Thứ ba, Ngày 17/09/2024 (Âm lịch: 15/08/2024)T3, 17/09/2024 (ÂL: 15/08/2024)
Tìm kiếm
CẨM NANG \ KINH NGHIỆM CHỌN HOA QUẢ \ DỨA

Quả dứa là loại trái cây nhiệt đới thơm ngon. Dứa là loại trái cây giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và những loại chất dinh dưỡng khác  nên luôn là lựa chọn để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, dứa cũng được biết đến là thực phẩm chống ung thư, nhanh làm lành vết thương và tốt cho hệ tiêu hóa.

Dứa vừa được dùng để chế biến các món ăn hàng ngày, vừa là món tráng miệng, món ăn vặt thơm ngon và hấp dẫn.

1. Giá trị dinh dưỡng và tác dụng của dứa

Giá trị dinh dưỡng của dứa

Dứa là loại trái cây tốt cho sức khỏe với nhiều lợi ích nhờ có chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, cụ thể trong 100g dứa có chứa các chất gồm:

·       50 kcal

·       0.12g chất béo

·       1mg natri

·       109mg kali

·       13.52g carbohydrate

·       1.4g chất xơ

·       10g đường

·       0.54g protein

·       13mg canxi

·       0.3mg chất sắt

·       12mg magie

Ngoài ra, trong quả dứa còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất như: Vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin K,...phốt pho, kẽm, đồng, mangan, selen,...

Qua đó ta có thể thấy được phần lớn dứa chiếm đến 86% là nước, 13% carbohydrate, rất ít protein và chất béo. Nhưng lại giàu vitamin, khoáng chất tốt cho cơ thể con người.

Tác dụng của dứa đối với sức khoẻ

Tăng cường hệ miễn dịch

Hàm lượng vitamin C dồi dào trong quả dứa có tác dụng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, từ đó ngăn một số bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp, chống viêm tốt.

Ngoài ra, mangan có trong dứa cũng có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch.

Làm dịu cơn ho

Bromelain là một chất có trong dứa có tác dụng làm dịu cơn ho, chính vì vậy mà dứa là loại trái cây giúp làm dịu cơn đau họng, giảm viêm tốt.

Một nghiên cứu, đánh giá vào năm 2010 cho thấy rằng, cách điều trị tự nhiên với bệnh nhân bị lao khi cho uống nước ép dứa kết hợp với chanh, mật ong, muối sẽ hòa tan chất nhầy ở phổi, cải thiện tình trạng bệnh.

Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Bromelain có khả năng phân hủy protein nên giúp việc tiêu hóa thức ăn dễ dàng. Đồng thời còn làm giảm viêm nhiễm đường tiêu hóa, giảm tiêu chảy, táo bón,...

Ngoài ra, chất xơ trong dứa cũng giúp bảo vệ đường ruột ổn định hiệu quả.

Chứa nhiều chất chống oxy hóa, bảo vệ tim

Những chất chống oxy hóa có trong dứa như: Vitamin C, mangan, bromelain, axit phenolic, flavonoid,...bảo vệ tế bào trong cơ thể khỏi gốc tự do gây nên ung thư, bệnh tim.

Đặc biệt, axit phenolic có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm, ngăn ngừa ung thư, flavonoid thì cũng có tác dụng tương tự và còn bảo vệ tim mạch.

Nâng cao sức khỏe xương khớp

Nhờ có hàm lượng vitamin C dồi dào mà khi ăn dứa, sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương đáng kể, tỷ lệ gãy xương cũng thấp hơn bằng cách tổng hợp collagen dễ dàng.

Collagen giúp duy trì hoạt động của da, xương, mạch máu và cả các nội tạng. Do đó, ăn dứa vừa phải có thể giúp chống bệnh còi xương, tăng cường đề kháng.

Chống lão hóa da

Một lợi ích nữa không thể không kể đến là ăn dứa sẽ có tác động tích cực với làn da. Vitamin C giúp bảo vệ da chống lão hóa từ sâu bên trong bằng cách ngăn tổn thương do tiếp xúc với tia UV.

Đồng thời, vitamin này cũng kích thích tổng hợp collagen cho làn da căng mịn, ít khô và nếp nhăn hơn.

2. Cách chọn dứa tươi ngon, ngọt lịm

Quan sát màu sắc quả dứa

Màu của thân hay cuống dứa đều quyết định đến độ ngon của dứa nên bạn cần chọn những trái có màu vàng tươi từ cuống cho đến phần đuôi.

Có thể còn một vài mắt hơi xanh nhưng nó vẫn mang độ ngọt nhất định. Nên nhớ, trái dứa vàng đều thì độ ngọt càng cao. Ngoài ra, phần ngọn dứa có màu càng tươi xanh chứng tỏ dứa càng tươi ngon, còn nếu những trái dứa quá chín phần ngọn sẽ bị khô hoặc ngả sang màu nâu.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý tránh chọn những trái không đều màu, có những chấm nâu đậm hoặc vàng ngả sang màu đỏ bởi nó đã bị chín quá mức. Cũng không nên chọn trái dứa khi còn xanh vì phải đợi rất lâu sau nó mới chín.

Quan sát hình dáng quả dứa

Dứa có hình tròn bầu, ngắn quả sẽ có nhiều thịt hơn so với những quả dáng ống dài.

Cảm nhận bằng tay

Dứa nếu chín quá mức sẽ bị mềm và bạn sẽ cảm nhận được khi cầm lên tay, lớp vỏ của dứa khi chín quá sẽ bị nhăn.

Còn những trái dứa ngon, tươi sẽ không quá cứng cũng quá mềm, nhấn ngón tay vào sẽ không có cảm giác bị lõm vào.

Quan sát mắt dứa

Mắt dứa càng lớn, càng thưa sẽ càng tốt. Bởi sau khi gọt bỏ phần mắt bạn sẽ có được phần thịt dứa dày và mắt dứa lớn, thưa chứng tỏ dứa già và chín tự nhiên chứ không ngâm thuốc.

Ngửi mùi thơm

Bạn có thể ngửi mùi ở phần cuối trái dứa để thử độ tươi và chín của dứa. Nếu thấy có mùi thơm thì nên chọn, tránh chọn mùi ít hoặc không mùi bởi nó chưa chín. Cũng không nên chọn những trái có mùi hơi chua theo kiểu lên men thì đó là những trái đã quá chín.

3. Lưu ý khi ăn dứa và cách bảo quản dứa

Dứa có nhiều lợi ích, nhưng cũng có những tình huống mà bạn cần thận trọng khi ăn như:

Dứa có tính axit cao, dễ khiến bị trào ngược dạ dày, ợ nóng khi ăn nhiều, do đó bạn cần tránh ăn dứa khi đói hoặc đang đau dạ dày.

Dứa có nhiều chất xơ, nên người có vấn đề về tiêu hóa nên hạn chế vì ăn nhiều gây khó chịu.

Mỗi ngày chỉ nên ăn 1/2 quả dứa hay uống 1 ly nước ép dứa.

Hạn chế ăn nhiều lõi dứa, vì lõi có nhiều sợi xơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây đầy bụng.

Hạn chế ăn dứa khi đang uống thuốc, vì bromelain là loại enzyme có thể tương tác với một số loại thuốc.

Phụ nữ mang thai, sau sinh nên ăn dứa ở lượng phù hợp, ăn nhiều có thể làm chuyển dạ sớm.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần biết cách bảo quản dứa để sử dụng được dài lâu. Lời khuyên dành cho bạn là chỉ nên mua dứa khi có ý định nấu hoặc ăn sống ngay. Còn nếu chưa cần dùng đến thì nên để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và không nên để quá 2 - 3 ngày.

Trường hợp bạn mua dứa về, đã gọt sẵn nhưng dùng không hết thì nên gói kỹ lại rồi bỏ vào tủ lạnh. Nhưng cũng không nên để quá 2 ngày bởi dứa rất nhanh hỏng.

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn