹ, ngon miệng.
Làm xôi vò hạt sen nói dễ thì không dễ, mà khó thì cũng chưa hẳn. Nếu như bạn biết được cách làm và một số bí quyết nhỏ mà mình mách ngay tại bài viết này thì đảm bảo làm lần nào cũng thành công. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm món xôi vò hạt sen nhé!

Nguyên liệu làm xôi vò hạt sen

·       400 g gạo nếp

·       150 g đậu xanh đã tách vỏ

·       100 g dừa tươi nạo sợi (1 chén)

·       100 g hạt sen tươi

·       Gia vị: Dầu ăn, muối hạt

Cách làm xôi vò hạt sen

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Nếp sau khi mua về bạn vo sạch qua 1-2 nước rồi ngâm trong vòng 5 tiếng.

Đậu xanh mua về bạn rửa qua nước sạch rồi ngâm đậu trong nước ấm khoảng 3 tiếng. Sau đó bạn rửa đậu sạch đến khi nước trong thì được.

Hạt sen bạn luộc sơ để bỏ nước chát và rửa sạch lại.

Bước 2: Hấp đậu xanh

Bạn cho hết đậu xanh vào nồi hấp trong khoảng 15 phút. Sau đó bạn cho ra chén, dùng một cái vá dầm đậu được nhuyễn mịn.

Bước 3: Hấp xôi

Đầu tiên bạn cho vào nếp ½ muỗng cà phê muối hạt, đậu xanh đã xay, hạt sen, dừa tươi nạo sợi, trộn đều lên.

Tiếp theo bạn cho vào xửng hấp trong vòng 20 phút.

Sau khi xôi chín bạn cho vào khoảng 4-5 muỗng canh dầu để xôi bời rời và hạt xôi được bóng hơn. Sau đó bạn đậy nắp lại và hấp thêm 10 phút nữa.

Cuối cùng bạn cho ra dĩa là có thể thưởng thức.

Thành phẩm

Món này bạn có thể thêm một ít hành phi bên trên để món ăn thêm thơm ngon, đậm vị nhé. Nếu bạn là người thích ăn xôi ngọt nhưng không thích loại xôi quá khô ráo như kiểu của người miền Nam thì hãy thử làm cách này nhé. Xôi vò hạt sen theo công thức trên có phần ít ngọt, béo và ướt hơn.

 

Đặc trưng nổi bật của món xôi này chính là những hạt xôi rời rạc không dính vào nhau như các món xôi thường thấy. Nhưng nó vẫn có cái vị dẻo của gạo nếp, vị bùi bùi của đậu xanh cùng mùi thơm và cái béo quyến rũ của nước cốt dừa, đơn giản thế thôi nhưng ăn rồi thì bạn lại muốn ăn thêm nữa đó.
Món xôi vò luôn được yêu thích bởi sự dẻo thơm, béo ngậy vừa phải cùng màu sắc đẹp mắt. Vậy, làm thế nào để học cách nấu xôi vò miền Nam ngon tại nhà, vị chuẩn như ngoài quán? Bài viết dưới đây, chún tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết từng bước làm xôi vò kiểu miền Nam.

Nguyên liệu làm xôi vò miền Nam

500g nếp bắc

2 thìa cà phê muối

700ml nước cốt dừa

300g đậu xanh không vỏ

100g đường

Cách làm xôi vò miền Nam

Bước 1: Ngâm nếp

Đầu tiên bạn cho muối vào nếp để giúp món xôi sau khi nấu được đậm đà hơn, không quá ngọt gắt. Tiếp đó bạn cho 600ml nước cốt dừa vào nếp, để lại 100ml nước cốt dừa. Sau đó bạn trộn đều sao cho nước cốt dừa và nếp hoà vào nhau, muối tan hết. Bạn ngâm nếp trong 5 tiếng.

Lưu ý: Do trong hỗn hợp nếp đã được thêm muối nên bạn không cần lo nước cốt dừa bị hư nếu ngâm lâu nhé.

Bước 2: Ngâm đậu xanh

Đậu xanh mua về bạn rửa qua với nước sạch rồi cho nước vào ngập đậu ngâm qua đêm hoặc 3-4 tiếng.

Bước 3: Hấp đậu xanh

Bạn cho hết phần đậu xanh đã ngâm vào một nồi hấp. Tiếp sau đó bạn dàn đều đậu ra, khoét vài lỗ trên bề mặt đậu để hơi nước thoát lên dễ dàng giúp đậu chín đều hơn, sẽ không có hạt bị sượng.

Bạn đậy nắp lại và hấp trong 40 phút với lửa vừa.

Bước 4: Xay đậu xanh

Bạn cho tất cả đậu đã hấp ra một cái rổ để đậu nhanh nguội. Sau khi đậu nguội bạn cho đậu vào máy xay xay đến khi đậu nhuyễn mịn là được.

Mẹo hay: Nếu bạn không có máy xay thì bạn có thể dùng chày và cối để nghiền.

Bước 5: Trộn đậu xanh vào nếp

Nếp sau khi đã ngâm đủ thời gian, bạn đổ ra một cái rổ để nếp ráo hết nước cốt dừa trong khoảng 20 phút.

Sau đó bạn cho ½ đậu xanh vào nếp, trộn đều lên.

Bước 6: Hấp xôi

Bạn cho phần nếp và đậu xanh vừa trộn vào nồi hấp, dàn đều ra và khoét vài lỗ trên bề mặt để hơi nước thoát lên dễ dàng hơn giúp xôi chín đều. Bạn đậy nắp lại và hấp trong vòng 35 phút. Lúc này bạn dùng 1 cái khăn đủ to bọc nắp nồi lại để hơi nước không rơi xuống nếp làm xôi bị nhão.

Sau 35 phút, bạn mở nắp ra và ăn thử xem xôi đã chín chưa. Hoặc bạn có thể nhìn vào hạt xôi, nếu hạt xôi đã trong thì xôi chín, nếu hạt xôi còn đục thì xôi vẫn sống.

Bước 7: Trộn nước cốt dừa, đậu xanh vào xôi

Bạn cho phần xôi ra một cái khay. Sau đó bạn dùng 100g đường cho vào 100ml nước cốt dừa còn lại, khuấy tan đường rồi rưới từ từ hỗn hợp lên xôi.

Cuối cùng bạn cho ½ đậu xanh xay vào nếp và trộn đều lên. Rồi bạn cho phần xôi này vào nồi hấp trong vòng 10 phút nữa.

Thành phẩm

Bạn có thể nấu món xôi vò chuẩn vị miền Nam này cho bữa ăn hàng ngày, ăn vặt, hay trong các đám tiệc lớn nhỏ đều thích hợp nhé. Mỗi khi nấu xong bạn sẽ ngửi ngay được mùi thơm ngào ngạt của nước cốt dừa và thấy được màu vàng hấp dẫn của đậu xanh.

 

Xôi vò nước cốt dừa với hương vị thơm ngon, bùi béo nên được rất nhiều người Việt Nam yêu thích và thưởng thức thường xuyên. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dãn bạn làm món xôi này nhé!

Nguyên liệu làm xôi vò nước cốt dừa

·       400 g nếp

·       200 g đậu xanh có vỏ

·       Nghệ phơi khô

·       250 ml nước cốt dừa cream

·       Gia vị: Dầu ăn, muối, đường

·       Nguyên liệu làm xôi vò nước cốt dừa

Cách làm xôi vò nước cốt dừa

Bước 1: Ngâm đậu xanh

Đầu tiên bạn cần rửa sạch đậu xanh qua nhiều nước để loại bỏ bụi bẩn, sâu mọt, hạt hư đi. Bạn cho nhiều nước vào ngập đậu và ngâm trong vòng 6 giờ. Lúc này vỏ đậu đã tách ra, bạn chỉ cần dùng tay nhẹ nhàng vo như vo gạo để đãi lớp vỏ xanh bên ngoài.

Bước 2: Làm ráo đậu xanh

Bạn cho đậu xanh đã đãi vỏ ra một cái rổ để ráo nước trong vòng 20 phút.

Kinh nghiệm:
- Để đậu xanh nhanh khô hơn, bạn dùng khăn giấy ăn thấm vào đậu để giấy hút hết nước trong đậu đi nhé.
- Bạn nhớ hãy làm đậu xanh thật ráo nước, để khi nấu xôi sẽ không bị nhão, dính cục mà tơi xốp, bời rời.

Bước 3: Hấp đậu xanh

Cho một nồi hấp lên trên bếp, đổ vào một lượng nước là nửa nồi rồi nấu sôi ở lửa lớn.

Bạn cho ⅓ muỗng cà phê muối vào đậu xanh, trộn đều lên. Việc này giúp món xôi được đậm đà hơn, không quá ngọt gắt.

Khi nước đã sôi, bạn cho đậu xanh vào nồi hấp. Sau đó bạn xếp một tấm vải mỏng thành 3 lớp và đậy trên mặt đậu xanh để khi nấu nước trên nắp nồi sẽ không làm nhão đậu.

Sau khi hấp chín, bạn lấy đậu ra ngoài và để cho thật nguội.

Lưu ý:
- Nếu xửng của nồi hấp có lỗ quá to, bạn có thể dùng một tấm vải mỏng lót lên để đậu và nếp không bị lọt xuống nhé. 
- Nếu nồi hấp của bạn có 2 tầng thì hãy hấp ở tầng 2 (tầng cao gần nắp nhất) để hạn chế việc nước sôi dưới nồi quá nóng, hơi nước quá nhiều làm đậu bị sũng nước. 
- Khi hấp đậu xanh xong bạn lập tức lấy ra khỏi nồi, không để trong nồi vì hơi nước bốc lên sẽ làm đậu bị sũng nước.

Bước 4: Chiên nghệ

Bạn cho vào chảo 3 muỗng canh dầu ăn, tiếp đó bạn cho 4-5 miếng nghệ phơi khô vào để tạo màu cho xôi và chiên nghệ trên lửa nhỏ nhất trong khoảng 7 phút để nghệ từ từ ra màu và không bị khét.

Bước 5: Xay đậu xanh

Bạn cho hết đậu xanh vào máy xay và xay thật nhuyễn. Sau đó bạn để đậu xanh nguội hoặc có thể cho vào tủ lạnh để đậu xanh mau nguội và rời rạc hơn.

Bước 6: Cho nếp vào quay trong lò vi sóng

Vì chúng ta không ngâm nếp nên phải dùng đến lò vi sóng để giúp nước cốt dừa ngấm vào nếp và cũng để nước cốt dừa nhanh rút hơn.

Bạn vo sạch 400g nếp rồi đổ ra một cái rây hoặc rổ để ráo hết nước. Bạn cho nếp ra tô rồi cho nước cốt dừa vào và trộn đều.

Sau đó bạn dùng màng bọc thực phẩm (loại cho phép dùng trong lò vi sóng). Sau đó bạn cho nếp vào quay trong lò vi sóng trong vòng 3 phút.

Bước 7: Hấp xôi

Sau khi lấy nếp từ lò vi sóng ra, bạn trộn đều lên. Sau đó cho nếp vào xửng hấp, cho 2 muỗng canh dầu nghệ đã làm vào và trộn đều giữa nếp và màu nghệ. Việc làm này giúp hạt nếp được bời rời và lên màu đều, đẹp hơn. Tiếp ngay sau đó bạn cho ½ đậu xanh xay vào và dùng đũa trộn lên trong khoảng 3 phút nữa.

Trước khi hấp, bạn dùng đũa đâm vào nếp tạo thành những lỗ thông hơi trên bề mặt giúp hơi nước thoát lên dễ dàng, xôi sẽ chín đều hơn. Và cũng cần lưu ý nên hấp trên tầng 2 để xôi không bị sủng nước nhé.

Tiếp theo bạn cũng làm như hấp đậu xanh, bạn gấp một tấm vải mỏng làm 3 và đặt trên bề mặt xôi để nước trên nắp nồi rơi xuống không làm ướt, nhão xôi.

Bạn bật lửa lên và hấp trong khoảng 20 phút.

Bước 8: Trộn đậu xanh vào xôi

Bạn lấy đậu xanh vừa hấp ra, để nguội 5 phút rồi trộn với 1 muỗng canh đường, ½ đậu xanh xay còn lại.

Lưu ý: Bạn không nên trộn đường vào xôi ngay khi xôi còn nóng vì làm vậy xôi sẽ bị chảy ra.

Thành phẩm

Đây là cách làm vừa nhanh vừa giúp bạn có được món ngon chuẩn miền Tây.

 

Xôi xéo là một món ăn phổ biến và quen thuộc đối với người dân Hà Nội. Ngày nay, bạn có thể thưởng thức món xôi xéo thơm ngon từ đất Bắc ngay tại nhà, chỉ cần sử dụng công thức đơn giản từ các nguyên liệu như nếp, đậu xanh, hành phi,... và chiếc nồi cơm điện quen thuộc.

Khi nhìn vào món xôi xéo đã hoàn thành, bạn sẽ thấy những hạt nếp mềm mịn kết hợp với vị bùi của đậu xanh, hương thơm của hành phi và mùi mằn mặn của chà bông. Chính vị hương này đã làm cho xôi xéo trở thành một đặc sản đặc trưng khó quên của thủ đô Hà Nội.

Nguyên liệu làm Xôi xéo (Cho 3 người ăn)

·       Gạo nếp 500 g 

·       Đậu xanh xát vỏ 200 g 

·       Thịt ba chỉ 500 g 

·       Trứng gà 5 quả 

·       Bột nghệ 10 g 

·       Hành tím 100 g 

·       Mỡ lợn 50 g 

·       Gia vị thịt kho 1 thìa cà phê 

·       Gia vị thông dụng 1 ít (Muối/ đường/ tiêu xay)

Cách chế biến Xôi xéo

Bước 1: Làm hành phi

Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng. Cho mỡ lợn vào nồi rồi nấu trên lửa vừa sôi, tiếp đến bạn cho hành vào đảo, thấy mỡ tóp lại và ngả hơi vàng thì tắt bếp.

Tiếp theo, bạn vớt hành ra giấy thấm dầu và lọc phần nước mỡ để riêng.

Bước 2: Nấu xôi

Gạo nếp vo thật sạch đến khi nước trong. Ngâm gạo cùng 1 thìa cà phê muối và 10g bột nghệ trong nước từ 6 - 8 tiếng. Sau đó, vớt gạo nếp ra để ráo nước.

Kế đến, bạn trải khăn vào nồi cơm điện, đổ nước vào nồi. Bật chế độ hấp, sau 30 phút kiểm tra thấy xôi chín dẻo là được, lúc xôi gần chín thì bạn cho thêm một ít nước mỡ lúc phi hành cho xôi béo hơn.

Bước 3: Hấp đậu xanh

Đậu xanh rửa thật sạch, cho 1 thìa cà phê muối vào đậu xanh và ngâm trong nước khoảng 2 - 3 tiếng thì vớt ra, để ráo.

Tiếp theo, cho đậu xanh vào nồi cơm điện, đổ nước vào nồi để chế độ hấp. Sau khi hấp được 20 phút thì lấy ra, dùng thìa nghiền nát. Thêm 5 thìa mỡ từ hành phi vào, trộn đều, nắm tròn lại, khi ăn sẽ dùng dao bào mỏng.

Bước 4: Làm thịt kho ăn kèm

Thịt ba chỉ bạn rửa sạch, cắt thành những miếng bằng 2 ngón tay, ướp cùng 1 thìa cà phê gia vị thịt kho trong 30 phút.

Cho thịt vào nồi áp suất và hầm trong khoảng 30 phút rồi mở nắp ra, cho trứng gà đã luộc chín vào và hầm thêm 10 phút nữa. Cuối cùng, bạn nêm nếm lại cho vừa ăn.

Thành phẩm

Khi hoàn thành thì bạn đã có ngay món xôi xéo gạo nếp rồi. Bày ra dĩa hoặc mẹt có lót lá chuối xanh, cắt đậu xanh lên trên, rắc hành phi và ăn cùng thịt kho. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được hạt nếp mềm dẻo thơm, thịt lợn vừa ăn rất ngon.

 

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn