Thứ ba, Ngày 17/09/2024 (Âm lịch: 15/08/2024)T3, 17/09/2024 (ÂL: 15/08/2024)
Tìm kiếm
MÓN ĂN

Bánh giầy đậu xanh là món bánh truyền thống của dân tộc được rất nhiều người yêu thích vì hương vị thơm ngon đặc trưng. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh giầy này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh giầy đậu xanh (Cho 5 người ăn)

·       Đậu xanh 250 g 

·       Đường 130 g 

·       Vừng rang 30 g 

·       Muối 10 g 

·       Bột nếp 200 g 

·       Bột gạo 10 g 

·       Nước ấm 200 ml 

·       Dầu ăn 200 ml 

·       Lá chuối 100 g

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, máy xay sinh tố, màng bọc thực phẩm, bát tô, thìa,...

Cách chế biến Bánh giầy đậu xanh

Bước 1: Hấp đậu xanh

Cho 1 chút muối vào 250g đậu xanh rồi đem ngâm từ 2-3h. Sau đó vớt để ráo rồi cho vào xửng hấp 20 phút để đậu xanh chín.

Bước 2: Xay nhuyễn đậu

Tiếp theo, cho đậu xanh vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, lấy 1/3 phần đậu này để riêng lát nữa sẽ áo 1 lớp bên ngoài chiếc bánh giầy.

Bước 3: Sên đậu

Lấy 2/3 số đậu xanh đã xay nhuyễn cho vào chảo, thêm 130g đường vào sau đó sên trên bếp với lửa vừa cho tới khi đậu xanh dẻo và không dính chảo là được

Cho tiếp 30g vừng rang vào, trộn đều.

Bước 4: Trộn bột

Cho 200g bột nếp, 10g bột gạo, 30ml dầu ăn vào tô, sau đó cho từ từ 200ml nước ấm vào trộn đều hỗn hợp.

Bước 5: Nhào bột

Dùng tay nhào hỗn hợp thành khối dẻo mịn rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc khối bột lại và ủ 15 phút.

Bước 6: Tạo hình bánh

Lấy từng viên bột đều nhau rồi vo tròn sau đó ấn dẹt và đặt viên nhân đậu xanh vào giữa, gói kín lại cho nhân không bị hở ra ngoài.

Đặt bánh lên lá chuối hoặc một miếng giấy nến để bánh không bị dính. Cứ như vậy làm cho hết nguyên liệu.

Bước 7: Hấp bánh

Chuẩn bị 1 cái nồi hấp. Nấu nước hơi sôi nhẹ. Đặt bánh vào trong và hấp 20 phút dưới lửa nhỏ cho đến khi bánh chín.

Kinh nghiệm: Khi hấp bánh chú ý 5 phút xả hơi 1 lần để tránh bánh bị chảy, nhão.

Bước 8: Áo đậu xanh

Lấy bánh đã hấp chín lăn qua phần đậu xanh xay nhuyễn còn lại và thưởng thức thành phẩm.

Kinh nghiệm: Lăn bánh qua đậu xanh khi bánh còn nóng, đậu xanh sẽ dễ dính vào bánh hơn.

Thành phẩm

Chỉ với vài bước đơn giản là bạn đã làm được những chiếc bánh giầy đậu xanh tròn xinh, dẻo mềm lại thơm bùi vị đậu xanh ngon khó cưỡng nổi.


Bánh giầy là loại bánh đặc trưng của người Việt, mỗi vùng miền sẽ có loại bánh giầy khác nhau, cùng khám phá cách làm bánh giầy đậu xanh xứ Quảng lạ miệng, hấp dẫn.

Bánh giầy ý nghĩa tượng trưng cho trời, món bánh đậm chất dân tộc, thơm dẻo , nhân có thể ngọt hoặc mặn tùy thích. Hôm nay, và và chúng tôi cùng vào bếp làm bánh giầy đậu xanh vị xứ Quảng nhé!

Nguyên liệu làm món bánh giầy đậu xanh xứ Quảng

·       400g bột nếp

·       50g đậu xanh cà vỏ

·       3 củ hành tím

·       2 nhánh hành lá

·       10g đậu phộng rang

·       300ml nước ấm

·       1 ít bánh đa

·       Gia vị: Đường, muối, nước mắm, tiêu, hạt nêm, dầu ăn

Cách làm món bánh giầy đậu xanh xứ Quảng

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đầu tiên, bạn vo sạch đậu xanh và mang ngâm trong nước ấm khoảng 30 phút cho đậu mềm, rồi mang cho vào xửng hấp chín 30 phút, nghiền nhuyễn.

Sau đó, chia đậu ra làm hai phần để làm nhân ngọt và nhân mặn.

Hành tím bóc vỏ rửa sạch, thái lát.

Còn hành lá bạn rửa sạch, để ráo cắt nhỏ để trong chén.

Đậu phộng rang giã nát.

Bước 2: Làm nhân đậu

Bạn bắc chảo lên bếp, cho 25g đậu xanh vào và thêm vào 2 thìa cà phê đường rồi sên hỗn hợp trên lửa nhỏ khoảng 10 phút.

Qua 10 phút, cho vào thêm 1 thìa cà phê dầu ăn, tiếp tục sên cho đến khi đậu dẻo mịn, thành khối thì dừng.

Bắc 1 cái chảo khác lên bếp, làm nhân mặn và thao tác tương tự nhân ngọt nhưng nêm gia vị theo tỉ lệ ½ thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê đường, ½ thìa cà phê bột ngọt và khi tắt bếp rắc thêm ít tiêu cho thơm.

Bước 3: Nhồi bột làm vỏ bánh

Bạn đổ 400g bột nếp vào tô, cho từ từ 300ml nước ấm vào, vừa đổ nước ấm bạn vừa trộn bột, khi cho hết nước thì dùng hai tay nhào đến khi thấy bột dẻo mịn thì để bột nghỉ 15 phút.

Bước 4: Hấp bánh

Kế đó, bạn chia bột thành từng phần bằng nhau vo tròn, dùng tay ấn dẹp, cho nhân vào chính giữa và gấp nếp, vo tròn. Chuẩn bị lá chuối hay dĩa đã thoa dầu, xếp bánh vào và đem đi hấp chín 7 - 10 phút.

Bước 5: Hoàn thành

Bạn bắc chảo lên bếp, cho 3 thìa canh dầu ăn và làm nóng chảo, rồi cho hành tím vào phi vàng thơm, kế đến bạn cho hành lá vào và cho thêm 1 thìa canh nước mắm, 3/2 thìa canh đường, 1/2 thìa cà phê bột ngọt và 1 thìa cà phê hạt nêm, đảo đều trong 2 phút và nếm thử vừa vị hay không thì tắt bếp.

Thành phẩm

Bạn dọn bánh giầy ra dĩa, rưới phần nước sốt mỡ hành và rắc ít đậu phộng rang lên là có thể thưởng thức. Món bánh giầy có vỏ mềm dai, phần nhân ngọt và nhân mặn hòa quyện với nước sốt phủ lên, ăn kèm với ít bánh đa thì cực kỳ ngon.

Bánh giầy giò món ăn miền Bắc được nhiều người yêu thích. Bánh giầy giò với miếng giò được kẹp trong 2 chiếc bánh giầy mang đến vị ngon đặc trưng khiến bạn không thể nhầm lẫn với món ăn nào khác. Để có món bánh giầy giò dẻo thơm cho cả nhà cùng thưởng thức thì bạn hãy tham khảo ngay công thức chế biến sau.

Nguyên liệu làm bánh giầy giò

·       180gr bột nếp

·       20gr bột gạo

·       200gr giò lụa

·       Gia vị: Dầu ăn, muối

Cách làm bánh giầy giò

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Bạn bỏ bột gạo và bột nếp vào 1 chiếc chậu nhỏ hoặc tô, sau đó cho vào chậu đựng bột 2 muỗng canh dầu ăn, ½ muỗng cà phê muối cùng 100ml nước sôi 100 độ C.

Tiếp đến bạn trộn đều bột lên và bỏ thêm vào bột 100ml nước nguội tiếp tục trộn đều bột lên.

Lưu ý: nếu bạn thấy bột hơi nhão thì có thể cho thêm chút bột khô vào trộn đều, còn nếu bột hơi khô thì có thể cho thêm 1 chút nước nữa.

Giò bạn đem cắt thành khoanh tròn có độ giầy khoảng 0,5cm sau đó mỗi khoanh bạn cắt thành 6 miếng hình tam giác.

Bước 2: Nhồi bột

Sau khi bạn đã trộn đều bột thì bạn dùng tay nhào bột cho bột dẻo và tạo thành 1 khối. Tiếp đến bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc lại ủ bột trong khoảng 30 phút.

Bước 3: Nặn bánh

Trước khi tiến hành nặn bánh bạn lại nhào bột lại 1 lần nữa để bột dẻo, mềm. Bạn chia bột thành nhiều cục bột nhỏ, sau đó lấy 1 cục bột bỏ lên tay xoay tròn, tiếp đến đặt lên trên giấy nến và ấn nhẹ xuống, thực hiện tương tự như vậy đối với những cục bột còn lại.

Bước 4: Hấp bánh

Bạn đặt bánh giầy vào xửng hấp sau đó đem đi hấp, thời gian hấp khoảng 7 phút trên lửa nhỏ là bánh sẽ chín.

Bước 5: Trình bày

Khi bánh giầy đã chín bạn lấy bánh ra đặt 1 miếng giò lên trên chiếc bánh, sau đó đặt 1 chiếc bánh giò khác lên trên, làm tương tự với những chiếc bánh còn lại.

Thành phẩm

Bánh giầy giò dẻo, mềm với phần giò lụa thơm ngon, sẽ là gợi ý tuyệt vời cho bữa sáng đơn giản, nhanh gọn, ngon mà giàu dinh dưỡng.

Bạn có thể ăn bánh giầy kèm với chả lụa hay chả bò cho bữa sáng đầy dinh dưỡng và cực kỳ bắt miệng.


Bánh giầy khoai lang dẻo, thơm, ngon, mềm, dễ ăn, ăn được nhiều không bị ngán. Hôm nay, bạn và chúng tôi cùng vào bếp để làm món bánh giầy này nhé!

Nguyên Liệu làm bánh giầy khoai lang

·       1/ Bánh tím:

·       90 g bột nếp

·       10 g bột gạo

·       100 g khoai lang tím hấp chín

·       120 ml nước đá lạnh

·       1/2 m muối

·       1/ Bánh vàng:

·       90 g bột nếp

·       10 g bột gạo

·       100 g khoai lang vàng hấp chín

·       1/2 m muối

Hướng dẫn cách làm bánh giầy khoai lang

Bước 1:

Khoai lang tím, vàng tán mịn.
- Cho bột nếp + bột gạo + khoai lang + muối + nước vào âu sau đó nhồi đều thành khối dẻo mịn.

Bước 2:

Bọc màng, để nghỉ 15 phút.
- Chia bột thành từng viên khoảng 35g - 40g sau đó vo tròn, ấn dẹp rồi đặt lên giấy nến.

Bước 3:

Xửng nước sôi, cho bánh vào hấp 8p.
- Lấy ra để nguội.

Thưởng thức

Bạn kẹp chả vào bánh và thưởng thức thôi.

Chúc bạn thành công!

Bánh giầy nhân mặn có nhân làm từ đậu xanh đồ và xào lên, nêm gia vị vừa đủ. Chiếc bánh dẻo rất vừa độ, hòa với nhân đậu xanh bùi bùi, béo béo tạo nên hương vị khó nhầm lẫn với bất kể một món ăn nào khác.

Nguyên Liệu làm Bánh giầy nhân mặn

·       300 g bột nếp khô

·       50 g bột năng

·       200 g đậu xanh đã lột vỏ

·       100 g thịt ba chỉ

·       Tiêu bắc, mắm, mỳ chính, muối trắng, dầu ăn

·       Màng bọc thực phẩm

Hướng dẫn cách làm Bánh giầy nhân mặn

Bước 1:

Đậu xanh ngâm nước ấm

Bước 2:

Trộn hai loại bột vào nhau với vài hạt muối và từ từ cho khoảng 100ml nước nguội vào nhào bột thành khối bột có độ khô không dính tay.

Bước 3:

Thịt ba chỉ thái nhỏ con chì xào với 1 thìa cà phê mắm, xíu mỳ chính, cho 1/3 bát con nước đun cạn cho mềm thịt và rắc tiêu.

Bước 4:

Lúc này Đậu xanh đã ngâm được 15' vớt ra vo sach để ráo trộn vài hạt muối và hấp chín, giã nhuyễn bằng chày, để riêng 1/3 lượng đỗ phần còn lại viên thành 15 phần cho nhân thịt vào giữa nắm chặt lại.

Bước 5:

Bột ở trên chia 15 phần, cho nhân đậu thịt vào giữa và vo tròn, xoa tay với chút dầu ăn bọc từng viên tròn với màng bọc thực phẩm và đem hấp trong xửng nồi cơm điện trong 10 phút. Ngay khi bánh chín vẫn nguyên màng bọc ta dùng muôi tròn trũng ấn xuống để tạo hình dẹt vừa phải cho bánh, sau đó bỏ màng bọc lăn đều qua phần đậu xanh lúc nãy đã để riêng.

Bánh giò là một trong những món bánh truyền thống hấp dẫn và được rất nhiều người yêu thích.

Bánh giò là một loại bánh hấp, được làm bằng bột gạo tẻ và bột năng hòa tan với nước hầm xương.

Sau đó, hỗn hợp bột sẽ được gói trong lá chuối và thêm nhân (như thịt nạc vai bằm chung với hành tím khô, mộc nhĩ, hành tây, rồi trộn với nước mắm, muối và hạt tiêu, có thể cho thêm trứng cút hoặc chả lụa tùy theo sở thích).

Nguyên liệu làm Bánh giò (Cho 4 người ăn)

·       Thịt lợn băm 200 g 

·       Bột gạo 320 g 

·       Bột năng 80 g 

·       Trứng cút 10 quả 

·       Nấm hương 20 g 

·       Nấm mèo 30 g 

·       Nước dùng gà 1/2 lít 

·       Hành tây 1 thìa canh 

·       Hành tím băm 200 g 

·       Lá chuối 10 miếng 

·       Hành phi 1 thìa canh 

·       Tỏi băm 1 thìa canh 

·       Tiêu 1 thìa canh 

·       Hạt nêm 1 thìa canh 

·       Dầu ăn 1 thìa canh 

·       Muối 1.5 thìa canh

Cách chế biến Bánh giò

Bước 1: Xào nhân bánh giò

Đặt 1 cái chảo lên bếp, cho vào chảo 1 ít dầu ăn, đợi dầu nóng rồi cho tiếp 1 thìa canh tỏi, 1 thìa canh hành tây, 1 thìa canh hành tím băm vào xào thơm rồi cho 200g thịt lợn bằm vào.

Khi thịt gần chín thì cho 20g nấm hương, 30g nấm mèo đã ngâm mềm cắt nhỏ và 1 thìa canh hành phi vào. Nêm 1 thìa canh muối, 1 thìa canh hạt nêm, 1 thìa canh tiêu vào đảo đều 5 phút rồi tắt bếp.

Bước 2: Nấu bột vỏ bánh giò

Cho 320g bột gạo và 80g bột năng, 1/2 thìa canh muối trong 1 cái nồi lớn có 1,5 lít nước hầm xương rồi hòa đều.

Sau đó bắt lên bếp khuấy liên tục trên lửa nhỏ, thêm 1 thìa canh dầu ăn, khuấy liên tục đến khi bột đặc lại thì tắt bếp.

Bước 3: Sơ chế lá chuối

Lá chuối tươi bạn mua về trụng qua nước sôi cho sạch và dễ gói. Bạn trải 1 lớp màng bọc thực phẩm lên mặt bàn rồi đặt lá chuối lên trên và gấp lại thành hình phễu.

Bước 4: Gói bánh giò

Múc 1 thìa bột cho vào trong phễu rồi dàn đều. Sau đó cho hỗn hợp nhân và trứng cút vào giữa và múc thêm 1 thìa bột nữa phủ lên phía trên phần nhân, dàn đều. Bạn có thể nhúng thìa vào chén dầu ăn để việc dàn đều bột bánh dễ dàng.

Bước 5: Hấp bánh giò

Gói chiếc bánh lại, cột dây cho bánh thêm chắc chắn rồi cho vào trong xửng, hấp khoảng 20 - 25 phút là bánh chín.

Thành phẩm

Bánh gói đều, khi bóc lá ra mặt bánh bóng mượt. Bánh chín trong, cùi bánh mềm, không nhão. Nhân bánh dậy mùi hạt tiêu, thịt không dai, vị vừa ăn.

Bánh giò chay là một món bánh rất được yêu thích, đặc biệt là với các tín đồ ăn chay vì sở hữu hương vị thơm ngon và vẻ ngoài đẹp mắt. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh giò này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh giò chay (Cho 4 người ăn)

·       Lá chuối vuông 16 lá (khoảng 30cm) 

·       Bột gạo 200 g 

·       Bột năng 50 g 

·       Nước cốt dừa 250 ml 

·       Nấm mèo 20 g 

·       Cà rốt 1 củ 

·       Hành tây 1/2 củ 

·       Hành tím 1 thìa canh (băm nhuyễn) 

·       Hạt nêm chay 2 thìa cà phê 

·       Dầu ăn 2 thìa canh 

·       Muối/ Tiêu xay 1 ít

Cách chế biến Bánh giò chay

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Để nấm mèo nở được mềm, khi mua về bạn đem ngâm với nước ấm trong khoảng 20 phút, sau đó dùng dao băm nhỏ.

Tiếp đến, gọt vỏ 1 củ cà rốt, sau đó rửa sạch với nước, để ráo và cắt nhỏ.

Hành tây bóc vỏ, cắt bỏ phần rễ rồi đem rửa sạch, để ráo nước, sau đó cắt hạt lựu.

Cuối cùng, rửa sơ lá chuối với nước lạnh. Để lá chuối mềm và dễ gói hơn, bạn đem lá chần qua nước sôi khoảng 3 phút.

Bước 2: Nấu nước dùng

Bắc chảo lên bếp với lửa vừa và cho 2 thìa canh dầu ăn vào chảo. Khi dầu nóng, bạn cho 1 thìa canh hành tím băm nhuyễn vào phi thơm khoảng 2 phút.

Tiếp đến cho cà rốt, nấm mèo, hành tây vào chảo và xào với lửa vừa. Nêm 2 thìa cà phê hạt nêm chay và 1 thìa cà phê tiêu xay rồi đảo đều khoảng 3 phút.

Sau đó nêm nếm lại gia vị sao cho phù hợp với sở thích rồi tắt bếp, cho nhân ra tô.

Bước 3: Nấu bột làm vỏ bánh giò

Cho 200g bột gạo, 50g bột năng và 1 thìa cà phê muối vào nồi sạch. Tiếp đến, cho thêm 300ml nước lọc và 250ml nước cốt dừa vào cùng, khuấy đều cho nguyên liệu hòa quyện vào nhau.

Bắc nồi hỗn hợp vừa khuấy lên bếp và đun trên lửa nhỏ. Trong lúc nấu, dùng vá khuấy liên tục cho đến khi bột đặc lại thì tắt bếp.

Bước 4: Gói bánh giò

Đầu tiên, gấp lá chuối vuông thành hình tam giác, sau đó mở ra để được hình cái phễu. Cầm lá trong lòng bàn tay trái, góc gấp bị thừa lại.

Tiếp đến cho 1 thìa canh bột đã nấu phết vào xung quanh lá và tạo lỗ ở giữa. Cho thêm 3 thìa nhân vào rồi đắp tiếp 2 thìa canh bột lên trên, dàn đều để che nhân lại.

Gấp cạnh ở ngón tay cái vào trước, rồi gấp 2 bên. Cuối cùng, gấp phần lá còn lại và nhét vào 2 mí gấp trước và dùng dây buộc chặt bánh.

Bước 5: Hấp bánh giò

Cho 500ml nước lọc vào nồi xửng hấp, xếp bánh vào xửng và đậy kín. Bắc nồi xửng lên bếp hấp bánh ở lửa vừa trong khoảng 30 phút cho đến khi bánh chín là được.

Thành phẩm

Bánh giò chay khi nấu xong sẽ có vẻ ngoài bắt mắt, vỏ bánh mềm dẻo, nhân bánh thơm ngon được nêm nếm vừa miệng.

Bánh giò chay ăn lúc nóng sẽ rất ngon và hấp dẫn, bạn có thể ăn kèm món bánh này với nước tương hoặc tương ớt đều rất phù hợp!

Cách làm bánh giò chén rất đơn giản. Ngay cả khi không có lá chuối, bạn vẫn có thể nấu thành công, và giữ được vị mềm dai tự nhiên y như lúc nấu theo kiểu truyền thống. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh giò chén nhé!

Nguyên liệu làm bánh giò chén

Phần vỏ bánh giò:

·       Bột gạo: 200g.

·       Bột năng: 100g.

·       Hạt nêm: 2 thìa cà phê.

·       Muối: 1/2 thìa cà phê.

·       Dầu ăn: 1/2 thìa canh.

·       Nước luộc gà: 1.2 lít.

Phần nhân bánh giò:

·       Thịt heo xay: 300g.

·       Trứng cút: 10 quả.

·       Hành tây: 1 củ.

·       Nấm mèo: 30g.

·       Tiêu: 1/2 thìa cà phê.

·       Tỏi băm: 1 thìa canh.

·       Đường: 1/2 thìa canh.

·       Hạt nêm: 1.5 thìa canh.

·       Nước mắm: 1 thìa cà phê.

Lưu ý: 

Cách làm bánh giò chén bằng nước luộc gà sẽ ngon hơn nhiều so với nước lọc và giữ được vị chuẩn y như tại các tiệm làm bánh giò có tiếng.

Trong trường hợp bạn chưa thể chuẩn bị được nước luộc gà, bạn có thể thay thế bằng 1.2 lít nước lọc và 2 thìa canh dầu ăn.

Cách làm bánh giò chén

Bước 1: Nhào bột

Chuẩn bị 1 tô sạch và cho vào theo công thức định lượng: 200g bột gạo, 100g bột năng, 2 thìa bột nêm, 1/2 thìa muối và 1.2 lít nước luộc gà. Bạn nhào bột đều đến khi hỗn hợp đồng nhất, rồi dùng màng bọc thực phẩm, bọc kín miệng tô và để nghỉ khoảng 30 phút.

Bước 2: Trộn nhân bánh

Hành tây và nấm mèo đem đi rửa sạch, để ráo và cắt thành hạt lựu nhỏ. Trứng cút cũng đem đi luộc, để nguội rồi bóc vỏ. Riêng phần hành lá, bạn chỉ lấy phần đầu hành để cắt nhỏ kiểu hạt lựu.

Sau đó, bạn bắc chảo lên bếp, bật lửa nhỏ, cho dầu vào và phi thơm tỏi. Cho tiếp tục hỗn hợp hành tây, nấm mèo vào chung và đảo sơ. Nêm nếm vừa vị ăn với hạt nêm và đường, rồi tắt bếp.

Tiếp tục, bạn cho toàn bộ thịt xay vào trong chảo đã để nguội. Đảo đều và nêm lại hỗn hợp nhân bánh giò. Công thức chuẩn cho cách làm bánh giò chén là sử dụng 1 thìa nước mắm, 1/2 thìa tiêu và một ít đầu hành lá đã cắt. Trộn đều và bọc phần thịt với trứng cút (kích cỡ vừa ăn) rồi vo tròn.

Bước 3: Làm vỏ bánh

Hết thời gian 30 phút, bạn lấy hỗn hợp bột rây qua vợt lọc dầu cho bột mịn hơn. Bắc chảo lên và đổ hỗn hợp vào chảo, đảo đều tay đến khi bột thành khối dẻo mịn.

Bước 4: Làm bánh giò chén

Với mỗi chén đã được chuẩn bị, bạn phết lên thành chén 1 lớp dầu mỏng. Cho lần lượt bột bánh vào trong chén, tạo hình rồi thêm vào nhân bánh giò. Sau đó dùng thìa dàn đều phần bột lên bề mặt và xếp từng bánh vào nồi hấp.

Thành phẩm


Sau khoảng 30 phút hấp lửa vừa, bánh giò đã chín và cũng là lúc bạn tận hưởng thành quả. Với cách làm bánh giò chén kiểu này, vỏ bánh sẽ rất đàn hồi "núng na núng nính" vô cùng dậy mùi thơm hấp dẫn. Còn phần nhân bánh thì chín vừa tới, hương vị đậm đà thơm, ngon.

Cách làm bánh giò tô rất đơn giản. Ngay cả khi không có lá chuối, bạn vẫn có thể nấu thành công, và giữ được vị mềm dai tự nhiên y như lúc nấu theo kiểu truyền thống. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh giò này nhé!

Nguyên liệu làm bánh giò tô

Phần vỏ bánh

·       Bột gạo: 160g.

·       Gà: 1 con (dưới 1kg).

·       Gia vị: Hạt nêm, dầu ăn.

Phần nhân bánh

·       Thịt lợn xay: 300g.

·       Trứng cút: 10 quả.

·       Nấm mèo, hành tím và hành lá.

·       Gia vị: Hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, tiêu và dầu vừng.

Cách làm bánh giò tô

Bước 1: Sơ chế

Gà mua về rửa sạch, hầm để lấy nước khoảng 700ml trong thời gian từ 30-60 phút bằng nồi áp suất. Hành tím và nấm mèo đều băm nhỏ, trứng cút luộc rồi bóc vỏ. Phần hành tím còn lại cắt lát để làm hành phi và hành lá cũng đem đi cắt nhỏ.

Bước 2: Nhào bột

Cho vào tô theo công thức định lượng bột gạo 160g, nước luộc gà 700ml, hạt nêm 1 muỗng, dầu ăn 1 muỗng. Nhào đều lên đến khi hỗn hợp bột đồng nhất, quyện sánh đều.

Chú ý, cách làm bánh giò chén khác với tô ở định lượng nguyên liệu. Tùy vào kích thước tô lớn hay nhỏ, bạn có thể căn chỉnh lại định lượng bột làm bánh cho phù hợp.

Bước 3: Làm nhân bánh

Phần nhân làm tương tự như cách làm bánh giò chén, bạn cũng xào lần lượt với hành tím, thịt lợn và nêm nếm vừa ăn với nước mắm, dầu vừng và hạt nêm. Công thức bao gồm hạt nêm 1 muỗng, bột ngọt 1 muỗng, tiêu 1/2 muỗng, dầu vừng 2 muỗng và nước mắm 1/2 muỗng.

Riêng với hành tím, bạn bắc một chảo dầu khác, đợi dầu vừa sôi là đổ hành vào để phi. Khi hành lên màu vàng đều là được, vớt và để ráo dầu.

Bước 4: Làm vỏ bánh

Đổ hỗn hợp bột đã ủ trước đó vào chảo, đảo đến khi bột sánh mịn là được.

Bước 5: Làm bánh giò tô

Cho tô vào nồi hấp và phết 1 lớp dầu rồi thêm phần bột vào trong tô. Cho toàn bộ nhân bánh vào trong và dùng phần bột còn lại dàn bột đều bề mặt. Đậy nồi lại và hấp lửa vừa trong vòng 1 tiếng.

Thành phẩm.


Cho phần bánh giò tô ra đĩa và trang trí thêm hành phi lên trên vô cùng bắt mắt. Cách làm bánh giò tô kiểu này đơn giản và nhanh hơn nhiều so với bánh giò chén. Tuy nhiên, định lượng khẩu phần ăn khá lớn nên sẽ phù hợp với những bạn làm cho nhiều người cùng thưởng thức.

Nếu bạn không thích món ăn nhiều dầu mỡ, bạn có thể thử qua món bánh gối (bánh quai vạc hấp). Bánh gối hấp sẽ có lớp bột mỏng và dai hơn vì có thêm bột năng, phần nhân bên trong cũng tương tự bánh gối chiên.
Bánh gối hấp cũng ăn cùng nước mắm pha sẵn để thêm phần đậm đà, ngon miệng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm món bánh gối này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh quai vạc hấp - bánh gối hấp (Cho 6 người ăn)

·       Bột năng 100 g 

·       Bột gạo 300 g 

·       Nước sôi 500 ml 

·       Thịt heo xay 150 g 

·       Cà rốt 50 g 

·       Miến dong 20 g 

·       Đậu xanh 50 g 

·       Hành tím 10 g 

·       Hành lá 10 g 

·       Hạt nêm 1/2 thìa cà phê 

·       Muối 1/2 thìa cà phê 

·       Đường 1 thìa cà phê 

·       Tiêu 1/2 thìa cà phê 

·       Dầu ăn 2 thìa canh

Dụng cụ: Xửng hấp bánh, dụng cụ cán bột, khuôn tròn, dao, thớt,...

Cách chế biến Bánh quai vạc hấp - bánh gối hấp

Bước 1: Xào nhân

Đầu tiên, bạn làm nóng chảo, cho một ít dầu ăn và phi thơm hành tím. Sau đó, cho vào 150g thịt xay đảo đều cho đến khi gần chín.

Tiếp tục, cho thêm 50g cà rốt cắt hạt lựu rồi đảo phần nhân cho đến khi chín đều là được.

Bước 2: Trộn nhân với gia vị khác

Hấp chín 50g đậu xanh cho đến khi nhừ hạt rồi tán nhuyễn. Ngâm 20g miến dong trong nước cho mềm, cắt khúc dài từ 2 - 3cm.

Cho 20g miến dong, 50g đậu xanh, 10g hành lá vào hỗn hợp thịt đã xào chín. Sau đó, bạn nêm nếm thêm gia vị muối, tiêu, đường, hạt nêm sao cho vừa ăn.

Đảo đều hỗn hợp cho đến khi phần nhân dậy mùi thơm, các thành phần hòa quyện vào nhau là được.

Bước 3: Trộn bột

Cho vào tô 100g bột năng, 300g bột gạo, cho từ từ 500ml nước sôi vào hỗn hợp bột và trộn đều.

Lưu ý:

Bạn phải dùng nước sôi già để nhào bột để tránh làm bột chảy, nhão. Nếu bột của bạn bị chảy và nhão không nhào được bạn hãy hấp chũng khoảng 5 - 7 phút cho bột chín rồi nhào là được.

Nước phải cho từ từ từng chút một, không được đổ hết vào một lần.

Bước 4: Nhào bột

Sau khi bột thấm đều nước, bạn nhào bột nhiều lần cho đến khi tạo được thành khối, chạm vào cảm giác mịn, trơn và không dính tay nữa là đã hoàn tất.

Bước 5: Tạo hình bánh

Chia bột thành từng phần nhỏ rồi cán mỏng. Dùng khuôn tròn cắt bột thành từng miếng vừa ăn.

Bạn cho nhân vào giữa, sau đó gấp 2 mép bánh lại. Để bánh không bị bung mép và trông đẹp mắt hơn, bạn có thể dùng nỉa ấn nhẹ quanh viền bánh.

Lưu ý: Bạn hãy phủ một lớp bột mỏng lên thớt rồi mới cán bánh. Cách này sẽ giúp bột không bị dính vào thớt.

Bước 6: Hấp bánh

Thoa 1 lớp dầu mỏng vào xửng hấp hoặc để bánh lên giấy nến rồi xếp bánh vào. Khi xếp, bạn nhớ chừa khoảng trống giữa các bánh để chúng không bị dính vào nhau.

Hấp bánh trong khoảng thời gian 10 - 15 phút, khi thấy vỏ bánh trong là bánh đã chín.

Thành phẩm


Bánh sau khi hấp phải có độ trong, nhân bánh không bị vỡ. Ngoài ra, vỏ bánh cần có độ dẻo dai vừa phải, không quá mềm hoặc không quá cứng. Nhân bên trong vừa ăn và dậy mùi thơm. Bạn có thể dùng bánh kèm với nước mắm chua ngọt hoặc nước tương đều được.

Cách bảo quản bánh:

Nếu bột làm bánh còn dư: Bạn cho bột vào trong túi nilon bọc kín lại hoặc cho vào hộp nhựa có nắp đậy kín.

Bột để trong ngăn mát có thể bảo quản từ 2-3 ngày, còn đối với ngăn đá có thể bảo quản lên đến 10 ngày.
Khi ăn, bạn rã đông bột, cho vào một chút nước. Sau đó, nhào bột kỹ lại là có thể sử dụng để làm bánh.

Nếu bánh sau khi hấp còn dư: Bạn cũng cho vào túi nilon bọc kín hoặc hộp kín có nắp đậy. Sau đó bỏ vào ngăn đá hoặc ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn, chỉ cần đem bánh hấp nóng là có thể dùng.

Bánh gối nhân thịt là món bánh có cách làm khá đơn giản nhưng lại mang đến hương vị thơm ngon khó cưỡng khiến người người thích mê. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh gối nhân thịt (Cho 4 người ăn)

·       Vỏ bánh gối 10 cái 

·       Thịt nạc xay 300 g 

·       Giá đỗ 200 g 

·       Cà rốt 1 củ 

·       Nấm mèo 100 g(mộc nhĩ) 

·       Bột chiên giòn 2 thìa canh 

·       Muối/ tiêu xay 1 ít 

·       Dầu ăn 210 ml

Cách chế biến Bánh gối nhân thịt

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Trước tiên, bạn ướp thịt nạc xay với một ít tiêu xay, 1 ít muối và 10ml (khoảng 1 thìa cà phê) dầu ăn cho thịt mềm và thấm vị.

Nấm mèo ngâm nở, cà rốt bạn gọt vỏ, giá đỗ nhặt sạch phần rễ rồi đem rửa sạch rồi băm nhỏ.

Vỏ bánh gối nếu bạn trữ ở ngăn đông thì bỏ xuống ngăn mát 1 giờ trước khi chế biến. Vỏ bánh khi được rã đông hoàn toàn sẽ mềm, dễ tách, dẻo dai dễ nặn hơn. Còn khi bạn dùng vỏ bánh tươi vừa mua trong ngày thì không cần sơ chế gì thêm nhé!

Bước 2: Làm nhân bánh

Bạn trộn đều thịt xay, cà rốt, nấm mèo, giá đỗ với nhau đến khi thành hỗn hợp đồng nhất rồi cho thêm 1 thìa canh bột chiên giòn vào để nhân kết dính với nhau.

Tiếp đến, bạn bắc chảo lên bếp, cho nhân vào xào sơ đến khi thịt gần chín thì bắc ra. Chú ý không xào quá lâu nhân sẽ bị khô vào rời rạc, khó gói bánh.

Bước 3: Gói bánh gối

Bạn cho 1 thìa canh bột chiên giòn còn lại vào chén hòa tan với nước đến khi thành hỗn hợp lỏng hơi sệt. Sau đó, bạn dùng nước bột này để phết lên 2 mép bánh rồi mới gói giúp cho bánh không bị bung ra khi rán.

Tiếp đến, bạn cho nhân bánh vào giữa vỏ bánh gối, gấp cái mép lại như hình quai vạc rồi gấp xếp li đường mép bánh từng chút một đến khi được cuộn chặt vào nhau.

Bước 4: Chiên bánh

Bạn bắc chảo sâu lòng lên bếp để khi chiên bánh sẽ chín vàng đều hơn là dùng chảo thường.

Sau đó, bạn đổ 200ml dầu ăn vào. Đợi đến khi sôi sủi bọt lăn tăn thì cho bánh vào chiên trên lửa vừa, đảo đều 2 mặt đến khi bánh phồng to, lớp vỏ giòn, vàng ruộm thì gắp ra khay để cho ráo dầu.

Thành phẩm

Vậy là bạn đã hoàn thành xong bánh gối nhân thịt rồi đó. Bánh vàng đều hai mặt, không bị bung mép, phần vỏ bánh giòn rụm kết hợp cùng phần nhân thịt đậm đà và nấm mèo, cà rốt giòn tươi chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú.

Bạn có thể chấm với nước mắm tỏi ớt hoặc mắm pha loãng với đường cho thêm vài thìa đậu phộng rang giã nhỏ để tăng thêm hương vị cho món ăn này.

Bánh gối nhân thịt chiên được biết là một món ăn với vị giòn thơm của vỏ bánh, vị đậm đà hấp dẫn của phần nhân bánh đã khiến nhiều tín đồ ẩm thực phải nao lòng. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm món bánh gối này nhé!

Nguyên liệu làm món bánh gối nhân thịt chiên

Vỏ bánh

225g bột mì

25g bột bắp

Bột nghệ

1 quả trứng gà

60ml sữa tươi

Bơ lạt

Gia vị: Dầu ăn, đường, muối

Nhân bánh

250g thịt băm

7 quả trứng cút

Hành tây, cà rốt, củ đậu, hành lá, hành tím, mộc nhĩ, miến dong

Gia vị: Dầu mè, đường, muối, hạt nêm, tiêu, bột ngọt, dầu hào

Nước chấm

Tỏi băm, ớt

Gia vị: Đường, nước mắm, giấm

Kinh nghiệm:
- Để chọn bột làm bánh ngon thì nên mua nguyên liệu ở những cửa hàng bách hóa hay siêu thị uy tín để đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Đồng thời, bạn nên xem kỹ những thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng.
- Với trứng gà bạn nên chọn trứng gà có vỏ ngoài không có đốm đen, vết nứt và có màu sẫm, sờ vào hơi nhám, sần sùi. Trứng mới khi soi dưới bóng đèn sẽ thấy lòng trắng trong suốt, lòng đỏ nằm cân bằng ở giữa và không di động.

Cách làm món bánh gối nhân thịt chiên

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Trứng cút mua về thì bạn luộc khoảng 5 phút thì vớt ra và lột vỏ. Còn mộc nhĩ, cà rốt, củ đậu thì rửa sạch, cắt nhỏ vừa ăn

Với miến dong ngâm khoảng 3 phút cắt thành khúc khoảng 2cm, còn hành lá, ớt, hành tây và hành tím thì bạn băm nhỏ.

Kinh nghiệm sơ chế:
Để cắt hành tây không bị cay mắt thì bạn có thể cắt hành tây ở nơi thoáng khí hay để hành tây ở ngăn mát tủ lạnh khoảng 10 phút trước khi cắt hoặc bạn nên dùng dao bén để cắt hành tây.

Bước 2: Làm vỏ bánh

Đầu tiên, bạn cho lần lượt vào tô 225g bột mì, 25g bột bắp, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê bột nghệ rồi trộn đều bột.

Tiếp đến, bạn cho hỗn hợp nước gồm 60ml sữa tươi, 1 quả trứng gà, 1 thìa canh bơ và 1 thìa canh dầu ăn cho vào bột.

Sau đó, bạn bắt đầu nhào bột khoảng 10 phút đến khi bột mịn và không dính tay là đạt chuẩn. Cuối cùng bạn để bột nghỉ từ 20 - 30 phút.

Bước 3: Xào nhân bánh

Bạn cho 1 thìa canh dầu ăn cho vào chảo phi thơm cùng đầu hành, hành tím băm. Tiếp đến, bạn cho lần lượt thịt băm, mộc nhĩ, củ đậu, hành tây, cà rốt, miến dong đã cắt vào xào với lửa vừa.

Xào khoảng 2 phút thì bạn thêm vào 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê tiêu và 2 thìa cà phê dầu hào. Cuối cùng, bạn tắt bếp rồi cho vào 1 thìa cà phê dầu mè, hành lá là hoàn tất

Bước 4: Tạo hình

Lấy phần bột ra và bắt đầu cán bột dày khoảng 1 cm. Tiếp đến, bạn dùng một cái chén ấn lên bột để tạo thành những miếng bột hình tròn.

Sau đó, bạn cho hỗn hợp nhân vào giữa miếng bột , thêm 1 quả trứng cút và dùng sữa bôi quanh mép bột để tạo độ kết dính. Cuối cùng, bạn khéo léo gói bánh lại và có thể tạo gợn sóng tùy thích để bánh trông đẹp mắt hơn.

Bước 5: Chiên bánh

Bạn cho dầu ngập chảo rồi tiến hành đun khoảng 5 phút để dầu sôi. Tiếp đến, bạn cho bánh vào chiên ở lửa vừa đến khi bánh chín và vàng đều thì bạn vớt ra rồi cho ngay vào giấy thấm dầu.

Lưu ý: Bạn nên đợi dầu sôi rồi mới cho bánh vào chiên để giúp bánh không bị ứ dầu. Đồng thời, bạn nên trở đều khi chiên để bánh vàng 2 mặt.

Bước 6: Pha nước chấm

Lần lượt cho vào chén 2 thìa nước mắm, 2 thìa nước, 4 thìa đường, 1 thìa giấm. Tiếp đến, bạn khuấy đều để gia vị hòa quyện vào nhau rồi cho thêm 1 thìa tỏi, ớt băm và hoàn tất

Lưu ý: Khi pha nước chấm bạn nên cho tỏi, ớt băm sau cùng để giúp nguyên liệu nổi trên bề mặt trông đẹp mắt hơn.

Thành phẩm

Món bánh gối nhân thịt được chiên vàng giòn đẹp mắt. Hấp dẫn hơn với phần vỏ bánh thơm, giòn béo ngậy quyện cùng nhân thịt đậm đà rất thấm vị.


Thưởng thức

Món bánh gối càng mê đắm hơn khi kết hợp cùng phần nước mắm chua ngọt. Bạn có thể dùng kèm các loại rau sống sẽ thơm ngon hơn đấy.

Bánh gối nhân thịt trứng với lớp vỏ giòn rụm, nhân thơm béo luôn nhận được sự ưa thích của nhiều người. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh gối nhân thịt trứng (Cho 3 người ăn)

·       Bột mì 500 g 

·       Bột gạo 50 g 

·       Thịt xay 200 g 

·       Hành tây 20 g 

·       Cà rốt 20 g 

·       Củ sắn 20 g 

·       Nấm mèo 10 g 

·       Hành lá 10 g 

·       Dầu ăn 1/2 lít 

·       Gia vị 1 ít (hạt nêm/bột ngọt/đường/nước mắm) 

·       Trứng cút 10 trái

Cách chế biến Bánh gối nhân thịt trứng

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Ngâm nấm mèo với nước lọc khoảng 20 - 30 phút để nấm mềm sau đó rửa sạch và cắt hạt lựu.

Sắn rửa sạch gọt vỏ sau đó đem đi bào sợi rồi băm nhỏ.

Hành tây bóc vỏ, rửa sạch rồi đem băm nhỏ để riêng. Với hành lá bạn cắt bỏ rễ và lá úa, rửa với nước và cắt nhỏ.

Cà rốt cắt bỏ cuống, gọt sạch phần vỏ, đem rửa sơ với nước, 1/2 củ dùng để bào sợi, phần còn lại băm nhỏ.

Bước 2: Luộc và cắt trứng

Bắc nồi lên bếp, cho trứng cút vào luộc khoảng 10 phút. Sau đó, lột bỏ vỏ và để riêng.

Bước 3: Ướp nhân bánh

Cho tất cả hỗn hợp đã sơ chế vừa nãy gồm 10g nấm mèo, 20g củ sắn, 20g hành tây, 10g hành lá và 20g cà rốt băm nhỏ vào 200g thịt heo băm đã chuẩn bị.

Tiếp theo nêm hỗn hợp gia vị gồm: 1 muỗng cà phê nước mắm, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 2 muỗng cà phê đường và 1/4 muỗng cà phê tiêu xay. Sau đó trộn đều và ướp khoảng 15 - 20 phút cho hỗn hợp thấm gia vị.

Bước 4: Trộn bột

Trong khi chờ đợi thịt heo được thấm gia vị, chúng ta bắt đầu vào làm vỏ bánh.

Đầu tiên, cho 500g bột mì vào máytrộn bột, cho thêm 50g bột gạo vào, bật chế độ trộn, rồi thêm nước lọc từ từ vào bột để canh bột ko bị nhão.

Để máy nhào bột đến khi bột mềm, mịn, kết dính thành 1 khối và dẻo là được. Sau đó cho ra bát tô, dùng màng bọc thực phẩm che kín miệng tô để ủ bột khoảng 30 phút.

Bước 5: Cán vỏ bánh

Sau khi bột nghỉ xong, chia bột thành những phần bằng nhau. Phần nào lăn trước thì để ở ngoài, phần nào chưa lăn thì cho lại vào tô ủ tiếp.

Rải 1 ít bột mì khô lên thớt để chống dính, sau đó cho phần bột đã chia lên, dùng dụng cụ chuyên dụng để cán bột thành lát tròn mỏng.

Kinh nghiệm:

Bạn có thể thay thế dụng cụ chuyên dụng thành hũ thủy tinh, chày,...

Không nên cán bột mỏng quá khi gói bánh dễ bị rách.

Cứ tiếp tục như vậy với những phần bột còn lại, làm cho đến khi hết bột.

Bước 6: Nhồi nhân vào vỏ bánh

Lấy lát bột đã cắt tròn ra, cho 1 lượng vừa đủ nhân bánh đã làm trước đó và cho 1 trái trứng cút luộc vào, gấp 2 đầu bánh lại với nhau giống như hình bánh quai vạc. Sau đó xếp ly phần mép vỏ bánh để tạo hình bánh đẹp hơn.

Cứ tiếp tục làm cho đến khi hết phần vỏ bánh và nhân bánh.

Bước 7: Chiên bánh

Bắc chảo lên bếp, cho 1/2 lít dầu ăn vào và đun với lửa nhỏ. Khi dầu nóng thì cho từng cái bánh gối vào, nên chiên ngập dầu để bánh chín đều 2 mặt và đến khi bánh vàng giòn là được.

Thành phẩm

Vậy là bạn đã hoàn thành ngay món bánh gối nhân thịt thơm ngon lại cực đơn giản ngay tại nhà rồi.

Bánh có màu vàng bắt mắt, bên ngoài thì giòn tan bên trong nhân thịt với nấm mềm bùi và thấm gia vị rất vừa ăn. Chấm bánh gối với tương ớt nữa là tuyệt vời.

Bánh hỏi là một món bánh dân dã, có mặt ở nhiều nơi. Không những thơm ngon, loại đặc sản này còn cung cấp năng lượng calo đáng kể cho các hoạt động sống của cơ thể bạn.

1. Bánh hỏi là bánh gì?

Bánh hỏi là một món ăn đặc sản của nhiều tỉnh thành như: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định. Đây là món ăn thường được sử dụng vào những dịp cưới hỏi, lễ cúng đình chùa hay cúng giỗ.

Với những nguyên liệu chính như bột gạo, nước lọc và phương pháp chế biến kỳ công, tỉ mỉ. Bánh hỏi đem đến hương vị thơm ngon với kết cấu dai mềm, tự nhiên.

Loại bánh này thường được ăn cùng với thịt lợn quay, thịt nướng, lòng lợn hay chỉ đơn giản là kết hợp với một ít mỡ hành, hành phi cũng đều đem lại hương vị cuốn hút một cách lạ kỳ.

 

2. Bánh hỏi ăn với gì ngon?

Bánh hỏi lợn quay

Bánh hỏi lợn quay là một sự kết hợp hoàn hảo, đem đến hương vị đậm đà, cuốn hút. Những lát bánh hỏi ấm nóng, mỏng manh được cuộn tròn rồi rưới thêm 1 ít mỡ hành bóng bẩy.

Khéo léo đặt 1 lát thịt dày dặn lên cuốn bánh hỏi rồi chấm với 1 ít nước mắm chua ngọt. Bạn sẽ cảm nhận được sự hoàn quyện giữa vị mặn ngọt đồng điệu, rất kích thích vị giác.

 

Bánh hỏi thịt nướng

Không những kết hợp với lợn quay, bánh hỏi khi kết hợp với thịt nướng cũng chứa đựng hương vị thơm ngon tuyệt đỉnh. Món ăn gồm có: những lát bánh hỏi trắng phau với lớp mỡ hành bóng bẩy.

Kế bên là thịt nướng đậm vị, thơm nồng. Tất nhiên là không thể thiếu sự góp mặt của nước mắm chua ngọt, rau sống và dưa chua.

 

Bánh hỏi nem nướng

Bên cạnh bánh hỏi thịt nướng, lợn quay, bánh hỏi nem nướng dường như cũng chẳng hề kém cạnh về hương vị và sức hấp dẫn. Lớp bánh trắng mềm, được quết lên một ít mỡ hành, hành phi.

Đặt cạnh là những thanh nem nướng vàng, được xếp ngay ngắn cùng với rau thơm, dưa chua. Chỉ đơn giản vậy thôi mà ngon đến khó tả.

 

Bánh hỏi thịt luộc

Nếu bạn không thích ăn bánh hỏi với thịt mỡ, thì nên thử qua món bánh hỏi thịt luộc xem sao. Trông có vẻ đơn điệu thế thôi, nhưng lại chứa đựng hương vị thơm ngon hết sẩy!

Những lát thịt lợn luộc ngọt nước, mềm mịn, kết hợp với lát bánh hỏi ấm nóng, phết thêm lớp mỡ hành bóng bẩy. Món ăn khiến bạn ăn hoài mà không thấy chán!

 

Bánh hỏi lòng lợn

Một trong những cách thưởng thức bánh hỏi ngon nhất, là ăn kèm với lòng lợn và rau sống. Lòng phải là loại lòng tươi ngon, được làm sạch kỹ, mới cho ra được vị beo béo, ngọt nước.

Bánh hỏi không cuốn lại mà tách ra từng miếng, rồi thoa đều với mỡ hành trông rất bắt mắt. Kế bên là dĩa rau thơm với khế chua và một chén nước mắm mặn nguyên chất. Món này rất thích hợp để làm điểm tâm vào mỗi buổi sáng!

 

Bánh hỏi cháo lòng

Bánh hỏi cháo lòng là một món đặc sản có nguồn gốc từ miền Trung, được cả người dân bản địa và du khách thập phương yêu thích. Món ăn gồm có: một dĩa lòng xắt nhỏ, beo béo với đủ loại tim, gan, cật, phèo non,...

Một dĩa bánh hỏi với những lớp bánh mỏng vừa phải, xếp chồng lên nhau, dai dai nhẹ và rất thơm mùi gạo. Một dĩa rau thơm xanh mướt và một tô cháo nóng hổi, sóng sánh, đậm đà.

Không giống như những món bánh hỏi khác, nước chấm của bánh hỏi cháo lòng phải là nước mắm nguyên chất thêm ớt cắt lát. Mắm ngon chính là thứ tạo nên linh hồn cho món ăn hoàn hảo này.

 

Bánh hỏi chả giò

Với một chút biến tấu trong nguyên liệu, bánh hỏi chả giò/ chả lụa mang đến cho người thưởng thức hương vị độc đáo, mới lạ hơn. Chả giò đậm đà, chả lụa dai dai cuộn trong lớp bánh hỏi ngon ngọt, có độ mềm vừa phải.

Với món ăn này, bạn có thể tuỳ thích chọn lựa thêm thực phẩm dùng kèm. Chẳng hạn như: cà chua, rau thơm hoặc dưa chua. Sự kết hợp nào cũng đem đến hương vị trọn vẹn.

 

Bánh hỏi thịt khìa

Những ngày thời tiết se lạnh mà được thưởng thức một dĩa bánh hỏi thịt khìa thì còn gì bằng! Thịt lợn ngọt nước, được khìa với nước dừa nên rất đậm vị. Bánh hỏi trắng phau, rưới thêm một ít mỡ hàng ngon đến khó tả.

 

3. Bánh hỏi bao nhiêu calo?

Bánh hỏi không

Theo các chuyên gia, bánh hỏi là món ăn được làm từ bột gạo thêm với mỡ hành nên sẽ cung cấp lượng calo tương đối cao. Theo đó, 100g bánh hỏi chứa khoảng 96 calo.

Bánh hỏi gạo lứt

Khác với bánh hỏi thông thường, bánh hỏi gạo lứt được làm từ nguyên liệu chính là gạo lứt nên rất thích hợp với những người đang trong quá trình giảm cân.

Không những chứa lượng calo thấp (chỉ khoảng 74 calo/ 100g), loại bánh này còn giúp bạn có cảm giác no lâu hơn. Từ đó hạn chế việc nạp thêm thức ăn và giảm cân hiệu quả.

Bánh hỏi lợn quay

1 phần bánh hỏi lợn quay đầy đủ gồm có: bánh hỏi, thịt lợn quay, rau sống và nước mắm. Như vậy, với những nguyên liệu giàu chất đạm như trên thì 1 phần bánh sẽ cung cấp đến 365 calo.

Bánh hỏi thịt nướng

1 phần bánh hỏi thịt nướng gồm có: bánh hỏi, thịt nạc lợn nướng, 1 ít rau sống và nước mắm. Với sự kết hợp của những nguyên liệu này, 1 dĩa bánh sẽ cung cấp cho bạn 340 calo.

Bánh hỏi cháo lòng

Với những nguyên liệu thơm ngon như: lòng lợn, bánh hỏi, cháo lòng, rau sống và nước mắm, món bánh hỏi cháo lòng đem đến khoảng 422 calo.

4. Ăn bánh hỏi có béo không?

Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần nạp khoảng 2000 calo, tương đương với 667 calo/ mỗi bữa ăn để có đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Nếu lượng calo nạp vào cao hơn mức calo cho phép trong 1 ngày, thì sẽ gây ra nguy cơ béo phì rất cao.

Được biết, 1 đĩa bánh hỏi thịt lợn truyền thống chứa khoảng 340 calo. Tuy nhiên, đối với cơ thể người trưởng thành thì phải ăn đến 2 đĩa bánh hỏi (tức 680 calo) mới đủ no. Như vậy, bánh hỏi được xếp vào loại đồ ăn gây béo.

Vì thế, bạn chỉ nên ăn bánh hỏi khoảng 2 - 3 lần/ tuần hoặc có thể thay thế bằng bánh hỏi gạo lứt, bên cạnh đó bạn cần phải xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, thường xuyên tập thể dục thể thao để giữ được vóc dáng thon thả như mong muốn nhé!

5. Bánh hỏi để được bao lâu?

Đối với bánh hỏi tươi

Với bánh hỏi tươi, bạn nên chuẩn bị một chiếc giỏ tre, lót 1 lớp lá chuối lên trên rồi xếp bánh hỏi vào, đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Với cách làm này, bánh hỏi sẽ bảo quản được từ 1 - 2 ngày.

Đối với bánh hỏi khô

Với bánh hỏi khô, bạn nên bịt kín bao bì đựng bánh hoặc đem để vào hộp đựng thực phẩm (đậy kín nắp).

Sau đó đặt bánh ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Với cách làm này, bánh sẽ giữ được thời hạn sử dụng đúng như thời gian ghi trên bao bì (khoảng 12 tháng).

6. Cách làm bánh hỏi truyền thống thơm ngon đơn giản dễ làm tại nhà

Chỉ với một ít gạo tẻ cùng một chiếc khuôn ép bánh hỏi, bạn đã có thể làm ngay những phần bánh hỏi thơm ngon ngay tại nhà. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn làm món bánh hỏi này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh hỏi truyền thống (Cho 5 người ăn)

Gạo tẻ 700 g ( bột gạo 750g) 

Bột khoai tây 80 g 

Dầu ăn 4 thìa canh 

Muối 1 ít

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, khuôn hấp bánh hỏi, khuông ép bánh hỏi, lò vi sóng, màng bọc thực phẩm, máy xay sinh tố,...

Cách chế biến Bánh hỏi truyền thống

Bước 1: Ngâm gạo và xay bột

Gạo tẻ đem vo sạch và ngâm gạo ngập nước trong 10 - 12 tiếng.

Sau khi ngâm gạo, bạn chắt nước ngâm gạo bỏ đi và tiến hành xay gạo thật nhuyễn bằng máy xay bột.

Bột gạo vừa xay đem cho vào túi vải trắng, treo lên và để qua đêm cho bột thật ráo nước.

Kinh nghiệm:

Có thể xay gạo bằng máy xay sinh tố, nhưng phải lượt lại và xay nhiều lần để đảm bảo gạo được xay thật nhuyễn.

Để tiếp kiệm thời gian bạn có thể mua bột gạo bán sẵn!

Bước 2: Trộn bột

Bạn cho vào tô 2/3 phần bột gạo và 1/2 thìa cà phê muối khuấy đều cho muối hòa vào bột, rồi bạn cho 500ml nước nóng vào, bạn dùng phới lồng khuấy đều cho bột gạo tan ra.

Cuối cùng, bạn cho vào tô bột 2 thìa canh dầu ăn khuấy thêm khoảng 1 phút là được.

Bước 3: Hấp bột

Bạn cho hỗn hợp bột vào khuôn bắc lên xửng hấp ở lửa vừa, khoảng 2 - 3 phút thì bạn mở nắp xửng hấp ra khuấy bột, đến khi hỗn hợp bột sệt dẻo lại là được!

Kinh nghiệm: Bạn có thể cho bột vào nồi bắc lên bếp khuấy trực tiếp ở lửa nhỏ!

Bước 4: Trộn bột và hấp lần 2

Bột đã hấp trước đó bạn cho ra tô rồi cho phần bột gạo còn lại vào, trộn đều cho bột hòa vào nhau.

Bạn tiếp tục cho bột vào khuôn rồi bắc khuôn lên xửng hấp ở lửa vừa khoảng 5 - 7 phút đến khi thấy bột hơi trong trên bề mặt là được.

Lưu ý: Khi hấp bột bạn chỉ nên hấp sơ, tránh hấp bột bị chín vì sẽ làm bánh hỏi không thành công.

Bước 5: Nhào bột và ủ bột

Bạn cho bột đã hấp ra tô rồi cho vào 80g bột khoai tây nhồi thật kỹ cho bột cho thật dẻo mịn, sau đó bạn đậy tô bột lại ủ khoảng 20 phút cho bột nở.

Bước 6: Luộc bột

Bạn bắc 1 nồi nước nấu cho thật sôi rồi bạn cho vào nồi nước 1 thìa canh dầu ăn.

Bột đã ủ đủ thời gian, bạn tạo bột thành khối nén thật chặt rồi cho vào nồi nước sôi mở lửa lớn luộc bột khoảng 5 phút thì vớt ra!

Bước 7: Nhào bột lần 2

Bạn cho bột đã luộc ra tô lúc này bột rất nóng bạn dằm bột ra cho bớt nóng, rồi dùng tay nhào bột cho thật kỹ. Sau đó bạn cho tô bột vào lò vi sóng mở nhiệt độ trung bình quay thêm 40 giây thì cho bột ra.

Bạn thoa 1 ít dầu ăn ra mặt bàn rồi cho bột lên nhào bột lại một lần nữa cho bột dẻo mịn không bị cợn.

Cuối cùng, bạn tạo bột thành khối cho vừa với khuôn bánh hỏi, bạn có thể chia bột thành 2 khối để dễ tạo hình bánh hỏi, phần bột chưa sử dụng bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại.

Kinh nghiệm: Để banh hỏi ngon bạn cần phải giữu khối bột nóng nên khi nhồi bạn phải nhồi thật nhanh tay.

Bước 8: Ép bột bánh hỏi

Cho bột vào khuôn ép bánh hỏi vặn chặt nắp khuôn lại, nhẹ nhàng ép bột thành những sợi bánh hỏi, nhanh tay bắc bột sau đó xếp vào khuôn hấp thành từng lớp.

Bước 9: Hấp bánh hỏi

Cho khuôn bánh hỏi vào nồi xửng hấp trên lửa lớn khoảng 3 phút thì bánh sẽ chín.

Thành phẩm

Bánh hỏi khi chín dễ lấy, khô không bị bết dính. Sợi bánh mềm dẻo, có độ dai nhẹ, thơm từ gạo.

Bạn xếp bánh hỏi ra dĩa thêm ít dầu hẹ ăn kèm với thịt lợn quay, rau sống chấm nước chấm chua ngọt thì vô cùng tuyệt vời nhé!

Cách bảo quản bánh hỏi sau khi hấp

Bánh phơi khô rồi giữ ở nơi thoáng mát để bảo quản lâu, khi dùng chỉ cần trụng lại với nước sôi khoảng 1 phút rồi cho lại vào nước mát để sử dụng.

Bánh tươi để ngăn đông, khi ăn rã đông, dùng trong 1 tuần.

Bánh hòn tai hay còn gọi là bánh tai, là món bánh dân dã đặc sản ở vùng đất Phú Thọ, bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo, nhân thịt lợn và một số nguyên liệu khác. Nếu bạn chưa cơ hội được thưởng thức thì cùng vào bếp với chúng tôi để học ngay công thức cách làm cực đơn giản dưới đây nhé!

Nguyên liệu làm Bánh tai Phú Thọ (Cho 4 người ăn)

·       Gạo tẻ 300 g 

·       Thịt lợn 400 g 

·       Hành tím 5 củ 

·       Dầu ăn 2 thìa canh 

·       Gia vị thông dụng 1 ít (Hạt nêm/ muối/ đường/ tiêu xay)

Cách chế biến Bánh tai Phú Thọ

Bước 1: Vo gạo

Gạo tẻ bạn mua về bạn đem sàng để loại bỏ hết các hạt sạn cũng như vỏ trấu còn sót lại. Sau đó bạn vo gạo với nước 2 - 3 lần cho sạch rồi để cho ra rổ để ráo.

Bước 2: Sơ chế nhân bánh

Thịt lợn bạn chà xát với 1 thìa canh muối cho sạch hết chất bẩn, sau đó rửa lại nước sạch rồi thấm ráo và cắt thành những miếng nhỏ xong băm nhuyễn.

Hành tím bạn bóc bỏ vỏ rồi băm nhỏ.

Bước 3: Xào nhân bánh

Bắc chảo lên bếp mở lửa vừa, thêm 1 thìa canh dầu ăn, đợi dầu nóng bạn cho hành tím vào phi thơm.

Khi hành tím đã thơm bạn thêm phần thịt lợn băm vào xào, nêm thêm 1.5 thìa canh hạt nêm, 1/2 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê tiêu.

Bạn đảo đều thêm 3 - 4 phút cho chín thịt săn lại rồi nêm nếm lại gia vị lần nữa cho vừa ăn và tắt bếp.

Bước 4: Xay gạo và trộn bột bánh

Gạo tẻ sau khi đã khô ráo nước, bạn mang gạo đem đi xay nhuyễn mịn thành bột.

Tiếp đó bạn cho bột gạo ra mặt phẳng, tạo 1 lỗ lõm ở giữa rồi thêm 100ml nước sôi vào, bạn vun gạo ở xung quanh vào giữa rồi dùng tay nhào bột cho tới khi bột tạo thành khối mịn.

Tiếp theo, bạn thêm 1 thìa canh dầu ăn, tiếp tục nhào cho tới khi bột dẻo lại thành khối và không dính tay là đạt.

Kinh nghiệm:

Bột nhào với nước sôi nên bạn nhớ vun bột cho thấm hết vào nước xong mới nhồi để tránh bị bỏng tay.

Nếu thấy bột khô thì bạn thêm nước, còn bột bị nhão quá thì thêm vào 1 ít bột khô nhé!

Bước 5: Bọc nhân và tạo hình bánh

Trước tiên bạn lấy khoảng 1 thìa canh bột rồi vo tròn xong ấn dẹp ra sao cho miếng bột bằng gần lòng bàn tay.

Tiếp đó, bạn cho 1 thìa canh nhân thịt xào vào giữa miếng bột rồi gấp đôi bột lại và gấp chặt mép bột lại tạo hình gần giống cái tai.

Bạn làm thao tác tương như vậy cho tới khi hết bột và nhân bánh nhé!

Bước 6: Hấp bánh

Bạn bắc bộ nồi xửng hấp lên bếp, thêm 1 lít nước nấu sôi, khi nước sôi bạn nhẹ nhàng xếp bánh vào xửng rồi cho vào nồi, đậy nắp và hấp khoảng 20 - 25 phút trên lửa vừa tới khi thấy vỏ bánh hơi trong lại là được.

Thành phẩm

Bánh tai hấp xong bạn để nguội bớt rồi xếp ra dĩa, có thể ăn với một ít hành tím phi giòn kèm nước mắm chua ngọt để tăng hương vị món ăn.

Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được sự mềm dai từ vỏ bánh, nhân thịt đậm vị vừa ăn rất ngon miệng. 

Nếu bạn không thích lớp vỏ dẻo mềm làm từ bột nếp như các loại bánh ít thông thường. Vậy hãy thử qua bánh ít với vỏ bánh làm từ khoai mì dẻo dẻo nhưng không bị mềm, nhão. Lớp vỏ bùi bùi cùng nhân dừa, lạc bên trong kết hợp vô cùng ăn ý với nhau luôn đấy nhé!. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh ít khoai mì nhân dừa đậu nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít khoai mì nhân dừa đậu (Cho 3 người ăn)

·       Cơm dừa 500 g 

·       Đường thốt nốt 350 g 

·       Bột nếp 180 g 

·       Nước cốt dừa 330 g 

·       Lạc 100 g 

·       Khoai mì 3 kg 

·       Lá dứa 1 bó Lá

·       chuối gói bánh 2 kg 

·       Muối 25 g

Cách chế biến Bánh ít khoai mì nhân dừa đậu

Bước 1: Sơ chế khoai mì

Khoai mì cắt khúc bỏ đi phần đầu và đuôi vì hai phần này chứa nhiều độc tố nhất, sau đó lột vỏ, rửa sạch. Lấy hết lõi xơ giữa củ khoai, rồi cắt khoai thành từng khúc nhỏ.

Sau khi lột vỏ sẽ còn lại khoảng 1,6kg khoai.

Ngâm khoai vào trong nước có hoà 4g muối ít nhất 2 giờ hoặc qua đêm.

Lưu ý:

Trong củ khoai mì có tiền độc tố là các cyanogenic glucosides gồm hai chất là linamarin và lotaustralin. Hai chất này khi bị thủy phân tự nhiên bởi men linamarase tạo ra cyanhytric axit (HCN) là chất gây độc cho cơ thể.

Khi ngâm khoai mì với nước sẽ loại bỏ bớt độc tố trong khoai.

Bước 2: Rang lạc

Làm nóng chảo, trút lạc vào rang cùng 1 muỗng canh muối đến khi đậu chín và bốc mùi thơm.

Lấy đậu ra rổ, bỏ vỏ, nghiền dập.

Kinh nghiệm: Rang đậu với muối đậu sẽ chín nhanh hơn.

Bước 3: Sên nhân dừa lạc

Làm nóng chảy 200g đường thốt nốt rồi trộn đều với 500g cơm dừa. 30g bột nếp khuấy đều cùng 160g nước cốt dừa, để sẵn.

Cho dừa trộn đường vào chảo, đặt lên bếp sên lửa nhỏ khoảng 20 phút thì cho nước cốt dừa và bột nếp vào xào cùng dừa đến khi nhân ráo nhưng vẫn còn ẩm.

Lưu ý: Không sên nhân quá lâu làm dừa bị khô, xác, không ngon.

Tắt bếp, cho lạc giã dập vào nhân dừa, trộn đều.

Tiếp theo vo nhân thành từng viên tròn, mỗi viên khoảng 20g. Đậy kín nhân, để sẵn.

Bước 4: Xay khoai mì

Khoai mì sau khi ngâm nước bạn vớt ra, rửa lại 2 lần với nước sạch.

Cho khoai mì vào cối xay sinh tố cùng 500ml nước, xay cho khoai nhuyễn mịn.

Tiếp theo bạn lược khoai qua rây rồi cho khoai vào vải mùng, vắt kiệt nước rồi cho khoai vào thau nhỏ đánh tơi.

Phần nước khoai mì bạn để yên khoảng 15 phút, bạn bỏ nước trong, lấy phần tinh bột lắng ở dưới để sử dụng.

Kinh nghiệm: Nếu có thời gian bạn mài khoai mì, bánh sẽ ngon hơn.

Bước 5: Trộn bột bánh và vo viên

Trộn đều các nguyên liệu gồm: 900g bột khoai mì, 300g tinh bột khoai mì, 4g muối, 150g đường thốt nốt, 170g nước cốt dừa, 150g bột nếp.

Bột vo thành từng viên tròn mỗi viên khoảng 45g.

Viên bột vỏ bạn lấy lên lòng bàn tay ấn dẹp ra rồi lấy 1 viên nhân cho vào giữa, gói bột vỏ bao lấy nhân, xoay vo cho bánh tròn đẹp. Bạn làm lần lượt cho hết nguyên liệu.

Bước 6: Gói bánh

Mỗi cái bánh sẽ cần 2 miếng lá chuối để gói, 1 lá nhỏ khoảng 25cm và 1 lá lớn khoảng 35cm. Lá chuối bạn rửa sạch trụng qua nước sôi rồi lau khô lại.

Kinh nghiệm: Để lá chuối mềm dễ gói bạn hơ nhẹ qua lửa hoặc phơi nắng khoảng 3 giờ.

Viên bánh bạn thoa đều dầu ăn bên ngoài để bánh không bị dính vào lá chuối.

Lấy một miếng lá chuối nhỏ, gấp mép theo chiều dọc của sống lá rồi cuốn lại tạo thành phễu, cho viên bột vào phễu lá, gấp miệng lá cho kín rồi xếp xuống hai cạnh bên của bánh.

Tiếp theo bạn lấy miếng lá chuối lớn, gói ra bên ngoài bánh để cố định bánh.

Bước 7: Hấp bánh

Xếp bánh vào xửng hấp, chú ý không xếp quá sát nhau bánh sẽ khó chín.

Đặt nồi nước lên bếp, cho vào 1 bó lá dứa thơm, đun sôi, đặt xửng bánh lên trên, đậy nắp hấp bánh khoảng 60 - 90 phút là bánh chín.

Tắt bếp, để bánh nguội hẳn.

Thành phẩm

Bánh ít khoai mì có vỏ bánh dẻo nhưng không nhão, kết hợp nhân dừa lạc béo bùi, ngọt dịu ăn hoài mà không ngán.

Kinh nghiệm thực hiện thành công

Bạn tuân thủ đúng tỉ lệ nguyên liệu cũng như thao tác thực hiện như trong hướng dẫn để làm bánh thành công.

Bánh sau khi làm xong dùng trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng, nếu bạn muốn để được lâu hơn hãy cất bánh vào ngăn mát tủ lạnh sử dụng trong vòng 3 ngày, khi ăn bạn hấp lại bánh hoặc làm nóng bánh bằng lò vi sóng.

Bánh ít có màu hồng nhạt đẹp mắt, thơm nhẹ mùi lá cẩm. Điểm nhấn của món bánh ít đó là lớp vỏ được trộn lẫn với các sợi khoai môn tạo nên một lớp vỏ cực bắt mắt. Nhân bánh béo bùi từ đậu xanh tạo nên một hương vị rất riêng. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh ít lá cẩm gân khoai môn để đổi vị cho gia đình nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít lá cẩm gân khoai môn (Cho 12 cái bánh)

·       Bột nếp 400 g 

·       Bột năng 2 muỗng canh 

·       Đậu xanh 100 g 

·       Dừa nạo 100 g 

·       Khoai môn 200 g 

·       Nước lá cẩm 150 ml 

·       Dầu ăn 1/2 bát 

·       Đường 150 g 

·       Muối 1 ít 

·       Lá chuối 1 ít

Cách chế biến Bánh ít lá cẩm gân khoai môn

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Đầu tiên, bạn vo sạch đậu xanh rồi ngâm mềm từ 2 - 3 tiếng.

Kế đến, bào bỏ vỏ khoai môn, rửa sạch rồi bào thành nhiều sợi nhỏ. Sau đó, bạn cho khoai môn vào chảo và đảo đều trên lửa nhỏ khoảng 10 phút đến khi khoai héo, co lại thì tắt bếp.

Bước 2: Sên nhân đậu xanh dừa

Sau đó, bạn chắt bỏ nước ngâm đậu xanh rồi cho đậu vào nồi. Tiếp theo, cho vào thêm khoảng 1/2 muỗng cà phê muối, 1 ít nước sao cho vừa đủ ngập mặt đậu. Nấu đậu trên lửa vừa khoảng 20 - 25 phút đến khi chín mềm, cạn nước.

Lúc này, bạn cho thêm 50g đường vào nồi và dùng vá cơm đảo đều đến khi đường tan, đậu mềm nhuyễn, sánh lại thì tắt bếp.

Tiếp đến, cho vào 100g dừa nạo rồi tiếp tục đảo cho hỗn hợp nhân hòa quyện, khô ráo là được.

Bước 3: Nấu nước đường

Bắc nồi mới lên bếp, cho vào 100g đường, 100ml nước, 1 ít muối rồi nấu sôi đến khi đường tan thì tắt bếp.

Bước 4: Trộn bột bánh

Cho vào tô lớn 400g bột nếp, 2 muỗng canh bột năng, khoai môn sợi rồi trộn đều. Tiếp theo, cho từ từ 150ml nước lá cẩm vào hỗn hợp bột, vừa cho vừa trộn.

Kế đến, cho từ từ phần nước đường nóng vừa nấu vào tô bột, trộn đến khi nguyên liệu kết dính. Sau khi cho nước đường vào hết, bạn dùng tay nhào bột đến khi tạo thành khối dẻo mịn.

Cuối cùng, bạn đậy kín bột lại và để nghỉ 10 phút.

Kinh nghiệm: Để bột bánh có độ dẻo mềm và không bị chảy, bạn bắt buộc phải dùng nước đường lúc mới nấu, không được dùng nước đường để nguội.

Bước 5: Gói bánh

Chia phần bột vỏ bánh và nhân bánh thành khoảng 12 phần rồi vo tròn.

Kế đến, dùng tay miết hơi dẹt bột vỏ bánh, cho nhân vào giữa rồi túm kín mép bột lại. Tiếp theo, áo bánh qua 1 lớp dầu ăn để chống dính.

Đối với 1 cái bánh bạn sẽ gói qua 2 lớp lá chuối, 1 lá chuối nhỏ có kích thước khoảng 20x40cm, 1 lá chuối lớn 30x40cm.

Cuộn tròn tấm lá chuối nhỏ thành hình cái phễu, sau đó bạn cho bánh vào trong rồi gấp gọn các mép lá lại. Để bánh lên lớp lá chuối thứ 2, đặt đỉnh của bánh sao cho hướng theo góc của lá chuối.

Gấp phần lá ở trên xuống sau đó gấp chặt 2 mép bên 2 lần. Cuối cùng, gấp gọn mép dưới của bánh lại là hoàn tất.

Làm tương tự như trên đến khi hết số bánh còn lại.

Bước 6: Hấp bánh

Cuối cùng, xếp bánh vào xửng, đặt xửng lên một nồi nước sôi, đậy nắp kín và hấp chín bánh trên lửa vừa khoảng 40 phút.

Thành phẩm

Bánh ít lá cẩm gân khoai môn có màu tím đẹp mắt, mùi thơm nhẹ hấp dẫn. Ăn thử một miếng sẽ cảm nhận ngay được lớp vỏ mềm dẻo, dai dai bùi vị khoai môn đan xen cùng nhân dừa đậu xanh ngọt béo rất hấp dẫn.

Bánh ít lá gai là một đặc sản của vùng Phú Yên, Bình Định. Bánh ít lá gai với lớp vỏ màu xanh đen đặc trưng của lá gai. Nhân bên trong béo bùi từ đậu xanh được hòa quyện cùng các sợi cơm dừa ngọt thanh tạo nên một món bánh vô cùng hấp dẫn.

Nguyên liệu làm Bánh ít lá gai nhân đậu (Cho 12 cái)

·       Lá gai 250 g 

·       Bột nếp 400 g 

·       Đậu xanh cà vỏ 200 g 

·       Dừa sợi 100 g 

·       Gừng 20 g 

·       Đường 360 g 

·       Dầu ăn 1 ít 

·       Muối 1 ít 

·       Lá chuối 1 ít (dùng gói bánh)

Dụng cụ thực hiện:

Xửng hấp, máy xay sinh tố, nồi, chảo, rây lọc,...

Cách chế biến Bánh ít lá gai nhân đậu

Bước 1: Làm bột bánh

Đối với lá gai, đầu tiên bạn tước bỏ phần gân lá lớn để khi xay được mịn và không bị vướng các xơ lá. Tiếp theo, cho lá gai vào nồi luộc với vài 20g gừng thái lát trong 15 phút rồi vớt ra.

Sau đó, bạn cho lá gai luộc cùng gừng vào máy xay sinh tố và thêm 200ml nước rồi xay cho lá gai và gừng nhuyễn nát. Lúc này bạn lọc phần lá gai vừa xay qua rây để chắt hết nước và lấy phần xác lá.

Cho phần xác lá gai vào tô đựng 400g bột nếp, 250g đường, 1 ít muối rồi dùng tay nhồi đều đến khi thành một khối bột chuyển hòa toàn thành màu xanh, dẻo mịn và không dính tay.

Để bột dẻo hơn thì bạn cho bột vào cối cùng 1 thìa cà phê dầu ăn rồi dùng chày giã đều tay toàn bộ các mặt của khối bột là được.

Bước 2: Sên nhân bánh

Trước tiên, bạn vo sạch 200g đậu xanh rồi ngâm từ 2 - 4 tiếng, sau đó đổ nước ngâp mặt đậu rồi đem nấu chín mềm.

Đậu xanh sau khi đã nấu mềm thì bạn nghiền thật nhuyễn rồi cho đậu nghiền vào chảo, vừa đun vừa trộn đều với 110g đường cùng 1/2 thìa cà phê muối.

Sau khi đậu xanh sên quyện với đường thì bạn cho 200g dừa sợi vào và tiếp tục sên đến khi hỗn hợp đậu xanh dừa sợi hòa lẫn và sánh đặc lại là đạt.

Bước 3: Gói và hấp bánh

Trước khi gói bánh, bạn rửa sạch lá chuối rồi đem phơi cho mềm lá hoặc hơ qua lửa.

Đối với phần bột lá gai và nhân đậu xanh thì bạt ngắt một ít rồi vo thành viên tròn sao cho viên bột to hơn viên nhân.

Sau đó bạn nhấn dẹt bột, cho nhân đậu xanh vào giữa rồi túm kĩ mép bột rồi vo tròn lại một lần nữa cho đều đẹp. Bạn làm tương tự đến khi hết bột và nhân đậu xanh nhé!

Lúc này, bạn cắt lá chuối thành hình vuông rồi xếp thành hình chiếc phễu, phết lên lá 1 ít dầu ăn rồi đặt viên bánh vào xong gói kín và chặt tay.

Bước 4: Hấp bánh

Chuẩn bị một cái nồi xửng hấp, đổ nước vào đáy nồi đun cho sôi lăn tăn thì cho bánh vào xửng rồi đập nắp và hấp bánh với lửa vừa trong khoảng 20 - 30 phút là hoàn thành.

Thành phẩm

Bánh ít lá nhân đậu xanh sau khi hấp xong lớp vỏ sẽ chuyển sang màu đen óng cùng mùi thơm dễ chịu từ gai vô cùng hấp dẫn.

Cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận được phần vỏ nếp chín dẻo dẻo, dai dai với ngập bên trong là nhân đậu xanh bùi ngậy, ngọt ngào xen lẫn một ít dừa sợi giòn giòn cực kì bắt miệng.

Với công thức này bạn sẽ tìm lại được hương vị bánh ít lá gai năm nào mà bạn từng thử mỗi khi mẹ đi chợ về hay ăn vào những ngày giỗ cũng như các dịp lễ đấy!

Cách bảo quản bánh ít lá gai

- Bánh sau khi hấp bạn có thể bảo quản bên ngoài ở nơi thoáng khí, khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp của mặt tròi khoảng 5 - 7 ngày. Nếu để bên ngoài bạn nên cho bánh vào rổ, hoặc dụng cụ đựng có các lỗ nhỏ, để bánh không bị hấp hơi và dễ thiu.

- Bên cạnh đó bạn cũng có thể bảo quả trong ngăn đông tủ lạnh, với cách này bánh sẽ bảo quản được 2 tháng, khi ăn chỉ cần bỏ vào nồi hấp lại khoảng 15 phút là được.

Bánh ít lá gai với lớp vỏ nếp dẻo mềm, dậy mùi dịu đặc biệt của lá gai cùng nhân ngọt bùi bên trong khiến ai ăn qua đều mê đắm hương vị dân dã, đậm tình quê hương của món bánh này. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh ít lá gai nhân dừa nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít lá gai nhân dừa (Cho 12 cái)

Lá gai 300 g 

Bột nếp 250 g 

Bột năng 5 g 

Dừa nạo 300 g 

Lạc rang 150 g(giã nhỏ) 

Gừng 80 g(băm nhuyễn) 

Đường 210 g 

Dầu ăn 1 ít 

Lá chuối 6 cái(dùng gói bánh)

Dụng cụ thực hiện:

Xửng hấp, máy xay sinh tố, nồi, chảo, rây lọc,...

Cách chế biến Bánh ít lá gai nhân dừa

Bước 1: Làm bột bánh

Đầu tiên bạn rửa sạch và tước phần cuống xơ của 300g lá gai rồi đem rửa sạch và luộc trong khoảng 10 - 15 phút.

Sau đó, bạn cho lá gai máy xay sinh tố cùng 200ml nước và xay thật nhuyễn. Tiếp đến, lọc nước và lấy phần xác lá gai vừa xay.

Bạn cho phần xác lá gai vừa thu được trộn cùng 250g bột nếp, 200g đường rồi dùng tay nhồi đều đến khi khối bột dẻo mịn không dính tay là đạt. Lúc này bạn bọc bột lại bằng màng bọc thực phẩm và để bột nghỉ 30 phút.

Bước 2: Sên nhân dừa và đậu phông

Nấu sôi 150ml nước lọc và 110g đường còn lại trong chảo và đun với lửa vừa.

Khi thấy đường chuyển qua màu nâu cánh gián thì nhanh cho 80g gừng băm vào đảo nhanh rồi thêm 300g dừa nạo vào và sên dừa đều tay khoảng 5-10 phút.

Tiếp đó bạn thêm 150g lạc rang giã nhỏ, 5g bột năng vào chảo dừa nạo và tiếp tục đảo đều thêm 2 - 3 phút nữa là được.

Bước 3: Gói và hấp bánh

Sau khi cho bột nghỉ 30 phút lấy bột ra và bắt đầu gói bánh. Ngắt 1 ít bột sau đó bạn vo viên tròn, tiếp đó, bạn nhấn dẹt bột và múc 1 ít nhân dừa lạc vào rồi túm kín mép bột.

Bôi một ít dầu ăn vào viên bột để khi hấp xong bánh sẽ không bị dính lá.

Lá chuối bạn rửa sạch rồi đem phơi hoặc hơ qua lửa cho mềm rồi mới đem gói bánh. Cắt lá thành hình chữ nhật hoặc hình vuông rồi xếp lá sao cho giống như chiếc phễu.

Lúc này bạn cho viên bột vào và bọc kín lá lại và đem đi hấp.

Chuẩn bị một cái nồi hấp, cho bánh vào xửng, đập nắp và hấp bánh khoảng 25 - 30 phút là có thể dùng được.

Thành phẩm

Bánh ít lá gai nhân dừa là một biến thể đặc biệt của bánh gai truyền thống, món ăn có phần nhân dừa ngọt ngào kết hợp với lạc bùi bùi và phần vỏ lá gai mềm dẻo, thơm lừng tạo nên một tổng thể tuyệt vời hấp dẫn.

Cách bảo quản bánh ít lá gai

- Bánh sau khi hấp bạn có thể bảo quản bên ngoài ở nơi thoáng khí, khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp của mặt tròi khoảng 5 - 7 ngày. Nếu để bên ngoài bạn nên cho bánh vào rổ, hoặc dụng cụ đựng có các lỗ nhỏ, để bánh không bị hấp hơi và dễ thiu.

- Bên cạnh đó bạn cũng có thể bảo quả trong ngăn đông tủ lạnh, với cách này bánh sẽ bảo quản được 2 tháng, khi ăn chỉ cần bỏ vào nồi hấp lại khoảng 15 phút là được.

Bánh ít là một trong những món bánh đã quá quen thuộc với mọi người, nhưng bạn đã biết một biến tấu mới lạ hơn của món bánh này với mít chưa? Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh ít mít nhân đậu xanh nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít mít nhân đậu xanh (Cho 20 cái ăn)

·       Bột nếp 150 g 

·       Nhân đậu xanh 300 g 

·       Mít 200 g 

·       Mứt bí 100 g 

·       Lá chuối 1 ít 

·       Muối 1 ít 

·       Dầu ăn 1 ít 

·       Nước lọc 50 ml

Cách chế biến Bánh ít mít nhân đậu xanh

Bước 1: Sơ chế và xay mít

Mít bạn mua về tách ra từng múi, bỏ hạt và dùng dao cắt nhỏ ra để dễ dàng xay mịn hơn.

Sau khi cắt nhỏ thì cho mít vào máy xay sinh tố cùng với 50ml nước lọc và xay mít thật mịn để khi làm phần vỏ bánh được mịn đẹp và ngon hơn nhé!

Bước 2: Trộn bột bánh

Mít sau khi xay mịn thì cho ra tô, cho vào 1 ít muối, 150g bột nếp vào nhồi đều tay.

Bạn nên chia 150g bột nếp ra nhiều lần cho vào nhồi để tránh làm bột quá khô hoặc nhão.

Nhồi thật kỹ trong 7 - 10 phút đến khi bột kết dính lại thành một khối dẻo mịn là được. Sau đó đậy kín bột và ủ trong 10 phút.

Bước 3: Gói bánh

300g nhân đậu xanh, bạn hãy cho vào 100g mứt bí, nhồi đều và vo tròn thành 20 viên nhân. Phần bột bánh cũng chia làm 20 phần đều nhau để tránh thiếu hoặc thừa bột.

Bạn hãy lấy từng viên bột rồi dùng đầu ngón tay ép mỏng bột ra, cho phần nhân đậu xanh vào giữa, bọc kín nhân lại và vo tròn viên bánh.

Thoa 1 ít dầu ăn lên tấm lá chuối có kích thước khoảng 20x30cm, cho viên bánh vào giữa cuộn tròn tấm lá theo chiều ngang rồi xếp 2 đầu chiều dọc sao cho viên bánh được bọc kín.

Đặt cố định phần mép lá phía dưới để bánh không bị bung ra. Sau đó lần lượt gói hết phần bột và nhân đậu xanh còn lại.

Cách làm nhân đậu xanh bánh ít:

300g đậu xanh không vỏ đem ngâm trong 1 - 2 tiếng cho nở rồi nấu với 1 lít nước lọc.

Đậu xanh mềm thì nhấc xuống khỏi bếp, cho vào 100g đường và xay thật mịn bằng máy xay sinh tố.

Cho phần đậu xanh đã xay vào chảo sên đều tay khoảng 20 phút cho đặc lại, cho vào 100ml nước cốt dừa và tiếp tục sên đến khi đậu xanh đặc thành khối là được.

Bước 4: Hấp bánh

Sau khi gói xong, bạn chuẩn bị 1 xửng nước sôi và cho bánh vào xửng, đậy nắp, hấp với lửa vừa trong 15 phút là bánh chín.

Thành phẩm

Bánh ít mít chín có màu vàng ươm, thơm nức mũi với mùi mít chín, phần nhân đậu xanh bùi bùi hòa quyện mứt bí ngọt ngào sần sật vô cùng lạ miệng. Đây chắc chắn sẽ là món bánh tuyệt vời dành cho cả gia đình bạn đấy.

Kinh nghiệm

- Khi hấp bánh, bạn bọc thêm một lớp vải vào nắp xửng để tránh hơi nước bốc lên trên rơi xuống làm bánh lâu chín, bánh cũng bị rỗ, không ngon.

- Bánh được bảo quản trong hộp kín, cho vào trong tủ lạnh có thể dùng trong 1 - 2 ngày.

Bạn đã nghe qua món bánh ít mít chưa? Hãy cùng vào bếp ngay hôm nay để bắt tay làm ngay nha. Bánh ít mít với vỏ ngoài vàng óng, thơm lừng mùi mít đặc trưng, đẹp mặt y như màu của trái cây thật. Kếp hợp là nhân dừa ngọt thanh bên trong mang đến hương vị khó quên.

Nguyên liệu làm Bánh ít mít nhân dừa (Cho 4 người ăn)

·       Bột nếp 150 g 

·       Mít 200 g 

·       Dừa bào 200 g 

·       Bột năng 10 g 

·       Đường 100 g 

·       Muối 1/2 thìa cà phê 

·       Lá chuối 1 ít 

·       Dầu ăn 1 ít 

·       Nước lọc 1 ít

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, máy xay sinh tố, chảo, bát tô, sạn xào,...

Cách chế biến Bánh ít mít nhân dừa

Bước 1: Sơ chế và xay mít

200g mít bạn hãy bỏ hột và cắt nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố. Cho thêm vào khoảng 40ml nước, xay nhuyễn mịn và cho vào 1/2 thìa cà phê muối.

Bước 2: Trộn bột bánh

Bạn cho 150g bột nếp vào một tô lớn, cho tiếp phần mít xay vào nhào đều tay cho đến khi khối bột dẻo mịn và có màu vàng đều đẹp mắt, đậy kín và ủ bột trong 15 phút cho bột nở.

Bước 3: Sên nhân bánh

Cho 200g dừa bào vào tô cùng với 100g đường, dùng thìa đảo đều cho đường tan hết thì cho lên chảo sên với lửa vừa đến khi khô hết nước.

Bạn dùng 10g bột năng cho vào 1 thìa canh nước lọc và khuấy tan đều bột. Khi phần dừa đã cạn nước thì cho bột năng vào sên trong 10 phút cho nhân dừa khô lại là được.

Cho nhân dừa ra đĩa để nguội và vo thành 10 viên nhân đều nhau.

Bước 4: Gói bánh

Bột bạn chia thành 10 khối nhỏ, bắt dẹt khối bột rồi cho viên nhân dừa vào giữa, nhẹ nhàng nắn bột bọc kín phần nhân dừa lại.

Thoa ít dầu vào lá chuối, cho viên bánh vào giữa và cuộn tròn tấm lá chuối theo chiều dọc, gập 2 đầu chiều dài tấm lá chuối sao cho phần bánh được bọc kín.

Cuối cùng, dùng dây lá chuối cột bánh lại. Bạn thực hiện tương tự cho hết phần bột bánh và nhân.

Kinh nghiệm

Bạn chần lá chuối sơ qua nước sôi để dễ gói bánh hơn nhé.

Khi gói bánh để phần gân lá chuối vào trong để bánh sau khi hấp có từng đường gân giống như múi mít.

Bước 5: Hấp bánh

Bạn cho một ít nước vào xửng hấp và nấu sôi nước trước trên bếp trong khoảng 10 - 15 phút.

Sau đó, cho phần bánh đã gói xếp đều xung quanh xửng và đậy nắp lại hấp bánh trong vòng 20 - 25 phút thì tắt bếp và gắp bánh ra.

Thành phẩm

Bánh ít mít sau khi hoàn thành có màu vàng đẹp mắt. Phần vỏ bánh dẻo dai và thơm lừng mùi mít rất hấp dẫn. Bên trong nhân dừa ngọt vừa phải, mang đến hương vị khó quên cho người thưởng thức.

Kinh nghiệm

- Khi hấp bánh, bạn bọc thêm một lớp vải vào nắp xửng để tránh hơi nước bốc lên trên rơi xuống làm bánh lâu chín, bánh cũng bị rỗ, không ngon.

- Bánh được bảo quản trong hộp kín, cho vào trong tủ lạnh có thể dùng trong 1 - 2 ngày.

Tô thêm chút màu sắc cho món bánh ít thêm phần hấp dẫn với đủ loại màu sắc. Đặc biệt các loại màu đều làm từ tự nhiên như nếp cẩm, nước gấc, nước củ dền,... khiến cho vỏ ngoài có hương thơm đặc trưng của từng loại. Nhân bên trong là nhân sầu riêng ngọt bùi, thơm lừng nức mũi. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh ít ngũ sắc nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít ngũ sắc (Cho 30 cái)

·       Đậu xanh 340 g 

·       Nước cốt dừa 400 ml 

·       Dừa sợi 227 g Đường 325 g 

·       Thịt sầu riêng 200 g 

·       Lá dứa 7 lá 

·       Lá cẩm 50 g 

·       Gấc 11 hạt 

·       Củ dền 250 g 

·       Đường thốt nốt 60 g 

·       Bột nếp 1.3 kg 

·       Muối 2.5 muỗng cà phê

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, nồi, tô

Cách chế biến Bánh ít ngũ sắc

Bước 1: Hầm đậu xanh

Rửa sạch 340g đậu xanh, cho vào chảo cùng 400ml nước cốt dừa, 800ml nước lọc, 1 muỗng cà phê muối.

Nấu hỗn hợp trên lửa vừa đến khi sôi, sau đó bạn đậy nắp vung, tiếp tục ninh trên lửa nhỏ.

Bước 2: Sên nhân đậu xanh

Khi nước trong chảo gần cạn, bạn cho vào 227g dừa sợi, 100g đường, khuấy đều trên lửa nhỏ.

Khi nhân sệt lại, không dính chảo, bạn cho thêm 200g thịt sầu riêng và tiếp tục sên đến khi nhân khô ráo, thành khối dẻo mịn là đạt.

Bước 3: Tạo màu ngũ sắc

Rửa sạch 7 lá dứa rồi cắt khúc.

Rửa sạch 50g lá cẩm

Gọt vỏ 250g củ dền, rửa sạch, cắt khúc.

Tách khoảng 11 hạt gấc để lấy phần thịt (100g).

Với mỗi phần nguyên liệu trên, bạn cho vào máy xay sinh tố cùng 250ml nước, sau đó xay nhuyễn rồi lọc qua rây lấy nước màu.

Đối với phần màu thốt nốt, bạn bắc nồi lên bếp, cho vào 2 muỗng canh đường, nấu trên lửa nhỏ rồi dùng đũa khuấy đều cho đường tan chảy.

Khi đường tan hoàn toàn và chuyển màu cánh gián, bạn cho vào 250ml nước, 60g đường thốt nốt. Tiếp tục khuấy đều cho đường thốt nốt tan rồi tắt bếp.

Bước 4: Pha bột bánh ngũ sắc

Cho vào từng phần nước màu theo tỉ lệ muối, đường, bột nếp như sau:

Phần nước lá dứa, ¼ muỗng cà phê muối, 3 muỗng canh đường, 260g bột nếp.

Phần nước lá cẩm: ¼ muỗng cà phê muối, 3 muỗng canh đường, 260g bột nếp

Phần nước đường caramen: ¼ muỗng cà phê muối, 220g bột nếp

Phần nước củ dền, ¼ muỗng cà phê muối, 3 muỗng canh đường, 240g bột nếp

Phần nước gấc, ½ muỗng cà phê muối, 4 muỗng canh đường, 310g bột nếp

Sau đó, bạn dùng tay nhồi bột đến khi bột tạo thành khối khô ráo, dẻo mịn, không dính tay là đạt.

Lưu ý: Vì mỗi loại bột có tính hút nước khác nhau, do đó bạn nên cho từ từ bột nếp vào phần nước màu, không nên cho 1 lúc vì sẽ khiến bột bánh bị khô.

Bước 5: Gói bánh

Chia nhân đậu xanh và vỏ bánh ra làm nhiều phần với tỉ lệ 40g nhân, 100g vỏ bánh rồi vo tròn.

Miết hơi dẹt phần vỏ bánh, cho nhân vào giữa rồi túm mép bột lại, vo tròn.

Cắt lá chuối thành hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 20cm, chiều dài 10cm. Gấp 1 bên mép 2 lần để tạo thành hình phễu.

Áo bánh qua 1 lớp dầu ăn, cho bánh vào trong lá chuối rồi gấp mép lại.

Để bánh lên lớp lá chuối thứ 2 có kích thước lớn hơn với chiều rộng 25cm, chiều dài 15cm. Đặt đỉnh của bánh sao cho hướng theo góc của lá chuối.

Gấp phần lá ở trên xuống sau đó gấp chặt 2 mép bên 2 lần. Cuối cùng gấp gọn mép dưới của bánh lại là hoàn tất.

Bước 6: Hấp bánh

Xếp bánh vào khay hấp theo chiều nằm ngang.

Bắc nồi nước lên bếp, đợi đến khi nước sôi thì cho khay bánh vào hấp trong vòng 25 - 30 phút là bánh chín.

Thành phẩm

Bánh ít sau khi hoàn thành có màu sắc bắt mắt, vỏ bánh dai dai, mềm mềm, nhân bên trong thì ngọt bùi, thơm nức mũi mùi sầu riêng.

Bánh ít nhân đậu xanh đã quá là quen thuộc đối với tất cả mọi người ở miền Tây. Món bánh được gói trong lá chuối nóng hổi. Vỏ bánh dai mềm, ngọt ngọt vị đường thốt nốt. Nhân bên trong béo bùi của đậu xanh. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít nhân đậu xanh (Cho 30 cái)

·       Bột nếp 1 kg 

·       Đậu xanh 400 g (không vỏ) 

·       Đường thốt nốt 650 g 

·       Dầu ăn 2 thìa canh 

·       Dầu dừa 100 ml 

·       Gừng 1 thìa canh(băm nhỏ) 

·       Hành tím 1 củ(băm nhỏ) 

·       Muối 2 thìa cà phê 

·       Lá chuối 5 lá

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, nồi, bát tô,...

Cách chế biến Bánh ít nhân đậu xanh

Bước 1: Nấu nước đường

Bạn cho 650 g đường thốt nốt vào chảo nấu với 100 ml nước lọc. Bạn để lửa vừa cho đến khi đường tan và sôi lên bạn cho vào 1 thìa canh gừng tươi băm nhuyễn và khuấy đều tay.

Sau đó bạn giảm nhỏ lửa, cho thêm 1 thìa cà phê muối tiếp tục khuấy đều tay cho đến khi đường có màu hơi nâu nâu vàng vàng là đạt yêu cầu.

Tiếp đó bạn cho thêm 750 ml nước ấm vào, quậy đều và tắt bếp. Nếu có bọt thì bạn vớt bỏ bọt. Vậy là bạn đã xong phần nấu nước đường.

Kinh nghiệm: Bạn khuấy đường thật nhanh tay để đường mau tan.

Bước 2: Sên nhân

Bạn ngâm đậu xanh bóc vỏ khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó vo sạch, rồi cho vào nồi nấu cho chín mềm. Khi nấu bạn đổ nước xâm xấp mặt để khi đậu chín nước vừa cạn là được.

Bạn bắc chảo lên bếp, cho 100ml dầu dừa vào, sau đó cho hành tím băm nhỏ vào phi thơm. Hành tím đã thơm bạn cho đậu xanh đã nấu chín vào xào. Khi xào cho vào 1 thìa cà phê muối, xào tới khi đậu xanh khô lại là được.

Xào xong bạn để cho nhân đậu xanh nguội, vo thành những viên tròn.

Kinh nghiệm:

Bạn xào cho nhân khô ráo nước để bảo quản bánh lâu hơn.

Bạn có thể thay dầu dừa bằng dầu ăn nhưng dầu dừa sẽ làm nhân bánh thơm hơn.

Bước 3: Nhồi bột

Bạn cho bột nếp vào thau, sau đó cho hỗn hợp nước đường còn ấm vào từ từ và trộn đều. Bạn dùng tay nhồi bột đến khi bột không dính tay, không nhão, không khô là được.

Kinh nghiệm:

Bạn nên nhồi bột bằng tay để cảm nhận độ dẻo của bột để quyết định thêm bao nhiêu nước đường hay không.

Nên cho từ từ nước đường vào để có thể kiểm tra độ dẻo của bột tránh tình trạng bột quá nhão hay quá khô.

Bước 4: Xếp lá

Lá chuối bạn phơi ra nắng khoảng 1 tiếng để lá mềm, sau đó rửa sạch, lau khô và quét dầu ăn lên lá.

Bạn xé lá rộng khoảng 20 cm, gấp chéo lá lại vuốt tạo thành đường thẳng, sau đó, gấp lại 1 lần nữa tạo thành hình tam giác. Bạn mở lá tạo thành hình cái phễu, dùng tay vuốt 2 cạnh bên lại tạo thành hình vuông có đường gấp ở giữa.

Kinh nghiệm: Lá chuối bạn có thể đem phơi nắng hoặc luộc sơ để lá chuối mềm dễ gói hơn.

Bước 5: Gói bánh

Bạn thoa dầu ăn vào tay sau đó lấy hỗn hợp viên bột tròn, rồi dùng tay ấn dẹp ra, sau đó cho nhân đậu xanh vào giữa. Khéo léo dùng tay miết để vỏ bánh bao bọc hết nhân bánh.

Áo bánh qua 1 lớp dầu ăn, cho bánh vào trong lá chuối rồi gấp mép lại.

Lưu ý: Nhúng bột vào dầu sẽ giúp bánh không dính vào lá gói.

Để bánh lên lớp lá chuối thứ 2, đặt đỉnh của bánh sao cho hướng theo góc của lá chuối.

Gấp phần lá ở trên xuống sau đó gấp chặt 2 mép bên 2 lần. Cuối cùng gấp gọn mép dưới của bánh lại là hoàn tất.

Bước 6: Hấp bánh

Bạn xếp bánh vào khay hấp.

Bắc nồi nước lên bếp mở lửa lớn, đợi đến khi nước sôi thì cho khay bánh vào hấp trong vòng 25 - 30 phút là bánh chín.

Thành phẩm

Bánh ít sau khi hoàn thành thơm ngon hấp dẫn, vỏ bánh dai dai, mềm mềm, nhân bên trong thì ngọt bùi, hãy mời gia đình cùng thưởng thức thôi nào.

Thông tin về bột nếp

Bột nếp khi mua ngoài hàng bạn chọn loại bột còn trắng tinh, mịn không bị vón cục hay ngả màu vàng đục.

Mua bột có mùi thơm nếp đặc trưng, tránh mua bột có mùi mốc hay các mùi lạ khác.

Kinh nghiệm bảo quản bánh

Treo bánh nơi thoáng mát sẽ bảo quản được bánh ít trong khoảng từ 7 - 10 ngày.

Để bánh còn nguyên vỏ vào ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được từ 15 - 20 ngày, khi dùng bạn cần hấp lại cho bánh được nóng.

Nếu bánh đã bóc vỏ, bạn bọc lại với túi ni-lông và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Nếu ai đã từng đăt chân đến mảnh đất miền Tây Nam Bộ và có dịp thưởng thức món Bánh ít nhân đậu xanh dừa, hẳn sẽ không quên vị dẻo, thơm và rất bùi của nó. Với các nguyên liệu dễ tìm cùng công thức đơn giản, đảm bảo bạn sẽ thực hiện thành công ngay từ lần đầu tiên. Bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít nhân đậu xanh dừa (Cho 10 cái)

Bột nếp 480 g 

Đậu xanh 200 g 

Dừa sợi 100 g (hoặc dừa bào sợi) 

Gấc 1 quả 

Lá dứa 7 lá 

Bột vani 1 thìa cà phê 

Muối/ Đường 1 ít 

Dầu ăn 1 ít

Dụng cụ thực hiện

Xửng hấp, chảo chống dính, nồi, bát tô, thìa,...

Cách chế biến Bánh ít nhân đậu xanh dừa

Bước 1: Nấu đậu xanh

Đậu xanh sau khi đã tách sạch vỏ, ngâm với nước qua đêm cho vào nồi, thêm vào 1/3 thìa cà phê muối và 250ml nước.

Sau khi đậu đã ngâm nở, bạn vớt ra cho ráo hết nước. Lúc này cho đậu vào nồi, đổ nước ngập mặt đậu rồi đậy nắp nấu với lửa nhỏ.

Khi đậu chín mềm, mang phần đậu xay nhuyễn.

Bước 2: Làm nhân đậu xanh dừa

Cho 90g đường, 100g dừa sợi, 1 thìa canh dầu ăn vào đậu xanh vừa xay, cho vào bếp xào đậu với lửa nhỏ đến khi đậu kết dính thành một khối. Sau đó cho thêm 1 thìa cà phê bột vani và tiếp tục xào đến khi đậu xanh sệt lại dính thành khối là xong.

Bạn đợi đậu xanh nguội, sau đó vo tròn đều, to vừa miệng ăn. Bạn dùng màng ni-lông bọc kín nhân để đậu không bị khô trong lúc thực hiện các bước tiếp theo nhé!

Kinh nghiệm: Nếu thích ăn ngọt, bạn có thể cho từ 100 - 110g đường vào đậu để xào nhé!

Bước 3: Lọc nước lá dứa và nhân gấc

Để tạo màu sắc cho bánh, bạn dùng khoảng 7 lá dứa cắt nhỏ xay cùng 160ml nước, sau đó lọc lấy phần nước lá dứa.

Gấc bổ đôi, bạn giữ lại thịt gấc, tách bỏ hạt. Sau đó đem thịt gấc xay nhuyễn với nước, lọc lấy phần nước quả gấc.

Lưu ý:

Bạn không nên lấy quá sâu phần thịt gấc vì sẽ làm đắng nước.

Nếu muốn bánh có màu xanh hơn, bạn có thể cho thêm 1 ít tinh dầu lá dứa vào khuấy đều với nước lá dứa nhé!

Có thể thay quả gấc thành củ dền, cà rốt,... xay lấy nước để tạo màu sắc bánh theo sở thích.

Bước 4: Trộn bột làm vỏ

Để có lớp vỏ bánh màu trắng, bạn cho 160g bột nếp, 40g đường, 1/4 thìa cà phê muối, 2/3 thìa canh dầu ăn, 160ml nước ấm, sau đó dùng tay nhào trộn đều bột. Dùng màng ni-lông bọc kín bột bánh để tránh bột bị khô khi chưa sử dụng để bọc nhân.

Để tạo vỏ bánh màu xanh hoặc cam, cho các nguyên liệu với lượng tương đương như khi nhào bột màu trắng, chỉ thay đổi nước ấm thành nước lá dứa hoặc nước gấc tương ứng.

Kinh nghiệm:

Cho khoảng 25g khoai tây hoặc khoai lang đã nấu chín tán nhuyễn vào trộn bột sẽ giúp vỏ bánh giữ được độ mềm khi để lâu nhé!

Khi trộn bột, bạn cần cho nước vào dần dần, căn chỉnh cho thêm nước ấm nếu bột bánh quá khô.

Bước 5: Bọc nhân

Trung bình với 1 phần bột đã trộn, bạn chia đều thành 4 phần.

Đầu tiên, bạn ấn dẹp vỏ bột, sau đó vo tròn để bánh đẹp và đảm bảo bọc kín nhân bên trong.

Sau khi bọc nhân xong, chuẩn bị một chén dầu ăn, bạn cho bánh vào lăn đều để khi hấp bánh, bánh sẽ không dính khi bóc vỏ nhé!

Bước 6: Gói bánh

Lá chuối sau khi rửa sạch, lau khô, bạn cắt thành hình chữ nhật có kích thước 25x15 (cm). Lật ngược lá chuối để phía dưới làm lớp ngoài, lớp trong sẽ chọn lá nhỏ hơn.

Dùng ngón tay trỏ đặt ở tâm lớp lá chuối bên trong, gấp mép lá theo chiều từ trái qua phải tạo thành chiếc phễu. Cho nhân bánh vào lá chuối, sau đó ấn đầu các góc, bẻ gập lại.

Với lớp lá ngoài, bạn đặt xéo bánh đã gói vào giữa lớp lá ngoài, sau đó kéo góc lá lại. Dùng tay ép các mép lá dọc xuống theo bánh đã gói bên trong, gấp lá vào dần khoảng 3 lần. Làm tương tự với góc lá còn lại.

Gấp đều phần đuôi bánh, cắt bớt lá thừa, phần còn lại của lá bạn gấp nhét chắc vào chỗ hở khe lá.

Bước 7: Hấp bánh

Khi nước trong nồi hấp đun sôi, bạn cho bánh vào xửng (vỉ) hấp, đậy nắp và tiến hành hấp bánh trong khoảng 30 - 35 phút.

Thành phẩm

Bánh sau khi đã hấp, bạn lau khô, để nguội là có thể dùng. Bánh có lớp vỏ bột mềm dai, thoang thoảng hương thơm của lá dứa, gấc tự nhiên, vị ngọt của phần nhân bánh thơm ngon, hấp dẫn.

Thông tin về bột nếp

Bột nếp khi mua ngoài hàng bạn chọn loại bột còn trắng tinh, mịn không bị vón cục hay ngả màu vàng đục.

Mua bột có mùi thơm nếp đặc trưng, tránh mua bột có mùi mốc hay các mùi lạ khác.

Kinh nghiệm bảo quản bánh

Treo bánh nơi thoáng mát sẽ bảo quản được bánh ít trong khoảng từ 7 - 10 ngày.

Để bánh còn nguyên vỏ vào ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được từ 15 - 20 ngày, khi dùng bạn cần hấp lại cho bánh được nóng.

Nếu bánh đã bóc vỏ, bạn bọc lại với túi ni-lông và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Bánh ít nhân dừa là món bánh truyền thống thơm ngon và khá thân thuộc đối với bất kỳ gia đình nào ở miền Tây. Với các nguyên liệu dễ tìm cùng công thức đơn giản, đảm bảo bạn sẽ thực hiện thành công ngay từ lần đầu tiên. Bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh này nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít nhân dừa (Cho 6 cái)

·       Bột nếp 250 g 

·       Dừa nạo 150 g 

·       Đậu phộng rang 50 g 

·       Gia vị 1 ít (Đường/muối) 

·       Bột năng 1 thìa cà phê

·       Dụng cụ thực hiện

·       Xửng hấp, nồi, bát tô,...

Cách chế biến Bánh ít nhân dừa

Bước 1: Thắng nước đường

Bạn cho 150 ml nước và 100 g đường vào nồi lắc nhẹ và bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ đợi đến khi nước đường chuyển sang màu vàng.

Kinh nghiệm: Bạn để im cho đường tự tan không khuấy nếu không đường sẽ bị vón cục dễ khét.

Bước 2: Trộn bột

Bạn cho 250 g bột nếp vào 1 cái thố, cho tiếp 2 thìa canh đường, 1 thìa cà phê muối trộn đều tiếp đến bạn cho nước ấm từ từ vào và trộn đều.

Kinh nghiệm: Bạn trộn bột bằng nước ấm sẽ giúp bột dẻo khi nặn sẽ dễ dàng hơn, bạn cũng có thể sử dụng nước lá dứa trộn để bánh có màu xanh đẹp.

Bước 3: Nhào bột

Bạn cho thêm bột nếp khô vào thố bột và dùng tay nhào bột cho đến khi bột dẻo, mịn, không dính tay là được.

Mách nhỏ: Đợi bột hơi nguội rồi mới nhào để nhào dễ dàng hơn.

Bước 4: Sên nhân

Khi nước đường đang nấu chuyển sang màu hơi vàng, bạn cho 150 g dừa nạo vào và đảo đều tay đến khi dừa dẻo, có màu vàng bạn cho tiếp 50 g đậu phụng rang, giã dập vào trộn đều.

Tiếp đến bạn hòa tan 1 thìa cà phê bột năng với 3 thìa canh nước và cho vào nồi nhân đang sên. Bạn tiếp tục đảo đều cho đến khi phần nhân dẻo lại, bạn tắt bếp và cho nhân ra dĩa cho nguội.

Kinh nghiệm: Bạn nên đảo đều tay để nhân không bị khét.

Bước 5: Chia bột và nhân

Khi nhân bánh đã nguội, bạn chia đều thành 6 phần và viên tròn lại.

Đối với phần bột bánh, bạn chia bột tương ứng với số lượng nhân và vo tròn.

Kinh nghiệm: Bạn nên chia bột bánh vừa phải để bánh có lớp vỏ đủ dày để bao trọn nhân mà không bị dày gây ngán.

Bước 6: Xếp lá

Lá chuối bạn rửa sạch, để ráo và cắt lá chuối thành hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 15 cm, chiều dài là bề rộng của lá.

Bạn lấy 2 lá úp phần mặt lá nhẵn vào với nhau theo hình chữ thập, tiếp đó bạn gấp chéo lá lại vuốt thành 1 đường thẳng, sau đó bạn cầm vào phần giữa của lá và gấp lá lại thành hình tam giác, 1 mặt bạn lật về phía sau, mặt còn lại bạn gập về phía trước.

Tiếp đến bạn mở lá đã gấp ra thành hình phễu và gói bánh.

Kinh nghiệm: Lá chuối bạn có thể đem phơi nắng hoặc luộc sơ để lá chuối mềm dễ gói hơn.

Bước 7: Gói bánh

Bạn lấy 1 phần bột viên tròn, rồi dùng tay ấn dẹp ra, tiếp đến bạn cho viên nhân dừa vào giữa. Khéo léo dùng tay miết để vỏ bánh bao bọc hết nhân bánh và vo tròn lại. Sau đó bạn cho bánh vào lá để gói.

Bước 8: Hấp bánh

Bạn xếp bánh vào giá hấp, tiếp đó bắc 1 nồi nước lên bếp, đợi đến khi nước sôi thì cho giá bánh vào hấp trong vòng 25 - 30 phút là bánh chín.

Thành phẩm

Bánh ít sau khi hoàn thành rất hấp dẫn, vỏ bánh dai dai, mềm mềm, nhân bên trong thì ngọt thanh kết hợp với vị béo của dừa và vị bùi bùi của đậu phộng rang rất là ngon.

Thông tin về bột nếp

Bột nếp khi mua ngoài hàng bạn chọn loại bột còn trắng tinh, mịn không bị vón cục hay ngả màu vàng đục.

Mua bột có mùi thơm nếp đặc trưng, tránh mua bột có mùi mốc hay các mùi lạ khác.

Kinh nghiệm bảo quản bánh

Treo bánh nơi thoáng mát sẽ bảo quản được bánh ít trong khoảng từ 7 - 10 ngày.

Để bánh còn nguyên vỏ vào ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được từ 15 - 20 ngày, khi dùng bạn cần hấp lại cho bánh được nóng.

Nếu bánh đã bóc vỏ, bạn bọc lại với túi ni-lông và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Bánh ít nhân đường thốt nốt được xem là một món bánh cực kỳ nổi tiếng của đất nước Indonesia. Nhìn chung, món bánh khá giống với bánh ít của người Việt, tuy nhiên lại được biến tấu cùng nhân đường thốt nốt tan chảy ngọt thơm. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh ít nhân đường thốt nốt nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít nhân đường thốt nốt (Cho 6 người ăn)

·       Dừa nạo 150 g 

·       Bột nếp 200 g 

·       Bột năng 60 g 

·       Bột gạo 20 g 

·       Muối 1 ít 

·       Nước cốt dừa 100 ml 

·       Đường thốt nốt 70 g 

·       Nước lã 120 ml 

·       Dứa lá 9 lá

Cách chế biến Bánh ít nhân đường thốt nốt

Bước 1: Hấp dừa

Cho vào tô 150g dừa nạo, 1 ít muối rồi trộn đều.

Sau đó, bạn cột 1 cọng lá dứa lại, đặt lên mặt tô dừa rồi hấp trong 10 phút.

Bước 2: Trộn bột nếp lá dứa

Cho vào máy sinh tố 100ml nước cốt dừa, 8 cọng lá dứa, 120ml nước lã. Xay hỗn hợp cho nhuyễn mịn rồi lọc qua rây lấy nước cốt. Lúc này bạn sẽ thu được 200ml nước cốt lá dứa.

Đun sôi 70ml nước cốt lá dứa rồi tắt bếp, sau đó bạn cho thêm 200g bột nếp rồi trộn đều.

Bước 3: Trộn bột bánh

Tiếp tục cho vào tô 60g bột năng, 20g bột gạo, 130ml nước cốt lá dứa, 1 ít muối và tiếp tục trộn đều cho bột kết dính.

Bước 4: Nhào bột bánh

Cho vào tô bột 1 ít dầu ăn, sau đó dùng tay nhào đến khi bột dẻo mịn.

Tiếp theo, đậy kín sát mặt bột bằng màng bọc thực phẩm và để nghỉ 30 phút.

Bước 5: Làm nhân đường thốt nốt

Cho vào tô 70g đường thốt nốt, 1/2 muỗng cà phê nước lã rồi trộn đều.

Bước 6: Tạo hình bánh

Chia bánh thành nhiều phần nhỏ rồi vo tròn.

Sau đó, bạn dùng tay miết dẹt bột, cho vào 1 ít đường thốt nốt, túm chặt mép bột lại và vo tròn.

Bước 7: Luộc bánh

Nấu sôi 1 nồi nước, sau đó bạn cho bánh vào luộc từ 6 - 7 phút trên lửa vừa đến khi bánh nổi lên mặt nước là chín.

Tiếp theo, bạn cho bánh vào tô dừa nạo, trộn đều cho dừa bám xung quanh bánh là hoàn tất.

Lưu ý: Không luộc bánh quá lâu vì sẽ khiến nhân bên trong bị trào ra ngoài.

Thành phẩm

Nếu có thời gian, bạn nên để bánh nghỉ khoảng 2 tiếng sau khi luộc để lớp đường thốt nốt có thể hòa quyện với vỏ bánh nhé, như vậy món bánh sẽ thơm ngon hơn.

Bánh ít có lớp vỏ xanh bắt mắt, thơm nhẹ mùi đặc trưng của lá dứa, khi cắn thử bạn sẽ cảm nhận được độ dai mềm vừa phải hòa quyện cùng nhân đường thốt nốt tan chảy ngọt lịm, lớp phủ dừa thì bùi bùi, vô cùng ngon miệng.

Cách bảo quản bánh

Đậy kín bánh ít, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong 2 ngày để đảm bảo độ thơm ngon của bánh.

Bánh ít trần là một trong những món ăn đặc sản ở Huế và một số tỉnh miền Trung được nhiều thực khách yêu thích. Nét độc đáo của món ăn này đến từ sự kết hợp các nguyên liệu như tôm, thịt, đậu xanh… cho ra một hương vị vừa lạ miệng vừa hấp dẫn. Hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món này nhé!

Nguyên liệu làm bánh ít trần

Phần nhân bánh

·       Thịt nạc: 150g

·       Tôm: 150g

·       Củ sắn: 100g

·       Cà rốt: 100g

·       Đầu hành: 20g

·       Đậu xanh bóc vỏ: 150g(ngâm với nước trước)

·       Muối: 5g

·       Nước mắm: 15ml

·       Tiêu: 5g

·       Đường: 15g

·       Bột ngọt: 2g

·       Dầu ăn

·       Tỏi và hành tím băm nhỏ

Vỏ Bánh

·       Bột năng: 50 gam

·       Nước: 350ml

·       Bột nếp: 300 gam

·       Muối ăn

Hướng dẫn các bước làm bánh ít trần

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Thịt lợn và tôm đem cắt nhỏ rồi cho vào máy xay và xay cho nhuyễn mịn.

Cà rốt, củ sắn và đầu hành cũng thành từng miếng cắt nhỏ và để riêng ra một cái chén.

Bước 2: Làm nhân bánh

Cho phần đậu xanh đã cà vỏ và ngâm trong nước khoảng 3 – 4 tiếng vào nồi. Cho một chút nước vào vào đun cho đến khi đậu chín nhừ.

Dùng máy xay sinh tố và xay phần đậu ra thật nhuyễn. Sau đó cho chảo lên bếp thêm dầu ăn, đậu xanh và đầu hành vào sên cho đến khi hỗn hợp đậu nhuyễn mịn. 

Lưu ý: Không nên để lửa quá to và cần phải sên đều tay, liên tục để phần đậu không bị khô hoặc cháy.

Cho hỗn hợp đậu xanh cùng các nguyên liệu đã sơ chế sẵn vào trong một cái âu lớn. Tiếp đó, nêm thêm muối, nước mắm, bột ngọt, đường, tiêu, tỏi và hành tím đã băm nhỏ rồi trộn lên thật đều.

Bước 3: Làm vỏ bánh

Cho bột nếp, bột năng, nước và muối vào trong âu rồi trộn thật đều. Tiếp đó tiến hành nhào bột để tạo thành một khối đồng nhất. Sau đó, bọc kín âu lại bằng màng bọc thực phẩm, để bột nghỉ trong khoảng 10 phút trong ngăn mát tủ lạnh.

Bước 4: Vào bánh

Chia hỗn hợp bột vỏ bánh ra thành những phần bằng nhau, nặn bột thành hình tròn rồi cho hỗn hợp nhân vào bên trong. Cuối cùng gói lại cẩn thận để phần vỏ bao trọn phần nhân thành viên nhỏ nhắn.

Bước 5: Hấp bánh và hoàn thiện

Xếp lá chuối vào nồi hấp, đặt bánh lên trên và hấp trong khoảng 15 phút là bánh sẽ chín. Sau đó lấy bánh ra và đặt lên đĩa đã có lót sẵn lớp lá chuối.

Thêm chút dầu nóng đổ vào phần hành lá cắt nhỏ cùng một chút muối và đường để làm dầu hành. Cuối cùng, đổ phần dầu hành lên trên bánh, trang trí thêm một vài lát ớt nữa là hoàn thành.

Yêu cầu thành phẩm

Bánh ít trần đạt chuẩn, hấp dẫn với lớp vỏ bánh mềm dai cùng phần nhân bên trong thơm phức đậm đà. 

Hương vị của bánh là sự hòa quyện tinh tế, hoàn hảo giữa tôm, thịt cùng những loại rau củ, thêm một chút cay cay của ớt và béo bùi của đậu xanh cực kỳ kích thích vị giác người ăn.

Những lưu ý trong cách làm bánh

Nếu như không có nồi hấp, bạn cũng có thể nấu nước sôi rồi cho bánh vào luộc. Khi thấy bánh nổi lên trên là bánh đã chín. Ở một vài nơi, bánh ít trần sẽ được gói trong lá chuối rồi mới đem đi hấp.

Không được thay thế phần bột nếp bằng bột năng vì bột nếp sẽ giúp tạo cho bánh có được độ dẻo.

Cách bảo quản bánh ít trần

Nếu không ăn hết bạn có thể xếp bánh vào đĩa và dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, cho vào ngăn đá. Khi muốn ăn thì chỉ cần xả đông và hấp lại bánh là có thể ăn được.

Bánh ít trần lá dứa thơm ngon lạ miệng với lớp vỏ bánh dẻo dai, phần nhân thơm thơm, béo béo vị dừa với lạc thật hấp dẫn. Hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi vào bếp để làm món bánh ít trần lá dứa nhé!

Nguyên liệu làm Bánh ít trần lá dứa (Cho 4 người ăn)

·       Lạc 20 g 

·       Bột nếp 250 g 

·       Bột năng 50 g 

·       Lá dứa 10 g 

·       Vừng 20 g 

·       Dừa nạo 200 g 

·       Đường 3 muỗng canh 

·       Gia vị 10 g(dầu ăn/ muối...)

Lưu ý: Bạn không được thay thế bột nếp bằng bột năng vì bột nếp sẽ giúp bánh dẻo còn bột năng có tính dai. Bạn nên pha hai loại bột này với nhau để bánh ít trần có độ dẻo dai, ngon hơn.

Cách chế biến Bánh ít trần lá dứa

Bước 1: Xay lá dứa

Lá dứa làm sạch, cắt nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn với 1/2 chén nước, lọc lấy nước cốt.

Bước 2: Sên nhân dừa

Rang chín lạc ở lửa vừa, vừa rang vừa đảo đều tay. Sau đó bóc vỏ và giã nhỏ.

Vừng rang chín với lửa nhỏ, vừa rang vừa đảo đều tay.

Pha 60ml nước với 1 muỗng canh bột nếp để trộn hỗn hợp nhân, khuấy đều cho tan.

Bắc chảo lên bếp, bật bếp lửa vừa, cho dừa nạo vào chảo (không cho dầu ăn), thêm 3 muỗng canh đường cát trắng, khuấy đều cho đến khi nhân dừa chuyển sang màu trong hơn.

Cho vào chảo nhân chén bột nếp đã pha. Đảo đều tay cho hỗn hợp chín dẻo, tắt bếp và cho lạc vào.

Kinh nghiệm: Bột nếp cho vào nhân sẽ làm cho nhân dẻo, dễ nắn hơn. Cho lạc vào cuối sẽ giúp đậu giữ được độ giòn béo.

Bước 3: Vo nhân

Nặn nhân thành những viên tròn đều nhau, vừa ăn.

Bước 4: Trộn bột và nhào bột

Cho vào tô 250g bột nếp, 50g bột năng, thêm 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh dầu ăn, 150ml nước sôi. (Không dùng nước ấm sẽ làm cho bột bị chảy, hỏng bột)

Cho nước cốt lá dứa vào cho đến khi đạt được màu xanh như ý.

Vừa cho nước lá dứa vào vừa nhào đều tay cho bột đều. Sau khi đã đạt được màu xanh như ý rồi, bột vẫn còn khô, chưa tan đều thì bạn cho từng chút một nước ấm vào sao cho tổng lượng chất lỏng cho vào bột khoảng 280 - 290ml.

Nhào bột cho bột dẻo mịn, để bột nghỉ khoảng 10 - 15 phút.

Kinh nghiệm: Bạn không cho hết nước lá dứa vô một lần và cũng không cho quá nhiều vì có thể làm cho bánh bị đắng.

Bước 5: Tạo hình cho bánh

Lá chuối rửa sạch, cắt thành từng miếng vuông nhỏ để lót bánh. Thoa một ít dầu ăn chống dính lên lá chuối.

Lấy bột lớn gấp rưỡi phần nhân, vo tròn rồi dàn mỏng ra và cho nhân vào giữa, bọc kín nhân lại bên trong, vo tròn cho mặt bánh đều và mịn. Đặt lên trên lá chuối.

Bước 6: Hấp bánh

Cho bánh đã tạo hình vào xửng hấp.

Chuẩn bị nồi nước sôi, cho bánh vào hấp khoảng 5 - 10 phút cho bánh chín, vỏ bánh chín sẽ trong như hình.

Bạn lấy bánh ra và rắc lên mặt bánh một ít vừng rang là món ăn đã hoàn tất rồi.

Thành phẩm

Bánh ít trần lá dứa thơm ngon lạ miệng với lớp vỏ bánh dẻo dai, phần nhân thơm thơm, béo béo vị dừa với lạc thật hấp dẫn. Bạn có thể cho thêm ít nước cốt dừa vào cho món ăn thêm hoàn hảo.

Kinh nghiệm:

- Khi hấp bánh, bạn bọc thêm một lớp vải vào nắp xửng để tránh hơi nước bốc lên trên rơi xuống làm bánh lâu chín, bánh cũng bị rỗ, không ngon.

- Bánh được bảo quản trong hộp kín, bảo quản trong tủ lạnh có thể dùng trong 1 - 2 ngày.

1 2 3 4 5 ... 35
Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn