Thứ năm, Ngày 19/09/2024 (Âm lịch: 17/08/2024)T5, 19/09/2024 (ÂL: 17/08/2024)
Tìm kiếm

Cách làm Bánh căn miền Trung

Cách làm Bánh căn miền Trung

Bánh căn là một món đặc sản miền Trung dân dã, mộc mạc nhưng được nhiều người yêu thích. Cùng học cách làm bánh căn miền Trung đơn giản chuẩn vị quê hương.

Bánh căn là một món ăn đặc sản miền Trung nổi tiếng và được nhiều người yêu thích bởi hương vị giòn rụm, đậm đà. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn cách làm bánh căn miền Trung đơn giản chuẩn vị!

Nguyên liệu làm món bánh căn miền Trung

·       200g tôm

·       10 quả trứng cút

·       200g bột gạo

·       100g bột năng

·       100g đu đủ bào sợi

·       20g hành lá cắt nhuyễn

·       Tỏi băm, hành tím băm, ớt băm

·       Gia vị: Bột nghệ, giấm, nước mắm, dầu ăn, muối, đường, tiêu, hạt nêm, giấm trắng, nước cốt chanh

Dụng cụ: Chảo khuôn đổ bánh căn (khuôn đổ bánh khọt), tô, dĩa, dao, thìa, đũa, giấy thấm dầu..

Kinh nghiệm:
-  Để giúp món ăn được thêm hấp dẫn, tươi ngon, bạn cần lưu ý khi chọn mua tôm thì chỉ nên chọn những con còn sống, chân tôm còn gắn chặt với thân tôm, vỏ tôm phải trơn, bóng và giữa thân tôm có màu xám trong.
- Bên cạnh đó, để không chọn trúng những trái trứng cút bị hỏng, bạn cần lưu ý khi mua nên chọn những trái không có mùi hôi bất thường, không bị nứt, nhão hay có bột, đồng thời nếu được bạn có thể thả trứng vào nước muối, khi chìm xuống nghĩa là trứng còn tươi, ngược lại thì là trứng đã bị hư và cũ.

Cách làm món bánh căn miền Trung

Bước 1: Pha bột đổ bánh căn

Đầu tiên, bạn cho vào một tô lớn 200g bột gạo, 100g bột năng, 1 thìa cà phê bột nghệ, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê muối, ½ thìa cà phê hạt tiêu và 450ml nước, khuấy đều để hỗn hợp hòa quyện với nhau rồi cho tiếp khoảng 20g hành lá cắt nhuyễn, khuấy nhẹ và để bột nghỉ 1 tiếng.

Kinh nghiệm: Nếu bạn hoặc một số các thành viên khác trong gia đình không thể ăn hành được, bạn vẫn có thể lựa chọn không cho hành lá vào tô bột của mình vẫn sẽ chế biến được món ăn bình thường nhé!

Bước 2: Sơ chế và ướp tôm

Kế tiếp, bạn đem 200g tôm đi rửa sạch với nước lạnh, vớt ra để ráo, đem bỏ phần đầu và vỏ tôm đi rồi dùng dao rạch phần sống lưng để rút chỉ đen trên lưng tôm.

Sau đó, bạn tiến hành ướp tôm với 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê nước mắm, ½ thìa cà phê tiêu, 1 thìa cà phê hành tím băm, 1 thìa cà phê tỏi băm, trộn đều và để tôm trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút.

Kinh nghiệm: Bên cạnh việc rửa tôm với nước sạch như trên, bạn có thể sử dụng nước muối hoặc hỗn hợp đường và rượu trắng  để giúp tôm được khử hoàn toàn mùi tanh nhé!

Bước 3: Làm đu đủ chua ngọt ăn kèm

Bước tiếp theo, bạn cho lần lượt vào chén 2 thìa canh giấm trắng và 2 thìa canh đường, khuấy đều để hỗn hợp tan với nhau rồi cho tiếp 100g đu đủ bào sợi vào chén, sau đó để như vậy khoảng 1 tiếng để đu đủ ngấm đều gia vị.

Bước 4: Làm nước chấm ăn kèm

Để làm nước mắm chua ngọt ăn kèm với bánh căn, bạn cho lần lượt vào chén 10 thìa canh nước mắm, 10 thìa canh đường, 20 thìa canh nước lọc, 1 thìa canh nước cốt chanh, 1 thìa canh ớt băm và 1 thìa canh tỏi băm, sau đó khuấy đều hỗn hợp nước mắm chua ngọt.

Bước 5: Đổ bánh căn

Bắc loại chảo có khuôn để đổ bánh căn lên bếp, sau đó bạn cho ngập dầu ăn vào các khuôn bánh trong chảo và đun dầu nóng ở mức lửa nhỏ. Khi dầu đã sôi, bạn cho lần lượt vào các khuôn phần bột đã pha ở trên, trứng cút được đập vỡ và 1 - 2 con tôm, đậy nắp rồi tiếp tục chiên bánh trong khoảng 2 phút.

Khi mở nắp ra, bạn chiên bánh căn thêm khoảng 2 phút nữa, đến khi bánh vàng đều và tôm lẫn trứng cút đều đã chín hết thì bạn gắp bánh ra dĩa có lót giấy thấm dầu.

Thành phẩm

Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết từ các nguyên liệu khác nhau, món bánh căn sau khi chế biến xong còn sẽ mang hương vị giòn rụm của lớp vỏ, sự tươi ngon, ngọt thịt của phần nhân tôm cũng như là vị bùi bùi, béo béo từ trứng cút.

 

Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn