Thứ ba, Ngày 17/09/2024 (Âm lịch: 15/08/2024)T3, 17/09/2024 (ÂL: 15/08/2024)
Tìm kiếm
MÓN ĂN \ BÁNH \ BÁNH ĐÚC

Nếu bạn yêu thích lối sống thanh đạm thì bánh đúc chay là gợi ý hoàn hảo dành riêng cho bạn đấy!
Món bánh đúc chay thơm ngon, nóng hỏi sẽ làm siêu lòng bạn đặc biệt là những ngày trời se lạnh. Bánh nóng hổi dẻo thơm ăn cùng nước mắm chua ngọt thì thật là tuyệt. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh đúc này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh đúc chay (Cho 4 người ăn)

·       Bột gạo 400 g 

·       Nấm bào ngư băm nhỏ 1 chén 

·       Nấm đùi gà băm nhỏ 1 chén 

·       Nấm rơm băm nhỏ 1 chén 

·       Hạt nêm chay 3 thìa cà phê 

·       Ớt 1 thìa cà phê 

·       Dầu ăn 1 chén 

·       Nước lọc 9 chén

Cách chế biến Bánh đúc chay

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đối với nắm rơm bạn dùng dao nhọn cạo nhẹ ở gốc, cắt bỏ thật sạch phần gốc nấm, nấm rơm sẽ sạch và tròn trịa hơn.

Tiếp đó, bạn đem nấm ngâm với nước muối pha loãng trong vòng 10 phút rồi rửa lại với thật nhiều nước. Nấm sẽ trắng và hết nhớt, loại bỏ hết vài chất độc.

Sau khi nấm rơm đã rửa sạch, băm nhỏ.

Tương tự với nấm đùi gà và nấm bào ngư, cắt sạch chân, ngâm nấm qua nước muối pha loãng khoảng 10 phút sau đó rửa lại thật sạch với nước và vắt nấm cho thật ráo nước vì khi vắt sẽ giúp đẩy nước thừa ra khỏi nấm.

Bạn cũng băm nhỏ phần nấm bào ngư và nấm đùi gà ra.

Bước 2: Làm nhân bánh đúc chay

Bắc chảo lên bếp, lửa vừa. Cho vào chảo khoảng 1 thìa canh dầu ăn, sau đó cho lần lượt các loại nấm vào, đảo đều.

Nêm nếm thêm 2 thìa cà phê hạt nêm, đảo đều liên tục cho phần gia vị thấm vào nấm. Nấm sau khi chín cho vào chén, tắt bếp.

Bước 3: Nấu bánh đúc nóng

Cho vào nồi 2 chén (loại chén ăn cơm) bột gạo đầy cùng với 9 chén nước sau đó dùng đũa khuấy đều cho phần bột tan vào nước.

Bắc nồi lên bếp, đảo đều liên tục phần bột, sau đó cho vào nồi 1/2 thìa cà phê hạt nêm, khuấy đều.

Phần bột bắt đầu sệt, cho vào nồi 1 chén dầu ăn để phần bánh đúc được béo hơn.

Khi đổ dầu ăn vào sẽ thấy bột bị loãng và tách ra nhưng không sao nhé. Bạn vẫn cứ khuấy đều liên tục bột sẽ kết dính lại.

Đến khi phần bột chín và bắt đầu có màu trắng trong thì tắt bếp. Sau đó vẫn tiếp tục khuấy để hỗn hợp bột và dầu kết dính lại với nhau khoảng 2 - 3 phút thì ngừng tay.

Lưu ý: Khi nấu bột luôn phải đảo đều liên tục phần bột trên lửa nhỏ để tránh bột bị vón cục và cháy khét ở phần đáy nồi.

Bước 4: Pha nước mắm

Sử dụng nước mắm chay để làm nước chấm. Cho thêm khoảng 1 thìa cà phê ớt băm để nước chấm có độ cay nhẹ. Đổ nước chấm ra chén để dùng kèm với bánh đúc.

Thành phẩm

Món bánh đúc nóng hổi, mềm, dẻo từ bột gạo ăn cùng với nấm giòn giòn kèm theo tí nước mắm cay làm nên một chén bánh đúc chay vô cùng hấp dẫn cho những ngày se lạnh.

Món bánh đúc chay kiểu Miền Nam vừa mềm vừa dẻo, ăn rất ngon và có nhiều dinh dưỡng. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh đúc này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh đúc chay kiểu miền Nam (Cho 4 người ăn)

·       Bột gạo 260 g 

·       Bột năng 20 g 

·       Nước cốt dừa 400 ml 

·       Củ cải muối 1 củ 

·       Đậu phụ trắng 4 miếng 

·       Nước nóng 500 ml 

·       Rứa 100 g 

·       Nấm bào ngư 100 g 

·       Cà rốt 1 củ 

·       Củ sắn 1 củ(củ đậu) 

·       Hành lá 3 nhánh 

·       Giá đỗ 1 ít 

·       Rau thơm các loại 1 ít 

·       Giấm 2 thìa canh 

·       Dầu ăn 1 thìa cà phê 

·       Đường phèn 25 g 

·       Gia vị thông dụng 1 ít

Cách chế biến Bánh đúc chay kiểu miền Nam

Bước 1: Khuấy bột

Đầu tiên bạn cho vào nồi 260g bột gạo, 20g bột năng, 400ml nước cốt dừa, 500ml nước nóng, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê dầu ăn. Khuấy đều và để yên khoảng 15 phút cho bột nở.

Bước 2: Sơ chế cà rốt

Cà rốt bạn rửa sạch bào bỏ vỏ rồi cắt làm đôi, sau đó dùng 1 nửa đem bào sợi nhỏ rồi cho vào chén. Thêm vào chén 1 thìa canh giấm, 1 thìa canh đường, 1/4 thìa cà phê muối, 30ml nước lọc. Ngâm cà rốt trong 10 phút.

Lấy nửa củ cà rốt còn lại đem thái thành hạt lựu nhỏ để làm nhân bánh.

Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu còn lại

Hành lá cắt bỏ rễ, rửa sạch rồi đem thái nhỏ.

Tiếp đến, bạn lấy củ cải muối rửa qua với nước cho bớt mặn rồi đem cắt thành hạt lựu nhỏ.

Củ đậu (củ sắn) lột bỏ vỏ, đem cắt thành hình hạt lựu nhỏ. Nấm bào ngư bạn mang ngâm với nước muối loãng, sau đó rửa sạch lại với nước. Bóp nấm cho ráo nước rồi mang cắt thành hạt lựu nhỏ vừa ăn.

Giá đỗ bạn rửa sạch nồi mang trụng với nước sôi trong 2 - 3 phút cho vừa chín tới. Cho giá ra đĩa để nguội. Rau thơm các loại bạn nhặt lá bỏ cọng, rửa sạch với nước rồi để ráo.

Đậu phụ sau khi mua về bạn rửa sơ với nước. Tiếp đến bạn dùng giấy ăn thấm nhẹ phần nước bên ngoài đậu phụ cho khô, tiếp đến bạn cắt đậu phụ thành từng miếng mỏng.

Cho vào chảo 2 thìa canh dầu ăn, đun dầu đến khi nóng già thì cho 1 ít hành lá vào phi thơm vàng. Tiếp đến bạn cho từng miếng khuôn đậu vào chiên với lửa vừa đến khi mặt đậu vàng giòn thì trở mặt. Tiếp tục chiên đến khi đậu vàng ươm 2 mặt thì cho ra đĩa.

Cắt đậu phụ thành hạt lựu nhỏ để chuẩn bị mang xào.

Bước 4: Hấp bánh

Đặt xửng hấp lên bếp, thêm vào nồi hấp khoảng 500ml nước. Đun nước đến khi nước sôi để chuẩn bị hấp bánh.

Sau khi ủ bột 15 phút, bạn cho phần bột lên bếp. Mở lửa lớn và dùng phới lồng hoặc đũa khuấy đều phần bột lắng dưới đáy nồi lên.

Khi phần bột hơi nặng tay một chút thì bạn hạ lửa vừa và tiếp tục khuấy đều cho phần bột đặc và sệt lại thì tắt bếp.

Cho 1 thìa dầu ăn vào khuôn bánh, dùng giấy ăn lau dầu ăn quanh khuôn để khi hấp bánh không bị dính vào khuôn. Tiếp đến bạn đổ phần bột bánh vào, chừa lại 2 - 3 thìa canh bột lại cho phần nhân bánh sau.

Cho khuôn vào xửng hấp, dùng một chiếc khăn bọc nắp nồi lại để tránh nước nhỏ vào bánh khi hấp trong 25 - 30 phút cho bánh chín. Trong thời gian chờ bánh chín mình cùng đi xào nhân bánh nhé.

Bước 5: Xào nhân

Cho vào chảo 2 thìa canh dầu ăn, khi dầu nóng bạn thêm cà rốt, củ sắn và củ cải muối cắt nhỏ vào đảo đều. Thêm vào chảo 1/2 thìa cà phê bột nêm chay cùng 1/2 thìa cà phê đường và xào nhân với lửa trung bình.

Khi cà rốt và củ sắn hơi trong bạn cho nấm bào ngư cắt nhỏ vào đảo đều trong 2 - 3 phút với lửa vừa. Cuối cùng bạn thêm phần đậu phụ chiên cắt nhỏ vào đảo với lửa trung bình trong 2 - 3 phút. Tắt bếp và cho phần hành lá cắt nhỏ cùng 1 ít tiêu xay vào đảo đều là xong phần nhân bánh.

Bánh sau khi hấp khoảng 25 phút, bạn dùng que tăm tre xiên vào bánh. Nếu que không dính bột trắng thì tức là bánh đã chín.

Lúc này bạn dùng phần bột chừa lại hồi nãy phết đều lên mặt bánh rồi cho phần nhân vào mặt bánh. Dùng thìa ém chặt nhân rồi hấp bánh trong 5 - 7 phút nữa thì tắt bếp.

Bước 6: Làm nước chấm

Cho vào nồi 100ml nước, thêm vào 25g đường phèn cùng 1 thìa cà phê muối và 100g rứa cắt nhỏ vắt lấy nước. Đun hỗn hợp với lửa nhỏ vừa đồng thời khuấy đều phần đường cho hòa tan hoàn toàn vào nước.

Khi phần nước chấm sôi lên, bạn hớt bọt rồi tắt bếp. Cho thêm vào nồi 2 thìa cà phê nước tương và 1 thìa cà phê nước cốt chanh. Nêm nếm lại cho nước chấm vừa miệng.

Thành phẩm

Khi bánh đúc hơi nguội, bạn cắt bánh ra rồi cho vào đĩa. Thêm rau thơm các loại giá và 1 ít cà rốt chua ngọt lên đĩa. Ăn bánh đúc chay thơm ngon, có độ dai nhẹ ăn cùng với nước chấm ngọt thanh.

Bạn không nên bỏ lỡ món bánh đúc đậu đỏ nếu là một người đam mê ẩm thực Hồng Kông. Ở phiên bản đặc biệt này, những chiếc bánh đúc bé xinh, tròn tròn với màu trắng ngà xen lẫn chút đỏ của đậu rất thu hút.
Cắn thử một miếng bánh, bạn sẽ cảm nhận ngay được độ dẻo mềm của bột đan xen với sự béo bùi của đậu đỏ. Để món bánh thêm phần trọn vị, bạn có thể kết hợp với nước cốt dừa nữa nhé!

Nguyên liệu làm Bánh đúc đậu đỏ Hồng Kông (Cho 5 người)

·       Bột nếp 200 g 

·       Bột gạo 2 thìa canh 

·       Đậu đỏ 100 g 

·       Nước cốt dừa 400 g 

·       Muối 1/5 thìa cà phê 

·       Bột năng 1 thìa 

·       Đường 6 thìa canh

Dung cụ thực hiện:

Nồi, xưởng hấp, đĩa, bát,...

Cách chế biến Bánh đúc đậu đỏ Hồng Kông

Bước 1: Nấu đậu

Trước khi nấu đậu, bạn nên ngâm đậu ít nhất 4 tiếng để nấu đậu mau mềm hơn.

Khi đậu đã được ngâm xong thì bạn cho đậu vào nồi, rồi đổ 600ml nước vào đậu và bật lửa đun.

Bạn đun đến nước sôi thì chắt nước ra rồi đổ lại 500ml nước đun đến khi sôi thì cho 1 thìa canh đường vào đảo lên rồi đun tiếp, đến khi nào cầm hạt đậu lên ăn thử thấy mềm và không bị sượng bên trong là được.

Khi đậu đã chín thì bạn vớt đậu ra cho ráo nước.

Lưu ý: Thay vì luộc đậu, bạn có thể hấp đậu.

Bước 2: Trộn bột

Bạn rây 200g bột nếp và 2 thìa canh bột gạo vào một cái thau.

Sau đó đổ 300ml nước vào rồi khuấy kĩ cho bột tan đều.

Lưu ý: Bạn nên cho bột vào thau rồi đổ nước vào, không nên đổ bột vào nước, vì làm vậy bột khó tan hơn và bị vón cục, nấu bánh sẽ không ngon nữa.

Bước 3: Nấu nước đường

Bạn nấu 4 - 4.5 thìa canh đường với khoảng 300ml nước đến khi nước sôi và đường tan đều thì tắt bếp.

Kinh nghiệm:

Nếu như gia đình bạn không ăn được vị ngọt gắt của đường có thể cho thêm 1/5 thìa cà phê muối để trung hòa bớt lại nhé.

Có thể tận dụng nước luộc đậu để bánh có màu nâu đỏ đẹp hơn.

Bước 4: Khuấy bột với nước đường

Khi nước đường vừa mới sôi, thì bạn tắt bếp và đổ từ từ vào tô bột, vừa đổ vừa khuấy đều đến khi bột và đường hòa quyện đều với nhau là được.

Lưu ý: Bạn đổ nước đường vào khi mới sôi và không nên để nguội nhé vì sẽ dễ khiến bột bánh bị vón cục.

Bước 5: Hấp bánh

Bạn quét 1 lớp dầu mỏng vào những cái chén nhỏ rồi xếp chúng vào xưởng hấp.

Sau đó bạn vừa khuấy vừa đổ bột vào chén, rồi múc từng thìa đậu đỏ bỏ vào chén. Hoặc cho đậu vào tô bột luôn, rồi bạn cũng vừa khuấy vừa đổ vào chén.

Cuối cùng là đậy nắp lại, bật bếp lên hấp trong khoảng 15 phút là bánh chín.

Bước 6: Nấu nước cốt

Pha 1 thìa bột năng với 4 thìa nước.

Sau đó đổ 400g nước cốt dừa và 1 thìa canh đường vào một cái chảo khô.

Rồi bạn vừa khuấy nước cốt dừa vừa đổ hỗn hợp bột năng vào cho bột và nước cốt dừa hòa tan với nhau.

Tiếp đến là bật bếp nhỏ lửa và khuấy thật đều tay đến khi hỗn hợp nước cốt dừa sệt theo ý muốn là được.

Lưu ý: Bạn không nên để nước cốt dừa sôi mới tắt bếp nhé, vì như vậy nước cốt dừa sẽ bị mất hết chất đó.

Thành phẩm

Bánh đúc đậu đỏ sau khi hấp xong có thể thưởng thức bằng cách dùng 2 que tăm dài xiên qua để lấy ra chấm với nước cốt dừa hoặc đổ nước cốt dừa trực tiếp vào chén và dùng thìa xúc ăn.

Khi thưởng thức bạn sẽ thấy bánh đúc của chúng ta dẻo dẻo, dai dai và có một ít vị ngọt béo của đậu đỏ. Khi chấm chung với nước cốt dừa thì vị ngọt béo sẽ được tăng thêm làm bánh của chúng ta thêm đậm đà hơn.

Cách bảo quản: Vì bánh đúc này có đậu đỏ bên trong nên bạn không thể dùng phương pháp ủ nóng như những loại bánh đúc ở Việt Nam. Bạn hãy bọc kín bằng bao nilon rồi để trong ngăn mát tủ lạnh, khi muốn lấy ra ăn thì hãy hấp lại. Nhưng tốt nhất bạn vẫn nên sử dụng trong ngày thôi nhé, vì để lâu trong tủ lạnh bánh sẽ bị khô, không còn ngon như trước nữa.

Nếu bạn muốn ăn bánh đúc nhưng lại sợ béo thì đừng lo, món bánh đúc keto sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn. Thay vì được làm từ bột gạo như các loại bánh khác, bánh đúc keto có nguyên liệu chính là bột rau câu nên tạo độ mềm dai như thạch và không gây béo.

Bánh vẫn giữ phần nhân thịt truyền thống và ăn cùng với nước cốt dừa nên vẫn đảm bảo sự trải nghiệm trọn vị nhất cho bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể sáng tạo với món bánh đúc lá dứa keto để tăng thêm hương thơm và màu sắc bắt mắt đó.

Nguyên liệu làm Bánh đúc keto bằng bột rau câu (Cho 6 người ăn)

·       Thịt nạc thăn 150 g (băm nhỏ) 

·       Tôm khô 30 g (băm nhỏ) 

·       Nấm hương 3 cái (cắt nhỏ) 

·       Cà rốt 50 g (cắt hạt lựu) 

·       Hành tây 1 củ (cắt hạt lựu) 

·       Lòng trắng trứng gà 2 cái 

·       Bột rau câu dẻo 10 g (1 gói) 

·       Tỏi băm 1 thìa canh 

·       Đường ăn kiêng 5 g 

·       Màu hạt điều 1 thìa cà phê 

·       Hành lá 2 cây (cắt nhỏ)

Cách chế biến Bánh đúc keto bằng bột rau câu

Bước 1: Xào nhân bánh

Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 thìa canh dầu ăn, 1 thìa canh tỏi băm rồi phi thơm.

Tiếp theo, cho vào 150g thịt, 30g tôm khô rồi đảo đều đến khi thịt săn lại.

Cho thêm cà rốt, nấm hương, hành tây, 1 thìa cà phê nước mắm, 5g đường ăn kiêng, 1 thìa cà phê màu hạt điều và tiếp tục đảo đều.

Cuối cùng cho vào hành lá rồi tắt bếp.

Bước 2: Trộn bột bánh

Cho vào tô 10g bột rau câu dẻo, 5g đường ăn kiêng, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê muối, 2 cái lòng trắng trứng, 400ml nước cốt dừa, 700ml nước lọc.

Dùng phới lồng khuấy đều cho nguyên liệu hòa quyện với nhau, sau đó lọc hỗn hợp qua rây cho mịn.

Kinh nghiệm: Nếu bạn muốn ăn bánh mềm thì cho 800ml nước lọc.

Bước 3: Nấu chín bột

Bắc nồi bột lên bếp, khuấy đều trên lửa vừa trong khoảng 5 - 6 phút cho bột chín.

Bước 4: Đổ khuôn bánh

Dàn đều 1 lớp nhân bánh vào khuôn, sau đó đổ phần bột vừa nấu vào.

Chờ cho phần bột đông cứng lại, phủ thêm 1 lớp nhân lên trên là hoàn tất.

Bước 5: Cắt bánh

Cắt bánh thành nhiều miếng nhỏ vừa ăn và thưởng thức thôi!

Thành phẩm

Bánh đúc keto có phần bánh mềm dẻo, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị beo béo, ngọt nhẹ từ nước cốt dừa cùng nhân thịt đậm vị, thơm ngon.

Đây là món bánh đúc biến tấu thú vị khác. Thay vì sử dụng bột gạo đơn thuần, người ta kết hợp bột gạo và khoai môn với nhau để vừa tăng thêm độ dẻo thơm vừa kích thích sự béo bùi.
Bánh đúc khoai môn dẻo mềm, bùi béo hòa quyện cùng nhân thịt mằn mặn, nước chấm chua cay tạo nên một món ăn vô cùng thơm ngon. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh đúc này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh đúc khoai môn nhân mặn (Cho 6 người ăn)

·       Thịt ba rọi xay 300 g 

·       Nước cốt dừa 200 ml 

·       Nước cốt dừa dão 700 ml 

·       Khoai môn 1 củ(400g) 

·       Bột gạo 220 g 

·       Bột năng 20 g 

·       Tôm khô 50 g 

·       Hành tím 4 củ (băm nhỏ) 

·       Sắn 1 củ (băm nhỏ) 

·       Cà rốt 1 củ(cắt nhỏ) 

·       Hành lá 2 cây(cắt nhỏ) 

·       Tỏi băm 1/2 thìa canh 

·       Ớt băm 1/2 thìa canh 

·       Muối 7.5 g 

·       Dầu ăn 35 ml 

·       Hạt nêm 1 thìa canh 

·       Bột ngọt 1 thìa cà phê 

·       Đường 4 thìa canh 

·       Nước mắm 4 thìa canh 

·       Tiêu 1 thìa cà phê 

·       Nước lọc 3 thìa canh 

·       Nước cốt chanh 1 thìa canh

Cách chế biến Bánh đúc khoai môn nhân mặn

Bước 1: Nấu chín khoai môn

Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, sau đó cắt lát.

Tiếp theo, cho khoai vào xửng hấp chín mềm trong 15 phút.

Bước 2: Trộn bột bánh

Cho vào tô 220g bột gạo, 20g bột năng, 200ml nước cốt dừa, 600ml nước cốt dừa dão, 5g muối, 5ml dầu ăn, khuấy đều cho hỗn hợp sánh mịn, hòa quyện.

Sau đó, bạn đậy nắp bột lại và để nghỉ 20 phút.

Bước 3: Nghiền mịn khoai môn

Cho khoai môn đã hấp chín vào máy sinh tố cùng 100ml nước cốt dừa dão rồi xay nhuyễn.

Tiếp theo, lọc hỗn hợp qua rây cho mịn.

Bước 4: Trộn bột bánh với khoai môn

Từ từ cho hỗn hợp bột gạo vào phần khoai môn, vừa cho vừa khuấy đều, sau đó để bột nghỉ thêm 15 phút nữa.

Bước 5: Xào nhân bánh

Bắc chảo lên bếp, cho vào 30ml dầu ăn, 4 củ hành tím đã băm nhỏ rồi phi thơm.

Tiếp theo, cho thêm 300g thịt ba rọi xay, 50g tôm khô, củ sắn băm, nấm mèo băm, cà rốt cắt nhỏ, hành lá cắt nhỏ. Xào nhanh tay trên lửa vừa đến khi chín đều.

Cuối cùng, nêm nếm cùng 1 thìa canh hạt nêm, 1 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê tiêu, 2.5g muối. Đảo đều phần nhân thêm 1 lần nữa là hoàn tất.

Bước 6: Hấp bánh

Đổ 1/2 phần bột bánh vào khuôn, cho vào xửng hấp, phủ 1 lớp lá chuối, đậy nắp kín và hấp trong 20 phút.

Sau 20 phút, bạn đổ phần bột còn lại, đậy nắp và tiếp tục hấp thêm 20 phút nữa.

Mách nhỏ: Nếu không có lá chuối, bạn có thể dùng khăn mỏng để hơi nước không nhiễu xuống bánh.

Bước 7: Làm nước chấm

Cho vào chén 3 thìa canh nước mắm, 3 thìa canh đường, 3 thìa canh nước lọc, 1 thìa canh nước cốt chanh, 1/2 thìa canh tỏi băm, 1/2 thìa canh ớt băm. Khuấy đều cho đường tan, gia vị hòa quyện.

Thành phẩm

Cho phần bánh và nhân ra chén, rưới thêm nước mắm chua ngọt và thưởng thức ngay thôi!

Bánh đúc khoai môn dẻo mềm, có vị beo béo từ nước cốt dừa, bùi vị khoai môn, ăn kèm cùng nhân thịt mặn, nước mắm chua ngọt, cay cay cực kỳ thơm ngon.

Bánh đúc lá dứa – món ăn quê hương thân thương đến lạ đã gắn liền với tuổi thơ của bao người, nhất là người con miền Tây sông nước. Nếu giờ có quá khó khăn trong việc tìm mua “hương quê nhà” này thì bạn hãy tham khảo cách làm bánh đúc lá dứa này nhé!

Nguyên liệu làm bánh đúc lá dứa

·       180g bột gạo

·       140g bột năng

·       100g lá dứa

·       700ml nước cốt dừa

·       30g gừng

·       Gia vị: Muối, đường trắng, đường thốt nốt, dầu ăn.

Dụng cụ: Máy xay sinh tố, cái rây, khuôn bánh đúc, xửng hấp.

Cách làm bánh đúc lá dứa

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đầu tiên, bạn đem 100g lá dứa rửa sạch, rồi cắt miếng nhỏ cho vào máy xay sinh tố cùng 200ml nước, xay nhuyễn. Xong thì lọc hỗn hợp qua rây, lấy phần nước và bỏ bã nhé.

Sau đó, bạn cắt nhỏ 100g đường thốt nốt. Còn 30g gừng thì bạn đem giã nát, rồi hòa thêm 1 thìa canh nước và vắt lấy nước cốt.

Bước 2: Làm bột bánh

Trước tiên, bạn hòa tan nước lá dứa cùng 450ml nước cốt dừa, ½ thìa cà phê muối và 120g đường. Sau đó, bạn rây 180g bột gạo và 120g bột năng vào nồi, rồi rót hỗn hợp màu lá dứa vô, khuấy đều và để bột nghỉ khoảng 30 phút.

Tiếp theo, bạn bắc nồi bột lên bếp, vừa nấu vừa khuấy ở lửa vừa đến khi bột nóng lên và bốc khói thì giảm lửa thật nhỏ. Bạn hãy tiếp tục khuấy đều đến khi cảm thấy nặng tay và bột bánh trở nên quánh dẻo thì nhắc xuống.

Bước 3: Hấp bánh

Bạn dùng cọ quét lớp dầu ăn mỏng lên khuôn, rồi từ từ đổ bột vào và dàn phẳng bề mặt. Sau đó, bạn đun sôi xửng hấp, đặt khuôn bột vào hấp cách thủy đến khi bánh chín. Nếu không chắc thì bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng tăm xiên vào giữa bánh. Khi thấy tăm khô, không bị dính bột thì được rồi nè.

Bước 4: Làm nước cốt ăn bánh

Nước cốt: Bạn bắc chảo lên bếp, cho 250ml nước cốt dừa, ¼ thìa cà phê muối và 2 lá dứa vào. Khi thấy nước cốt sôi thì bạn pha 1 thìa cà phê bột năng với 20ml nước, rồi đổ ngay vô chảo. Lưu ý, bạn hãy vừa đổ vừa khuấy đều để tạo độ sệt nhé.

Nước đường: Bạn bắc chảo lên bếp, cho 100g đường thốt nốt với 200ml nước vào. Nấu đến khi đường tan và sôi lên thì thêm 1 thìa canh nước cốt gừng, ¼ thìa cà phê muối và 1 thìa cà phê bột năng pha với 20ml nước. Sau đó, bạn khuấy đều đến khi hỗn hợp sệt lại là hoàn thành.

Thành phẩm


Bánh đúc lá dứa có sắc xanh vô cùng mát mắt và thu hút luôn. Vị bánh dẻo dai hòa quyện cùng nước cốt sóng sánh. Nước cốt là sự kết hợp tinh tế giữa nước cốt dừa béo ngậy và nước đường thốt nốt ngọt thanh, tạo cho thành phẩm thêm phần hấp dẫn và khó có thể cưỡng lại được.

Bánh đúc lá lúa có hình dáng thon dài đặc biệt và hương vị béo bùi lạ miệng. Khi thưởng thức, bạn lấy một cái bánh đúc, rưới một ít mỡ hành thơm phức rồi chấm đẫm vào chén nước cốt dừa và cho ngày vào miệng. Hôm nay, để thưởng thức lại mùi vị của món bánh quê hương này bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để thực hiện làm món bánh này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh đúc lá lúa (Cho 4 người ăn)

·       Đậu xanh 100 g 

·       Bột gạo 215 g 

·       Bột năng 2 thìa cà phê 

·       Dầu mè 2 thìa canh 

·       Dầu ăn 1 ít Nước cốt dừa 400 ml 

·       Hành lá 3 nhánh 

·       Tinh chất vani 1.5 thìa cà phê 

·       Đường 5.5 thìa canh 

·       Muối 1.5 thìa cà phê

Dụng cụ thực hiện

Nồi áp suất, nồi xửng hấp, chảo, lò vi sóng, tô,...

Cách chế biến Bánh đúc lá lúa

Bước 1: Nấu đậu xanh

Đậu xanh mua về rửa sơ với nước, để ráo.

Cho vào nồi áp suất 500ml nước cùng đậu xanh đã rửa sạch. Sau đó đậy nắp lại và nấu trong vòng 5 phút. Cuối cùng vớt đậu ra và để nguội.

Kinh nghiệm: Nếu bạn nấu đậu xanh bằng nồi thường thì hãy ngâm đậu qua đêm trước khi nấu nhé.

Bước 2: Trộn hỗn hợp bột

Cho lần lượt vào tô 4 thìa canh đường, 200g bột gạo, 2 thìa cà phê bột năng, 1/2 thìa cà phê muối, 300ml nước cốt dừa rồi trộn đều cho các nguyên liệu tan vào nhau. Sau đó để yên trong vòng 30 phút cho bột nở.

Bước 3: Nấu hỗn hợp nước cốt dừa

Bắc nồi lên bếp, cho vào nồi 100ml nước cốt dừa còn lại, 1/2 thìa cà phê muối, 1.5 thìa canh đường và nấu trên lửa vừa.

Cho vào một chén nhỏ 50ml nước, 1 thìa canh bột gạo (tương đương 15g) rồi khuấy cho tan hết bột. Kế tiếp, cho hỗn hợp bột vừa khuấy vào nồi nấu chung.

Sau khi hỗn hợp trong nồi sôi khoảng 1 phút thì tiếp tục khuấy đều thêm 1 phút nữa cho nước cốt dừa sệt lại rồi cho tiếp vào nồi 1.5 thìa cà phê tinh chất vani và khuấy đều khoảng 30 giây. Sau cùng, bạn tắt bếp.

Bước 4: Làm mỡ hành

Hành lá rửa sạch với nước, để ráo rồi cắt nhỏ.

Cho vào chén nhỏ hành lá, 1/2 thìa cà phê muối, 2 thìa canh dầu mè rồi cho vào lò vi sóng nấu khoảng 30 giây thì lấy ra để nguội.

Bước 5: Nấu bánh

Bắc chảo lên bếp, vặn lửa to, cho vào chảo đậu xanh vừa mới hấp chín cùng hỗn hợp bột đã nở rồi khuấy đều cho đến khi bột trong chảo bắt đầu sánh lại thì vặn nhỏ lửa tiếp tục khuấy đều. Khi bột trong chảo vón thành khối và không còn dính vào chảo nữa thì bạn tắt bếp và để nguội.

Bước 6: Tạo hình bánh

Lấy một ít dầu thoa lên tay. Sau đó, lấy một lượng bột vừa đủ rồi nặn thành những thanh dài với độ dài tùy thích. Cứ tiếp tục nặn như thế cho đến khi hết phần bột bánh.

Bước 7: Hấp bánh

Bắc nồi lên bếp, thoa một lớp dầu mỏng lên trên khay hấp. Bạn lần lượt xếp tất cả những thanh bánh đúc đã tạo hình vào nồi hấp và tiến hành hấp từ 12 - 15 phút trên lửa vừa. Sau đó, vớt bánh ra và cho ra dĩa.

Thành phẩm

Món bánh đúc lá lúa - bánh đúc đậu xanh nước cốt dừa mỡ hành hoàn thành có độ dai dai và mềm mềm nhất định.

Món này khi chấm kèm với mỡ hành và hỗn hợp nước cốt dừa thì bạn sẽ cảm nhận được vị béo béo của nước cốt dừa và vị bùi bùi của đậu xanh, đảm bảo món ăn vừa mới ra lò là sẽ hết liền trong gang tấc đấy.

Bánh đúc lạc là sự kết hợp độc đáo giữa bánh đúc truyền thống và lạc. Đây là món bánh rất phù hợp với những ai yêu thích sự béo bùi của lạc.
Khi ăn, bạn có thể chấm cùng với nước mắm chua ngọt để không chóng ngán hoặc nước cốt dừa để tăng thêm độ béo thơm cho món bánh đều được.

Nguyên liệu làm Bánh đúc lạc (Cho 5 người ăn)

·       Lạc 100 g 

·       Bột khoai tây 125 g 

·       Bột gạo lọc 125 g 

·       Dầu ăn 1 thìa canh 

·       Nước 1 lít 

·       Muối 1 thìa cà phê 

·       Tương bần 2 thìa cà phê 

·       Đường 1 thìa cà phê 

·       Nước cốt chanh 1 ít 

·       Nước ấm 3 thìa cà phê

Cách chế biến Bánh đúc lạc

Bước 1: Ngâm lạc

Ngâm nước 100g lạc trong 5 tiếng (hoặc qua đêm), sau đó rửa sạch.

Nấu nồi nước sôi, cho lạc vào luộc trong 2 phút rồi chắt bỏ phần nước luộc.

Tiếp tục cho lạc vào nồi cùng 500ml nước, 1 thìa cà phê muối. Đậy nắp, nấu đến khi đậu chín rồi vớt ra để ráo.

Bước 2: Trộn bột bánh

Cho vào tô 125g bột khoai tây, 125g bột gạo lọc, 500ml nước rồi khuấy đều.

Sau đó, để yên bột trong 30 phút.

Sau 30 phút, chế từ từ nước luộc lạc còn nóng vào phần bột, vừa đổ vừa khuấy.

Bước 3: Khuấy chín bột

Bắc nồi lên bếp, cho hỗn hợp bột vào, khuấy liên tục trên lửa vừa. Khi thấy hơi nước bốc lên, phần bột dính đáy thì hạ lửa nhỏ và tiếp tục khuấy.

Khi bột đặc mịn, bạn tăng lửa lên trung bình rồi khuấy đều đến khi bột dẻo, trong. Lúc này cho thêm 1 thìa canh dầu ăn, khuấy đều cho bột sôi, trong hơn và dẻo đặc là được.

Cuối cùng, cho lạc vào trộn thật đều rồi tắt bếp. Cho bột ra khuôn hoặc lá chuối, dàn mỏng khoảng 1 - 1.5cm. Để bánh nguội hoàn toàn rồi cắt bánh.

Kinh nghiệm: Để lạc hòa đều với bột hơn, bạn có thể dùng máy để trứng để trộn.

Bước 4: Làm nước chấm

Cho vào chén 2 thìa cà phê tương bần, 3 thìa cà phê nước ấm, 1 thìa cà phê đường, 1 ít nước cốt chanh rồi khuấy đều.

Thành phẩm

Bánh đúc sau khi hoàn thành dẻo dai mềm mịn hòa quyện cùng vị bùi bùi từ lạc, đan xen chút vị đặc trưng từ nước chấm, đem đến một món ăn vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.

Bánh đúc mặn là đặc sản của người Nam Bộ. Những miếng bánh trắng đục, dẻo thơm hòa quyện với thịt băm xào đậm vị, củ sắn và cà rốt xào giòn tan, ngọt thanh tự nhiên. Điểm nhấn của món ăn này còn nằm ở phần nước mắm tỏi ớt cay thơm ăn kèm với bánh đúc nữa đấy!

Nguyên liệu làm bánh đúc mặn

·       100g bột gạo

·       180g thịt heo xay

·       200ml nước cốt dừa

·       15g bột năng

·       Củ sắn, cà rốt, chanh, ớt, hành tím, hành lá

·       Gia vị: Hạt nêm, tiêu xay, bột ngọt, muối, nước mắm

Cách làm món bánh đúc mặn

Bước 1: Pha bột bánh đúc

Đầu tiên, lấy một cái tô cho 100g bột gạo và 15g bột năng, 1 thìa cà phê muối rồi trộn đều. Sau đó, cho 200ml nước cốt dừa, 300ml nước vào tô rồi khuấy đều rồi đợi 30 phút.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu

Bạn cần gọt vỏ các nguyên liệu như cà rốt, sắn rồi bào sợi. Sau đó, bạn cần băm nhuyễn 2 tép tỏi, 3 củ hành tím và rửa hành lá rồi cắt nhỏ. Tiếp theo, băm thêm một phần tỏi và ớt để làm nước chấm.

Sau đó, bạn cần ướp 180g thịt heo xay với 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1/2 thìa cà phê tiêu xay, 1 thìa cà phê nước mắm và 1/2 thìa hành tím băm, 1 thìa cà phê hạt nêm rồi trộn đều và đợi trong 15 phút.

Bước 3: Hấp bánh đúc

Dùng phần bột vừa pha ở bước 1 và đổ khoảng 1/3 phần bột vào khuôn bánh.

Sau đó, bạn mang bánh đi hấp và cứ 7 phút, bạn nên mở nắp nồi một lần và thêm 1/3 phần bột còn lại đến khi hết bột. Khoảng 15 phút bánh đúc sẽ chín và bạn chỉ cần lấy bánh ra, chờ bánh nguội là được.

Kinh nghiệm:
- Nhớ là thoa một ít dầu ăn trong khuôn bánh để bánh không bị dính vào khuôn nhé!
- Để kiểm tra bánh đúc đã chín hay chưa, bạn hãy cắm một cây tăm vào bột bánh, nếu cây tăm không dính bột là bánh đã chín.

Bước 4: Xào nhân bánh đúc

Cho phần tỏi băm, hành tím băm vào chảo và phi cho thơm rồi cho phần thịt đã ướp vào xào. Tiếp theo, cho 50ml nước vào và đợi cho nước sôi thì cho sắn và cà rốt vào xào trong 3 phút. Cuối cùng, cho hành lá vào đảo đều rồi tắt bếp.

Bước 5: Làm nước chấm

Cho 3 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường vào một chén nước nóng khoảng 50ml rồi khuấy đều. Tiếp theo, vắt một miếng chanh và thêm tỏi ớt băm vào là xong.

Bước 6: Cắt bánh

Chờ bánh nguội rồi cắt thành những miếng vừa ăn và cho nhân bánh lên trên.

Kinh nghiệm: Bạn nhớ quét một ít dầu lên lưỡi dao để bánh không bị dính vào dao khi cắt bánh nhé!

Thành phẩm

Món bánh đúc mặn là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu. Bạn có thể cảm nhận hương vị thơm ngon của thịt băm xào, vị béo của nước cốt dừa,...

Thưởng thức

Món bánh đúc mềm mịn, mướt mát, bạn nên ăn kèm thêm giá và rau sống thì còn gì tuyệt vời hơn. Nhớ chang thêm chút mỡ hành thơm nức còn gì tuyệt hơn.

Bánh đúc nộm là món ăn nổi tiếng của người Hà Nội xưa. Từng sợi bánh đúc quyện trong nước canh lạc và giá chần tạo nên hương vị mộc mạc chinh phục vị giác cả những người sành ăn.

Nguyên liệu làm bánh đúc nộm

350 g bánh đúc

200 g giá đỗ

200 g lạc

50 g vừng trắng

Rau ghém ăn kèm: Hoa chuối, thân chuối, rau ngổ, tía tô, kinh giới

Hướng dẫn cách làm bánh đúc nộm

Bước 1: Chọn loại bánh đúc không có nhân lạc, lạng đôi rồi thái thành sợi như bánh đa (hoặc đầu đũa).

Bước 2: Lạc lấy 2/3 đem ngâm nước ấm cho mềm, xát bong lớp vỏ lụa bên ngoài. 1/3 lượng lạc còn lại rang thơm, xát bỏ vỏ, giã nhỏ. Vừng trắng rang thơm, chia làm hai phần (một phần giã cho vào nồi nước lạc, một phần để rắc khi ăn cho thơm). 

Bước 3: Thân chuối, hoa chuối thái mỏng vào trong thau nước pha nước cốt chanh giúp trắng giòn mà không bị thâm. Rau thơm (ngổ, tía tô, kinh giới) rửa sạch, vẩy ráo nước. 

Bước 4: Nấu nước canh: Phần lạc ngâm xoa bỏ vỏ, giã nát hoặc xay nhỏ rồi ninh ở lửa nhỏ, mở vung (để không bị trào) thành nước canh trắng đục. Giá đỗ đem chần rồi vớt ra. Lấy 1/2 lượng vừng trắng đã rang thơm cho vào giã hoặc xay, cho nước giá chần vào rồi lọc qua rây lấy nước có mùi thơm cho vào nồi nước lạc đang ninh. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng, tắt bếp để nguội. Khi nước canh lạc vừng nguội, trút giá chần vào nồi cho ngấm nước lạc vừng, vớt ra để riêng. 

Bước 5: Gắp bánh đúc thái sợi ra bát. Cho giá lên trên, múc nước canh lạc vừng màu trắng sữa chan xâm xấp bề mặt. Rắc chút lạc vừng rang thơm lên, trang trí chút rau ngổ, vài lát ớt là hoàn thành.

Bước 6: Yêu cầu thành phẩm: Từng sợi bánh đúc dài bóng mịn quyện trong nước canh lạc sánh màu trắng sữa ngậy bùi, xen kẽ giá chần ngọt mát, rau thơm tạo thành hương vị mộc mạc, thanh mát nhẹ nhàng. Đây là món ăn giúp giải nhiệt trong tiết trời chuyển mùa hè thu của người Hà Nội xưa.

Chú ý:

Bánh đúc vốn là món ăn dân dã, bình dị vùng nông thôn Bắc Bộ. Theo thời gian bánh đúc dần len lỏi vào những bữa quà chiều Hà Nội. Người Hà thành biến tấu bánh đúc thành nhiều món ngon như bánh đúc nộm, bánh đúc riêu cua, bánh đúc mỡ hành ăn cùng đậu rán chấm mắm pha giấm ớt...

''Hồn cốt'' bánh đúc nộm là ở nước canh lạc vừng trắng như sữa. Vì thế khi chọn mua lạc, vừng phải chọn loại ngon, lạc đều hạt. Các hạt lạc hỏng, thối phải bỏ vì nếu còn dư khi nấu làm ám mùi, hỏng vị món ăn.

Khi nấu canh lạc vừng đun lửa nhỏ, mở vung để không bị trào. Phần bọt ban đầu không cần vớt vì khi ninh lâu sẽ tan dần, giữ vị thơm bùi tự nhiên.

Để cân bằng vị béo ngậy của lạc, vừng thêm giá đỗ chần, phần nước chần cũng cho vào ninh cùng tạo vị ngọt mát, thanh tao rất riêng.

Bánh đúc nóng truyền thống được làm từ bột gạo sánh mịn, ngập trong nước mắm chua ngọt đậm đà chắc chắn sẽ khiến ai vừa nhìn thấy cũng đều muốn thử ngay.
Những miếng bánh đúc trắng tinh được ăn kèm với nhân bánh đậm đà làm từ thịt heo băm, nấm hương và mộc nhĩ xào kỹ. Bạn rắc thêm tý hành phi giòn tan lên mặt bánh thì ngon phải biết đấy!

Nguyên liệu làm món bánh đúc nóng

Phần bánh đúc

·       100g bột gạo tẻ

·       100g bột năng

·       600ml nước

·       1/4 thìa cà phê muối

·       30ml dầu ăn

·       15ml dầu thìa

Phần thịt xào & nước chấm chua ngọt ăn kèm

·       200g thịt lợn

·       10 g mộc nhĩ (nấm tai thìao)

·       10g nấm hương khô

·       20g hành lá

·       50ml nước mắm

·       5 quả chanh (lấy 50ml nước cốt)

·       50g đường

·       3g muối

·       3g tiêu

·       2 củ tỏi

·       3 trái ớt

·       100g rau mùi

·       100g hành tím

Cách làm món bánh đúc nóng

Bước 1: Pha bột

Đầu tiên bạn cho 100g bột gạo tẻ, 100g bột năng, ¼ thìa cà phê muối và 600ml nước vào một cái nồi lớn và khuấy đều cho tan hết rồi lọc qua rây để tránh bột bị vón cục. Sau đó bạn để yên hỗn hợp này trong vòng 1 – 1.5 giờ cho bột lắng xuống đáy.

Khi hỗn hợp bột đã lắng xuống đáy thì bạn đổ đi phần nước trên mặt rồi lại thêm vào đúng lượng nước đã đổ đi và lại khuấy đều.

Kinh nghiệm sơ chế ở bước này
Để loại bỏ mùi bột khô và giúp bột nở, mềm hơn nên chúng ta ngâm bột trong lượng nước vừa đủ và thay nước. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng bột ướt thì không phải xử lý như thế này.
Để bánh có độ dai mà không sử dụng đến hàn the thì chúng ta mới dùng tỉ lệ bột gạo tẻ và bột năng là 1:1, nếu bạn thích dai hơn thì có thể tăng lượng bột năng và giảm lượng bột gạo tẻ xuống.

Ngoài ra, nếu bạn thích ăn bánh mềm hơn thì bạn có thể điều chỉnh bằng cách tăng lượng nước. Bởi vậy, nếu bạn thích ăn bánh giòn thì hãy tăng lượng bột gạo và lượng nước vừa phải, nếu bạn thích ăn bánh mềm, dai, dẻo thì có thể điều chỉnh bằng cách tăng lượng bột năng và tăng lượng nước, còn nếu muốn ăn bánh cứng thì bạn hãy giảm lượng nước và giữ nguyên lượng bột năng, bột gạo tẻ nhé.

Bước 2: Nấu bột

Bạn bắc hỗn hợp bột đã ngâm lên bếp và dùng phới hay cây đánh trứng (để bột nhanh mịn) khuấy đều, liên tục trên lửa vừa cho đến khi bột bắt đầu đặc sệt lại thì bạn hạ nhỏ lửa và tiếp tục khuấy để tránh bột dưới đáy nồi bị cháy nhé. Bạn khuấy đến khi thấy nặng tay là bột đã đặc (càng đặc càng hạ nhỏ lửa) và ngả màu trắng đục thì thêm vào 30ml dầu ăn và 15ml dầu thìa, tiếp tục khuấy đều đến khi bột mịn và hỗn hợp trở nên dính, dẻo, có thể kéo thành sợi.

Nếu bạn cảm thấy hỗn hợp quá đặc so với sở thích của mình thì bạn có thể thêm nước. Sau đó bạn khuấy đều tay ở mức lửa nhỏ nhất trong 5 - 10 phút đến khi bột chuyển sang màu trong; nếm thấy không còn mùi bột sống, dẻo quánh và nâng phới lên thì bột bị đứt đoạn, như vậy là bột đã chín. Bạn tắt bếp và vẫn để hé vung tránh mặt trên của nồi bột bị khô nhé.

Bước 3: Sơ chế nguyên liệu làm phần thịt ăn kèm

Bạn ngâm các loại nấm khô (mộc nhĩ, nấm hương) trong nước ấm cho nhanh nở với thời gian khoảng 10 – 15 phút; sau đó rửa sạch, cắt bỏ phần chân cứng và băm nhỏ.

Tiếp tục rửa sạch thịt lợn và băm nhuyễn, còn hành lá thì bạn rửa sạch rồi loại bỏ các phần thừa và băm nhỏ.

Còn hành tím thì bạn bóc vỏ và thái lát, rau mùi rửa sạch thái nhỏ, tỏi, ớt rửa sạch, bóc vỏ và băm nhỏ là được nhé.

Bước 4: Xào thịt, phi hành khô

Bạn cho chút dầu ăn vào nồi và phi thơm hành lá trên lửa vừa, sau đó cho các nguyên liệu như thịt băm, nấm hương, mộc nhĩ vào xào săn và nêm gia vị cho vừa khẩu vị của gia đình bạn và tắt bếp nhé. Đối với hành tím thì phi trên dầu nóng đến khi vàng nhạt thì vớt ra để ráo dầu.

Bước 5: Pha nước mắm

Bạn cho vào bát bao gồm chanh, đường, nước theo tỉ lệ 1:1:1, khuấy tan đường rồi thêm từ từ nước mắm cho vừa khẩu vị của gia đình bạn. Sau đó bạn cho thêm tỏi và ớt băm vào.

Thành phẩm

Vậy là chỉ sau 5 bước thôi là bạn đã có một chén bánh đúc nóng sánh mịn, nóng hổi thơm ngon rồi. Một chén đầy đủ topping thịt bằm, hành phi, nước mắm hấp dẫn, ngon mắt thì không thể nào chối từ được.

Thưởng thức

 

Bánh đúc vừa nấu xong còn nóng bạn nên ăn liền cùng nước mắm tỏi ớt. Nếu ăn không hết bạn có thể bọc kín bằng màng bọc thực phẩm bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn thì đậy kín và quay nóng bằng lò vi sóng nhé.

Khác với bánh đúc miền Tây, bánh đúc Tàu dẻo thơm được kết hợp với nhân tôm dai ngọt và thịt ba chỉ heo với lớp mỡ béo ngập.
Bánh đúc tàu được để ngập trong một bát nước mắm chua ngọt. Bánh đúc Tàu được ăn kèm cùng nhân thịt mặn và nước mắm tỏi chua ngọt, cực kỳ thơm ngon. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh đúc này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh đúc Tàu (Cho 6 người ăn)

·       Bột gạo lọc 300 g(hoặc bột gạo) 

·       Thịt ba rọi 250 g 

·       Su hào 400 g 

·       Tôm 250 g 

·       Nấm mèo 20 g 

·       Hành tím 2 củ(băm nhỏ) 

·       Dầu màu điều 5 thìa cà phê 

·       Đường 1 chén 

·       Nước mắm 1/3 chén 

·       Hạt nêm 1 thìa cà phê 

·       Dấm 6 thìa canh 

·       Muối 1 thìa cà phê 

·       Tỏi băm 1 thìa cà phê 

·       Nước 4 chén 

·       Nước ấm 650 ml

Cách chế biến Bánh đúc Tàu

Bước 1: Trộn bột bánh

Cho vào tô 300g bột gạo lọc, 1/2 thìa cà phê muối, 650ml nước ấm, dùng vá khuấy đều cho bột tan hoàn toàn.

Sau đó, bạn để yên cho bột nghỉ từ 30 phút - 1 tiếng.

Sau thời gian nghỉ, bạn tiếp tục khuấy đều bột trước khi đem đi hấp.

Bước 2: Hấp chín bánh

Nấu sôi nước trong xửng hấp, cho khuôn vào làm nóng.

Khi khuôn bánh nóng, bạn khuấy đều bột rồi cho vào khuôn.

Hấp từng lớp bột khoảng 5 - 6 phút trên lửa vừa, mỗi lớp sẽ có độ dày 0.5cm. Khi lớp bột này đặc lại (không cần chín) thì bạn tiếp tục cho lớp bột khác lên mặt.

Sau khi đổ lớp bột cuối cùng vào khuôn, bạn hấp thêm từ 20 - 30 phút đến khi bột chín hoàn toàn.

Kinh nghiệm:

Bạn nhớ phủ kín 1 lớp khăn trên miệng nồi để hơi nước không nhiễu xuống bánh nhé!

Bột chín sẽ trong đều, khi dùng tăm xăm vào thì chỉ bị dính một ít bột đặc là được.

Bước 3: Sơ chế và luộc su hào

Su hào gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt hạt lựu.

Nấu sôi một nồi nước, sau đó bạn cho su hào vào luộc chín từ 2 - 3 phút.

Khi su hào chín, bạn nhanh tay vớt vào tô nước lạnh, rửa sơ lại với nước và để ráo.

Tiếp theo, trộn đều su hào với 3 thìa cà phê dầu màu điều.

Lưu ý: Chỉ luộc chín tới, không luộc nhừ su hào.

Bước 4: Ướp nhân tôm thịt

Tôm bỏ chỉ đen và đầu, sau đó rửa sạch.

Rửa sạch thịt ba rọi rồi cắt miếng nhỏ.

Ngâm nở nấm mèo trong nước, rửa sạch lại rồi cắt sợi vừa ăn.

Cho vào tô phần thịt, tôm vừa sơ chế, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/3 thìa cà phê muối, 1/3 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê dầu màu điều. Trộn đều cho nguyên liệu hòa quyện và ướp 30 phút.

Bước 5: Xào nhân bánh

Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 ít dầu màu điều, 2 củ hành tím băm nhỏ rồi phi thơm.

Khi hành thơm, bạn cho vào phần tôm thịt rồi xào chín trên lửa lớn đến khi nước rút hết.

Khi nước rút hết, hạ lửa xuống trung bình và tiếp tục xào đến khi tôm thịt săn lại.

Cuối cùng, cho thêm nấm mèo cắt sợi, xào chín thêm 1 lần nữa là hoàn tất.

Bước 6: Làm nước mắm ăn kèm

Cho vào tô 4 chén nước, 1 chén đường, 1/3 chén nước mắm, 6 thìa canh dấm, 1 thìa cà phê tỏi băm.

Khuấy đều hỗn hợp đến khi đường tan hoàn toàn.

Thành phẩm

Bánh đúc trắng dẻo mềm, ăn kèm cùng nhân thịt bùi béo và nước mắm chua ngọt, đem đến một món ăn vô cùng thơm ngon.

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn