Thứ năm, Ngày 19/09/2024 (Âm lịch: 17/08/2024)T5, 19/09/2024 (ÂL: 17/08/2024)
Tìm kiếm

Cách làm Bánh hỏi

Cách làm Bánh hỏi

Bánh hỏi là một món bánh dân dã, có mặt ở nhiều nơi. Không những thơm ngon, loại đặc sản này còn cung cấp năng lượng calo đáng kể cho các hoạt động sống của cơ thể bạn.

1. Bánh hỏi là bánh gì?

Bánh hỏi là một món ăn đặc sản của nhiều tỉnh thành như: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định. Đây là món ăn thường được sử dụng vào những dịp cưới hỏi, lễ cúng đình chùa hay cúng giỗ.

Với những nguyên liệu chính như bột gạo, nước lọc và phương pháp chế biến kỳ công, tỉ mỉ. Bánh hỏi đem đến hương vị thơm ngon với kết cấu dai mềm, tự nhiên.

Loại bánh này thường được ăn cùng với thịt lợn quay, thịt nướng, lòng lợn hay chỉ đơn giản là kết hợp với một ít mỡ hành, hành phi cũng đều đem lại hương vị cuốn hút một cách lạ kỳ.

 

2. Bánh hỏi ăn với gì ngon?

Bánh hỏi lợn quay

Bánh hỏi lợn quay là một sự kết hợp hoàn hảo, đem đến hương vị đậm đà, cuốn hút. Những lát bánh hỏi ấm nóng, mỏng manh được cuộn tròn rồi rưới thêm 1 ít mỡ hành bóng bẩy.

Khéo léo đặt 1 lát thịt dày dặn lên cuốn bánh hỏi rồi chấm với 1 ít nước mắm chua ngọt. Bạn sẽ cảm nhận được sự hoàn quyện giữa vị mặn ngọt đồng điệu, rất kích thích vị giác.

 

Bánh hỏi thịt nướng

Không những kết hợp với lợn quay, bánh hỏi khi kết hợp với thịt nướng cũng chứa đựng hương vị thơm ngon tuyệt đỉnh. Món ăn gồm có: những lát bánh hỏi trắng phau với lớp mỡ hành bóng bẩy.

Kế bên là thịt nướng đậm vị, thơm nồng. Tất nhiên là không thể thiếu sự góp mặt của nước mắm chua ngọt, rau sống và dưa chua.

 

Bánh hỏi nem nướng

Bên cạnh bánh hỏi thịt nướng, lợn quay, bánh hỏi nem nướng dường như cũng chẳng hề kém cạnh về hương vị và sức hấp dẫn. Lớp bánh trắng mềm, được quết lên một ít mỡ hành, hành phi.

Đặt cạnh là những thanh nem nướng vàng, được xếp ngay ngắn cùng với rau thơm, dưa chua. Chỉ đơn giản vậy thôi mà ngon đến khó tả.

 

Bánh hỏi thịt luộc

Nếu bạn không thích ăn bánh hỏi với thịt mỡ, thì nên thử qua món bánh hỏi thịt luộc xem sao. Trông có vẻ đơn điệu thế thôi, nhưng lại chứa đựng hương vị thơm ngon hết sẩy!

Những lát thịt lợn luộc ngọt nước, mềm mịn, kết hợp với lát bánh hỏi ấm nóng, phết thêm lớp mỡ hành bóng bẩy. Món ăn khiến bạn ăn hoài mà không thấy chán!

 

Bánh hỏi lòng lợn

Một trong những cách thưởng thức bánh hỏi ngon nhất, là ăn kèm với lòng lợn và rau sống. Lòng phải là loại lòng tươi ngon, được làm sạch kỹ, mới cho ra được vị beo béo, ngọt nước.

Bánh hỏi không cuốn lại mà tách ra từng miếng, rồi thoa đều với mỡ hành trông rất bắt mắt. Kế bên là dĩa rau thơm với khế chua và một chén nước mắm mặn nguyên chất. Món này rất thích hợp để làm điểm tâm vào mỗi buổi sáng!

 

Bánh hỏi cháo lòng

Bánh hỏi cháo lòng là một món đặc sản có nguồn gốc từ miền Trung, được cả người dân bản địa và du khách thập phương yêu thích. Món ăn gồm có: một dĩa lòng xắt nhỏ, beo béo với đủ loại tim, gan, cật, phèo non,...

Một dĩa bánh hỏi với những lớp bánh mỏng vừa phải, xếp chồng lên nhau, dai dai nhẹ và rất thơm mùi gạo. Một dĩa rau thơm xanh mướt và một tô cháo nóng hổi, sóng sánh, đậm đà.

Không giống như những món bánh hỏi khác, nước chấm của bánh hỏi cháo lòng phải là nước mắm nguyên chất thêm ớt cắt lát. Mắm ngon chính là thứ tạo nên linh hồn cho món ăn hoàn hảo này.

 

Bánh hỏi chả giò

Với một chút biến tấu trong nguyên liệu, bánh hỏi chả giò/ chả lụa mang đến cho người thưởng thức hương vị độc đáo, mới lạ hơn. Chả giò đậm đà, chả lụa dai dai cuộn trong lớp bánh hỏi ngon ngọt, có độ mềm vừa phải.

Với món ăn này, bạn có thể tuỳ thích chọn lựa thêm thực phẩm dùng kèm. Chẳng hạn như: cà chua, rau thơm hoặc dưa chua. Sự kết hợp nào cũng đem đến hương vị trọn vẹn.

 

Bánh hỏi thịt khìa

Những ngày thời tiết se lạnh mà được thưởng thức một dĩa bánh hỏi thịt khìa thì còn gì bằng! Thịt lợn ngọt nước, được khìa với nước dừa nên rất đậm vị. Bánh hỏi trắng phau, rưới thêm một ít mỡ hàng ngon đến khó tả.

 

3. Bánh hỏi bao nhiêu calo?

Bánh hỏi không

Theo các chuyên gia, bánh hỏi là món ăn được làm từ bột gạo thêm với mỡ hành nên sẽ cung cấp lượng calo tương đối cao. Theo đó, 100g bánh hỏi chứa khoảng 96 calo.

Bánh hỏi gạo lứt

Khác với bánh hỏi thông thường, bánh hỏi gạo lứt được làm từ nguyên liệu chính là gạo lứt nên rất thích hợp với những người đang trong quá trình giảm cân.

Không những chứa lượng calo thấp (chỉ khoảng 74 calo/ 100g), loại bánh này còn giúp bạn có cảm giác no lâu hơn. Từ đó hạn chế việc nạp thêm thức ăn và giảm cân hiệu quả.

Bánh hỏi lợn quay

1 phần bánh hỏi lợn quay đầy đủ gồm có: bánh hỏi, thịt lợn quay, rau sống và nước mắm. Như vậy, với những nguyên liệu giàu chất đạm như trên thì 1 phần bánh sẽ cung cấp đến 365 calo.

Bánh hỏi thịt nướng

1 phần bánh hỏi thịt nướng gồm có: bánh hỏi, thịt nạc lợn nướng, 1 ít rau sống và nước mắm. Với sự kết hợp của những nguyên liệu này, 1 dĩa bánh sẽ cung cấp cho bạn 340 calo.

Bánh hỏi cháo lòng

Với những nguyên liệu thơm ngon như: lòng lợn, bánh hỏi, cháo lòng, rau sống và nước mắm, món bánh hỏi cháo lòng đem đến khoảng 422 calo.

4. Ăn bánh hỏi có béo không?

Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần nạp khoảng 2000 calo, tương đương với 667 calo/ mỗi bữa ăn để có đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Nếu lượng calo nạp vào cao hơn mức calo cho phép trong 1 ngày, thì sẽ gây ra nguy cơ béo phì rất cao.

Được biết, 1 đĩa bánh hỏi thịt lợn truyền thống chứa khoảng 340 calo. Tuy nhiên, đối với cơ thể người trưởng thành thì phải ăn đến 2 đĩa bánh hỏi (tức 680 calo) mới đủ no. Như vậy, bánh hỏi được xếp vào loại đồ ăn gây béo.

Vì thế, bạn chỉ nên ăn bánh hỏi khoảng 2 - 3 lần/ tuần hoặc có thể thay thế bằng bánh hỏi gạo lứt, bên cạnh đó bạn cần phải xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, thường xuyên tập thể dục thể thao để giữ được vóc dáng thon thả như mong muốn nhé!

5. Bánh hỏi để được bao lâu?

Đối với bánh hỏi tươi

Với bánh hỏi tươi, bạn nên chuẩn bị một chiếc giỏ tre, lót 1 lớp lá chuối lên trên rồi xếp bánh hỏi vào, đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Với cách làm này, bánh hỏi sẽ bảo quản được từ 1 - 2 ngày.

Đối với bánh hỏi khô

Với bánh hỏi khô, bạn nên bịt kín bao bì đựng bánh hoặc đem để vào hộp đựng thực phẩm (đậy kín nắp).

Sau đó đặt bánh ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Với cách làm này, bánh sẽ giữ được thời hạn sử dụng đúng như thời gian ghi trên bao bì (khoảng 12 tháng).

6. Cách làm bánh hỏi truyền thống thơm ngon đơn giản dễ làm tại nhà

Chỉ với một ít gạo tẻ cùng một chiếc khuôn ép bánh hỏi, bạn đã có thể làm ngay những phần bánh hỏi thơm ngon ngay tại nhà. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn làm món bánh hỏi này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh hỏi truyền thống (Cho 5 người ăn)

Gạo tẻ 700 g ( bột gạo 750g) 

Bột khoai tây 80 g 

Dầu ăn 4 thìa canh 

Muối 1 ít

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, khuôn hấp bánh hỏi, khuông ép bánh hỏi, lò vi sóng, màng bọc thực phẩm, máy xay sinh tố,...

Cách chế biến Bánh hỏi truyền thống

Bước 1: Ngâm gạo và xay bột

Gạo tẻ đem vo sạch và ngâm gạo ngập nước trong 10 - 12 tiếng.

Sau khi ngâm gạo, bạn chắt nước ngâm gạo bỏ đi và tiến hành xay gạo thật nhuyễn bằng máy xay bột.

Bột gạo vừa xay đem cho vào túi vải trắng, treo lên và để qua đêm cho bột thật ráo nước.

Kinh nghiệm:

Có thể xay gạo bằng máy xay sinh tố, nhưng phải lượt lại và xay nhiều lần để đảm bảo gạo được xay thật nhuyễn.

Để tiếp kiệm thời gian bạn có thể mua bột gạo bán sẵn!

Bước 2: Trộn bột

Bạn cho vào tô 2/3 phần bột gạo và 1/2 thìa cà phê muối khuấy đều cho muối hòa vào bột, rồi bạn cho 500ml nước nóng vào, bạn dùng phới lồng khuấy đều cho bột gạo tan ra.

Cuối cùng, bạn cho vào tô bột 2 thìa canh dầu ăn khuấy thêm khoảng 1 phút là được.

Bước 3: Hấp bột

Bạn cho hỗn hợp bột vào khuôn bắc lên xửng hấp ở lửa vừa, khoảng 2 - 3 phút thì bạn mở nắp xửng hấp ra khuấy bột, đến khi hỗn hợp bột sệt dẻo lại là được!

Kinh nghiệm: Bạn có thể cho bột vào nồi bắc lên bếp khuấy trực tiếp ở lửa nhỏ!

Bước 4: Trộn bột và hấp lần 2

Bột đã hấp trước đó bạn cho ra tô rồi cho phần bột gạo còn lại vào, trộn đều cho bột hòa vào nhau.

Bạn tiếp tục cho bột vào khuôn rồi bắc khuôn lên xửng hấp ở lửa vừa khoảng 5 - 7 phút đến khi thấy bột hơi trong trên bề mặt là được.

Lưu ý: Khi hấp bột bạn chỉ nên hấp sơ, tránh hấp bột bị chín vì sẽ làm bánh hỏi không thành công.

Bước 5: Nhào bột và ủ bột

Bạn cho bột đã hấp ra tô rồi cho vào 80g bột khoai tây nhồi thật kỹ cho bột cho thật dẻo mịn, sau đó bạn đậy tô bột lại ủ khoảng 20 phút cho bột nở.

Bước 6: Luộc bột

Bạn bắc 1 nồi nước nấu cho thật sôi rồi bạn cho vào nồi nước 1 thìa canh dầu ăn.

Bột đã ủ đủ thời gian, bạn tạo bột thành khối nén thật chặt rồi cho vào nồi nước sôi mở lửa lớn luộc bột khoảng 5 phút thì vớt ra!

Bước 7: Nhào bột lần 2

Bạn cho bột đã luộc ra tô lúc này bột rất nóng bạn dằm bột ra cho bớt nóng, rồi dùng tay nhào bột cho thật kỹ. Sau đó bạn cho tô bột vào lò vi sóng mở nhiệt độ trung bình quay thêm 40 giây thì cho bột ra.

Bạn thoa 1 ít dầu ăn ra mặt bàn rồi cho bột lên nhào bột lại một lần nữa cho bột dẻo mịn không bị cợn.

Cuối cùng, bạn tạo bột thành khối cho vừa với khuôn bánh hỏi, bạn có thể chia bột thành 2 khối để dễ tạo hình bánh hỏi, phần bột chưa sử dụng bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại.

Kinh nghiệm: Để banh hỏi ngon bạn cần phải giữu khối bột nóng nên khi nhồi bạn phải nhồi thật nhanh tay.

Bước 8: Ép bột bánh hỏi

Cho bột vào khuôn ép bánh hỏi vặn chặt nắp khuôn lại, nhẹ nhàng ép bột thành những sợi bánh hỏi, nhanh tay bắc bột sau đó xếp vào khuôn hấp thành từng lớp.

Bước 9: Hấp bánh hỏi

Cho khuôn bánh hỏi vào nồi xửng hấp trên lửa lớn khoảng 3 phút thì bánh sẽ chín.

Thành phẩm

Bánh hỏi khi chín dễ lấy, khô không bị bết dính. Sợi bánh mềm dẻo, có độ dai nhẹ, thơm từ gạo.

Bạn xếp bánh hỏi ra dĩa thêm ít dầu hẹ ăn kèm với thịt lợn quay, rau sống chấm nước chấm chua ngọt thì vô cùng tuyệt vời nhé!

Cách bảo quản bánh hỏi sau khi hấp

Bánh phơi khô rồi giữ ở nơi thoáng mát để bảo quản lâu, khi dùng chỉ cần trụng lại với nước sôi khoảng 1 phút rồi cho lại vào nước mát để sử dụng.

Bánh tươi để ngăn đông, khi ăn rã đông, dùng trong 1 tuần.

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn