Thứ năm, Ngày 19/09/2024 (Âm lịch: 17/08/2024)T5, 19/09/2024 (ÂL: 17/08/2024)
Tìm kiếm
MÓN ĂN \ BÚN

Từ lâu, xứ sở Chùa Vàng vẫn luôn được mệnh danh là có nền ẩm thực rất hấp dẫn, khó quên. Bún hải sản hay còn gọi là bún Thái lan với sự kết hợp vô cùng mới mẻ giữa các sợi bún, nước dùng từ xương hầm, cà chua và nấm hương, ăn cùng tôm, mực, bạch tuộc, chả cá, thêm cải ngọt, nấm kim châm (đậu phụ chiên giòn tuỳ theo khẩu vị của mỗi người) và vị chua cay đem đến cho người ăn một hương vị đậm đà khó quên.

Nguyên liệu làm Bún Thái Lan hải sản chua cay (Cho 2- 3 người)

·       Bún tươi 500 g 

·       Tôm 400 g 

·       Mực 100 g 

·       Nghêu 200 g 

·       Thịt bò 100 g 

·       Nấm kim châm 50 g 

·       Cà chua 150 g 

·       Gừng 10 g 

·       Sa tế 500 g 

·       Hành tím băm 15 g 

·       Sả băm 30 g 

·       Nước cốt me 50 ml 

·       Lá chanh 3 cái 

·       Riềng 10 g 

·       Gia vị thông dụng 1 ít (muối/đường/dầu ăn/hạt nêm/nước mắm)

Cách chế biến Bún Thái Lan hải sản chua cay  

Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Tách phần đầu tôm và thịt tôm để riêng, rửa sạch.

Riềng gọt bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo, thái sợi.

Cà chua rửa sạch, cắt múi cau.

Thịt bò rửa sạch, ngâm nước muối khoảng 15 phút cho thịt bớt hôi, để ráo nước. Sau đó, bạn thái mỏng thịt bò thành từng miếng vừa ăn.

Làm sạch mực, nghêu.

Kinh nghiệm sơ chế mực:

- Rửa mực qua nước, sau đó lột sạch lớp bọc bên ngoài màunâu sậm, tách râu khỏi con mực. Cắt bỏ túi mực và mắt.

- Muốn mực không còn mùi tanh thì bạn nên rửa với giấm gạo. Rửa lại mực lần cuối với nước, để ráo. Khi mực đã ráo nước thì cắt thành những khoanh tròn vừa ăn, râu bé thì giữ nguyên, râu lớn thì nên cắt làm đôi.

Kinh nghiệm sơ chế nghêu:

- Nghêu mua về sau khi đã rửa sạch bên ngoài, lấy một cái thau nhỏ đổ nước vào, pha thêm một ít muối có độ mặn như nước biển. Cắt khoảng 2, 3 quả ớt bỏ vào thau nước rồi đổ sò, nghêu vào ngâm khoảng 1 - 2 tiếng, nghêu sẽ nhả hết bùn đất ra.

Bước 2: Nấu nước dùng bún Thái

Cho phần đầu tôm vào nồi lớn, thêm 10 g gừng, 1/2 thìa cà phê muối, 1 lít nước vào và hầm ở lửa nhỏ khoảng 30 phút. Khi nước hầm sôi thì bạn nhớ mở nắp ra hớt bọt để nước dùng được trong. Hầm xong, bạn lọc lấy nước trong làm nước dùng, bỏ xác đầu tôm.

Khi hầm đầu tôm xong, bạn bắc lên bếp một nồi khác, làm nóng và cho vào 20ml dầu ăn, phi thơm vàng 15 g hành tím băm, 10 g riềng cắt sợi, 30 g sả băm. Sau đó bạn cho cà chua cắt múi cau vào xào. Thêm 50 g sa tế và cho nước đầu tôm hầm, 5 lá chanh vào nồi và đậy nắp nấu ở lửa vừa.

Khi nồi nước dùng bún Thái sôi, bạn nêm vào nồi thêm 50 ml nước cốt me, 15 g muối, 10 g hạt nêm, 40 g đường và 20 ml nước mắm. Đun đến khi nước sôi thêm lần nữa thì tắt bếp.

Bước 3: Hấp hải sản

Bạn bắc lên bếp một nồi nước, đun sôi để hấp hải sản.

Cho hải sản vào dĩa gồm thịt tôm, mực, nghêu và một ít gừng vào hấp khoảng 10 phút, đến khi hải sản vừa chín tới thì tắt bếp. Bạn không nên hấp lâu, hải sản bị dai, ăn bún Thái sẽ không ngon.

Bước 4: Hoàn thành

Bạn xếp bún, rau sống và thêm các loại hải sản hấp chín như nghêu, mực và tôm vào tô.

Trụng thịt bò và nấm kim châm trong nồi nước dùng khoảng 3 - 4 phút tùy theo bạn muốn ăn bò tái hay chín.

Cho thịt bò và nấm kim châm đã trụng vào tô rồi chan nước dùng nóng lên trên. Món bún Thái hải sản ăn kèm rau cải cúc, hoa chuối và chấm thêm muối ớt xanh thật là hấp dẫn.

Thành phẩm

Tuy bún Thái cần chuẩn bị nhiều nguyên liệu nhưng cách thực hiện lại thật đơn giản, bạn hãy vào bếp trổ tài làm ngay món ăn ngon này cho gia đình mình nhé!

 

Bún thang là một món nước mang đậm hương vị của người Hà Nội. Món ăn nổi tiếng bởi sự cầu kỳ nhưng thể hiện phong cách thanh nhã của ẩm thực của người Tràng An.

Bún thang hội tụ tròn trịa sắc - hương - vị với thịt gà vàng ươm, trứng mềm mỏng, giò lụa hồng nhạt, ruốc sỏi nâu rám nắng, trứng muối tựa mặt trời.

Nguyên liệu làm bún thang kiểu Hà Nội cổ

·      1 con gà ta

·      500 gr xương bay lợn

·      100 gr giò lụa

·      100 gr tôm he khô

·      100 gr thịt thăn làm ruốc rỏi

·      2 con sá sùng

·      2 quả trứng muối

·      1,5 kg bún rối sợi nhỏ

·      1 bó rau răm

·      Gia vị: Mắm, muối, mắm tôm, mì chính, mắm cà cuống (hoặc tinh dầu cà cuống), rượu trắng

·      Củ cải dầm mắm đường, ớt tươi, nấm hương (tùy chọn, theo lối cổ thì không có nấm hương)

·      Gừng, hành khô

·      Mỡ hoặc dầu ăn

Cách làm bún thang kiểu Hà Nội cổ

Bước 1:

Thịt gà luộc vừa chín tới mọng nước. Lọc phần thịt còn liền da thái sợi nhỏ như sợi bún, phần lườn xé nhỏ như sợi chỉ trắng. Phần xương gà giữ lại làm nước dùng. 

Bước 2:

Nước dùng để chan bún thang rất đặc biệt, là sự kết hợp vị ngọt tự nhiên từ xương gà, xương hom lợn, tôm khô và sá sùng. Một số người cầu kỳ hơn thì thêm râu mực nướng. Ngày xưa, các bà các mẹ chọn kỹ tôm he khô loại xâu que tre, cứ 1 xâu có 5 con và 10 xâu thì làm 1 bó. Bóc phần đầu vỏ nấu nước dùng, còn phần thịt tôm rang lên làm ruốc bông cho 1 phần thang. Phần nước luộc gà thì hớt bọt, mỡ cho trong. Phần xương hom cũng rửa kỹ, chần sơ, ninh xương gà, xương hom cùng tôm ở lửa nhỏ liu riu, mở vung cho ngọt và trong nước. Thêm gừng, hành khô nướng rửa sạch ninh cùng cho thơm. 

Sự khéo léo, tỉ mỉ nhất là phần tráng và thái trứng gà sao cho mềm mại và mịn mỏng như tơ tằm. Trứng gà đánh tan cùng chút gia vị, rượu trắng cho thơm, thêm chút nước cho mềm mại. Sau đó, đun lửa vừa cho nóng chảo mặt phẳng, láng qua chút mỡ hoặc dầu ăn. Múc muôi nhỏ trứng lắc láng trải đều khắp mặt chảo, hạ nhỏ lửa đun liu riu để chín mịn màng. Chú ý không để lửa to làm trứng phồng rộp khô xác. 

Bước 3:

Khi trứng chín vàng ươm, lắc rồi bóc nhẹ đặt lên thớt mặt phẳng. Cứ thế làm lần lượt cho tới hết. Xếp các tấm trứng chồng lên nhau, cuốn tròn và dùng dao sắc thái nhỏ sợi tơ như sợi. Chi tiết dẫu nhỏ nhưng thể hiện nét tinh tế, cầu kỳ và ý nhị của ẩm thực Hà Nội xưa. 

Bước 4:

Phần tôm khô sau khi ninh cùng xương gà, xương heo cho giúp nổi vị thanh ngọt, đậm đà thì vớt ra, giã nhỏ, cà qua rổ tre cho bông và đem sao vàng làm 1 thang ruốc tôm. 

Bước 5:

Thịt thăn lợn thái hạt lựu nhỏ, ướp chút gia vị rồi rang thơm tạo nên 1 vị thang ruốc sỏi cho món bún. Giò lụa thái chỉ như sợi bún. Rau răm rửa sạch, thái rối. Củ cải khô hoặc củ cải tươi ngâm giấm, mắm 30 độ đạm, đường theo tỷ lệ 1:1:1 thêm chút gừng cho thơm. Trứng muối cắt miếng vừa ăn. Ớt tươi bỏ bớt hạt, thái khoanh. Bún thang lối cổ không có chanh, tùy theo khẩu vị thêm cho vừa miệng. 

Bước 6:

Cà cuống và mắm tôm là hai hương vị tôn thêm nét đặc trưng cho bún thang. Đặc biệt hương thơm từ bọng tinh dầu của cà cuống đực ngâm mắm tỏa ra-đây là gia vị làm nên nét đặc trưng của nhiều món ăn nổi tiếng Hà thành như bún chả, bún thang, bánh cuốn. 

Bước 7:

Trình bày và chan thang: Bún rối sợi nhỏ chần 1 nắm nhỏ cho vào bát chiết yêu. Xếp đan xen các thang sao cho màu sắc hài hòa, cân đối: thịt gà thái nhỏ, trứng, giò lụa thái chỉ, ruốc sỏi, ruốc tôm bông, rau răm và ở giữa đặt một lát trứng muối tựa mặt trời. Bún thang lối cổ xưa không có hành lá, rau mùi. Chan thang cũng cần lắm những tinh tế. Múc muôi nước dùng thang nóng rẫy rưới nhẹ nhàng một vòng quanh bát lần thứ nhất, dùng cái muôi chặn lên bát thang và chắt nước đầu tiên đi. Tiếp tục múc nước thang lần hai rồi chan nhẹ nhàng, vòng quanh sao cho các nguyên liệu giữ nguyên vẻ đẹp. Các nguyên liệu ăn kèm như mắm cà cuống, mắm tôm, củ cải dầm, ớt tươi để riêng ăn kèm. 

Yêu cầu thành phẩm: Bát bún thang hội tụ tròn trịa sắc – hương - vị như một bức tranh lập thể nhiều màu sắc: Thịt gà vàng ươm, lườn gà xé nhỏ trắng thơm, trứng mỏng manh như sợi tơ, giò lụa thái chỉ hồng nhạt, rau răm xanh tươi, ruốc sỏi màu nâu rám nắng, ở giữa trứng muối tựa mặt trời. Đặc biệt, nước dùng thanh ngọt mà đậm đà, dậy mùi thơm cà cuống gây thương nhớ về hương vị xưa cũ.


Chú ý:

Bún thang cùng với cuốn tôm là 2 món trong bữa cỗ hóa vàng truyền thống của người Hà Nội xưa. Món ăn thể hiện rõ nét sự tinh tế, cầu kỳ của ẩm thực Hà thành khi biến nguyên liệu còn dư sau Tết thành món bún trứ danh, giải ngán hiệu quả.

Từ ''bún thang'' có nhiều cách giải thích. Có người cho rằng món ăn gồm nhiều nguyên liệu, gia vị tỉ mẩn giống thang thuốc. Cũng có người giải thích đây là phiên bản món ăn ''Đán hoa thang'' của cung đình. Số khác lại giải nghĩa từ ''thang'' nghĩa là canh.

Bún thang đạt chuẩn thì phần nước dùng phải trong, có vị ngọt tự nhiên của tôm he khô ninh cùng xương gà, xương heo. Các phần thang cần tỉ mỉ: thịt gà xé nhỏ, giò lụa, trứng thái sợi nhỏ. Khi chan cũng cần 2 lần nhẹ nhàng, giữ nguyên vẻ đẹp, không bị xê dịch. Bún thang lối cổ không có nấm hương, hành hoa, rau mùi. Theo thời gian, tùy theo khẩu vị có thể thêm vào cho phù hợp khẩu vị.

Bún thang lối cổ có thêm hương vị cà cuống như tôn lên ngon hơn, thơm hơn.

Bún thịt nướng là món ăn được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon lại đầy đủ dinh dưỡng.

Nguyên liệu làm bún thịt nướng

·       2 kg thịt thăn heo

·       1.5 kg bún

·       Rau xà lách, rau thơm, giá, dưa leo

·       4 quả chanh

·       5 củ hành tím

·       5 củ tỏi, ớt

·       ½ chén sả bằm

·       Gia vị: nước mắm, muối, đường, hạt nêm, dầu mè, tiêu

Cách làm món bún thịt nướng

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Thịt thăn heo rửa sạch với nước ấm và muối pha loãng. Sau đó cắt thành miếng có độ dày khoảng 0.7 cm. Bạn có thể dùng búa đập thịt để thịt mềm hơn.

Rau xà lách, rau thơm, giá, dưa leo ngâm với nước muối. Rửa lại thật sạch với nước lạnh.

Hành tím, tỏi băm nhuyễn.

Bước 2: Ướp thịt

Củ hành tím, tỏi băm nhuyễn, sả bằm, nước mắm, đường, hạt nêm, muối, dầu mè và tiêu trộn lại với nhau trong một tô lớn. Sau đó cho thịt heo đã cắt lát mỏng vào chung, bóp thịt cho thịt mềm và ngấm gia vị. Để thịt trong tủ lạnh khoảng 12 giờ.

Bước 3 Nướng thịt

Khi thịt đã ngấm gia vị, cho thịt lên vỉ, nhớ tráng dầu lên vỉ để thịt không bị dính. Nướng thịt trên bếp than hồng, trở thịt đều tay để thịt chín đều 2 mặt. Khoảng 20 phút thì thịt chín, cho thịt ra đĩa to.

Bước 4: Làm nước mắm

Để làm nước mắm chua ngọt, bạn pha theo tỉ lệ: 1 nước mắm, 1 đường, 1 nước ấm và 2 quả chanh. Sau khi trộn đều hỗn hộp, cho ớt và tỏi băm nhuyễn vào. Sau đó nêm lại cho vừa ăn.

Thành phẩm

Xếp bún ra tô, kèm theo rau sống, giá và dưa leo, thịt heo nướng xếp lên trên, chan nước mắm chua ngọt vào.

 

Bún tôm là một món ăn đặc sản Hải Phòng thơm ngon, hấp dẫn nổi tiếng của người dân nơi đây với hương vị chua, ngọt độc đáo không thể có ở các món nước khác.

Nguyên liệu làm Bún tôm Hải Phòng (Cho 4 người ăn ăn)

·       Bún trắng 400 g 

·       Tôm sú 400 g 

·       Nấm hương khô 20 g 

·       Nấm mèo khô 15 g 

·       Cà chua 2 quả 

·       Cần ta 200 g 

·       Hành tím cắt nhỏ 2 thìa canh 

·       Dầu ăn 4 thìa canh 

·       Gia vị thông dụng 1 ít (tiêu xay/ hạt nêm/ muối/ đường)

Cách chế biến Bún tôm Hải Phòng

Bước 1: Sơ chế tôm

Tôm mua về để khử đi mùi tanh, bạn ngâm tôm trong nước muối loãng từ 2 - 3 phút rồi rửa lại bằng nước sạch, cho vào nồi luộc trong khoảng 2 phút với 1 lít nước đến khi tôm chín bạn vớt tôm ra và lột bỏ đi phần đầu, vỏ, chân, đuôi và lấy chỉ tôm ra.

Tiếp theo dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn vỏ, đầu, đuôi và chân tôm cùng với 1 lít nước luộc tôm rồi dùng rây lọc lọc bỏ cặn đi.

Cách lấy chỉ tôm nhanh

Cách 1: Dùng dao rạch 1 đường nhỏ dọc sống lương tôn và lấy chỉ tôm ra.

Cách 2: Đếm ngược từ đuôi tôm lên rãnh thứ 2, nối giữa 2 đốt vỏ tôm, xuyên tăm qua và kéo để rút chỉ tôm ra ngoài.

Cách 3: Lật ngửa tôm lên, dùng 1 tay giữ phần thân tôm, tay còn lại bóc 2 bên của đầu tôm rồi giữ chặt phần nối đầu và thân tôm, từ từ tách đầu tôm ra khỏi thân tôm. Lúc này chỉ tôm dính với phần phân ở đầu tôm nên sẽ được kéo ra theo.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

Cần ta mau về bạn nhặt hết lá úa, cắt thành các đoạn vừa ăn, rửa sơ với nước muối loãng và chần sơ khoảng 30 giây rồi vớt ra, ngâm với nước lạnh và vắt ráo nước.

Cà chua mua về bạn rửa sạch và cắt thành các miếng cau nhỏ vừa ăn.

Nấm hương bạn ngâm trong nước khoảng 1 - 2 tiếng, rồi rửa lại với nước sạch, để ráo và cắt thành các lát mỏng vừa ăn.

Nấm mèo sau khi mua về bạn ngâm với nước lạnh khoảng 2 tiếng sau đó dùng dao cắt bỏ đi phần rễ, rửa lại bằng nước sạch và cắt thành các sợi nhỏ vừa ăn.

Cách sơ chế nấm mèo đúng cách

Ngâm nấm mèo ít hơn 3 tiếng vì sau thời gian này các chất độc có trong nấm sẽ sinh ra càng nhiều, nhất là chất morpholine có thời gian xuất hiện nhiều hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi ăn vào.

Tuyệt đối không ngâm với nước nóng vì nước nóng sẽ kích thích chất độc trong mộc nhĩ gây ra ngộ độc thực phẩm.

Cách sơ chế nấm hương tươi đúng cách

Cách 1: Ngâm nấm trong nước ấm 60 - 80 độ C khoảng 7 - 10 phút cho nấm nở bạn vớt ra, rửa lại bằng nước sạch và vắt ráo.

Cách 2: Rửa sơ nấm qua nước sạch, rồi đem luộc trong nước sôi khoảng 3 - 5 phút rồi vớt ra rửa lại với nước sạch rồi văt khô.

Bước 3: Xào tôm nấm

Cho 1 thìa canh dầu ăn cùng 1 thìa canh hành tím cắt nhỏ vào chảo, phi đều đến khi hành thơm bạn cho tôm đã luộc vào xào khoảng 2 phút với lửa vừa rồi cho nấm hương đã cắt lát và nấm mèo cắt sợi vào.

Xào thêm 2 phút thì cho 1/2 thìa cà phê tiêu xay, 1/2 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê đường vào, đảo đều với lửa vừa khoảng 2 phút cho nấm và tôm chín mềm và thấm đều gia vị.

Bước 4: Nấu nước dùng

Cho 1 thìa canh hành tím cắt nhỏ cùng 3 thìa canh dầu ăn vào nồi, phi đều cho hành tím dậy mùi thì bạn cho cà chua vào xào khoảng 1 phút với lửa vừa đến khi cà chua chín mềm thì bạn cho nước dùng tôm đã lọc cặn vào.

Nấu khoảng 1 phút cho nước dùng tôm sôi lên bạn cho 1 thìa cà phê muối vào đảo đều cho muối tan hết, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.

Bước 5: Hoàn thành

Bạn cho lần lượt bún trắng, cần ta đã được trụng sơ, nấm hương, nấm mèo, tôm đã xào vào tô rồi chan nước dùng vừa nấu vào là ta đã có ngay một tô bún tôm Hải Phòng thơm ngon, hấp dẫn rồi!

Thành phẩm

Bún tôm Hải Phòng sau khi hoàn tất sẽ có màu sắc đẹp mắt, hương thơm hấp dẫn. Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị ngon, vừa ăn có chút chua nhẹ của cà chua, thịt tôm thì ngọt, mềm, cần ta thì thanh nhẹ.

Đây đảm bảo là một lựa chọn tuyệt vời để nấu cho cả gia đình vào ngày cuối tuần để thư giản và thưởng thức cùng nhau đó!

 

1 2
Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn