Thứ năm, Ngày 19/09/2024 (Âm lịch: 17/08/2024)T5, 19/09/2024 (ÂL: 17/08/2024)
Tìm kiếm

Cách làm Bánh ít nhân đậu xanh dừa

Cách làm Bánh ít nhân đậu xanh dừa

Nếu ai đã từng đăt chân đến mảnh đất miền Tây Nam Bộ và có dịp thưởng thức món Bánh ít nhân đậu xanh dừa, hẳn sẽ không quên vị dẻo, thơm và rất bùi của nó. Với các nguyên liệu dễ tìm cùng công thức đơn giản, đảm bảo bạn sẽ thực hiện thành công ngay từ lần đầu tiên. Bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít nhân đậu xanh dừa (Cho 10 cái)

Bột nếp 480 g 

Đậu xanh 200 g 

Dừa sợi 100 g (hoặc dừa bào sợi) 

Gấc 1 quả 

Lá dứa 7 lá 

Bột vani 1 thìa cà phê 

Muối/ Đường 1 ít 

Dầu ăn 1 ít

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, chảo chống dính, nồi, bát tô, thìa,...

Cách chế biến Bánh ít nhân đậu xanh dừa

Bước 1: Nấu đậu xanh

Đậu xanh sau khi đã tách sạch vỏ, ngâm với nước qua đêm cho vào nồi, thêm vào 1/3 thìa cà phê muối và 250ml nước.

Sau khi đậu đã ngâm nở, bạn vớt ra cho ráo hết nước. Lúc này cho đậu vào nồi, đổ nước ngập mặt đậu rồi đậy nắp nấu với lửa nhỏ.

Khi đậu chín mềm, mang phần đậu xay nhuyễn.

Bước 2: Làm nhân đậu xanh dừa

Cho 90g đường, 100g dừa sợi, 1 thìa canh dầu ăn vào đậu xanh vừa xay, cho vào bếp xào đậu với lửa nhỏ đến khi đậu kết dính thành một khối. Sau đó cho thêm 1 thìa cà phê bột vani và tiếp tục xào đến khi đậu xanh sệt lại dính thành khối là xong.

Bạn đợi đậu xanh nguội, sau đó vo tròn đều, to vừa miệng ăn. Bạn dùng màng ni-lông bọc kín nhân để đậu không bị khô trong lúc thực hiện các bước tiếp theo nhé!

Kinh nghiệm: Nếu thích ăn ngọt, bạn có thể cho từ 100 - 110g đường vào đậu để xào nhé!

Bước 3: Lọc nước lá dứa và nhân gấc

Để tạo màu sắc cho bánh, bạn dùng khoảng 7 lá dứa cắt nhỏ xay cùng 160ml nước, sau đó lọc lấy phần nước lá dứa.

Gấc bổ đôi, bạn giữ lại thịt gấc, tách bỏ hạt. Sau đó đem thịt gấc xay nhuyễn với nước, lọc lấy phần nước quả gấc.

Lưu ý:

Bạn không nên lấy quá sâu phần thịt gấc vì sẽ làm đắng nước.

Nếu muốn bánh có màu xanh hơn, bạn có thể cho thêm 1 ít tinh dầu lá dứa vào khuấy đều với nước lá dứa nhé!

Có thể thay quả gấc thành củ dền, cà rốt,... xay lấy nước để tạo màu sắc bánh theo sở thích.

Bước 4: Trộn bột làm vỏ

Để có lớp vỏ bánh màu trắng, bạn cho 160g bột nếp, 40g đường, 1/4 thìa cà phê muối, 2/3 thìa canh dầu ăn, 160ml nước ấm, sau đó dùng tay nhào trộn đều bột. Dùng màng ni-lông bọc kín bột bánh để tránh bột bị khô khi chưa sử dụng để bọc nhân.

Để tạo vỏ bánh màu xanh hoặc cam, cho các nguyên liệu với lượng tương đương như khi nhào bột màu trắng, chỉ thay đổi nước ấm thành nước lá dứa hoặc nước gấc tương ứng.

Kinh nghiệm:

Cho khoảng 25g khoai tây hoặc khoai lang đã nấu chín tán nhuyễn vào trộn bột sẽ giúp vỏ bánh giữ được độ mềm khi để lâu nhé!

Khi trộn bột, bạn cần cho nước vào dần dần, căn chỉnh cho thêm nước ấm nếu bột bánh quá khô.

Bước 5: Bọc nhân

Trung bình với 1 phần bột đã trộn, bạn chia đều thành 4 phần.

Đầu tiên, bạn ấn dẹp vỏ bột, sau đó vo tròn để bánh đẹp và đảm bảo bọc kín nhân bên trong.

Sau khi bọc nhân xong, chuẩn bị một chén dầu ăn, bạn cho bánh vào lăn đều để khi hấp bánh, bánh sẽ không dính khi bóc vỏ nhé!

Bước 6: Gói bánh

Lá chuối sau khi rửa sạch, lau khô, bạn cắt thành hình chữ nhật có kích thước 25x15 (cm). Lật ngược lá chuối để phía dưới làm lớp ngoài, lớp trong sẽ chọn lá nhỏ hơn.

Dùng ngón tay trỏ đặt ở tâm lớp lá chuối bên trong, gấp mép lá theo chiều từ trái qua phải tạo thành chiếc phễu. Cho nhân bánh vào lá chuối, sau đó ấn đầu các góc, bẻ gập lại.

Với lớp lá ngoài, bạn đặt xéo bánh đã gói vào giữa lớp lá ngoài, sau đó kéo góc lá lại. Dùng tay ép các mép lá dọc xuống theo bánh đã gói bên trong, gấp lá vào dần khoảng 3 lần. Làm tương tự với góc lá còn lại.

Gấp đều phần đuôi bánh, cắt bớt lá thừa, phần còn lại của lá bạn gấp nhét chắc vào chỗ hở khe lá.

Bước 7: Hấp bánh

Khi nước trong nồi hấp đun sôi, bạn cho bánh vào xửng (vỉ) hấp, đậy nắp và tiến hành hấp bánh trong khoảng 30 - 35 phút.

Thành phẩm

Bánh sau khi đã hấp, bạn lau khô, để nguội là có thể dùng. Bánh có lớp vỏ bột mềm dai, thoang thoảng hương thơm của lá dứa, gấc tự nhiên, vị ngọt của phần nhân bánh thơm ngon, hấp dẫn.

Thông tin về bột nếp

Bột nếp khi mua ngoài hàng bạn chọn loại bột còn trắng tinh, mịn không bị vón cục hay ngả màu vàng đục.

Mua bột có mùi thơm nếp đặc trưng, tránh mua bột có mùi mốc hay các mùi lạ khác.

Kinh nghiệm bảo quản bánh

Treo bánh nơi thoáng mát sẽ bảo quản được bánh ít trong khoảng từ 7 - 10 ngày.

Để bánh còn nguyên vỏ vào ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được từ 15 - 20 ngày, khi dùng bạn cần hấp lại cho bánh được nóng.

Nếu bánh đã bóc vỏ, bạn bọc lại với túi ni-lông và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn