Thứ ba, Ngày 17/09/2024 (Âm lịch: 15/08/2024)T3, 17/09/2024 (ÂL: 15/08/2024)
Tìm kiếm
ĐỜI SỐNG ẨM THỰC

Chanh muối là nguyên liệu quen thuộc không những giúp giải khát mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chanh muối hay chanh tươi đều có những lợi ích nhất định đối với sức khoẻ con người. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chanh muối cũng như những công dụng, cách làm chanh muối và lưu ý khi sử dụng nhé!

1. Chanh muối là gì?

Chanh muối là chanh được ngâm với nước muối và có thể sử dụng được sau ít nhất là 3 tháng. Khi sử dụng, bạn nên dùng phần vỏ và bỏ phần thịt mềm bên trong vì các tuyến tinh dầu thơm của chanh hầu hết đều tập trung trong phần vỏ, phần thịt quả lại bị quá mặn do hấp thụ nhiều nước muối.

Bạn có thể rửa lại phần vỏ với nước tinh khiết để loại bỏ phần muối thừa, cắt nhỏ theo kích thước vừa ăn. Ngoài giải khát, chanh muối sống có thể được thêm vào các món salad hoặc chế biến thành các món ăn lỏng như súp và hầm đều rất ngon.

2. Uống chanh muối mỗi ngày có tốt không?

Nhiều người nhận định rằng uống nước chanh muối mỗi ngày là phương pháp tốt cho sức khỏe.

3. Các tác dụng của chanh muối với sức khỏe

Giảm cân

Sử dụng chanh muối trong chế độ ăn uống có thể giúp đốt cháy lượng mỡ và calo dư thừa trong cơ thể. Hơn nữa, lượng axit citric trong chanh có thể kiểm soát mức đường huyết, hạn chế tình trạng thèm ăn. Từ đó mang lại công dụng hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

Do vậy, bên cạnh việc luyện tập thể dục thể thao và có chế độ ăn uống khoa học, bạn nên bổ sung nước chanh muối một cách vừa phải để có được vóc dáng như mong đợi.

Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa

Chất xơ hòa tan pectin là một thành phần có trong chanh muối đóng vai trò quan trọng trong sự duy trì hoạt động của đường ruột. Do đó, thói quen uống nước chanh muối với tần suất thích hợp có thể giúp dễ tiêu hóa, cải thiện sức khỏe đường ruột.

Thanh nhiệt cơ thể

Nước chanh hay nước chanh muối chanh đều có tính bình, chứa hàm lượng vitamin C dồi dào, giúp giải nhiệt cơ thể cực kỳ hiệu quả. Hơn nữa, nước chanh muối sẽ có vị ngọt thanh, dễ uống và giúp đánh tan cơn khát, nhanh chóng lấy lại năng lượng.

Giải độc gan

Bổ sung nước chanh muối có thể giúp tăng lượng enzyme có lợi trong cơ thể. Đồng thời, có thể đào thải độc tố trong gan hiệu quả.

Trị cảm, giảm ho

Tinh dầu trong lớp vỏ chanh, kể cả chanh muối có tính sát khuẩn tốt. Từ đó làm dịu cơn đau rát ở cổ họng do ho, cảm mang lại. Bên cạnh đó, muối trong chanh muối cũng có tác dụng kháng khuẩn, giảm ngứa họng và trị ho hiệu quả.

Vì thế, bổ sung một ly chanh muối pha với nước ấm vào những ngày bị cảm là phương pháp tự nhiên hữu hiệu, giảm các triệu chứng ho và viêm họng khó chịu.

Hỗ trợ tiêu đờm

Acid citric trong chanh có thể giúp làm loãng đờm. Từ đó, giảm tình trạng đau rát cổ họng, ho có đờm. Bạn có thể ngậm trực tiếp một lát chanh muối ở sâu trong miệng, nhai nuốt từ từ hoặc có thể uống một ly nước chanh muối ấm để acid có thể giúp tiêu đờm, giảm ho hiệu quả.

Tăng cường sức đề kháng

Lượng vitamin C dồi dào trong chanh có thể ngăn chặn virus, vi khuẩn gây bệnh, từ đó tăng cường hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đồng thời, việc sử dụng nước chanh muối cũng giúp cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể, nâng cao đề kháng và hạn chế các bệnh viêm nhiễm khác.

Cải thiện sức khỏe làn da, chống lão hóa

Nước chanh muối chứa lượng lớn chất chống oxy hóa, điển hình là vitamin C. Từ đó hỗ trợ ngăn ngừa sự hình thành các vết nám sạm, tàn nhang cũng như nếp nhăn, mang lại làn da mịn màng, sáng khỏe và đều màu hơn.

Bù nước, điện giải cho cơ thể

Khi lao động ngoài trời hoặc tập luyện thể thao, cơ thể bạn sẽ đổ nhiều mồ hôi làm mất natri và các khoáng chất. Từ đó khiến bạn mệt mỏi, uể oải và kém năng lượng.

Sử dụng nước chanh muối không chỉ giúp cân bằng lại lượng nước trong cơ thể mà còn bổ sung lượng natri, các chất dinh dưỡng và điện giải, giảm thiểu các tác động của tình trạng mất nước như mệt mỏi, chuột rút,...

Cải thiện tình trạng da mụn

Bạn có thể sử dụng phương pháp sau để cải thiện tình trạng da mụn, đặc biệt là mụn trứng cá và mụn đầu đen với chanh muối:

Trộn muối cùng nước cốt chanh tươi theo tỷ lệ 1:1.

Thoa đều hỗn hợp lên vùng da bị mụn và để yên trong khoảng 10 phút.

Rửa lại nước sạch.

Sử dụng muối không chỉ giúp tẩy tế bào chết cho da mà còn hỗ trợ loại bỏ dầu thừa. Trong khi đó, chanh có thể giúp làm mềm và mờ các vết sẹo do mụn để lại.

Giúp giảm đau nướu răng

Chanh có một lượng lớn vitamin C và đặc tính chống viêm, có thể giúp điều trị nhiễm trùng hiệu quả. Do đó, khi bị viêm đau nướu răng, bạn có thể trộn hỗn hợp nước cốt chanh với muối, đắp lên răng trong vài phút và súc miệng bằng nước.

Tốt cho người bị bệnh đau, trào ngược dạ dày

Chanh muối khi vào trong dạ dày sẽ tạo môi trường kiềm giúp chữa lành bệnh đau ạ dày và trào ngược dạ dày.

4. Cách làm nước chanh muối thơm ngon, đơn giản ngay tại nhà

Nguyên liệu chuẩn bị:

·       Chanh tươi: 1kg.

·       Muối bột nguyên chất: 1/2kg.

·       Muối hột: 1/2 chén.

·       Hũ thủy tinh có nắp đậy để đảm bảo an toàn vệ sinh.

·       Nước đun sôi để nguội.

Cách thực hiện:

Bước 1: Sơ chế chanh

Cắt bỏ phần cuống chanh, rửa sạch với nước. Chà xát phần vỏ chanh bằng muối hột đến khi vỏ chuyển sang màu xanh nhạt để loại bỏ bớt vị the và đắng.

Bước 2: Ngâm chanh lần một

Xếp chanh đã rửa và để ráo lần lượt vào hũ thủy tinh, rắc hai muỗng muối bột nguyên chất đều lên chanh. Sau đó đậy nắp kín.

Bước 3: Phơi chanh

Đem hũ chanh ngâm với muối được đậy kín cẩn thận ra ngoài nắng phơi. Nên lựa chọn nơi nắng tốt và phơi liên tiếp trong 3 ngày đến khi vỏ chanh ngả màu vàng nhạt.

Bước 4: Ngâm chanh muối

Sử dụng 1 lít nước và 3 muỗng muối bột đun sôi đến khi muối được hòa tan hoàn toàn. Tắt bếp và để nước nguội hẳn. Cho phần nước muối nguội vào hũ chanh đã phơi đến khi ngập đầy chanh. Bạn có thể dùng đũa hoặc thanh chặn bằng tre chèn mặt trên để đảm bảo chanh ngập đều nước muối.

Bước 5: Thành phẩm

Bảo quản chanh muối ở nơi khô thoáng, hạn chế nhiệt độ cao sau 1 tháng là có được thành phẩm chanh muối làm tại nhà, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

5. Cách sử dụng chanh muối đúng cách, hiệu quả

Uống chanh muối ngâm sẵn

Bạn có thể tự pha nước chanh muối bằng cách sử dụng nửa quả chanh muối cùng 500ml nước ấm. Bổ sung thêm một ít mật ong để tạo vị ngọt tự nhiên cho ly nước chanh muối thơm ngon.

Ngoài ra, chanh muối có thể được thêm vào một số thức uống khác như nước mía để tăng hương vị và giúp đồ uống ngon hơn.

Tự pha chanh với muối

Trong trường hợp không có chanh muối ngâm sẵn, bạn có thể sử dụng 1 quả chanh, 1 thìa cà phê muối cùng 1 lít nước ấm, uống sau khi ăn khoảng 30 phút, 1 - 2 lần/ ngày để giúp cải thiện cân nặng hiệu quả.

Khế là loại quả dân dã, được nhiều người trồng sẵn trong vườn nhà hoặc được bán ở chợ với giá rẻ bèo nhưng lại tốt không tưởng.
Quả khế vị chua và ngọt, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Rễ khế vị chua, có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Thân và lá vị chua và se, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Ngoài ra, trong múi khế còn chứa hàm lượng acid oxalic là 1% cùng các yếu tố vi lượng như Ca, Fe, Na và nhất là có nhiều vitamin K, A,C, B1, B2 và P.

Chữa cảm, viêm họng, kháng khuẩn

Từ lâu, quả khế đã được dùng rộng rãi trên thế giới để chữa cháy nắng, chữa ho, sốt, đau họng, bệnh eczema. Lá cây khế cũng được dùng để trị viêm loét dạ dày, viêm da có mủ, ung nhọt, cải thiện các vấn đề về tiêu hóa. Hoa khế dùng để trị ho cho trẻ em rất tốt.

Quả khế chứa một tác nhân kháng khuẩn có thể “chiến đấu” với các loại khuẩn như microbial bacillus cereus, e.coli, salmonella typhus…

Giảm cân

Mỗi quả khế trung bình chỉ chứa khoảng 30 calo nhưng lại chứa rất nhiều chất xơ, vitamin C, chất chống oxy hóa và flavonoids, do đó khế là loại quả lý tưởng cho những ai muốn giảm cân mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng, lại có làn da đẹp mịn màng trẻ trung, tránh táo bón.

Tốt cho tim mạch

Khế còn chứa các vitamin A, B5 giúp quá trình trao đổi chất hoạt động trơn tru và suôn sẻ hơn. Ngoài ra, khế còn là nguồn vitamin B9 (axit folic) giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ, làm giảm lượng cholesterol.

Tốt cho bà bầu và bà đẻ

Các bà bầu nên ăn khế thường xuyên để giải nhiệt, trị táo bón, lại vừa có thể giúp bổ sung các vitamin tốt cho cơ thể. Quả khế còn được khuyên dùng cho các bà mẹ đang cho con bú vì khế giúp kích thích sữa về nhiều hơn.

Một số bài thuốc thường dùng

- Chữa cảm sốt, nhức đầu, đi tiểu ít: Lá khế tươi 100 g sao thơm, nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Hoặc dùng lá khế tươi 100 g, lá chanh tươi 20 - 40 g, hai thứ rửa thật sạch, giã nát, vắt lấy nước chia 2 lần uống trước bữa ăn.

- Chữa lở sơn, mày đay: Lá khế khoảng 20 g rửa sạch cho vào nồi nấu nước uống. Lấy 1 nắm lá khế, rửa sạch giã lấy nước cốt đặp lên vùng da bị tổn thương.

- Chữa cảm cúm: Đau người, hắt hơi sổ mũi, ho. Dùng 3 quả khế nướng vắt nước cốt hòa 50 ml rượu để uống. Uống sau bữa ăn 30 phút.

- Chữa đái dắt, đái buốt: Dùng lá khế 100g, rễ cỏ tranh 40 g. Cho 500 ml nước đun nhỏ lửa còn 150 ml nước, ngày một thang, chia 2 lần. Dùng liền 3 thang, sau đó tái khám. Mỗi liền trình có thể dùng 10 - 15 thang.  Hoặc khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, uống lúc còn ấm nóng.

- Chữa viêm họng: Lá khế 40 g rửa sạch, thêm vài hạt muối giã nhỏ vắt nước cốt ngậm, ngày nhiều lần.

- Chữa ho do lạnh có đờm: Hoa khế 20 g sao qua, sau đó tẩm nước gừng đem sao tiếp.  Sắc lấy nước uống. Có thể thêm cam thảo nam 12 g, tía tô 8 - 10 g, kinh giới 8 - 10 g. Cho 750 ml nước, đun còn 300 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 6 ngày.

- Phòng hậu sản cho phụ nữ sau sinh: Quả khế 20 g, vỏ cây hồng bì 30 g, rễ cây quả giun 20 g, sắc uống thay nước giúp phòng hậu sản.

- Chữa sốt cao lên cơn giật ở trẻ em: Hoa khế, hoa kim ngân, lá dành dành, cỏ nhọ nồi mỗi thứ 8g, cam thảo 4 g, bạc hà 4 g, sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.

Ẩm thực Việt Nam ngày càng chiếm một vị trí ấn tượng trong lòng thực khách. Các món ăn Việt có sức hấp dẫn cả về hương vị lẫn hình thức cùng các giá trị truyền thống, nhân sinh quan và văn hóa Việt. Dưới đây là những đặc trưng văn hóa ẩm thực Việt Nam cơ bản.

Hòa đồng trong đa dạng

Ẩm thực Việt Nam chắp cánh từ sự tiếp biến với các nền văn hóa khác, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng phù hợp với khẩu vị người dân bản địa. Mỗi vùng miền thường có cách cải biến riêng để phản ánh vẻ đa dạng của nền ẩm thực Việt.

Sử dụng ít chất béo

Phổ biến ở ẩm thực Việt là việc sử dụng nguyên liệu từ rau củ, hạn chế chất béo, và tránh sử dụng quá nhiều chất đạm từ thịt hay dầu mỡ, tạo ra các món không chỉ dễ tiêu hóa mà còn tốt cho sức khỏe.

Hương vị đậm đà

Các món Việt thường kết hợp nhiều loại gia vị như nước mắm, tiêu, muối và ăn kèm với rau thơm như húng quế, tía tô, ngò, tạo ra hương vị đậm đà, phong phú.

Tổng hòa nhiều chất và vị

Ẩm thực Việt Nam được biết đến với sự tổng hòa hương vị. Món gỏi là ví dụ điển hình, kết hợp nhiều vị như chua, cay, mặn, ngọt, giòn, dai, tạo ra trải nghiệm ẩm thực đa dạng.

Ngon và lành

Món ăn Việt cũng chú trọng vào yếu tố âm – dương để cân bằng cơ thể và tăng thêm hương vị. Bữa ăn thường bao gồm đa dạng món để cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể.

Tính cộng đồng

Ẩm thực Việt là biểu hiện rõ ràng của tính cộng đồng. Mỗi bữa ăn thường đem lại cơ hội cùng chia sẻ, chẳng hạn như việc chấm chung 1 chén nước mắm.

Hiếu khách

Người Việt thường rất hiếu khách khi đón tiếp khách đến ăn cơm, thể hiện qua việc mời khách một cách chân thành trước khi bắt đầu bữa ăn.

Dọn thành mâm

Truyền thống của người Việt là dọn tất cả món ăn lên mâm, không quan trọng món nào phải lầu trước, món nào sau, khác biệt với cách phục vụ của phương Tây.

Bữa ăn gia đình

Bữa ăn của gia đình thường quan trọng trong văn hóa Việt, thường có mặt của nhiều thế hệ, là nơi thể hiện tình thân, văn hóa gia đình. Bữa ăn thường gồm 3 – 5 món và là dịp quan trọng để thể hiện sự đoàn kết.

Lương thực

Gạo là lương thực chính của người Việt, tuy nhiên cũng đa dạng với sự sử dụng các loại hoa màu chứa tinh bột khác như bắp, khoai mì, mè, đậu.

Dâu tây không chỉ hấp dẫn bởi vẻ tươi mọng mà còn có rất nhiều tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể. Lượng vitamin C dồi dào trong loại quả này kích thích cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn, giúp tăng sức đề kháng, chống rối loạn tiêu hoá, phòng vết ố trên răng.

Thế nhưng, nhắc đến dâu tây, người ta thường nghĩ ngay đến hiệu quả làm đẹp da. Vì vậy, chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn một vài công dụng của loại mỹ phẩm thiên nhiên này.

Cocktail chống mụn, sáng da

8 quả dâu tây, 1 quả kiwi, một bát nước ép dứa tươi.

Đánh nhuyễn hoặc xay dâu tây cùng kiwi, sau đó hoà nước dứa ép để uống. Tuy cocktail dâu tây không tác động trực tiếp lên da nhưng các nhà khoa học cho rằng, nó phát huy tác dụng trị mụn và làm đẹp da tốt hơn sau khi được cơ thể hấp thụ hoàn toàn.

Mặt nạ làm dịu da

Rửa mặt thật sạch, sau đó thoa lên mặt những lát dâu tây để làm trắng da và xoa dịu vùng da bị cháy nắng.

Mặt nạ làm sạch lỗ chân lông

Lấy 1/2 bát dâu tây nghiền nát, 1 thìa café sữa tươi, 1 thìa café bột gạo trộn đều và thoa hỗn hợp lên mặt, để khoảng 20 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm.

Hoặc, dùng 2 thìa café bột yến mạch, 1 thìa café sữa chua trộn với 2 quả dâu tây chín đã được nghiền nát, sau đó, thoa hỗn hợp lên mặt và massage trong 20 phút.

Mặt nạ dưỡng ẩm

5 quả dâu tây chín nghiền nát, 2 thìa café dầu ôliu, 1 thìa café muối.

Trộn hỗn hợp sao cho muối tan hết rồi bôi lên da và massage để có làn da mịn màng, chống khô hanh.

Mặt nạ tái tạo da và thư giãn

1/2 bát dâu tây nghiền, 1 thìa café sữa chua, 1 thìa café mật ong, 1/8 thìa café tinh dầu oải hương.

Trộn tất cả những nguyên liệu trên thật nhuyễn rồi đắp lên mặt và cổ, sau 10 phút rửa sạch.

Tắm trắng

1/2 bát dâu tây nghiền nát, 2 bát kem sữa, 1 thìa café dầu thầu dầu.

Hoà tất cả những thứ trên vào bồn tắm và ngâm mình trong đó, bạn sẽ thấy làn da không chỉ trở nên trắng trẻo hồng hào hơn sau một vài lần thực hiện mà còn phảng phất mùi hương tươi mát, gợi cảm của dâu tây khi tắm xong.

Giữa lo toan, bộn bề, chọn cho mình một góc bàn thưởng thức những món ăn yêu thích, người trẻ vẫn đang tận hưởng những âm hưởng đẹp của cuộc sống, trân trọng những đôi bàn tay đã làm nên bữa ăn ngon đằng sau ô cửa nhỏ. Tận hưởng cách sống thú vị cho riêng mình, sao lại không?

Tìm đến ẩm thực để trân trọng hơn cuộc sống

Ẩm thực Việt nam trời phú được ban tặng cho sự phong phú và đa dạng đặc sắc. Có lẽ hiếm có đất nước nào lại sở hữu nền ẩm thực vừa hài hòa về hương vị vừa mướt mắt nhờ sự kết hợp mượt mà giữa các loại gia vị, nguyên vật liệu tự nhiên tươi ngon đến như vậy. Thưởng thức ẩm thực cố hữu luôn được xem là hoạt động duy trì sự sống, nhưng ẩm thực ngày càng đã trở thành đạo sống, đạo cư xử, nói rõ hơn là đạo làm người của người Việt.

Người trẻ có nhiều hơn cơ hội để trải nghiệm, để “xách balo lên và đi” tới khắp các châu lục, mang theo sự ảnh hưởng không nhỏ của các nền ẩm thực mới mẻ trên thế giới như Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan, Singapore… Nhưng chẳng vì vậy mà họ đánh mất sự yêu thích và đam mê với món ăn thuần Việt.

Giữa lo toan, bộn bề, chọn cho mình một góc bàn thưởng thức những món ăn yêu thích, người trẻ vẫn đang tận hưởng và trân trọng những âm hưởng đẹp của cuộc sống. Họ xem thưởng thức ẩm thực cũng là một văn hóa đẹp, văn hóa sống văn minh. Và từ đây, những mối lo và chông chênh của tuổi trẻ cũng trở nên đáng yêu và thú vị hơn chứ chẳng “đáng sợ” như ta vẫn thường thấy.

Đâu phải cứ check-in là sống ảo? Chỉ là đang tận hưởng cuộc sống mà thôi

Thưởng thức ẩm thực không chỉ là ăn uống mà còn là sự thỏa mãn về phần nhìn. Check-in – Cụm từ chẳng hề xa lạ với cuộc sống hiện đại. Bạn dễ dàng gặp một nhóm bạn trẻ rủ nhau hội họp ngày cuối tuần, cùng nhau gọi những món ăn thật ngon, thật hấp dẫn và lại tìm tìm kiếm kiếm một góc nhỏ có chút ánh sáng “ảo diệu” cùng 1 vài phụ kiện xinh xắn. Một sản phẩm nghệ thuật ra đời và được sẻ chia tới rất nhiều bạn bè khác trên mạng xã hội. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật trang trí món ăn thì nhấp vào nhé.

Chắc hẳn chẳng thiếu những lời tiêu cực cho rằng “ôi dào, lại sống ảo đấy mà, lại check-in đấy mà”! Ấy thế mà, thay vì suy nghĩ như vậy, không ít người lại cảm thấy thú vị bởi hành động đấy chẳng phải đơn giản chỉ để khoe mà là để đánh dấu những nơi mà họ đã đặt chân đến hay bởi món ăn ngon và đẹp, thế thôi. Có gì là không đúng khi chúng ta đang thực sự tận hưởng những giây phút thảnh thơi để nạp đầy pin cho ngày mới.

Vì vậy, người trẻ ơi, đừng sợ cảm thấy mình khác biệt khi bạn thích ngắm nhìn món ăn vừa được bày ra trước mắt, chăm chú check-in và lạch cạch “type” một câu chú thích thật “so deep”. Chẳng phải sống ảo thì mới check-in và cũng chẳng phải cứ check-in là sống ảo. Hãy cứ tận hưởng, cứ trân trọng những gì mình đã trải nghiệm trong cuộc sống thực tế đầy thú vị này.

Trân trọng cả những người đầu bếp đằng sau ô cửa nhỏ

Đằng sau mỗi ô cửa nhỏ sau cùng, bạn sẽ thấy bóng dáng người Đầu bếp. Nếu bạn đang tận hưởng không khí mát mẻ bên ngoài bàn ăn thì đằng sau ô của nhỏ của quán thông thường là khu vực bếp mà không khí tại đây luôn hừng hực hơi nóng, khói. Muốn món ăn ra lò hấp dẫn nhất, họ phải làm việc liên tục hàng giờ đồng hồ, đặc biệt những khi đông khách.

Mỗi món ăn được làm nên là kết quả của một quá trình học hỏi, rèn luyện và làm việc không quên mệt mỏi của người Đầu bếp. Dù bên ngoài đó cuộc sống sôi động, ồn ào đến thế nào, nhưng mỗi lần nhận order từ phía nhân viên phục vụ người Đầu bếp lại nhanh nhẹn sắp xếp theo thứ tự, chế biến món ăn ngon nhất, đảm bảo ra món nhanh nhất có thể cho khách hàng. Mà nấu ăn cũng đâu chỉ là nấu ngon, nấu ăn còn phải đẹp, phải sang. Người Đầu bếp xứng đáng được gọi bằng cái tên “người nghệ sĩ” một cách đầy trân trọng và ưu ái. Nếu không có tâm huyết và tình yêu nghề, sẽ khó có thể trụ vững với nghề.

Tây Bắc không chỉ gây ấn tượng bởi cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ mà còn thu hút du khách bởi nét ẩm thực Tây Bắc đặc trưng đầy ấn tượng.

Văn hóa ẩm thực vùng Tây Bắc mang đặc trưng của các dân tộc thiểu số

Tây Bắc là nơi có rất nhiều dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống, mỗi dân tộc thiểu số đều có những món ăn truyền thống riêng, mang đậm sắc thái dân tộc mình. Người H’Mông có món mèn mèn, người Tày nổi tiếng với thắng cố, người Thái được biết đến nhiều qua các món nướng như: cá, gà, thịt lợn,… Tuy nhiên, một số món ăn được nhiều dân tộc ưa dùng nhất đó là thắng cố và các món làm từ thịt trâu, từ cá,… Và đặc điểm khác biệt nổi bật chính là không gian và thời gian thưởng thức những món ăn này của cá dân tộc.

Nguyên liệu chế biến vô cùng phong phú

Với đặc trưng địa hình rừng núi bao quanh, Tây bắc có rất nhiều nguyên liệu chế biến món ăn cực kỳ nổi tiếng. Có thể kể đến như: mắc khén, hạt dổi, măng rừng, mật ong rừng, gạo Điện Biên,…

Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng người dân nơi đây, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam thêm phần phong phú. Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được.

Hạt dổi cũng là gia vị không thể thiếu để tẩm ướp các món nướng như gà nướng, thịt ba chỉ nướng, sườn nướng,… Thông thường hạt dổi được giã nhỏ trộn với muối chanh, ớt thành một thứ nước chấm cay cay, chua chua, thơm ngậy, dùng để chấm thịt gà, thịt luộc thì không một thứ nước chấm nào có thể sánh được hay đơn giản nhất, chấm xôi trắng với muối rang hạt dổi thôi cũng đã đủ thơm ngon.

Món ngon không ít người lựa chọn là các món ăn khá ngon được chế biến từ măng vầu, măng nứa, măng mai, măng trúc, măng sặt tươi mọc trong rừng tự nhiên.

Mật ong rừng Mù Cang Chải được thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên giữ nguyên hương thơm, vị ngọt tự nhiên và hoàn toàn nguyên chất. Đây là đặc sản quý giá nhất của núi rừng Tây Bắc, được nhiều người tiêu dùng tin dùng và ưa thích.

Gạo đặc sản Tây Bắc có thể kể đến như: Gạo Bắc Hương Điện Biên, gạo Tám Điện Biên, gạo Séng Cù ( Bát Xát Lào Cai), gạo Tả Cù (gạo đặc sản Mường Tè Lai Châu), nếp Nương Điện biên , nếp Tú Lệ… Nổi tiếng nhất là Điện Biên, vùng đất không những nổi tiếng với chiến công lừng lẫy năm châu, chiến thắng Điện Biên Phủ, mà còn là vựa gạo đặc sản vùng Tây Bắc.

Những món ăn đặc sản của ẩm thực Tây Bắc

Tây Bắc nổi tiếng với những món ăn mang nét đặc trưng độc đáo đã tạo nên sức hút khó cưỡng đối với du khách phương xa. Dưới đây là một số đặc sản nổi tiếng nhất của Tây Bắc mà các bạn không nên bỏ qua khi đến đây.

“Pa pỉnh tộp” là tên gọi món cá suối nướng của đồng bào Thái vùng Tây Bắc, một món ăn không chỉ có giá trị ẩm thực mà còn là thước đo đánh giá bàn tay khéo léo của người chế biến.

Pa pính là món ăn mà người ta dùng các loại cá bản to như chép, mè, trôi, trắm,… con độ một cân, cân rưỡi mổ đằng lưng, rồi cho dùng mắc khén, ớt tươi nướng, nghiền nát, hành tỏi, rau thơm rau mùi thái nhỏ, tất cả trộn đều nhồi vào bụng cá, để cho ngấm gia vị sau đó cặp dọc cá, nướng trên than hồng. Cá chín dậy mùi thơm rất riêng, rất độc đáo.

Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người H’mông, về sau được du nhập sang các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Từ thắng cố là biến âm của tiếng “Thoảng cố” theo tiếng Mông có nghĩa là “nồi nước”. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa về sau có thêm thịt bò, thịt trâu và thịt lợn. Gia vị truyền thống gồm muối, thảo quả, địa điền,quế, lá chanh: nướng thơm, tán nhỏ, ướp vào thịt trước lúc đem xào.

Thịt gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái Đen dùng để thiết đãi khách quý được chế biến từ bắp của trâu, bò, lợn thả nhong trên các vùng núi Tây Bắc.

Nậm Pịa là món ăn đặc trưng của người Sơn La, có thể dùng để làm nước chấm và có thể dùng trực tiếp làm món ăn như một loại canh, có tác dụng giải rượu rất tốt. Nguyên liệu chính của món này là nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan, phèo phổi thập cẩm phế lù đem ninh nhừ.

Lá tía tô không chỉ là một loại rau gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn mà còn là dược liệu thân thiện với sức khỏe. Không ít bài thuốc dân gian từ lá tía tô đã trở thành cẩm nang bỏ túi của các gia đình Việt.

1. Lá tía tô có tác dụng gì với sức khỏe?

Lá tía tô màu xanh đậm, bên trong có nhiều gân màu đỏ tía. Từ xa xưa, người Việt đã lưu truyền nhiều bài thuốc từ dược liệu này và các món ăn dân giã không thể thiếu tía tô. Có không ít nghiên cứu chỉ ra rằng lá tía tô có thể hỗ trợ điều trị cúm, ngộ độc thực phẩm, hen suyễn, virus đường hô hấp, tiểu đường,...

Các công dụng tiêu biểu của dược liệu tía tô có thể kể đến là:

1.1. Chống lại tác nhân gây bệnh đường hô hấp

Đã có nghiên cứu chứng minh dịch chiết xuất từ lá tía tô có thể ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2 bằng nhiều cách. Chính điều này khiến cho lá tía tô trở thành dược liệu tự nhiên thân thiện có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa sự sinh trưởng của virus SARS-CoV-2 cũng như các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác

Ngoài ra, chiết xuất từ loại lá này còn điều trị bệnh hen suyễn rất tốt vì nó làm tăng khả năng lưu thông khí và cải thiện chức năng của phổi. Đây là thông tin được trích dẫn từ nghiên cứu đăng trên tạp chí Archives Of Allergy And Immunology.

1.2. Làm đẹp da

Hoạt chất Priseril ở lá tía tô có vai trò cải thiện sắc tố và loại bỏ tế bào chết trên da tương đối hiệu quả. Xét trên phương diện này thì lá tía tô giúp cho da trở nên đều màu và tươi sáng hơn. Mặt khác, thành phần vitamin E trong lá tía tô còn tăng cường độ ẩm và giúp da trở nên mịn màng.

1.3. Chống dị ứng, bảo vệ hệ tim mạch và thần kinh

Chiết xuất thu được từ lá tía tô có thể ngăn cản sự xuất hiện của phản ứng dị ứng bên trong cơ thể. Thành phần Omega-3 trong loại lá này tương đối cao nên chống viêm, chống oxy hóa tốt đồng thời cũng là nguồn năng lượng để tăng cường chức năng nhận thức của não bộ, nhờ đó mà chống lại nguy cơ mất trí nhớ ở người già. Đặc biệt, Omega-3 nếu được hấp thụ hàng ngày còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch.

1.4. Điều trị gout và tốt cho tiêu hóa

Có đến 4 hoạt chất trong lá tía tô có thể làm giảm enzym xanthin oxidase - tác nhân làm hình thành axit uric gây ra bệnh gout (có thể kết hợp với dưa chuột để điều trị bệnh Gout). Lý giải về lá tía tô có tác dụng gì qua các thử nghiệm đã được thực hiện cho thấy rằng, việc hàng ngày sử dụng chiết xuất từ lá tía tô sẽ cải thiện triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, bệnh trào ngược dạ dày và chứng táo bón nhẹ ở hội chứng ruột kích thích.

1.5. Phòng bệnh ung thư

Một lượng lớn luteolin, axit rosmarinic và triterpene trong lá tía tô đã được chứng minh có khả năng chống lại các tế bào ung thư đang tiềm ẩn bên trong cơ thể.

1.6. Chữa bệnh về da

Uống nước lá tía tô có thể cải thiện tình trạng mẩn ngứa, mề đay trên da. Việc dùng loại nước này hàng ngày đặc biệt hiệu quả với việc đẩy lùi các triệu chứng buồn bực, ngứa ngáy ở người bị nổi mề đay.

1.7. Hỗ trợ giảm cân

Nước từ lá tía tô có nhiều protein thực vật, khoáng chất, chất xơ và vitamin nên sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa của dạ dày từ đó giảm nguy cơ bị thừa cân và béo phì.

1.8. Ổn định các bệnh lý tự miễn dịch

So với nhiều loại dầu thực vật khác thì dầu hạt tía tô chứa nhiều axit omega-3 alpha-linolenic hơn cả. Vậy lá tía tô có tác dụng gì trên phương diện này? Axit omega- 3 rất tốt đối với kiểm soát tình trạng tự miễn dịch như hen suyễn, lupus và viêm khớp dạng thấp.

Bệnh nhân bị hen suyễn có thể đáp ứng điều trị bằng dầu hạt tía tô tương đối tốt vì đây là dược liệu có thể ức chế co thắt đường thở và phản ứng với chất kích thích bị hít phải. Không những thế, dầu hạt tía tô còn ức chế sự di chuyển của tế bào bạch cầu đến phổi, ngăn ngừa nguy cơ sốc phản vệ - đáp ứng miễn dịch bất thường với mức độ nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng khi không được cấp cứu ngay.

2. Cách nấu nước tía tô bồi bổ sức khỏe và bài thuốc từ lá tía tô

2.1. Nấu nước tía tô

Khi đã biết lá tía tô có tác dụng gì với sức khỏe chắc hẳn bạn sẽ quan tâm đến cách chế biến dược liệu thần kỳ này. Để nấu nước lá tía tô bạn chỉ cần lấy lượng lá vừa đủ, rửa sạch, ngâm nước muối rồi đun sôi 2.5 lít nước lọc và bỏ lá tía tô vào, đậy nắp kín.

Cho hỗn hợp trên sôi lại trong 2 phút rồi tắt bếp, để cho nguội, chắt vào bình sạch và thêm vào đó 3 lát chanh tươi, đậy nắp rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Hàng ngày lấy nước này ra uống trước ba bữa chính 10 - 30 phút để giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể và ngăn ngừa hấp thu chất béo.

Nước lá tía tô không nên dùng cho người ra nhiều mồ hôi, cảm nóng, phụ nữ mang thai và trẻ em. Hàng ngày chỉ nên uống tối đa 3 - 4 cốc nước lá tía tô nhưng cần chia nhỏ thành nhiều lần.

2.2. Bài thuốc sử dụng lá tía tô

- Giải cảm: dùng một nắm lá tía tô tươi cùng với 3 lát gừng và 2 củ hành đã được thái nhỏ đem cho vào bát sau đó đập vào thêm một quả trứng gà và múc cháo vào, trộn đều lên ăn nóng.

- Chữa đầy hơi, đau bụng: giã một nắm lá tía tô cùng chút muối rồi chắt lấy nước uống.

- Chữa tức thở, ho: dùng phẩn bỏ rễ cây dâu đã được bóc trắng cùng với lá tía tô cho vào nồi nấu cùng lượng nước xâm xấp cho đến khi còn một chén nước thì chắt lấy nước để uống.

Hy vọng những thông tin bài viết đã cung cấp thông tin giúp bạn biết được lá tía tô có tác dụng gì để không bỏ quên dược liệu tự nhiên sẵn có và rất rẻ tiền này.

Trong ăn uống hàng ngày, rau tươi có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy lượng protid và lipid trong rau tươi không đáng kể, nhưng chúng cung cấp cho cơ thể nhiều muối khoáng có tính kiềm, các vitamin, axit hữu cơ... Ngoài ra, rau tươi còn ảnh hưởng tốt đến quá trình tiêu hóa và kích thích sự thèm ăn.

Rau tươi ở nước ta rất phong phú, có thể chia thành nhiều nhóm: nhóm rau xanh như rau cải, rau muống, rau xà lách, rau cần...; nhóm rễ củ như cà rốt, củ cải, su hào, củ đậu...; nhóm cho quả như cà chua, cà bát, cà pháo, dưa chuột...; nhóm hành gồm các loại hành, tỏi...

Thành phần và giá trị dinh dưỡng của rau tươi khác nhau tùy theo từng loại rau. Lượng protid trong rau tươi nói chung thấp (dao động từ 0,5-1,5%). Tuy vậy có nhiều loại rau chứa hàm lượng protid đáng kể như nhóm đậu tươi, đậu đũa (4-6 %), rau muống (2,7%), rau ngót (4,1 %), cần tây (3,1%), su hào, rau dền, rau đay (1,8-2,2%).

Về glucid, trong rau tươi có các loại đường đơn dễ hấp thu, tinh bột, xenluloza và các chất pectin. Hàm lượng trung bình của glucid trong rau tươi khoảng 3-4 %, có những loại có tới 6-8%. Chất xenluloza của rau có vai trò sinh lý lớn vì cấu trúc của nó mịn màng hơn xenluloza của ngũ cốc. Trong rau, xenluloza ở dưới dạng liên kết với các chất pectin tạo thành phức hợp pectin-xenluloza có tác dụng kích thích mạnh chức năng nhu động ruột và tiết dịch của ruột giúp tiêu hóa dễ dàng.

Rau tươi kích thích sự thèm ăn và ảnh hưởng tới chức phận tiết của tuyến tiêu hóa, đặc biệt rõ rệt ở các loại rau có tính tinh dầu như rau mùi, rau thơm, hành, tỏi...

Ăn rau tươi phối hợp với những thức ăn nhiều protid, lipid, glucid làm tăng rõ rệt sự tiết dịch của dạ dày. Thí dụ: trong chế độ ăn có cả rau và protid thì lượng dịch vị tiết ra tăng gấp hai lần so với chế độ ăn chỉ có protid. Cũng vì vậy, bữa ăn có rau tươi tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiêu hóa và hấp thu các thành phần dinh dưỡng khác.

Rau tươi còn là nguồn vitamin và muối khoáng quan trọng, nhất là các chất khoáng có tính kiềm như kali, canxi, magiê. Trong cơ thể những chất này cho những gốc tự do cần thiết để trung hòa các sản phẩm axít do thức ăn hoặc do quá trình chuyển hóa tạo thành.

Đặc biệt rau có nhiều kali ở dưới dạng kali cacbonat, muối kali của các axít hữu cơ và nhiều chất khác dễ tan trong nước và dịch tiêu hoá. Các muối kali làm giảm khả năng tích chứa nước của protid ở tổ chức, do đó có tác dụng lợi tiểu. Lượng magiê trong rau tươi cũng rất đáng chú ý, dao động từ 5-75mg%. Đặc biệt là các loại rau thơm, rau dền, rau đậu có nhiều magiê.

Chất sắt trong rau tươi cũng được cơ thể hấp thu tốt hơn sắt ở các hợp chất vô cơ. Các loại rau đậu, xà lách là nguồn mangan rất tốt.

Nói tóm lại, bữa ăn hàng ngày của chúng ta không thể thiếu rau. Điều quan trọng là phải đảm bảo rau sạch, không có vi khuẩn gây bệnh và các hóa chất độc nguy hiểm.

Cà phê ở Việt Nam, được giới thiệu vào giữa thế kỷ 19 bởi người Pháp, đã trở thành một biểu tượng ẩm thực quốc gia. Ngày nay, việc “đi cà phê” không chỉ đơn giản là thưởng thức cà phê mà còn là cách kết nối và tạo ra các mối quan hệ ngày càng nổi bật những đặc trưng của văn hóa cà phê Việt.

Cà phê sữa đá

Được xem là biểu tượng của cà phê Việt Nam, thức uống này kết hợp hài hòa giữa cà phê đắng và sữa ngọt, tạo nên hương vị đặc trưng.

Bạc xỉu

Sáng tạo bởi cư dân Hoa tại Sài Gòn, bạc xỉu là sự kết hợp độc đáo của ba nền văn hóa, kết hợp giữa cà phê đen và sữa để tạo ra hương vị mới lạ.

Cà phê trứng

Loại cà phê này mang vị ngọt đặc biệt từ lòng đỏ trứng, kết hợp với cà phê đen thơm nồng.

Cà phê muối

Một sáng tạo mới, cà phê muối kết hợp giữa vị đắng của cà phê với vị mặn của muối, tạo ra trải nghiệm độc đáo cho người uống.

Cà phê cốt dừa

Với vị ngọt béo của nước cốt dừa hòa quyện với vị đắng của cà phê nguyên chất cùng với sữa đặc qua bàn tay pha chế khéo léo tạo nên sự giao hòa làm say đắm lòng thực khách.

Cà phê cold brew trái cây

Đã thổi vào một luồng gió mới trong văn hóa thưởng thức cà phê Việt, mới xuất hiện trong khoảng một thập niên gần đây. Cà phê cold brew trái cây đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của người sành cà phê.

Cà phê bạc hà

Hương vị mát lạnh từ bạc hà phối hợp với cà phê đen, là sự kết hợp hoàn hảo cho ngày hè nóng bức.

Cà phê trân châu

Thêm viên trân châu mềm dai vào cốc cà phê sữa đem lại trải nghiệm mới lạ và thú vị cho người uống.

Những loại cà phê truyền thống và sáng tạo này chắc chắn sẽ làm hài lòng những người yêu thích cà phê và muốn khám phá văn hóa uống cà phê độc đáo của Việt Nam.

Hà Nội là một đô thị có lịch sử lâu đời, giàu có về truyền thống, giàu có về sản vật, và đặc biệt là giàu có về bản sắc văn hóa. Và văn hóa ẩm thực Thăng Long – Hà Nội thực sự là một nét son của nơi đã và đang “lắng hồn núi sông ngàn năm”.

Gần nghìn năm tuổi, từng là Kinh đô của nhiều triều đại, nếp sống của người Thăng Long – Hà Nội do đó có cốt cách riêng, tầm văn hóa cao hơn, trong đó tập quán, lề thói ăn uống… cũng được nhiều vùng trong cả nước công nhận là đáng làm theo, nếu có thêm điều kiện. Bên cạnh lối ẩm thực cầu kỳ mang tính cung đình, nặng về lễ nghi lại có lối ẩm thực rất bình dân, dung dị, đơn giản. Có “ẩm thực sang trọng” lại có “ẩm thực vỉa hè”; ngoài mấy bữa chính thì Hà Nội là nơi có nhiều món quà ngon ít nơi sánh được.

Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội trước hết ở chỗ tinh sành, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thanh cảnh, ngon và lành, sạch sẽ, chế biến tinh vi với nghệ thuật cao, món nào ra món ấy, đầy đủ gia vị để mỗi món mang một đặc trưng riêng biệt. Không thể kể hết những cách ăn của người Hà Nội đã quen với cách ăn thanh lịch. Mùa nào thức ấy, giờ nào món ấy. Tháng ba ăn bánh trôi bánh chay, tháng tám ăn bánh trung thu, tháng năm làm rượu nếp, mùa thu ăn cốm với hồng hoặc chuối trứng cuốc…

Buổi sáng là bánh cuốn Thanh Trì, xôi lúa Hoàng Mai, tối mới ăn lục tào xá, đêm ăn lạp xưởng, trưa ăn bún chả… Những món ăn Hà Nội chẳng phải là cao lương mỹ vị gì, chỉ là những món dân dã gợi nhớ hương vị Hà Nội mà những người xa Hà Nội chẳng thể nào quên.

Ẩm thực Hà Nội được nhắc đến nhiều trong thơ ca, các nhà văn, nhà báo như Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn, Mai Khôi… Có thể kể ra đây một loạt các đặc sản ẩm thực Hà Nội qua những câu ca dao, tục ngữ truyền khẩu: bánh trôi làng Gạ, bún làng Sùi và làng Tứ Kỳ, cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây, cam Canh, bưởi Diễn, chuối Sù, cà Láng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày làng Kẻ, bánh tẻ làng So, bánh đúc Đơ Bùi, tương làng Sủi, giò Chèm, nem Vẽ…

Riêng các món quà thì Hà Nội đã nâng nghệ thuật ăn uống lên cao nhiều bậc. Nói đến phở, người ta nghĩ ngay đến phở Bắc, mà phở Bắc thì không đâu bằng phở Hà Nội.. Hễ cứ trông thấy người Hà Nội ăn phở thì đố ai mà ngưng lại được cái sự phải… ăn theo.

Bánh cuốn Thanh Trì làm Thạch Lam phải ví nó như mảng lụa, mát rượi đầu lưỡi. Bún ốc là món kỳ lạ của Hà Nội, có món nóng, món nguội, có món chua hương dấm bỗng, có món mà Thạch Lam thấy mấy cô gái ăn nó, nước mắt ròng ròng vì cay vì chua, ông nhận xét những giọt nước mắt này còn chân thật hơn cả những giọt lệ tình. Ngoài chuyện ăn thì người Hà Nội uống cũng rất cẩn thận, chu đáo.

Nhiều gia đình Hà Nội ngày Tết không thể thiếu cái vị thơm dịu, ngọt mát của chén trà sen, đó là thứ trà được ướp hương của hoa sen Hồ Tây rất cầu kỳ. Nhà hàng chả cá Lã Vọng đã như một thương hiệu được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Cái món ăn độc đáo này có từ cuối thế kỷ 19, theo truyền lại thì món nổi tiếng này thuộc chi họ Đoàn ở phố Hàng Sơn, Hà Nội, đến khi tiếng tăm vang dội của chả cá Lã Vọng mà đã đổi tên phố Hàng Sơn thành phố Chả Cá. Mâm cỗ ở Hà Nội các món ăn đều được chế biến một cách rất cầu kỳ, tinh vi mang tính nghệ thuật, có khi phải là các đầu bếp trở thành nghệ nhân ẩm thực như nghệ nhân Đinh Bá Châu, Ánh Tuyết… thực hiện.

Cách ăn của người Hà Nội xưa rất tinh tế, cầu kỳ, một bữa cỗ thường có nhiều món nhưng mỗi món không nhiều. Các cụ quan niệm thưởng thức món ăn chứ không phải ăn để lấy no. Mỗi món ăn được làm tỉ mỉ, cẩn thận vì thế khi thưởng thức cũng là lối nhâm nhi, từ tốn từng miếng nhỏ, cảm nhận từ đầu lưỡi để tận hưởng đến tận cùng những hương vị chứa đựng trong mỗi món ăn. Như vậy, chúng ta đã có một Việt Nam “nghìn năm văn hiến”, có một Hà Nội “nghìn năm văn vật” thì tại sao lại không có – và thật ra là bao hàm trong đó – một Di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam – ẩm thực Hà Nội.

Ai cũng biết rằng: Văn hóa ẩm thực là một biểu hiện quan trọng trong đời sống con người, nó cũng hàm chứa những ý nghĩa triết lý.
Từ xa xưa trong dân gian nước ta đã tổng kết thành câu tục ngữ: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” chủ yếu để nhắc nhở những người mới bước vào đời thì khâu đầu tiên là “học ăn”. Ở các nước khác trên thế giới, ngoài quan niệm dân gian thì các nhà chuyên môn, những người yêu thích, hiểu ẩm thực… đều bàn luận, viết những tài liệu, những cuốn sách hay về nghệ thuật ăn uống. Một trong những cuốn sách hay là cuốn “Phân tích khẩu vị” của luật sư người Pháp Jean Anthelme Brillat Savarin, được xuất bản lần đầu ở Paris vào năm 1825 có tiếng vang rất lớn. Ông cho rằng: “Chính tạo hóa giúp con người kiếm thức ăn, nuôi sống họ lại còn cho họ nếm mùi khoái lạc với các món ăn ngon.” Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao của con người, là phần thưởng của tạo hóa dành cho con người. Mỗi dân tộc trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của mình đều có phong cách ẩm thực với những đặc thù nhất định, nên vị luật sư đã nhận xét: Có thể đoán biết được phần chính yếu của số phận một dân tộc thông qua việc quan sát họ ăn như thế nào?

Đối với cá nhân riêng lẻ cũng vậy, “Hãy cho tôi biết anh thường xuyên thích ăn món gì, tôi sẽ có thêm cứ luận để nói rõ cho anh biết anh là người thế nào.” J.A.B Savarin đã phân tích quan sát và đưa ra những kết luận thú vị:- Ăn chính là nghệ thuật: “Chúng ta dựa vào trí tuệ mẫn tiệp, tình cảm đẹp đẽ để xây dựng cuộc sống có chất lượng cao, ngày một hoàn thiện vì vậy cần phải biết chọn thức ăn ngon - một biểu hiện của chất lượng cuộc sống”. Rõ ràng là biết chọn thức ăn ngon, phù hợp với mình là cả một nghệ thuật.
- Ăn là biểu hiện văn hóa ứng xử: “Ăn uống thô tục là không biết ăn.”
Ăn soàm soạp như lợn, gắp liên tục, ăn ngấu nghiến, gây tiếng động mạnh khi va chạm các dụng cụ đựng thức ăn với thìa, nĩa, đũa, dao, tư thế ngồi xấu... đều là những điều cấm. Cha ông ta dạy: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là rất ý nhị. Có người còn cho rằng khi ăn cũng phải giữ phong độ uy vũ, mạnh mẽ, chân tình nhưng tránh thô lậu. “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu” là muốn nhấn mạnh ý người nam ăn phải khỏe, tư thế vẫn tỏ rõ nam tính, còn nữ nhi trái lại phải ăn uống dịu dàng, làm dáng, thể hiện cả nữ tính yểu điệu như mèo cả trong khi ăn.
- Ăn phải đúng kỷ luật, nguyên tắc: Kỷ luật ở đây là “Khách ăn và đầu bếp phải có một phẩm chất không thể thiếu: đó là đúng giờ”. Còn nguyên tắc ăn là: Một bữa tiệc được sắp xếp theo bậc thang ăn nhẹ dần”. Thông thường qua vài món khai vị, người đãi tiệc nên thết đãi các món chính mà khách ưa thích và cuối cùng là tráng miệng bằng hoa quả, kem, nước chè, chanh …

- Ăn chính là thực hiện niềm vui sáng tạo: “Phát hiện một món ăn mới phải thấy là vui sướng như phát hiện ra một ngôi sao mới”. Tạo ra món ăn mới là một phát minh - nếu suy nghĩ được như vậy thì ẩm thực mới phát triển và thực ra nó cũng là một trong những nguồn cảm hứng vô tận cho những ai yêu nó, để tâm sức vào nghiên cứu nó.
Cuối cùng, thiết nghĩ khi chuẩn bị món ăn, người đầu bếp phải sắp xếp sao cho nguyên liệu vừa đủ với số lượng khách; nồi, niêu, xoong, chảo, bát, đĩa, thìa, dao, thớt sạch sẽ. Nấu món ăn nào trước, món ăn nào sau phải hợp lý, thứ tự, thái độ nấu nướng vui vẻ, hứng khởi. Khi dọn ăn, nên chú ý lời mời chào tiếp món ăn chu đáo, ý vị thì càng làm cho các món ăn ngon thêm bội phần. Văn hóa ẩm thực ngày được đông đảo công chúng và các chuyên gia văn hóa chú ý không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước. Và khi đời sống mọi người được nâng lên thì ẩm thực cũng là một tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống.

Ăn cay là sở thích của rất nhiều người. Hơn nữa, ăn cay còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe mà bạn có thể chưa biết hết.

Vào thời tiết se lạnh, nhất là vào mùa đông thì những món cay cay dường như hấp dẫn hơn đối với bạn. Ăn cay không chỉ giúp bạn cảm thấy ấm hơn mà còn có rất nhiều lợi ích tuyệt vời khác nữa.

1. Hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn cay có tác dụng hỗ trợ hiệu quả giảm cân nặng cơ thể. Lý do bởi trong ớt và hạt tiêu cũng như các gia vị cay khác có hoạt chất capsaicin có khả năng đốt cháy nhiều calo sau bữa ăn và hạ lipid trong thực phẩm ăn uống.

Ăn cay có giúp bạn giảm cân hiệu quả một cách tự nhiên.

2. Kích thích hệ tiêu hóa

Các gia vị như ớt, hạt tiêu... có tác dụng tăng cường tiết dịch tiêu hóa và thúc đẩy sự thèm ăn trong cơ thể. Nếu bạn ăn ớt với một lượng vừa phải sẽ giúp cơ thể bạn tiêu hóa dễ dàng hơn, cảm giác ngon miệng hơn, đồng thời ngăn ngừa rất hiệu quả bệnh đầy hơi.

3. Ngăn ngừa các bệnh tai biến tim mạch

Các nghiên cứu cho thấy, việc ăn cay kích thích quá trình lưu thông máu trong cơ thể diễn ra nhịp nhàng và thuận lợi hơn, đồng thời các gia vị cay còn có khả năng làm giảm cholesterol trong máu, hạ huyết áp, nhờ đó giúp bạn phòng tránh và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.

4. Chống ung thư

Hoạt chất capsaicin trong ớt - hợp chất gay đỏ và cay của ớt có thể tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Nhờ vậy, ăn ớt với liều lượng vừa phải và thường xuyên có thể giúp bạn ngăn ngừa các bệnh ung thư, nhất là ung thư dạ dày và ung thư tiền liệt tuyến.

5. Kháng viêm, giảm đau

Gia vị cay cũng có tác dụng kháng viêm và giảm đau rất tốt. Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ), capsaicin trong ớt có thể được sử dụng như thuốc giảm đau mà không tác động đến dây thần kinh. Đó là lý do tại sao nhiều hãng dược phẩm ngày nay dùng ớt để chiết xuất lấy thành phần giảm đau làm thuốc gây mê cho bệnh nhân phẫu thuật, mổ đẻ...

1 2 3
Vận hành và phát triển bởi Techreal.vn